Hiểu và thương - Phật Giáo Việt Nam
19:38 +07 Thứ bảy, 27/04/2024

Hiểu và thương

Thứ hai - 02/04/2012 07:46
Hiểu và thương

Hiểu và thương

(HDPT) - ..Để phát khởi được một tình thương như vậy cần phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Nhưng điều trước tiên là phải hiểu được đối tượng mình thương yêu...
 

 

 
Có thể nói đạo Phật được xây dựng trên cơ sở của tình thương. Vì tình thương đức Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để xuất gia, tìm cầu chân lý nhằm giải thoát những khổ đau của kiếp nhân sinh. Tình thương ấy khác xa hẳn tình cảm thế gian ái luyến thông thường, luôn kèm theo sự sở hữu, phục vụ cho cái tôi. Đó là tình thương của đồng thể đại bi, vượt lên mọi phân biệt, hướng đến khắp thảy muôn loài để ban vui, cứu khổ.  

Để phát khởi được một tình thương như vậy cần phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Nhưng điều trước tiên là phải hiểu được đối tượng mình thương yêu. Như thiền sư Nhất hạnh đã nói: “Tình yêu đích thực chỉ mang lại hạnh phúc mà không tạo ra hệ lụy. Trong đạo Phật, chính cái hiểu làm ra cái thương. Không hiểu thì càng thương càng làm cho mình và người kia đau khổ. Mà hiểu ở đây trước hết là thấy được cội nguồn của những niềm đau và nỗi khổ của ta và người kia”. Trước đây, khi nghe điều này, mức độ hiểu ba chữ “hiểu và thương” của tôi chỉ dừng lại ở mức sơ lược mà chưa hoàn toàn cảm nhận được hết giá trị đích thực của nó. Nhưng qua trải nghiệm dần trong cuộc sống, tôi đã chiêm nghiệm và hiểu được sâu sắc thêm phần nào, phải hiểu như thế nào và làm sao để thương.

Ngày mới vào chùa, tôi được giao việc ở bộ phận công trình chuyên xây dựng và kiêm luôn những việc lặt vặt khác. Vào những khi trời nắng gắt, nhìn anh em mồ hôi đổ ướt cả người khi khiêng vác từng thùng cát, đá, từng xô bê-tông, ai cũng nhiệt tình, cẩn trọng và vô cùng vui vẻ dù không nhận một đồng lương nào, tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm thông, yêu thương, quý trọng họ vô cùng. Đúng là có làm với anh em, tôi mới hiểu được những nặng nhọc, vất vả của họ và tình thương trong tôi dành cho họ có thực chất hơn.

Một thời gian sau, tôi cùng một vài anh em được cắt cử đi khai hoang kiến tạo chùa ở một vùng quê. Hằng ngày, chúng tôi lên núi để dọn rẫy và chặt cây, phát cỏ. Đây là lần đầu tiên tôi đi làm rẫy. Trong anh em chúng tôi có người bị gai đâm chảy máu, người bị ong chích, công việc cũng có phần vất vả nhưng hầu như không ai kêu ca mà trên gương mặt mọi người luôn nở một nụ cười. Bởi chúng tôi hiểu ý nghĩa công việc mình làm, làm cho ai, mang lại lợi ích gì. Và qua chuyến đi này, tôi đã biết cảm thông và nghĩ về ba tôi nhiều hơn. Những ngày còn ở với ba mẹ, có bao giờ tôi hiểu được ba đã vất vả như thế nào. Công việc đồng áng ở nhà giao trọn cho ba, mà tính ba tiết kiệm, có khi nào gọi người làm đâu. Có khi từ 5h sáng ông đã ra vườn làm tới tối mịt mới về. Tất cả chỉ vì anh em chúng tôi. Ba không cho tôi làm vì muốn tôi có thời gian để học, vì sợ tôi bệnh, tôi mệt (dù tôi gần 60 kg trong khi ba chỉ 48 mà thôi…). Nhờ sống trong hoàn cảnh và làm công việc như ba, tôi mới hiểu và thương ba nhiều hơn. Cũng từ đó mà tôi hiểu được phần nào những cơ cực của người nông dân. Thật đúng là: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Ngày nay khi ăn một bát cơm, không biết trong chúng ta có ai nhớ nghĩ tới những vất vả của họ. Dẫu rằng việc bán mua đều sòng phẳng bằng tiền nong, nhưng để làm ra hạt gạo, mồ hôi, công sức của những con người chân chất, lam lũ ấy đâu thể nào đong đếm được.

