Bạn trẻ với đời sống tâm linh - Phật Giáo Việt Nam
19:11 +07 Thứ sáu, 17/05/2024

Bạn trẻ với đời sống tâm linh

Thứ bảy - 22/12/2012 20:18
(HDPT) - Ngày 10 tháng 12 vừa qua, tại tòa soạn Văn Hóa Phật Giáo đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Bạn trẻ và đời sống tâm linh”.
 

 “Bên tách trà” là chuyên mục mới của VHPG. “Bên tách trà” ghi lại câu chuyện giữa VHPG và nhiều người, hoặc với một người, là bạn. Lời ở đây, vì vậy, là lời chia sẽ. Chia sẻ nhận thức, cái nhìn, kinh nghiệm sống theo một chủ đề được đặt ra và câu chuyện có thể không có kết luận, không đóng lại. VHPG mong ước những câu chuyện này không phải là chuyện được kể lại, mà mời mỗi bạn đọc hày là người tham dự, cùng chuyện trò, tâm tình…

Ngày 10 tháng 12 vừa qua, tại tòa soạn Văn Hóa Phật Giáo đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Bạn trẻ và đời sống tâm linh”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của: Linh Thoại (1979)-phóng viên báo Tuổi Trẻ; Nguyễn Thị Việt Nga (1984)-cựu sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM; Cao Văn (1984)-cựu sinh viên Đại học KHTN TP. HCM; thầy Thích Giác Đạo (1979)-chùa Giác Tâm, quận 5;  đặc biệt có sự tham gia của Tiến sĩ Thái Kim Lan-Giáo sư triết học Đại học Munich (Đức) và Tiến sĩ Đặng Đức Trọng, Phó giáo sư Toán, Đại học KHTN TP. HCM.

Vấn đề đời sống tâm linh tưởng chừng là một vấn đề xa lạ và cách biệt với bạn trẻ nhưng lại được các khách mời trong buổi tọa đàm bàn luận rất sôi nổi và cảm động. Có một thế giới trẻ với Internet, với nhịp sống số và những khát vọng vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp, và cũng có một thế giới trẻ trầm lắng, suy tư với những giá trị sống mà mình đang trải qua. Tất cả chỉ là hai mặt của đời sống, của mọi bạn trẻ hôm nay. Khi nhịp độ sống càng nhanh, công việc cuốn bạn đi tưởng chừng khó ngơi nghỉ, thì xin bạn hãy dành những phút lắng lòng, chỉ một vài tiếng đồng hồ trong một tuần thôi, nhìn lại cái mà mình đang trải qua, cái mình đang hướng tới. Sẽ không còn lạc đường, sẽ không còn chơi vơi không định hướng, bạn sẽ không còn hỏi “Mình đang cố gắng vì cái gì đây? Và ý nghĩa cuộc sống đối với mình là gì?”. Cuộc sống có những giá trị và hơn ai hết, chúng ta phải là người cảm nghiệm nó.

Các khách mời đã mang đến cho buổi tọa đàm không khí của tình thân, sự sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu. Buổi tọa đàm vì thế không rơi vào siêu hình, trừu tượng với khái niệm “tâm linh” mà đưa ra những liệu pháp cụ thể trên con đường vượt thoát bản thân, chuyển hóa phiền muộn để tìm hạnh phúc ngay trên chính đường đi của mình.

BẠN LÀM GÌ KHI GẶP ĐIỀU KHỔ ĐAU,PHIỀN NÃO?

Cao Văn: Khi gặp Stress, đầu tiên, mình thường tìm cách làm cho thân thể thoải mái như tập thể dục, tắm rửa…sau đó mới bình tâm ngồi suy nghĩ, phân tích lại nguyên nhân gây stress, tìm ra cái được, cái mất, những điểm mà mình có thể lạc quan để vượt qua khó khăn, làm tiếp công việc của mình. Khi quá thất vọng và chán nản, một mình không thể vượt qua được, mình thường chia sẻ với bạn thân và ba mình. Nói ra như vậy không có nghĩa là mọi khó khăn đều được giải quyết nhưng mình cảm thấy bớt cô độc, có niềm tin vào cuộc sống hơn vì bên mình luôn có những người sẳn sàng lắng nghe và thông cảm. Nỗi buồn lúc đó như được chia đôi, và mình nhẹ nhàng vượt qua nó

