Hiếu đạo trong đời thường - Phật Giáo Việt Nam
11:53 +07 Thứ bảy, 11/05/2024

Hiếu đạo trong đời thường

Thứ năm - 23/08/2012 20:43
(HDPT) - Là đệ tử Phật, có lẽ ai cũng thấm nhuần câu “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Thế nhưng, để thực hiện cho tròn chữ Hiếu ấy thì rất khó. Khó thì khó thật nhưng không có nghĩa không làm được.
 
 Bởi chỉ cần chúng ta biết hướng tâm về cha mẹ và thể hiện nó một cách bình thường trong cuộc sống hằng ngày, thực hiện bằng những hành động tự nhiên của một người con thì cũng đã làm cho cha mẹ vui lòng. Đó chính là thể hiện tâm hiếu kính của mình đối với cha mẹ trong cuộc sống đời thường.
Nghĩ về bổn phận làm con, nhiều khi chúng ta nghĩ quá xa, quá nhiều, để rồi vô tình bỏ quên những việc làm bình thường. Ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng ta không quan tâm, để ý đến cha mẹ thì nói gì đến việc làm nào cao xa hơn. 
Khi còn sống bên cha mẹ, làm con chỉ cần biết vâng lời, đi thưa về trình, luôn nói lời lễ phép với cha mẹ, siêng năng học hành và làm việc v.v.. là cũng đã làm vui lòng cha mẹ rồi. Đây là những hành động bình thường trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi do chúng ta quá vô tình, nên đã bỏ quên trong từng ngày từng giờ, khiến cha mẹ đã không biết bao nhiêu lần lo buồn về ta. 
Có những lúc chúng ta đi đâu xa, nhưng không “đi đến nơi, về đến chốn”. Vì mãi mê với việc riêng mà quên mất người mẹ đang mỏi mòn trông đợi, thấp thỏm lo âu không biết con mình có xảy ra chuyện gì hay không sao giờ này chưa thấy về. Nếu để ý một chút, chỉ cần chúng ta gọi báo cho mẹ hay tin ta đang bận việc gì đó, đến mấy giờ về… Như thế thì mẹ sẽ yên tâm hơn, không phải thấp thỏm lo âu, đứng ngồi không yên. 
Có khi chúng ta nói dối với mẹ đi đến nơi này nhưng rồi lại qua nơi khác, dù mẹ không hay biết gì nhưng làm như vậy là chúng ta đã lừa dối mẹ. Thay vì hôm nay thưa với mẹ đến trường học, nhưng thật ra chúng ta lại cùng bạn bè đi chơi. Còn mẹ ở nhà thì cứ tưởng con mình ngoan chăm, siêng năng học hành nên dù phải dải nắng dầm mưa cũng không nề hà. Miễn sao con học hành tốt, nên người là mẹ thấy hạnh phúc rồi. Thế nhưng mẹ đâu biết rằng giờ này mẹ đang vất vả trên đồng ruộng nắng cháy, thì con của mẹ lại mãi mê chơi đùa cùng chúng bạn, không chịu học hành. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu mình làm như vậy là tội nghiệp cho mẹ lắm không? Chúng ta nỡ lòng nào đối xử với mẹ như thế, nỡ nào lấy sự chơi đùa, dối trá mà đáp lại tình thương yêu chân tình của mẹ? Thay vì chúng ta muốn đi chơi nơi nào thì nên thưa thật với mẹ, để cho mẹ biết rõ, như vậy sẽ thoải mái hơn, để mẹ cũng thấy hài lòng một điều là con mình sống chân thật.
Có những lúc vì một chút ích kỷ cá nhân mà chúng ta đành lòng nói lời bất kính với mẹ, làm đau lòng mẹ vô cùng. Tại sao ta không nghĩ rằng cả đời mẹ hy sinh cho con mà quên cả bản thân mình, mẹ đâu bao giờ tính toán so đo với con cái. Vậy mà bổn phận làm con chúng ta lại tính toán so bì với mẹ từng chút một, cũng vì lợi ích cá nhân của mình.
Có những lúc vì mẹ nấu thức ăn không được ngon lắm, chúng ta lại tỏ ra nhăn nhó với mẹ, rồi lại không chịu ăn, để bụng đói cho mẹ đau lòng xót dạ. Vậy thì tại sao chúng ta không nghĩ lại sự mệt nhọc của mẹ trong cả ngày phải đi làm vất vả. Về nhà lại còn lo nấu thức ăn cho mình ăn uống. Thay vì ta làm khó mẹ, không chịu ăn thì hãy vui cười hoan hỷ với mẹ và ăn một cách nhiệt tình, ăn thật ngon, bởi chúng ta cảm thấu được trong từng món ăn có cả hương vị tình thương của mẹ. Thậm chí khi thấy mẹ về nhà mệt nhọc, chúng ta biết cùng phụ giúp với mẹ làm thức ăn. Như thế thì quả là hạnh phúc biết bao.
Nhiều và rất nhiều những sự việc bình thường trong cuộc sống, nhưng do chúng ta không để ý. Cứ nghĩ rằng Hiếu đạo là làm những việc to lớn như làm ông này bà nọ trong xã hội, để được có danh tiếng với đời, để cha mẹ có tiếng thơm. Vâng! Làm con hiếu thảo cũng rất cần sự thành công này, nhưng đó là việc của tương lai. Trước mắt, trong cuộc sống hiện tại hằng ngày, chúng ta phải biết thể hiện trọn vẹn, chân thành bổn phận của một người con Hiếu đạo, thể hiện qua những cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói v.v.. trong thực tế cuộc sống, không làm cha mẹ buồn lòng. Hoặc nếu lúc nào đó chúng ta vô tình gây đau khổ cho cha mẹ thì phải biết xin lỗi và sửa sai, để trở thành con người hoàn thiện hơn. Đó mới là chất liệu quý giá tác thành nên một người hữu dụng mai sau.
Hiểu được những giá trị đó, Vu lan này trở về, chúng ta đi chùa lễ Phật, quỳ trước Phật đài, hãy thành tâm sám hối và tự kiểm điểm lấy mình. Tự suy ngẩm xem chúng ta đã có bao nhiêu lần làm mắt mẹ ngấn lệ, làm đau lòng mẹ kính yêu, để rồi trở về xin lỗi mẹ, nói lời yêu thương với mẹ và hứa với lòng, hứa với mẹ từ đây sẽ sống tốt hơn để cho mẹ an vui. Được như vậy, chúng ta sẽ có công đức vô lượng vô biên. Như đức Phật đã nói: “Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường” (Kinh Tăng Chi). Chính vua trời Đế Thích, nhờ hiếu thảo với cha mẹ mà được phước báu làm vua cõi trời Tam Thập Tam Thiên: “Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới túc: hiếu dưỡng với cha mẹ, kính trọng các bậc gia trưởng… Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Thiên chủ” (Kinh Tương Ưng). 

 

HT. Thích Như Niệm

 
(Chùa Bằng)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này