Mục đích của cuộc đời - Phật Giáo Việt Nam
18:06 +07 Thứ bảy, 27/04/2024

Mục đích của cuộc đời

Thứ bảy - 14/04/2012 21:03
Mục đích của cuộc đời

Mục đích của cuộc đời

(HDPT) - Có một chàng thanh niên mang trong lòng rất nhiều dự định, đặt cho mình rất nhiều mục tiêu mà theo anh là cần phải thực hiện. Anh lập quyết tâm thật cao để thực hiện những mục tiêu đó. Tuy nhiên, dù cố gắng rất nhiều nhưng anh chẳng hoàn thành được mấy việc. Dần dần, anh cảm thấy mệt mỏi và uể oải.
 
 
Hôm nọ, do yêu cầu của công việc, anh thanh niên lên đường giữa buổi trưa trời nắng chang chang. Chỉ đi một lúc anh đã mệt nhoài, chân chẳng muốn bước. Thấy từ xa có một cây cổ thụ tán rộng, cành lá sum suê anh mừng lắm, cố lê chân tới gốc cây rồi ngồi nghỉ. 
Đang nhăn nhó quệt những giọt mồ hôi chảy đầy trên mặt, anh thấy một nhà sư khất thực tiến tới. Nhà sư cũng dừng lại bên gốc cây, ngồi xuống nghỉ ngơi. Trên mặt nhà sư mồ hôi cũng chảy ròng ròng, nhưng không hề thấy ông nhăn nhó, cũng chẳng thấy ông ta đưa tay lên quệt mồ hôi.

Quan sát nhà sư, người thanh niên chỉ thấy sắc mặt ông yên bình, thanh thản đến lạ, hình như những nóng bức ghê người kia không hề làm ông khó chịu chút nào.

Thấy nhà sư có vẻ thoát tục lạ thường, anh thanh niên kính trọng lắm, mở lời:

- Thưa thầy, con trông thầy thật lạ, dường như thầy đã đắc đạo, giải thoát được khỏi những đau khổ bình thường của thế gian vậy.

Nhà sư nhìn chàng trai nói:

- Không phải bần tăng đã đắc đạo, mà bần tăng đã bỏ được đạo.

- Bỏ đạo? - Người thanh niên sửng sốt.

- Đúng vậy! Một con thuyền chở thí chủ qua dòng sông lớn, qua sông rồi, thí chủ nên bỏ con thuyền mà đi tiếp hay nên vác con thuyền theo mình để tỏ lòng biết ơn?

- Dạ, tất nhiên con phải bỏ thuyền.

- Đạo cũng giống như con thuyền kia vậy. Là công cụ đưa ta đi tìm chân lý. Thấy được chân lý rồi thì phải bỏ hết công cụ đi.

Người thanh niên thấy lời nhà sư có vẻ như không đúng, tuy nhiên anh chưa biết phản bác thế nào.

 Nhìn vẻ mặt của người thanh niên, nhà sư hiểu ý, ông nói:

- Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói: “Ta không cần mọi người tán dương ta, mà chỉ muốn mọi người thực hành giáo pháp của ta”. Lòng từ bi của đức Phật bao la, Ngài đâu cần chúng sinh ghi nhớ công ơn của Ngài, mà chỉ mong chúng sinh thực hành giáo pháp tự vượt qua cái khổ của đời người. Giáo pháp của nhà Phật vốn đều quy về một chữ không. Không ác, không thiện, không ma, không Phật.

Anh thanh niên giật bắn người:

- Thầy bảo sao!

Rồi anh lẩm bẩm từng lời mà nhà sư vừa nói:

- Không ác, không thiện, không ma, không Phật!

Thấy thái độ của chàng thanh niên như vậy, nhà sư hỏi:

- Theo thí chủ, ác là gì ?

Bị hỏi bất ngờ, anh thanh niên hơi lúng túng, ấp úng nói:

- Theo con... theo con... ác là làm những việc trái với đạo lý như đánh, giết người … ừm... ừm... nói chung theo con ác là làm hại người khác để lợi mình, hoặc để cho mình được vui thích.