Linh Thoại: Mình may mắn sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, lớn lên được làm việc trong một môi trường tốt, các bạn bè của mình ai cũng dễ thương nên hầu như cuộc đời mình cho đến bây giờ ít gặp phiền não. Vướng mắc của mình chủ yếu là do “tham ái”, mình nghĩ như vậy (cười), vì mình đòi hõi tình cảm nhiều nên thường hay buồn vì nó. Chẳng hạn như giữa bạn bè với nhau đôi lúc cũng có sự hiểu lầm. Nhưng mình luôn cố gắng cùng bạn vượt qua, sẽ không có chuyện “nghỉ chơi” vì mình không bao giờ có ý nghỉ sẽ đoạn tuyệt với bất kỳ ai . Bao giờ, mình cũng muốn mọi người gần nhau, gần nhau hơn nữa.

Việt Nga: Những đau khổ trong nội tâm của Nga từ nhỏ đến giờ hầu như không ai giúp được. Nếu hỏi rằng Nga đau khổ vì điều gì, thật khó mà diễn đạt cho mọi người hiểu. Nỗi buồn đến với Nga thường vì sự hẫng hụt, không thể liên đới được với người thân, thiếu sẻ chia trong các mối quan hệ…Nếu quá mỏi mệt và cần phải chia sẻ, Nga đành thổ lộ với bạn bè hay chị em, nhưng cũng chỉ nói được ở tầng thô sơ nhất. Với nỗi đau, Nga chỉ biết để cho thời gian đi qua. Quá khứ và tương lai sẽ cứu giúp chứ hiện tại thì không có bàn tay nào cứu giúp được.

TÔN GIÁO CÓ PHẢI LÀ LIỆU PHÁP CHO NỖI BUỒN VÀ STRESS?

VHPG: Khi bất lực với thực tại, người ta thường cầu nguyện. Còn Nga, bạn có hay cầu nguyện không?

Việt Nga: Có, nhưng điều xuất phát từ vô thức, không hề có một chủ định trước. Với Nga, cầu nguyện chỉ là một nhu cầu giải tỏa, nhu cầu được nói ra, và ít nhất cũng có một điều gì đó dẫn dắt mình đi.

Linh Thoại: Với mình thì có hơi khác bạn Nga tí xíu, khi gặp phiền não hay bất trắc trong đời, nếu không chia sẻ được với người thân, mình thường tìm chỗ dựa ở niêm tin tôn giáo. Khi hướng về chân dung Đức Phật nguyện cầu, mình cảm thấy được sẻ chia, an ủi rất nhiều. Chính những lúc đó, mình lại suy nghĩ thật sâu về nỗi buồn mà mình đang cưu mang, và “ngộ” ra rằng mình không thể nhân danh cái gì để mà khổ đau được. Tinh thần của mình thường được vực dậy bằng cách như thế.

VHPG: Linh Thoại có bao giờ ngồi thiền không?

Linh Thoại: (Cười). Ngồi yên chớ không dám gọi ngồi thiền. Khi ngồi yên, mình thường đếm hơi thở hay niệm Phật. “Yên” ở đây chỉ là trạng thái thôi chứ bên trong vẫn “tâm viên ý mã” lắm. Nhưng chỉ cần định tâm được một phút thôi là mình cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên khó có niềm hạnh phúc nào trên thế gian sánh nổi, niềm hạnh phúc của sự an lạc. Khi làm việc căng thẳng, mệt mỏi, mình cũng thường áp dụng phương pháp “ngồi yên” này hay đi dạo ở ban công cơ quan như là một hình thức thiền hành. Khi đó, mình cảm thấy thư thái hơn và sẳn sàng đối diện với những thách thức mới của công việc.

VHPG: Còn Văn, bạn có cầu nguyện không?