Khi về lại thành phố, tôi may mắn được phân công làm công việc ở bếp với các sư huynh đệ. Cứ nghĩ rằng công việc bếp cũng đơn giản nhưng không phải vậy. Người làm bếp phải có cái tâm, đem hết sức lực của mình để phục vụ cho mọi người, phải biết hy sinh vì niềm vui của người khác, đó là những gì tôi học được. Cũng chính ở đây, tình pháp lữ ngày càng gắn bó hơn khi anh em chúng tôi cùng nhau thức trắng đêm những khi có khoá tu, những ngày lễ lớn, cùng chia sẻ kinh nghiệm tu tập, niềm vui, nỗi buồn. Nếu không làm ở đây, làm sao tôi hiểu được những khó khăn, vất vả và niềm hạnh phúc trong công việc của mọi người ở bếp. Và khi làm những món ăn phục vụ cho đại chúng, tôi mới thấu hiểu được tình thương mà mẹ đã dành cho tôi qua những món ăn mẹ nấu. Tôi nhận ra rằng nấu bếp còn là cả một nghệ thuật của tâm hồn. 
 
Tôi chợt nhớ có một thời gian tôi không thích một anh bảo vệ, trong ý nghĩ của tôi lúc nào cũng cho rằng anh là người xấu tính, luôn khó khăn với chúng tôi. Nhưng khi làm việc chung với nhau, tôi mới nhìn thấy ở anh những đức tính thật đáng quý: sự hiền hoà, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm. Vậy là không phải anh xấu tính mà là tôi, vì đã vội vàng đánh giá anh. Tôi chợt nhận ra rằng trên đời không ai xấu cả, chẳng qua chúng ta chưa chịu tìm để hiểu họ mà thôi. Không hiểu nên không thể thương họ được.

Đúng là có hiểu thì mới có thương, nhìn một em bé bị tật nguyền hay bị chất độc màu da cam, ta thấy thương em, nhưng phải đặt mình vào hoàn cảnh của em, thấu rõ những nỗi đau mà em đang gánh chịu, khi đó tình thương của ta mới thật sự sâu sắc. Ta thương em rồi, vậy ta có thương được một cô gái làng chơi, một tên tội phạm cướp của giết người hay một chàng thanh niên hư hỏng, ăn chơi trác táng không? Biết đâu vì hoàn cảnh, biến cố gia đình mà cô gái phải làm vậy? Nếu ta đã thương và cảm thông cho Thúy Kiều, sao lại không thể thương và cảm thông cho những mảnh đời như vậy, những cô gái đã chịu biết bao tủi nhục, những dằn vặt nội tâm khi chấp nhận làm một nghề hèn kém. Nếu may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có hay có ai đó chỉ dạy cho cô có cái nhìn đúng đắn, nhận thức rõ về nghề nghiệp chân chánh, thì cô đã không phải rơi vào hoàn cảnh như vậy.
 
Một người tội phạm, một thanh niên ăn chơi lêu lổng cũng vậy, tất cả đều rất đáng thương. Vì chưa biết nhân quả, đúng sai, các giá trị đạo đức và lời Phật dạy, vì chưa nhận được sự giáo dục đúng cách, không nhận được tình thương của cha mẹ, không được gần gũi thầy lành bạn tốt, những con người ấy mới rơi vào những tình cảnh như vậy. Khi bình tâm tìm ra nguyên nhân, đặt mình vào hoàn cảnh của từng đối tượng, ta mới có thể cảm nhận được những nỗi khổ của họ và mới thương được.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, khoảng cách giữa người và người ngày càng lớn, đặc biệt ở những thành phố văn minh. Con người ta quá bận rộn với công việc, không có thời gian dành cho các mối quan hệ trong gia đình và láng giềng. Mỗi gia đình đều sống như một thế giới riêng và mỗi thành viên đều sống trong cái vỏ của chính mình. Không như nếp sống ở những vùng quê, khi một nhà có hữu sự, thì bà con hàng xóm liền kéo đến thăm hỏi, giúp đỡ. Vì vậy, ở chính những nơi văn minh, hiện đại, mỗi khi gặp chuyện đau buồn, con người ta chỉ biết ôm giữ một mình mà không thể tìm một ai biết lắng nghe, chia sẻ. Để rồi từ đó dẫn đến bao kết cục thương tâm, đáng tiếc.

Bởi vậy, lắng nghe cho đời bớt khổ là một nghĩa cử thiêng liêng. Đó cũng là biểu hiện của tình thương và sự thấu hiểu sâu sắc. Có một vị Bồ-tát luôn lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài chúng sanh, đó là Ngài Quán Thế Âm. Ngài đã thị hiện, hóa thân vào từng thân phận để lắng nghe, thấu hiểu, làm vơi đi bao khổ sầu của muôn loại. Là người con Phật, chúng ta hãy học theo hạnh lắng nghe của Ngài, nghe không phân biệt, thành kiến, nghe bằng trái tim hiểu biết và thương yêu để cuộc đời này ngày một tốt đẹp hơn.

Tâm Biện
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này