Có một “từ mẫu” ở Cần Giờ - Phật Giáo Việt Nam
11:47 +07 Thứ tư, 01/05/2024

Có một “từ mẫu” ở Cần Giờ

Thứ ba - 26/02/2013 09:32
Có một “từ mẫu” ở Cần Giờ

Có một “từ mẫu” ở Cần Giờ

(HDPT) - Thay vì mở phòng mạch hành nghề kiếm tiền, vị lương y này tình nguyện ở chùa để chữa bệnh miễn phí cho người dân gần xa.
 
 
 

“Tôi bị suy thận hơn 10 năm nay, kèm chứng đau đầu kinh niên, mỗi đêm chỉ ngủ chừng 2 tiềng đồng hồ, thời gian còn lại phải đi tiểu liên miên nhưng không có tiền đi BV. Hai tháng qua, tôi đi khám, uống thuốc và châm cứu chỗ thầy Sơn thì bệnh đỡ hẳn. Đêm ngủ ngon giấc, đầu đã bớt đau 6-7 phần, đặc biệt là không còn đi tiểu đêm nhiều nữa”. Chị Nguyễn Thị Loan, một bệnh nhân ở xã Long Hòa (Cần Giờ, TP.HCM), kể về lương y Nguyễn Thanh Sơn (38 tuổi, Trưởng ban Y tế Phước Thiện ở Hội quán Hưng Cần Tự, Chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Giờ) như thế.

Chị Loan nói thêm: “Chồng tôi cũng vậy, anh bị tê tay, nhấc không lên nhưng khi đến thầy Sơn châm cứu hai lần thì hết. Thầy Sơn chữa bệnh rất nhiệt tình nhưng không hề lấy tiền. Vợ chồng tôi chỉ bỏ vào hòm công đức vài ngàn đồng mà thôi” - chị Loan nói.

Bỏ nghề may để học nghề cứu người

21 tuổi, anh Nguyễn Thanh Sơn đã là một thầy dạy may veston có tiếng ở quê nhà Cà Mau. Chỉ cần dạy một người trong hai tuần anh Sơn có thể có ba chỉ vàng tiền công bỏ túi. Thế nhưng đùng một cái, anh nói với mẹ là anh muốn vào chùa học nghề thầy thuốc để cứu người.

Nói về quyết định rẽ ngang này, anh Sơn cho biết lần nọ anh vào chùa gần nhà bốc thuốc cho mẹ và được các thầy không lấy tiền nhưng về nhà mẹ uống hết bệnh. Anh lân la theo các thầy đi hái thuốc và trở nên thích sưu tầm các cây thuốc Nam. “Tôi nghĩ dùng thuốc Nam cứu người không tốn tiền sao mình không làm, hơn nữa đây cũng là nghề của ông ngoại tôi từ trước”. Và rồi anh Sơn khăn gói vào chùa thực hiện khát vọng của mình.

Lương y Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: TÙNG SƠN

Sau khi xong khóa học cấp 1 tám tháng về dược liệu ở Cà Mau, anh được gửi lên chùa Tịnh Độ (quận 6, TP.HCM) học tiếp ba năm y học cổ truyền trị bệnh bằng thuốc Nam. Theo quy định, sau khi học xong anh phải phục vụ thiện nguyện ba năm và anh được đưa về Hưng Cần Tự (Cần Giờ) để khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con vào năm 2001. Nhưng để hành nghề theo quy định của Nhà nước, anh phải học tiếp bốn năm y học cổ truyền tại ĐH Y Dược và sau đó học tiếp hai năm tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Sáng khám bệnh, chiều anh phải chạy lên TP học, tối lại về Cần Giờ. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh nói đó là một thách thức lớn, anh thèm thời gian nhưng không phải để ngủ nghỉ mà là để nghiên cứu, đọc sách, học hỏi các bậc tiền nhân đi trước.

Đi học hay đi đâu, hễ nhìn thấy có cây thuốc Nam là anh dừng lại xem, nếu cây mọc ở trong nhà người dân thì anh đến xin, khi về anh ghé vào cắt. Lần nào anh cũng chở 1-2 bao cây thuốc, tương đương 10-20 kg thuốc đã sắc ra. Ngoài ra, anh còn liên hệ với các chùa tịnh độ cùng hệ thống để xin cây thuốc rồi thuê xe đến chở về. Biết anh xin thuốc về chữa bệnh miễn phí cho bà con, nhà xe chở miễn phí luôn. Hiện trong kho thuốc của anh đã có trên 200 vị thuốc, khoảng 4-5 tấn dược liệu, đó là chưa kể thuốc đã bào chế thành phẩm. “Nếu quy ra tiền thì kho thuốc này có giá phải tiền tỉ. Nhưng tất cả là của người dân, để người dân dùng” - anh Sơn cười rạng rỡ.

Mỗi ngày chữa miễn phí cho hàng chục người

Mỗi ngày ở Hưng Cần Tự có 70-80 người đến bắt mạch, châm cứu và lấy thuốc miễn phí. Bình quân mỗi ngày ở đây phát không cho người dân khoảng 200 thang thuốc và 400 bịch thuốc đã bào chế. Không chỉ dân Cần Giờ mà cả người bệnh ở nội thành TP.HCM hay Long An, Bình Dương, Cà Mau… đều tìm đến thầy Sơn để chữa trị.