Cao Văn: Văn chưa bao giờ cầu nguyện. Trước khi gặp tư tưởng Phật giáo. Văn thường chia sẻ với mọi người hoặc dùng liệu pháp thời gian để xoa dịu nỗi buồn. Còn từ khi biết đến đạo Phật, mỗi lúc buồn khổ, mình thường nhìn nhận lại mọi sự trong đời sống của mình dưới nhãn quan Phật giáo. Lý giải được vấn đề như thế, bao giờ mình cũng đỡ buồn và tự tin hơn trong cuộc sống.

NỖI BUỒN KHÔNG CÓ TUỔI

GS. Thái Kim Lan: Nghe Nga nói, cô nhớ lại thời trẻ của mình. Không phải thời trẻ cô khổ hơn bây giở đâu. Thật ra , nỗi khổ không có tuổi. Nhưng mỗi giai đoạn có mỗi kinh nghiệm khác nhau. Lúc nhỏ, cô cũng có cảm giác như Nga, không ai hiểu mình được cả, mẹ không hiểu, anh chị không hiểu, bà con họ hàng cũng không ai hiểu mình. Ba cô mất sớm. Những lúc cảm thấy cô đơn như vậy cô lại đạp xe lên chùa Linh Mụ ngồi bên mộ ba nói chuyện: “Không ai hiểu con hết ba à…”. Khi đạp xe về lại, cô lại thấy lòng mình nhẹ nhàng, lúc đó cô tin luôn có hình ảnh của ba trong mình. Đó cũng là một cách giải bày. Cô nghĩ, con người cần thiết có đời sống tâm linh, không có cách này thì cũng có cách khác, nghĩa là phải có một sự giải bày nào đó, nếu không giải bày được với người thân, bạn bè thì giải bày với một hình bóng nào đó như Phật, Chúa hay là với ba như cô Kim Lan chẳng hạn.

VHPG: Thật ra, mỗi nỗi buồn đều có nguyên nhân. Khi buồn, nếu tự đặt cho mình câu hỏi “Buồn ở chỗ nào?” và đi tìm câu trả lời cho nó, thì mình có thể khá lên. Nghe có vẻ như một công án nhưng thực ra rất dễ thực hành. Thầy Trọng có nghĩ như vậy không ạ?

PGS. Đặng Đức Trọng: Thời trẻ, đặc biệt là thời sinh viên, tôi cũng thường hay bị stress. Mãi sau này, tôi mới nghiệm ra nguyên nhân nỗi buồn mình hay gặp lúc đó. Thông thường, người ta hay nghĩ về cách người khác đối xử với mình như thế nào, nhất là trong những tình huống khó khăn mà không nghĩ rằng mình phải làm gì, đặc biệt là làm gì cho người khác. Cũng sau này, tôi mới nghĩ ra rằng khi gặp một vấn đề khó khăn thì nên chia nhỏ nó ra. Cũng như ta có một miếng “bít-tết-to-có-cả-xương”, muốn ăn được ta phải cắt nhỏ nó ra, phần mềm thì ăn trước. Làm theo “nguyên lý ăn bít-tết” như thế, mọi khó khăn sẽ được giải quyết từng phần và hiệu quả hơn. Hãy luôn nghĩ rằng mình chỉ cần làm việc tốt hơn là được rồi chứ đừng bao giờ đòi hỏi mọi thứ phải là tốt nhất.

GS. Thái Kim Lan: Anh Trọng nói rất hay. Khi gặp khó khăn, mình thường nhìn thấy mọi sự quá nghiêm trọng. Thật ra thì tất cả cũng bình thường, mọi sự đều không đến nỗi, chỉ tại mình đòi hỏi nhiều hơn nên mình khổ. Khi nào mình cũng nên quân bình sự đòi hỏi. Thật ra, nghệ thuật để giải tỏa đau khổ là quân bình hóa cái tuyệt đối.

