NS Lê Minh Sơn: Sẽ còn nhiều ngôi chùa bị phá… - Phật Giáo Việt Nam
18:16 +07 Thứ ba, 14/05/2024

NS Lê Minh Sơn: Sẽ còn nhiều ngôi chùa bị phá…

Thứ năm - 27/09/2012 08:09
(HDPT) - Nhà tôi cách chùa Trăm Gian 4 km. Ngày bé, tôi đã cùng bà đi bộ vào chùa vào những ngày lễ, với vài lá trầu, quả cau trong vườn mang vào thắp hương...
 








 


Nhạc sỹ Lê Minh Sơn cho rằng, vấn nạn chùa chiền còn nhiều thứ đáng lên án và nguy hiểm hơn nhiều so với việc một ngôi chùa bị đập đi xây mới. Ảnh: TL

Chùa Trăm Gian bị xây mới trở thành sự kiện nghiêm trọng. Tôi đau xót vì một nền văn hóa bị phá bỏ và xót xa khi thấy lãnh đạo ngành văn hóa, các giáo sư, độc giả cùng lên tiếng lên án hành động phá chùa cũ xây chùa mới ở chùa Trăm Gian. Đáng buồn là lắm khi, số đông phán xét rất nhiều người nhưng chẳng hiểu gì về văn hóa cả.

Nhà tôi cách chùa Trăm Gian 4 km. Ngày bé, tôi đã cùng bà đi bộ vào chùa vào những ngày lễ, với vài lá trầu, quả cau trong vườn mang vào thắp hương... Sau này đi học, vào những ngày nghỉ, tôi vẫn thường đưa đám bạn của tôi về nhà chơi và không quên ghé vào ngôi chùa như một niềm tự hào của quê mình.

Ai dạy họ thế nào là đẹp?

Nhưng bây giờ, ngôi chùa đó đang bị phá đi để xây mới. Với quan niệm của tôi, không ai có lỗi cả. Bởi vì nhìn rộng ra, hãy thử hỏi những người phán xét hành động phá chùa xây mới, họ quan niệm thế nào về cái đẹp. Họ không thể bắt cái người nghĩ rằng sơn son thiếp vàng mới là đẹp.

Họ không thể bắt những người nhìn mọi thứ mới tinh mới là đẹp. Ai dạy họ? Thế nào là đẹp, họ không biết. Chùa, nhà thờ, Tháp Rùa.. những cái có từ mấy trăm năm, cái đẹp của nó nằm ở đâu? Chính là màu thời gian. Tại sao ở nhà quê, đất rộng như thế nhưng họ vẫn làm nhà ống? Ai dạy họ? Chúng ta không thể trách họ được.

Có người, cứ phải là quần áo mới mới là đẹp. Xe cộ phải bóng lộn lên mới đẹp, nhưng có người lại thích xe cổ. Tại sao phim ảnh Việt Nam và nhiều thứ khác nữa, không bao giờ ra được đến thế giới? Không phải do công nghệ đâu, vì thậm chí máy móc của Hollywood có như thế nào, họ đều có cả. Vấn đề là do con người, do góc nhìn.

Một nền văn hóa bị phá bỏ

Một ngôi chùa cực kỳ nổi tiếng của Việt Nam là Chùa Thiên Mụ người ta cũng bỏ cái cũ để làm mới. Cách đây khoảng 10 năm tôi vào thấy sơn son thiếp vàng đỏ rực mà thất vọng, nhưng nói ai nghe?

Rồi những thảm cảnh khác như người ta sơn lại Tháp Rùa của Hà Nội vì cho rằng như thế mới là đẹp mà không ý thức rằng, những công trình về văn hóa, tâm linh, nó đẹp không phải ở sự nguy nga tráng lệ mà chính là ở cái màu thời gian. Buổi tối bây giờ tôi không dám bước chân ra đường vì tôi thấy nó khiếp quá.

Bạn cứ đến bất cứ chỗ nào mà xem, ngay cả khu vực là trái tim của Thủ đô - Hồ Gươm đấy, lòe loẹt thứ ánh sáng xanh đỏ tím, vàng...Với người ta như thế là đẹp, thế thì việc đập đi một ngôi chùa cũ để xây mới là chuyện “bình thường”.

Từ hiện tượng chùa Trăm Gian, nhìn sang lĩnh vực âm nhạc cũng thế thôi. Bỗng dưng người ta cho rằng, hát những cái của mình là “cũ” rồi, phải hát nhạc Tây cho lạ tai. Làm sao người Việt có thể hát được thứ nhạc của người Mỹ đen khi mà về tâm lý, sinh lý và văn hóa của họ khác với mình.

Tôi rất lấy làm buồn là các chương trình về âm nhạc trên sóng truyền hình hiện nay đang mất đi sự định hướng nghe nhìn cho công chúng. Không định hướng được đã đành lại còn mở đường cho họ chạy theo những thị hiếu tầm thường.

Âm nhạc đầy rẫy những thứ ăn cắp, họ lấy những phần tiết tấu, hòa thanh của người khác rồi thêm vào đó những “anh yêu em, xót xa, tha thiết, ngọt ngào, đắm say”. Thế là thành ca khúc hit. Dễ quá. Không nên trách công chúng mà lỗi thuộc về những con buôn nghệ thuật, biến văn hóa thành thứ nghệ thuật giải trí bông phèng và chính những cái đó đang làm suy đồi văn hóa của đất nước mà họ không hưởng ngay đâu, con cái họ sẽ hưởng.

Điều tôi dị ứng với truyền thông là họ hay bị cuốn theo lợi nhuận, câu view. Từ một tay sát thủ Lê Văn Luyện, bỗng nhiên hắn được thông tin như một “hotboy”. Hắn ăn uống như thế nào, làm gì trong tù... vẫn được ra rả trên báo chí.

Với giới trẻ, nhiều người coi như thế là nổi tiếng, bằng chứng là nhiều comment ký tên là “Lê Văn Luyện”, nói từ “vãi Luyện” hàng ngày. Đó là một điều đau xót chứ.

“Vấn nạn chùa chiền còn nhiều thứ đáng lên án và nguy hiểm hơn nhiều so với việc một ngôi chùa bị đập đi xây mới, vì nó diễn ra phổ biến, đến mức trở thành bình thường. Đến chùa bây giờ, có cái gì ngoài chen lấn xô đẩy, xúc xích, kẹo kéo, bóng bay, cờ bạc, móc túi... nó lem nhem một cách khủng khiếp. Giá như ngành văn hóa cũng vào cuộc, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra những hiện tượng này giống như cái cách mà họ làm với sự cố chùa Trăm Gian... “, Lê Minh Sơn nói.

Theo Thanh Hà
Gia đình & Xã hội

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này