Anh Sơn đang bắt mạch khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN

Bệnh nhân đến với anh muôn hình vạn trạng, từ nhẹ như đau nhức, cảm cúm đến nặng như suy thận, tai biến... Họ đến trong tình trạng bất an, lo lắng. Anh tâm niệm người thầy thuốc trước tiên phải làm sao cho bệnh nhân an tâm và tin tưởng vào tư cách đạo đức cũng như chuyên môn của mình. Đó cũng là liệu pháp góp phần làm cho bệnh nhân mau lành bệnh. Tùy vào người bệnh, mỗi lần tái khám, anh điều chỉnh thuốc cho phù hợp mà không nề hà, đòi hỏi gì.

Chính vì tay nghề giỏi và giàu y đức của anh mà nhiều bệnh nhân sau khi hết bệnh đã quay lại cúng chùa để mua thuốc, mua máy móc, kim châm để giúp anh chữa trị cho bệnh nhân khác. Người khá giả thì cúng tiền, còn người nghèo thì cúng... bông cúc, vạn thọ, vỏ bưởi, quýt... để anh làm thuốc. “Tất cả những hỗ trợ của mạnh thường quân chùa đều quản lý để chi xuất vào việc mua nguyên dược liệu để trị bệnh tiếp tục cho người khác. Riêng tôi và các y sĩ, y sinh giúp việc khác mỗi tháng được trả 300.000 đồng, đủ để mua xà phòng, kem đánh răng và vài vật dụng cần thiết khác” - anh Sơn chia sẻ.

Theo quy định, hết ba năm là anh có thể ra ngoài hành nghề mà không phải làm cho hệ thống Tịnh độ nữa nhưng anh nói mình đi thì lấy ai bốc thuốc trị bệnh cho dân ở đây. Hỏi sao không ra ngoài làm kiếm tiền, nhắc hai câu thơ của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông: “Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương”, anh Sơn nói: “Nếu kiếm tiền thì tôi đã không chọn nghề này. Lương y, theo lời dạy của các bậc tiền nhân là phải chữa bệnh cứu người, phải giàu lòng nhân ái, không màng danh lợi” - anh Sơn nói.

Y đạo của người thầy thuốc

Ở Hưng Cần Tự, bệnh nhân xin thuốc thì cho tùy theo bệnh nhân ở xa hay gần. Nhưng khi khám ở các chùa khác trong hệ thống thì người bệnh chỉ được cho 3-4 thang thuốc theo quy định. Anh đấu tranh lắm thì những bệnh nhân ở xa mới được cho sáu thang.

Trước đó, thời gian đầu anh cũng đi đến nhà bệnh nhân để bắt mạch nhưng dần dà bệnh nhân đông quá anh phải tập trung khám bệnh ở chùa, chỉ bệnh nhân nào không thể đến chùa được thì anh mới tranh thủ đến nhà điều trị. Với những bệnh nhân không trị được bằng thuốc Nam thì anh khuyên đi khám ở BV. Anh bảo mình học được ở thầy Trương Thìn tấm lòng nhiệt huyết, suốt cuộc đời vừa làm chuyên môn, đào tạo kế thừa, vừa đấu tranh cho y học cổ truyền nước nhà có chỗ đứng. Anh nói đời sống của người lương y phải thanh cao, thoát tục, đó mới là cái đạo của người làm thầy thuốc.

Anh Sơn nói y nghiệp cũng là y đạo. Đó là đạo làm thầy thuốc. Người thầy thuốc không chỉ trị bệnh cho người mà còn dạy họ cách phòng bệnh. Thầy dạy anh bài thuốc trị bệnh trĩ và nói đó là bài thuốc chân truyền, không được truyền cho người khác. Nhưng anh lại mang ra phổ biến cho người bệnh vì: “Học làm thuốc là để cứu người, cái gì mình biết thì cho người khác biết để họ có thể tự làm lấy, không nên ôm giữ khư khư”.

Tháng 1-2013, anh Sơn được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương là thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2012. Trước đó, anh đã từng được tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu và giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 2 - 2011, được tuyên dương thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác năm 2012 và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM, nhận xét: “Anh Nguyễn Thanh Sơn là một lương y trẻ có tâm huyết và vô vụ lợi. Xã hội cần những con người như lương y Nguyễn Thanh Sơn để cùng ngành y tế giải quyết những vấn đề sức khỏe chung, đặc biệt là khám, chữa những bệnh lý thông thường tại chỗ bằng thuốc Nam, châm cứu”.

Bài thuốc chữa bệnh trĩ

Theo lương y Nguyễn Thanh Sơn, bài thuốc dưới đây chữa bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại đều được.

a) Dùng ngoài: Rau diếp cá 50 g; lá lốt 50 g; muối hột 50 g; lá vong nem 50 g; 4 lít nước. Nấu sôi các thứ trên trong 30 phút nhắc xuống, lọc lấy nước trong, pha 1/2 lít rượu để ấm, đổ vào thau rồi ngồi vào ngâm 15 phút. Sau đó, lấy lá cải rổ rửa sạch, bỏ tí muối đem giã rồi vắt lấy nước thoa vào hậu môn và nằm nghỉ.

b) Dùng trong: Thường xuyên ăn cải rổ và rau diếp cá.

c) Phương pháp không dùng thuốc: Thường xuyên tập nhíu hậu môn.

Chú ý: Kiêng kỵ uống bia/rượu, ăn đồ cay nóng, tránh ngồi lâu, tập thói quen đi đại tiện đúng giờ để tránh táo bón.

 

 

DUY TÍNH (Pháp luật TP.HCM)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này