 

CON ĐƯỜNG TÂM LINH CỦA BẠN

Thầy Giác Đạo: Tôi nghĩ rằng con đường tâm linh thì ai cũng có, mỗi người có một con đường khác nhau. Có một lần tôi đi xe ôm từ Biên Hòa về Sài Gòn, người lái xe cứ nằng nặc xin tiền tôi trước để dừng lại Ngã ba Vũng Tàu, mua cho được trái bưởi. Tôi hỏi mới biết rằng đó là loại bưởi mà bố anh ở nhà vẫn thích ăn. Một người bình thường, giản dị như vậy  nhưng hành động của họ chứng tỏ họ cũng có một đời sống tâm linh. Tình cảm đối với cha mẹ như thế là một biễu hiện của đời sống tâm linh. Tình yêu thương và lòng trắc ẩn có trong mỗi người không phân biệt tôn giáo, trình độ văn hóa, văn minh cao thấp.

VHPG: Được biết thầy mất mẹ từ nhỏ, khi vào đời sống xuất gia, thầy có cảm nghiệm gì về hình ảnh người mẹ không?

Thầy Giác Đạo: Đương nhiên từ nhỏ tôi đã cảm thấy thiệt thòi hơn so với những đứa trẻ khác. Nhưng tôi biết mẹ luôn trong tôi, dù mẹ rời xa tôi khi tôi còn nhỏ. Một lần, tình cớ lang thang trên net, tôi gặp một cô bé bảo rằng em không có mẹ, mẹ em mất từ lúc mới sinh em ra, từ nhỏ đến giờ em chưa từng có ý niệm về mẹ. Tôi mới bảo em rằng thật ra em mất mẹ chứ không phải không có mẹ. Mẹ luôn hiện hữu trong em đấy thôi. Chỉ khi em không hiện hữu mẹ mới mất trong em. Đến khi nào lớn lên, có gia đình, trong giớ phút lâm bồn, em sẽ hiểu được khoảnh khắc mà mẹ em đã trải qua để đáng đổi tính mạng mình mà sinh ra em. Lúc ấy, em sẽ hiểu ý nghĩa của người mẹ trong em. Hình ảnh ấy đáng tôn thờ chứ không cần phải tìm một hình ảnh nào khác cả. Cô bé đó đã rất xúc động, em đã hiểu ra cái thẳm sâu của hình ảnh người mẹ trong trái tim mình. Tôi nghĩ từ đó em đã có một đời sống tâm linh của riêng mình.

Linh Thoại: Gia đình mình rất đầm ấm. Mẹ mình là Phật tử và mẹ đã “Phật hóa” được cả gia đình. Ngay từ nhỏ, khi chưa có nhận thức gì nhiều, tối nào trước khi đi ngủ, ba anh em mình cũng đều ngồi xếp bằng niệm chú Đại Bi theo lời mẹ dạy. Mình gần Phật ban đầu là từ tình yêu thương của mẹ. Niềm tin vào Tam bảo cứ thế lớn lên trong mình. Đến thời trung học, hầu như tối nào mình cũng cùng mẹ tụng kinh. Lớn lên, dù thói quen tựng kinh không còn nữa nhưng mình vẫn luôn giữ vững niềm tin nơi Tam bảo. Chánh pháp đã ảnh hưởng đến gia đình mình rất nhiều và làm cho cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn.

Cao Văn: Văn thì không có được con đường thuần nhất như chị Thoại. Trước khi vào đại học, do được học và nghe quá nhiều về chủ nghĩa duy vật biện chứng nên Văn nhìn mọi thứ dưới cái nhìn của triết học Mác-Lê nin. Đến khi vào đại học, Văn thường băn khoăn về tôn giáo. Nếu nó vớ vẩn như trước đây mình vẫn nghĩ và nhiều người vẫn nói thì tại sao nó đã tồn tại qua mấy ngàn năm văn minh nhân loại và vẫn tiếp tục tồn tại? Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu về tôn giáo. Mình học lan man đủ thứ trên đới. Quyển sách để lại nhiều ấn tượng và đưa mình đến với tư tưởng Phật giáo là cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của Trịnh Xuân Thuận và thầy Matthieu Ricard. Hai nhà khoa học tự nhiên đã tương chiếu Phật giáo và khoa học, từ đó mình thấy rằng có những vấn đề mà khoa học bây giờ còn chưa giải quyết được thì mấy ngàn năm trước, Đức phật đã có những kiến giải rất hợp lý. Từ đó mình bắt đầu tìm hiểu và tin theo tư tưởng Phật giáo. Khi đọc sách Phật giáo, mình thường dùng những kiến giải đó để đối chiếu lại cái mình đã biết, lý giải cái mình gặp trong đời và cảm thấy rất hợp lý. Mình cảm thấy rất may mắn khi tìm thấy đường đi. Chính con đường này đã thay đổi cách nghĩ, cách sống của mình.

