Bóc mẽ sự thật uống nước Cam Lồ để... cầu được ước thấy - Phật Giáo Việt Nam
03:57 +07 Thứ sáu, 26/04/2024

Bóc mẽ sự thật uống nước Cam Lồ để... cầu được ước thấy

Chủ nhật - 22/09/2013 16:38
Bóc mẽ sự thật uống nước Cam Lồ để... cầu được ước thấy

Bóc mẽ sự thật uống nước Cam Lồ để... cầu được ước thấy

(HDPT) - Theo nhà Phật, trong kinh Phổ Môn có câu "Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai sái tâm nguyện" chỉ hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu.
 
 
Quan Âm Phật đài được dựng trên đỉnh núi Tứ Tượng thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế vốn nổi tiếng linh thiêng ở vùng đất cố đô, các dịp sóc vọng, vía Quan Thế âm, lễ, tết hay ngày nghỉ cuối tuần, du khách thập phương đều nườm nượp đổ về cầu phúc, cầu lộc.


Nhưng một số tiểu thương ở địa phương lại lợi dụng sự linh thiêng đó, để thêu dệt nên những câu chuyện thần thánh nhằm trục lợi cá nhân.

Uống nước chữa ung thư, đỗ luôn đại học?!

Du khách khi đến Quan Âm Phật đài không khỏi ngạc nhiên khi những tấm bảng rao bán nước Cam Lồ (nước suối đóng chai - PV) từ chân núi Tứ Tượng cho đến lối vào khu thánh tích. Chỉ cần thấy xe của du khách chầm chậm rẽ vào cổng, các cô các chị đã đon đả mời chào. Các cô "hàng xén" cũng thật là tinh ý khi biết chọn mặt gửi vàng, tùy vào dáng vẻ, độ tuổi, thái độ của khách mà  tiếp thị. Nếu thấy đôi nam thanh nữ tú nào kiếm tìm chỗ giữ xe, các chị đã ra đón tận nơi bảo: "Vào gửi xe mua nhang, nước lên cầu nguyện đi mấy em. Ở đây thiêng lắm, cầu tình duyên được tình duyên, cầu hạnh phúc được hạnh phúc bền chặt".

Ước nguyện càng nhiều thì xin chai nước càng lớn.

Đánh tráo khái niệm “nước Cam Lồ”

Theo nhà Phật, trong kinh Phổ Môn có câu "Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai sái tâm nguyện" chỉ hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Ý nghĩa của câu nguyện ấy là bình thanh tịnh đựng nước Cam Lồ, nhờ nhành dương liễu rưới khắp nơi làm cho tâm người được mát mẻ. Nước Cam Lồ biểu trưng cho lòng từ bi, nước này rưới đến đâu là chan rải tình thương đến đó, làm êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh. Sự tích là vậy, nhưng tại khu thánh tích Quan Âm Phật đài nước Cam Lồ lại là chai nước suối hiệu Aquafina có dung tích 0,5 hay 1,5 lít, sau khi đem lên núi "khấn vái" thì sẽ trở thành nước "thánh".  

Còn nếu thấy bà mẹ trẻ nào đi có một mình thì câu chào hàng lái sang kiểu: "Em lên cầu phước lành cho ông xã phải không, năm nay là năm tốt nguyện xin luôn thằng quý tử. Tiện thể đây em lấy chai nước loại lớn cho khỏi mất công đi, em cứ thành tâm mà xin nước Cam Lồ về cho chồng con uống, tốt lành và may mắn lắm em à!". Câu mời chào nghe quá mát lòng, lại đánh trúng tâm lý nên du khách cứ thế bị dẫn dắt.

Trong vai một khách vãng lai mới đến đây lần đầu, chúng tôi nhanh chóng kết thân với một gia đình hành nghề bán nhang, nước để tìm hiểu thực hư câu chuyện "uống nước Cam Lồ để cầu được ước thấy" như người dân địa phương bấy lâu nay đồn đại. Thấy tôi "tay không bắt giặc", anh Hiền chủ quán nhanh nhẩu: "Em đem theo nước lên để Bà quan âm phù hộ độ trì, đến nơi xa lạ thấy ai làm gì thì cứ làm theo vậy, cái gì không biết phải hỏi, chứ không mất công đi mà chẳng hoàn thành được ý nguyện".

Thấy vẻ mặt của tôi ngẩn ngơ nên anh Hiền tuôn luôn một tràng: "Em chỉ việc đem nước lên, đứng trước Phật đài rồi thành tâm cầu nguyện, khi nào nén nhang tàn thì phép màu sẽ linh ứng vào chai nước của em. Lúc uống, em phải nhớ xoay mặt về hướng Tây là được. Nước thánh này uống rất tốt, ngoài trị được bách bệnh nó còn đem đến may mắn, phúc lộc đầy nhà".

Chúng tôi tỏ vẻ bán tín bán nghi thì được anh viện dẫn những nhân chứng sống: "Có bà gì đó ở dưới Phú Bài, bị ung thư bệnh viện bó tay nên ngày nào cũng lên đây thắp nhang xin nước Cam Lồ về uống, một tháng sau thì khỏe mạnh bình thường, giờ nghe nói đâu gần bát tuần rồi mà da dẻ vẫn hồng hào lắm. Nói đâu xa xôi, con Xê xấu nhất xóm lấy được chồng cũng nhờ uống nước Cam Lồ đó... Hay như thằng cháu của anh đây nè, ba mẹ nó ở tận trong Gia Lai, nhờ anh xin nước Cam Lồ cho uống mà sau đó cùng một lúc thi đỗ hai trường đại học. Người gặp may mắn nhờ loại nước này nhiều vô số kể, nói chung là linh nghiệm lắm em à".

