Lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về di tích - Phật Giáo Việt Nam
00:25 +07 Thứ tư, 01/05/2024

Lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về di tích

Thứ hai - 01/10/2012 22:34
(HDPT) - Trao đổi với báo giới, họa sỹ Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, vụ chùa Trăm Gian đặt ra vấn đề về trùng tu di sản ở Việt Nam.
 

Sai phạm trong quá trình tu bổ chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gần 1.000 năm tuổi trở về 0 tuổi hay việc đình cổ Ngu Nhuế - một di tích cấp quốc gia bị san phẳng tại tỉnh Hưng Yên mới đây thực sự gây chấn động trong ngành Văn hóa và Di sản cũng như những người yêu, trân trọng các công trình lịch sử văn hóa của dân tộc. Điều khiến người ta lo lắng là, Việt Nam đang thiếu hành lang pháp lý cho công tác trùng tu di tích, nhất là vấn đề quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương.

 

Trước sự việc chùa Trăm Gian đã phá cũ, làm mới và bị xâm phạm các hạng mục: Ống muống, nhà Tổ, gác khánh, bậc tam cấp… hay như ngôi đình cổ Ngu Nhuế - một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - đã bị xây mới trên nền ngôi đình cổ, nhiều chi tiết tinh xảo làm nên giá trị đặc biệt của di tích kiến trúc lịch sử quốc gia này (mảng chạm, đầu kê, đòn bẩy được chạm lộng tinh xảo…) sau khi hạ giải, cái mất, cái còn cũng không nguyên vẹn… nhiều nhà sử học không lấy làm ngạc nhiên. Bởi họ cho rằng, hiện có rất nhiều di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng mà chưa bị nhắc tới. 

Trước đây, ông cha ta không có luật về di sản, nhưng lại rất tôn trọng các công trình lịch sử văn hóa. Còn chúng ta, dù đã có Luật Di sản Văn hóa từ năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nhưng công tác quản lý Nhà nước về trùng tu di tích lại đang có nhiều lỗ hổng. 
 
“Chúng ta thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đảm nhận công tác trùng tu và thợ thủ công tay nghề giỏi. Trong khi đó, hàng năm Nhà nước vẫn phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng bảo tồn các di sản văn hóa. Chưa kể, đã có hàng trăm tiến sỹ làm luận án về các ngôi chùa, tại sao họ lại không làm luôn công tác trùng tu di sản” - họa sỹ Phan Cẩm Thượng.
Trao đổi với báo giới, họa sỹ Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, vụ chùa Trăm Gian đặt ra vấn đề về trùng tu di sản ở Việt Nam. Bởi, khi nhắc đến trùng tu, có nghĩa là chúng ta cứ tháo ra, lắp ghép và thậm chí làm mới. Trong khi đó, các nước trên thế giới, họ tôn trọng và giữ nguyên hiện trạng di sản. Bởi đã là hiện vật, di tích lịch sử, dù xấu, dù đẹp, thích hay không thích thì cũng phải giữ nguyên. Nó là minh chứng sống cho một thời đại, một giai đoạn lịch sử. 

Chưa kể, lỗ hổng về quản lý Nhà nước ở đây. Là một di tích cấp quốc gia như chùa Trăm Gian, nhưng trực tiếp giao cho địa phương quản lý toàn bộ từ trông coi, tín ngưỡng đến cả công tác bảo tồn. “Luật Di sản Văn hóa là hành lang pháp lý, nhưng các thủ tục hướng dẫn thực hành tu bổ, bảo quản lại dưới luật và chúng ta cũng đang thiếu. Với các quốc gia trên thế giới, vấn đề quản lý di tích được phân định rạch ròi. Nếu đó là di tích mang tính quốc gia, có cơ quan chuyên môn quản lý về di tích đó, địa phương chỉ quản lý về mặt tín ngưỡng và an ninh. Chúng ta đang bị lẫn lộn, tạo ra lỗ hổng về mặt quản lý nên khi sự việc xảy ra như ở chùa Trăm Gian lỗi tập thể nên rất khó xử lý”, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nói. 

