Quỹ hoàn lương - một mô hình giàu lòng nhân ái - Phật Giáo Việt Nam
16:41 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

Quỹ hoàn lương - một mô hình giàu lòng nhân ái

Thứ năm - 22/03/2012 14:39
Quỹ hoàn lương - một mô hình giàu lòng nhân ái

Quỹ hoàn lương - một mô hình giàu lòng nhân ái

(HDPT) - "Hằng năm, nhờ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đã có hàng vạn phạm nhân cải tạo tốt được hưởng đặc xá của Chủ tịch nước hoặc mãn hạn tù trở về với cuộc sống cộng đồng. Do vậy, nếu chúng ta có biện pháp quản lý tốt, định hướng cho họ, xóa sự mặc cảm, cùng chung tay giúp đỡ họ thì tôi chắc chắn rằng sẽ là một nguồn lực quan trọng để chúng ta phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xóa đói giảm nghèo", ông Phạm Quốc Anh, chia sẻ.
 

 

 

 

Ông Phạm Quốc Anh, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên trợ lý Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XII. Vừa qua, sau khi nhận được văn bản của luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP HCM về việc tư vấn thành lập "Quỹ hoàn lương" dành cho những phạm nhân được đặc xá và mãn hạn tù. Từ sự hiểu biết và kinh nhiệm của mình, ông đã có nhiều đóng góp để thúc đẩy việc ra đời "Quỹ hoàn lương" ở địa bàn TP HCM. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Anh.

- PV: Được biết, ngày 8/7/2010, qua sự giúp đỡ và tư vấn của Hội Luật gia Việt Nam và cá nhân ông, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3019/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ hoàn lương. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Phạm Quốc Anh: Trước hết, tôi đánh giá cao việc chính quyền TP HCM đã ban hành quyết định cho phép Quỹ hoàn lương được thành lập. Tôi cho rằng, đây là một việc làm có ý nghĩa xã hội và giàu lòng nhân ái. Tôi cũng đánh giá cao tấm lòng tâm huyết của luật sư Trần Văn Tạo và một số thành viên của quỹ, nguyên là những phạm nhân được Nhà nước đặc xá, như 2 anh: Liên Khui Thìn và Lê Minh Hải đã có nhiều việc làm tích cực nhằm hoàn tất các thủ tục để cho ra đời Quỹ hoàn lương, hoạt động trên địa bàn TP HCM.

- PV: Ông vừa nói: Việc cho ra đời Quỹ hoàn lương có ý nghĩa xã hội và giàu lòng nhân ái, vậy chắc chắn nó đáp ứng được tính thời sự trong giai đoạn hiện nay?

- Ông Phạm Quốc Anh: Vâng! Đúng vậy, bởi như các nhà báo đã biết: Tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn cả nước nói chung và TP HCM nói riêng, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để kiềm chế sự gia tăng tội phạm, tuy nhiên như các anh đã biết; trên thực tế vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm hoạt động trong lứa tuổi thanh, thiếu niên; nghiện hút và buôn bán các chất ma túy… Thực trạng trên đã khiến dư luận không khỏi lo lắng, đặc biệt là các bậc cha mẹ trong gia đình ở các địa phương, nhất là các thành phố lớn.

Hằng năm, nhờ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đã có hàng vạn phạm nhân cải tạo tốt được hưởng đặc xá của Chủ tịch nước hoặc mãn hạn tù trở về với cuộc sống cộng đồng. Việc làm này của Đảng và Nhà nước ta có ý nghĩa rất lớn; bạn bè ta ở các quốc gia cũng đánh giá rất cao về các đợt đặc xá mà chúng ta đã làm hàng năm; đặc biệt trong năm 2010 này, theo tôi được biết sẽ có khoảng 3 vạn phạm nhân được đặc xá. Số người này khi trở về với cộng đồng sẽ trở thành một lực lượng lao động lớn. Nhiều người còn là chỗ dựa cho các gia đình.

