Chính quyền tích cực, người dân tự giác - Phật Giáo Việt Nam
11:52 +07 Thứ bảy, 11/05/2024

Chính quyền tích cực, người dân tự giác

Thứ bảy - 19/01/2013 22:18
(HDPT) - Một mùa lễ hội mới đang đến. Các địa phương có lễ hội truyền thống, có thắng cảnh đẹp... đang rốt ráo công tác chuẩn bị.
 




Những mặt tốt đương nhiên được duy trì và nhân lên, nhưng còn những tiêu cực tiềm ẩn với nhiều biến tướng khác nhau sẽ được ngăn chặn như thế nào? Đó là điều băn khoăn của các cấp quản lý và người dân.


Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) luôn thu hút lượng lớn du khách.
 
Phức tạp chuyện công đức, tiền giọt dầu, đồ mã…
Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2013, do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức trực tuyến 3 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ngày 18-1 vừa qua, báo cáo chung cho thấy, mùa lễ hội 2012, ngành văn hóa, nhất là các nhà quản lý cấp bộ đã sát sao hơn trong công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra; các cơ quan chức năng địa phương cũng đã tích cực, hiệu quả hơn trong công tác tổ chức, chấn chỉnh vi phạm nên đã ngăn chặn, hạn chế được một phần những biểu hiện tiêu cực lễ hội, vốn gây nhức nhối dư luận mấy năm qua.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ cho biết, tại không ít lễ hội, vẫn tái diễn những cảnh không lấy gì làm đẹp. Vẫn thấy người người rải, thả tiền lẻ ở nhiều vị trí khác nhau tại di tích; thậm chí, ngay ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tiền được thả lên cả mái ngói, thả xuống hồ, hoặc rải la liệt bên các Bia tiến sĩ. Một số đền, chùa các địa phương đặt quá nhiều hòm công đức, không phù hợp với nơi thờ tự, có nơi đặt các hòm công đức làm bằng kính trong suốt, gây phản cảm, dù Bộ đã có chỉ thị hướng dẫn cho các Sở, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Lễ hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
 
Tiếp nhận đồ công đức như tượng, chân nến, chuông… theo hướng đua nhau làm to, cao “kỷ lục” rồi bày trong di tích không phù hợp với lịch sử di tích cũng được coi là “vấn nạn”, vẫn tiếp diễn ở các địa phương năm vừa qua. Việc tiếp nhận đồ công đức, đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ. Nếu có sự tiếp nhận thì phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của các cấp quản lý văn hóa địa phương, hoặc trung ương - nếu là công đức vào các di tích cấp quốc gia. Ông Phúc cho biết, vấn đề tiếp nhận đồ công đức thường xảy ra ở những di tích có thủ nhang, thủ đền. Nếu có đoàn kiểm tra đến, họ mang đi giấu, kiểm tra xong thì họ lại... bày ra. Nghe người dân và du khách phản ánh, nhưng không thể xử phạt vì không bắt được quả tang, cũng như việc thấy người dân đốt đồ mã ở đền Bà Chúa Kho, đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hương… với số lượng lớn nhưng cũng không thể xử phạt vì thiếu chế tài...
Tình trạng mất trật tự trong giao thông, tắc đường, ăn mày ăn xin, vứt rác bừa bãi, thiếu nhà vệ sinh công cộng… ở các lễ hội lớn tuy đã giảm so với những năm trước. Nhưng ở các địa phương thì tình trạng này vẫn phổ biến, vẫn là nỗi buồn của người đi hội và cả nhà quản lý. Có lẽ, ngoài các nguyên nhân quá tải, sự vô ý thức của một bộ phận công chúng, thì sự yếu kém, lỏng lẻo của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng khiến cho các hiện tượng tiêu cực tồn tại. Ví như ở hội Lim, màn hát Quan họ với sự hiện diện của mấy nghìn người, tưởng chừng là sự hội tụ hiệu ứng đám đông cùng nhau hát, để tiếp tục tôn vinh di sản nước nhà, thì được cấp chính quyền vội vã ghi kỷ lục, làm xôn xao dư luận với những ý kiến không đồng thuận trong giới nghiên cứu văn hóa và cả đông đảo người yêu loại hình nghệ thuật này. Hoặc ở lễ hội đền Trần tỉnh Nam Định, nạn chen lấn, lộn xộn ở các mùa lễ hội năm 2010, 2011 đã được giải quyết ở năm 2012 khi chuyển Lễ phát ấn từ đêm 14 âm lịch sang ngày 15 âm lịch và cả tháng sau đó, nhưng người ta lại nhận thấy những phức tạp, không rõ ràng trong việc phát - bán ấn, hoặc đột ngột dừng phát ấn khiến dân chúng bất bình…
Lễ hội Tịch Điền-một lễ hội vẫn bảo lưu được nhiều nét đẹp truyền thống.
 
Siết chặt tổ chức lễ hội, kêu gọi ý thức người dân
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, công tác quản lý, kiểm tra lễ hội đang được chuẩn bị với tinh thần yêu cầu cao hơn đối với các cấp Sở VH-TT&DL và chính quyền, ban quản lý, ban tổ chức các lễ hội cơ sở. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Phạm Văn Thủy cho biết, Bộ và Cục sẽ trao đổi, phối hợp với các cấp cơ sở, chấn chỉnh và siết chặt hơn trong các nhiệm vụ quy hoạch lễ hội, hạ tầng cơ sở, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cấm đốt vàng mã nhiều và bừa bãi, chống hàng quán lộn xộn, phòng ngừa việc đặt hòm công đức, giọt dầu quá nhiều, không đúng nơi quy định… Trước Tết Quý Tỵ, Bộ VH-TT&DL sẽ có 6 đoàn kiểm tra trên diện rộng, bám sát công tác chuẩn bị của các lễ hội nhằm kịp thời tham mưu, góp ý, điều chỉnh đối với ngành văn hóa và chính quyền địa phương. Dịp Xuân Quý Tỵ sẽ tiếp tục có các đoàn thanh kiểm tra để bảo đảm việc theo dõi, chấn chỉnh lễ hội được thường xuyên, kịp thời.
Bộ VH-TT&DL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền và chỉ đạo hướng dẫn tới các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư Trung ương về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các sở VH-TT&DL địa phương phối hợp với các cấp, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, tuyên truyền tới người dân nâng cao ý thức, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. 
Những cố gắng tiếp theo của ngành văn hóa có thể sẽ hạn chế tiêu cực hơn trong mùa lễ hội 2013. Nhưng ngay từ bây giờ, cần lường trước khả năng sẽ tái diễn những tiêu cực và biến tướng lễ hội để có những phương án đề phòng ngay từ khâu chuẩn bị, tổ chức ở cơ sở. Trước hết, trong quản lý, tổ chức lễ hội cần phải xây dựng một cơ chế thích hợp, hài hòa để chống sự vụ lợi, bảo đảm cho sự phối hợp giữa các bộ phận tổ chức lễ hội luôn được chặt chẽ. Có như vậy thì những yếu kém tồn tại ở từng địa phương mới dần được gỡ bỏ, bảo đảm cho mùa lễ hội 2013 sẽ hoàn thiện hơn trong lòng du khách...
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này