Mỗi ngôi chùa là nơi hoạt động tôn giáo có chủ quyền nhất định trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Tiếng nói của vị trụ trì có ảnh hưởng lớn đối với Phật tử và người dân địa phương. Trong lịch sử, làng, xã đóng góp tiền của để xây dựng chùa. Còn, về mặt quản lý Nhà nước thì làng, xã lại phụ thuộc vào hệ thống hành chính của huyện, tỉnh, bộ. Như vậy, muốn sửa chữa, trùng tu phải xin giấy phép từ xã đến bộ. Nhiều ngôi chùa chờ được quyết định cho phép sửa chữa thì đã bị hư hỏng, trong khi đó nguồn vốn do xã hội hóa. 

Lâu nay, di tích (các ngôi chùa) do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) quản lý về mặt Nhà nước, còn vận hành lại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cho dù những nhà sư có hiểu biết về lịch sử, nghệ thuật trụ trì các ngôi chùa lớn thì chuyên môn về công tác bảo tồn lại là lĩnh vực khác. Vì vậy, khi các di tích đề xuất về mặt bảo tồn phải có sự tư vấn của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, lâu nay công tác này vẫn bị xem nhẹ và nhiều khi còn mang tính hình thức. 
 
Chùa Trăm gian mới được cải tạo (Nguồn ảnh: baothethaovietnam.com.vn)

Do đó, Bộ VH-TT&DL, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan tham mưu cần sớm đề xuất các đường lối, chính sách cho công tác tôn giáo và bảo tồn để giải quyết tận gốc của vấn đề. Bởi, công tác trùng tu, bảo quản di tích ở Việt Nam là rất cần thiết. Hiện, nhiều công trình chủ yếu được làm bằng các chất liệu gỗ, gạch nên đã xuống cấp hư hỏng, mục nát. 

Thực tế đã chứng minh, hiện ở Việt Nam có nhiều di tích lịch sử văn hóa trùng tu thành công nhờ yếu tố nước ngoài. Trong đó phải kể đến phố cổ Hội An. Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản đã giúp người dân địa phương xây dựng được bộ chuẩn mực. Theo đó, khi muốn sữa chữa nhà cổ, đòi hỏi phải lập dự án và đưa ra các đề xuất phù hơp với các quy định được chuyên gia tư vấn đồng ý mới triển khai. Đây cũng là bài học cho Việt Nam trong công tác quản lý, trùng tu di tích. 

Trong công tác quản lý Nhà nước, đôi khi có thể chấp nhận những việc đã rồi, bởi đã làm thì có đúng, có sai. Nhưng, chắc chắn không thể chấp nhận việc làm sai trong công tác trùng tu di tích, bởi sai là mất, là không thể lấy lại được. Một viên ngói, một vì kèo, một họa tiết hoa văn, dù to hay nhỏ, nhưng đó là lịch sử, là những gì thế hệ đi sau phải có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn. 

Những gì đã xảy ra với chùa Trăm Gian và một số công trình trùng tu khác đã và đang bị phá đi xây mới, chỉ có thể nói đó là sự cẩu thả, vô trách nhiệm đối với quá khứ, hiện tại và cả tương lai. 

Sớm nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ di sản trước những xâm hại không đáng có, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng nghị định, thông tư về tu bổ di tích. Dự kiến, 2 văn bản này sẽ được ban hành trong năm 2012. 

Trong năm 2013, Bộ VH-TT&DL sẽ ban hành chứng chỉ hành nghề, định mức về lập dự án, lập quy hoạch thiết kế thi công, bảo quản, tu bổ phục hồi di tích. 

Đặc biệt, ngày 5/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 với tổng kinh phí đầu tư 7.399 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tiến hành hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cần thiết cho 1.200 - 1.500 di tích quốc gia… 

(Theo Thanh Tra)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này