Do vậy, nếu chúng ta có biện pháp quản lý tốt, định hướng cho họ, xóa sự mặc cảm, cùng chung tay giúp đỡ họ thì tôi chắc chắn rằng sẽ là một nguồn lực quan trọng để chúng ta phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.

 

Ông Phạm Quốc Anh và các bạn Thụy Điển.

 

- PV: Được biết, cách đây ít lâu với cương vị là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông đã có buổi tiếp xúc với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trao đổi việc hợp tác về chuyên đề này?

- Ông Phạm Quốc Anh: Đầu năm 2009, bà Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã đến Hội Luật gia Việt Nam. Tại buổi làm việc đó, bà Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Thụy Điển đã chủ động giới thiệu mô hình hoạt động của những người tù trở về. Qua cuộc trao đổi ấy, chúng tôi được biết: Ở Thụy Điển từ nhiều năm nay, họ đã thành lập một tổ chức dành cho những người mãn hạn tù trở về tái hoà nhập cộng đồng. Các thành viên của tổ chức này bao gồm những người tù trở về. Trên thực tế họ coi đây là ngôi nhà chung của mình và có sự bảo trợ của Nhà nước Thụy Điển. Họ gặp nhau để chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp đỡ nhau giải quyết những khó khăn trong cuộc sống; tự tạo các cơ sở sản xuất đồ gỗ, may mặc… để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Lợi nhuận thu được, họ dành một phần để giúp đỡ những người cùng cảnh đang gặp khó khăn. Ở Thụy Điển, người ta đánh giá rất cao mô hình này.

- PV: Sau chuyến đi ấy trở về nước trên cương vị là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông đã triển khai những việc gì để áp dụng mô hình ấy vào Việt Nam?

- Ông Phạm Quốc Anh: Tôi đã báo cáo trực tiếp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đồng chí Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Cả 3 đồng chí trên sau khi nghe tôi báo cáo đều đánh giá rất cao những nỗ lực của Hội Luật gia Việt Nam và khuyến khích, cổ vũ chúng tôi tiếp tục có nhiều hoạt động để làm sao góp phần vào việc giúp đỡ các phạm nhân mãn hạn tù trở về cộng đồng, để làm sao họ sớm hoà nhập, góp phần vào việc đảm bảo an ninh - trật tự của đất nước. Tiếp đó, chúng tôi tiếp tục làm việc và duy trì mối quan hệ tốt với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nhằm triển khai sự hợp tác giữa 2 bên. Sau đó, phía Thụy Điển đã cử một đoàn gồm những thành viên của tổ chức những người mãn hạn tù trở về sang thăm Việt Nam. Ngoài thời gian làm việc với Hội Luật gia Việt Nam, đoàn còn đến thăm một số trại giam. Sau các chuyến đi ấy, các thành viên trong đoàn đã đánh giá cao tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Đại sứ quán Thụy Điển còn hứa sẽ sớm gửi đề án cụ thể để hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam về vấn đề này.

PV: Theo ông, Quỹ hoàn lương đã được thành lập và hoạt động ở TP HCM, vậy Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục có đóng góp như thế nào để thúc đẩy các hoạt động của Quỹ ngày một phát triển?

Ông Phạm Quốc Anh: Theo tôi quỹ ra đời là một thuận lợi. Để quỹ phát triển và hoạt động theo pháp luật thì rất cần những tấm lòng nhân ái, sự chung sức, chung lòng của cộng đồng xã hội. Về phía Hội Luật gia Việt Nam, chúng tôi tiếp tục hợp tác với ban lãnh đạo quỹ. Tiếp đó là củng cố mối quan hệ với các bạn Thụy Điển và một số đối tác khác nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ sự hợp tác và những hỗ trợ khác. Về phần tôi, trên cương vị là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và là người đã có nhiều năm làm công tác nội chính, tôi sẽ cử cán bộ hợp tác với quỹ, cung cấp các văn bản pháp luật liên quan đến các hoạt động của quỹ. Ngoài việc trên, tôi cho rằng để quỹ hoạt động theo đúng các quy định của Điều lệ, cần phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát để quỹ hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của một Quỹ hoàn lương.


PV: Xin cảm ơn ông!

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này