VHPG: Tìm được con đường đi như vậy, đức tin của Văn bây giờ là gì?

Cao Văn: Mình tin vào sự hợp lý. Đối với Đức Phật, bao giờ mình cũng hết lòng tôn kính, đó là người thầy đã khai sáng con đường thoát khổ cho nhân loại, mình rất muốn tự nhận là đệ tử dù không biết rằng mình có xứng đáng hay không (cười). Còn mình vẫn chưa nghĩ tới chuyện sẽ lễ bái, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật…, mình muốn thực hành lời Phật dạy trong cuộc sống hơn.

PGS. Đặng Đức Trọng: Cách hiểu phật của Văn rất đúng. Có người đã nói đức tin chính là sự hướng tới sự thật. Chính Phật cũng đã nói về đức tin  bằng một hình ảnh so sánh: Đức tin cũng giống như ba cách người ta thử một miếng vàng. Có thể thử trực tiếp bằng cách đem nung chảy nó ra, cũng có thể thử bằng hai cách khác là chà lên đá hoặc kiểm tra từng phần. Đừng tin ngay mà hãy kiểm tra theo cách của mình đã. Đó mới là đức tin.

VHPG: Được biết, Việt Nga có một con đường tâm linh không mấy bằng phẳng, bạn có thể tâm sự được không?

Việt Nga: Nếu hiểu theo quan điểm “có đạo” bình thường của mọi người thì Nga trải qua rất nhiều đạo. Từ nhỏ, bố mẹ thờ ông bà thì là đạo ông bà. Sau đó bố thỉnh Phật về thờ thì thành đạo Phật. Rồi sau đó nữa, Nga rửa tội rước lễ nhà thờ và thành người Công giáo. Lên đại học, Nga được học nhiều thứ mới, trong đó có chuyên đề về Thiền của thầy Nhật Chiêu, Nga cảm thấy rất thích tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Thiền. Ánh sáng ấy làm Nga soi lại mọi thứ từ trước giờ mình vẫn tin theo. Tự dưng trong Nga mất hẳn ý niệm phải đi lễ vào ngày Chủ nhật. Nga không lý giải được là tại sao. Nga đã đổ lỗi cho nhiều tác nhân bên ngoài, Nga cảm thấy bị bó buộc trong những quy phạm, khuôn mẫu có sẳn. Dần dần, Nga cảm nhận rằng đạo chỉ là tên gọi, không nhất thiết mình phải có đạo. Đức tin trong Nga đang có vấn đề, Nga không thể đi tiếp được. Nga rơi vào trạng thái “treo” trong suốt một thời gian dài, bây giờ vẫn vậy. Chính tinh thần tự do của Thiền đã dạy Nga phải vượt thoát những quán tính mà mọi người vẫn bắt mình phải theo. Vì thế, Nga lại bị vướng mắc nơi đức tin. Nga cảm thấy mọi người xung quanh mình quá lạm dụng từ “đức tin”. Nhưng để tìm một cách khác, một con đường khác thì Nga chưa tìm ra, Nga chỉ mới buông bỏ niềm tin cũ mà thôi. Bây giờ Nga không muốn định hình nó là cái gì vì khi định hình nó, mình sẽ lại bám vào một cái khác. Và Nga cũng hoài nghi liệu có đức tin thực sự trên đời không hay chỉ là quán tính?