Những người đến lễ Phật phần đông đều có nỗi niềm, nên khi nghe những lời mời chào mát tai và đánh trúng tâm lý như vậy đều rất muốn thử. Vì biết đâu mình cũng sẽ gặp may mắn như ông A, bà B trong câu chuyện của chị quán nước. Với mức giá 20 ngàn chai nước loại nhỏ, 30 ngàn chai lớn có kèm theo nhang, du khách đâu biết rằng mình bị lừa bịp và chặt chém một cách công khai ngay tại khu thánh tích.

Những chai nước Cam Lồ đặt sát chân tượng để mong linh khí ứng nghiệm.

Chỉ là mê tín dị đoan

Bịa đặt để lừa bịp du khách

Ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng khẳng định: "Không hề có câu chuyện về nước Cam Lồ như mọi người thêu dệt. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở các hàng quán không được truyền bá những câu chuyện bịa đặt để lừa bịp du khách, và buộc các tiểu thương niêm yết giá để tránh tình trạng chặt chém. Nếu xảy ra tình trạng chèo kéo khách và bán hàng quá đắt, du khách cần liên hệ ngay với UBND xã để chính quyền xử lý kịp thời, tránh làm ảnh hưởng nếp sống văn minh tại khu thánh tích".  

Qua tìm hiểu của PV, nước Cam Lồ ở khu thánh tích này được bày bán từ hơn mười năm trước, do một bà cụ thường được gọi là Thi (ngụ tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng) khởi xướng. Lúc đầu mọi người bảo cụ bịa chuyện nhưng khi thấy cụ buôn bán được quá nên cũng hùa theo, hàng quán cứ thế mọc lên san sát. Cụ Thi bán được hơn 5 năm thì nghỉ, bởi một phần tuổi đã cao, miệng mồm không bằng mấy chị trẻ tuổi; một phần bởi cụ thấy nghề ăn xin tại miếu đang nở rộ, công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập lại cao hơn nhiều.

Tuy hôm đó chúng tôi không gặp được cụ Thi, nhưng những "đồng nghiệp" của cụ cười cười bảo: "Ở đây chỉ cần ăn nói khéo một tí cộng thêm nhanh tay, nhanh mắt thì làm gì chẳng hái ra tiền". Để bán được nhiều hàng, các hàng quán ở đây còn chế thêm chuyện nước suối phải mua ở trong  khu vực núi mới thiêng, chứ nước mua ở dưới thành phố, dù vẫn còn y nguyên vẫn không linh nghiệm (?!). Lý giải điều này anh Hiền tô vẽ: "Nước suối ở đây phải mua trước cả mấy tháng, giữ trong nhà để linh khí tụ họp rồi mới đem ra bán cho du khách. Có vậy mọi chuyện mới thành được chứ".

Nhưng linh nghiệm cũng có đủ năm bảy đường, người thì bảo nên mua nước dưới chân dốc, rồi đi bộ mang lên trên đỉnh có như vậy mới thể hiện được lòng thành kính. Người thì bảo nên mua ở quán gần đỉnh núi nhất, bởi vì càng gần tượng Phật, ánh hào quang tỏa ra càng nhiều thì nước mới càng linh nghiệm. Với kiểu quảng bá "nói thế nào cũng được" du khách đến đây cũng ngả nón chào thua khi "chẳng biết đường nào mà lần". Suốt chặng đường lên núi, nhang được thắp rải hai bên lối đi, để thể hiện lòng thành, có người cứ đi ba bước thì quỳ lạy một lần, liên tục từ dưới chân núi lên đến đỉnh.

 Mọi người đến đây đều có chung một niềm tin, đức Quan Âm Bồ Tát sẽ phù hộ và ban phát những điều tốt lành. Vì thế mà ai cũng muốn thắp thật nhiều nhang và có một chai nước Cam Lồ. Thắp một nén nhang đứng trước tượng Phật Bà khấn nguyện, mở nắp chai và cắm vào đó ba cây nhang đợi đến khi nhang tàn thì lấy mang về. Nhiều người còn đọ với nhau xem, chai nước của ai nổi bọt khí nhiều, nổi càng nhiều thì sự linh ứng càng cao. Nhiều dịch vụ ăn theo cũng  mọc lên tại đây như nạn ăn xin, bán vé số, liên tục mời mọc, chèo kéo theo kiểu "cần phải ban phát ân tình, mình thương người thì Phật mới thương mình" khiến những người chiêm bái rất khó chịu.

Cụ Ân, cha của Hòa thượng Thích Khế Chơn, người giúp Hòa thượng trông coi, quản lý Quan Âm Phật đài mỗi khi hòa thượng bận việc trên Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: "Làm gì có chuyện khi tàn nén nhang chai nước suối biến thành nước Cam Lồ. Dân đen họ bịa chuyện để buôn bán như vậy thôi. Ngoài gieo tai ương còn mang hai cái trọng tội, một là nói láo ăn tiền, hai là lấy uy nghiêm của đức Phật ra để lừa gạt người khác.

Ý nghĩa của cầu nguyện chính là ở tấm lòng và cách thể hiện có văn hóa phật tử. Con người nếu không giữ giới thì biết bao giờ có được lòng từ bi và tình thương chân thật. Tin vào cái dối trá nên thành ra mê tín dị đoan, không biết suy xét đó mới là tật bệnh nguy hiểm nhất của đời người".                                       

 

 

ÁI LINH (Người Đưa Tin)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này