- Ác không chỉ có vậy, nhưng thí chủ hiểu như vậy cũng không sai, vậy theo thí chủ, nguyên nhân tội ác từ đâu ra?

- Dạ con không biết ạ!

- Ác do tham, sân, si mà ra. Tất cả vốn tự tâm mình cả, nếu tâm không thì không có ác! Bây giờ thí chủ có thể cho bần tăng biết, thiện là gì không?

- Theo con, thiện là lòng tốt của con người, làm thiện là làm việc tốt cho người khác, đôi khi có thể vì người khác mà quên đi bản thân mình.

- Thiện cũng không chỉ là vậy, tuy nhiên nghĩ như vậy cũng đúng. Theo thí chủ thiện từ đâu sinh ra?

- Như giải thích của thầy khi nãy, thì thiện cũng do tâm sinh chăng?

- Đúng vậy, thiện cũng từ tâm ra. Chúng ta nhìn vào ác để thấy thiện, nhìn vào thiện để thấy ác. Tự nhiên vốn không có ác, không có thiện. Ma và Phật cũng vậy. Tất cả đều do tâm động mà sinh. Để dễ hiểu hơn, ta hỏi thí chủ một câu: “Khi cầm một vật lên, dù vật đó to hay nhỏ, thí chủ sẽ nặng người thêm hay nhẹ đi ?”

- Dù vật đó như thế nào thì người con cũng sẽ nặng thêm.

- Tâm con người cũng vậy, càng động thêm càng tăng phiền não. Vì vậy con người không nên mang gánh nặng quàng vào mình, mà nên học cách bỏ đi mới là sáng suốt.

Nói xong nhà sư kết luận:

- Chúng sinh thường mong muốn cao xa, tự gây khổ cho mình. Đâu biết “tánh tự nhiên vốn tự thanh tịnh, tánh tự nhiên vốn chẳng sinh diệt, tánh tự nhiên vốn nó đầy đủ, tánh tự nhiên vốn không lay động, tánh tự nhiên thường sinh muôn pháp”.

Giáo lý của nhà Phật phải từ từ mới hiểu, lại từng bước mà lên, không thể một sớm một chiều là thông. Bần tăng và thí chủ đã có duyên mà cùng luận bàn câu chuyện, bây giờ cũng là lúc bần tăng phải đi. Mong thí chủ suy ngẫm đôi điều, biết đâu sẽ được lợi ích gì chăng?

Nói rồi nhà sư từ biệt ra đi, bỏ lại sau lưng người thanh niên vẫn còn đang thẫn thờ với câu hỏi lớn trong đầu: “Mục đích chân thực của đời người, rốt cuộc là tìm kiếm hay bỏ đi đây?”.
 

* Chỗ tôi mở ngoặc kép, viết nghiêng là lời của lục tổ Huệ Năng. Tôi viết là nên bỏ đi mới sáng suốt, nhưng khi đã hiểu ra thì bỏ đi có nghĩa là nhận lại bao la vô cùng. Các bạn thử tưởng tượng một căn phòng chứa rất nhiều đồ đạc to và vướng, ánh sáng của đèn điện không chiếu được khắp mọi nơi, khi chúng ta bỏ hết đồ đi thì khắp phòng chỉ toàn là ánh sáng. Bỏ ở đây là bỏ gánh nặng, u mê và phiền muộn, để trí tuệ tỏa sáng. Chúng ta cần có cái thang để leo lên mắc bóng điện, nhưng mắc xong rồi mà ta không bỏ thang đi thì cái thang sẽ là vật cản trở, gây vướng víu. Truyện này người hiểu được thì cực dễ, còn đã không hiểu thì cực khó. Có lẽ truyện chỉ dành cho người có duyên! 

 
(Chùa Hoằng Pháp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: rất nhiều

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này