GS. Thái Kim Lan: Tâm linh thực chất là vấn đề của con người khám phá ra sức mạnh của chính mình. Tất cả các vấn đề thuộc về tâm linh đều là vấn đề “treo” như lời Nga nói. Lúc nào mình cũng đang ở trên đường, lúc nào mình cũng đang trong trạng thái “treo” cả. Điều quan trọng là cách mình đi như thế nào để khám phá ra sức mạnh nội tâm trong mình. Cô nghĩ bây giờ Nga không nên đặt ra những câu hỏi về đức tin, Chính những câu hỏi đó sẽ cản trở Nga, sẽ làm Nga đứng yên một chỗ. Nga cũng không nên băn khoăn tìm cách thay thế đức tin này bằng một đức tin khác. Muốn thay đổi thì tàm thời phải để nó sang một bên. Đừng để cuộc sống trôi qua, phải khởi sự ngay. Điều cần thiết để hỏi bây giờ là: Tôi sống như thế nào? Tôi thở như thế nào? Tôi ăn như thế nào? Hãy đặt chân xuống đất, một thế giới khác sẽ mở ra. Tâm linh không phải một cái gì xa vời, siêu việt ở bên ngoài mà là sự hướng thượng, sự triển khai sức mạnh nội lực của mình. Chỉ có một hơi thở, nếu không thở, mình sẽ chết. Khi hoài nghi là mình đang không thở.

ĐỜI SỐNG TÂM LINH CÓ ĐỐI NGHỊCH VỚI SỰ TRẺ TRUNG , NĂNG ĐỘNG?

VHPG: Bản thân sự có mặt và chia sẻ rất chân thành của các khách mời trong buổi tọa đàm đã phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Không hề có sự mâu thuẩn nào giữa bạn  trẻ và tâm linh. Tâm linh đâu chỉ là vấn đề của những người già với đời sống thụ động. Hằng ngày, bạn trẻ vẫn bước đi trên con đường ấy, chỉ có điều không nhận ra và không gọi nó là con đường tâm linh mà thôi. Thưa thầy Trọng và cô Kim Lan, để kết lại buổi tọa đàm hôm nay, xin thầy cô hãy nói một đôi lời về quan niệm “đời sống tâm linh” của riêng mình?

PGS. Đặng Đức Trọng: Tâm linh chính là những giải pháp thuộc về đời sống nhằm giải tỏa bốn loại quán tính mà con người hay mắc phải: quán tính về ước muốn, về kiến thức, về lối sống, tập tục sống mà mình cho là đúng và quán tính hay nghĩ về mình.

GS. Thái Kim Lan: Tôi rất đồng tình với những nhận xét của anh Trọng và tôi muốn bổ sung thêm một khía cạnh nữa. Vấn đề tâm linh theo tôi nghĩ là vấn đề khát vọng tự do, khát vọng giải phóng khỏi quán tính và đặt lại câu hỏi. Thực ra, mọi người đều có những ý nghĩ như vậy. Có phải bạn đã từng ít nhất một lần đặt câu hỏi: Tại sao mình lại như thế này mà không là thế khác? Đó chính là khao khát về tâm linh, là khát vọng đi lên, khát vọng vượt ra ngoài mà mỗi người đều có trong mình. Chính sự khao khát về tâm linh đánh mạnh vào khát vọng giải phóng, kể cả giải phóng khỏi cái chết (nên một số tôn giáo ra đời từ nhu cầu này). Vì thế, nếu không có một con đường đi thì dễ bị lạc, vấn đề giáo dục tinh thần con người là rất quan trọng. Với bạn trẻ, các nhà giáo dục và các cơ quan truyền thông cần thiết phải khởi động để đem đến cho họ một thức ăn mới: Tâm linh cho người trẻ.

Mong muốn của Giáo sư Thái Kim Lan cũng là ý nguyện của những người tổ chức buổi tọa đàm này. Mỗi bạn trẻ hãy sống chậm lại để nhìn lại và khám phá những nội lực của mình. Có một thế giới hấp dẫn ngay chính bên trong bạn đang đợi bạn. Mọi người đều đang đi trên con đường tâm linh, Văn Hóa Phật Giáo mong rằng bài viết này sẽ mời bạn cùng đi trên con đướng ấy và nhận diện ra những giá trị bên trong của mình.

 

Ngô Trà Mi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này