Sự kì lạ của tượng Phật trong đại thảm họa - Phật Giáo Việt Nam
07:01 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Sự kì lạ của tượng Phật trong đại thảm họa

Thứ ba - 11/09/2012 09:19
(HDPT) - Cho đến hôm nay, các nhà khoa học, điêu khắc và cả các chuyên gia kết cấu xây dựng đều không thể lí giải được một điều: Tại sao các bức tượng Phật đứng vững trong các thảm hoạ cực kỳ thảm khốc? Câu trả lời vẫn chưa có hồi kết khi chuỗi chuyện lạ về các bức tượng ngày càng nhiều…
 


Đảo quốc Sri Lanka từng là trung tâm tôn giáo và văn hoá Phật giáo thời cổ. Với sự đa dạng tín ngưỡng của người dân theo giáo, và các tôn giáo thổ dân khác. Tuy nhiên, những người theo đạo Phật chiếm tới 70% so với các đạo khác, nên dọc miền Nam nước này, người dân đa số theo đạo Phật.
Ngày 26/12/2004, đảo quốc Sri Lanka hứng chịu chung thảm hoạ sóng thần tại châu Á. Cơn giận dữ của đại dương đổ bộ thẳng vào miền Nam nước này, với sức mạnh khủng khiếp, nó tàn phá mọi công trình có trên đất liền khi đi qua, giết chết hơn 31.000 người, hàng chục nghìn người bị thương, mất tích cùng hàng triệu người phải sơ tán bởi sức huỷ diệt thảm khốc. Những ngọn sóng thần cao hơn 15 mét nối tiếp từng đợt, từng đợt dồn dập đập vào đất liền. Với sức mạnh từ sâu ngoài đại dương, cộng với hàng loạt xác ô tô và hàng tỉ đồ vật khác… khiến các con sóng càng thêm sức mạnh, mớ hỗn độn này quét đến đâu thì không còn một công trình nào trụ vững. Nhà cửa bị phá hỏng hoàn toàn, kể cả những ngôi nhà bê tông chắc chắn nhất. Miền nam Sri Lanka bỗng chốc trở thành nơi hoang tàn và đau thương nhất.
Khi cơn giận dữ của đại hồng thuỷ đi qua, bên cạnh lực lượng tìm kiếm, các phóng viên ảnh vào cuộc để đưa tin. Nhiếp ảnh gia Raveendran sau khi xem lại những bức hình mình đã chụp, ông giật mình khi nhận ra sự trùng lặp kỳ lạ: Tất cả các bức tượng Phật đều không việc gì trong cơn đại hoạ. Trong khi đó, ngổn ngang xung quanh tượng là sự đổ nát khốc liệt, hàng loạt bức tường bê tông đổ sập xuống, hay tất cả đồ vật khác bị cuốn đi theo nhiều đợt sóng dữ. Chưa kể, có những bức tượng Phật với bốn pho tượng khác ngồi hai bên cũng không xê dịch hay bị hư hại nghiêm trọng gì.
Khi công bố những bức ảnh của mình, nhiều người dân bị nạn ở khu vực có tượng khác cũng xác định nhận rằng, không có một bức tượng Phật nào bị phá vỡ, nứt hay trôi mất trong sức tấn công mãnh liệt của thiên nhiên. Điển hình là một trường học bị phá huỷ hoàn toàn nhưng bức tượng Phật tại trường vẫn “bất định” nguyên vị trí.
Sự trùng hợp đến ngạc nhiên này thật khó lí giải, bản thân nhiếp ảnh gia Raveendran đã đi hỏi những người dân ở đó xem họ có dựng lại hay không. Họ trả lời rằng: trong cơn đại hoạ, việc cứu người và tìm xác người thân là công việc ưu tiên hàng đầu nên không thể có tâm trí nào để dựng lại được, mà để dựng lại phải mất khá nhiều công sức. Trong khi đó, ông Sumana, một tu sĩ Phật giáo đã trả lời phỏng vấn với hãng AP rằng: “Nhiều người sống vẫn chưa tốt theo đạo đức tôn giáo nên thiên nhiên đã giáng xuống một hình phạt, người dân (Sri Lanka) đã nhận được một bài học đáng để học của mình”. Còn một người dân khác có tên là Harsha đã nhận xét: “Chúng tôi không nghĩ chỉ là một thảm hoạ, rất có thể các vị thần muốn cảnh báo chúng ta cần phải cải thiện mọi hành vi của mình. Và người dân chúng tôi đã trở nên tốt hơn kể từ khi thảm hoạ ập đến”.
Tứ Xuyên, 2008
Ngày 12/5/2008, một trận động đất khủng khiếp tại vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc) xảy ra với cường độ đo được là 7,9 độ Richter. Thị trấn Ánh Tú bị xoá sổ hoàn toàn dưới đống đổ nát của đất đá, thị trấn này có 10 nghìn dần thì hơn 7.700 người bị thiệt mạng và đa phần nhà cửa bị san phẳng. Có thể nói, vụ động đất tại Tứ Xuyên này được xem là một trong những vụ động đất đau buồn nhất trong lịch sử nhân loại. Trên 60 nghìn người thiệt mạng, 80 nghìn dân phải sơ tán, 5 triệu người mất nhà cửa và hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp… Đây là trận động đất mạnh và thảm khốc nhất xảy ra tại Trung Quốc, dư chấn của nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.
Nhưng thật kỳ lạ, bức tượng Phật nổi tiếng Lạc Sơn Đại Phật toạ lạc ngay tại tỉnh Tứ Xuyên này lại không mảy may việc gì. Đây là một điều lạ lùng nhất trong số những điều lạ lùng tại Tứ Xuyên trong cơn thảm hoạ. Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật cao tận 71 mét, ngồi dựa vào núi và nhìn ra sông. Về cơ bản, đây là một trong những địa hình có cấu tạo dễ bị ảnh hưởng nhất nếu có động đất. Chưa kể đến hai bên vách núi của tượng vát lên theo hình thang, nghĩa là rất dễ bị sụp đổ bên dưới do bị khoét rộng vào. Các nhà kiến trúc hoàn toàn lo ngại khi thấy hàng trăm tấn đá nhô ra và chông chênh bên vách dựng đứng không có một cột trụ nào đỡ.
Chen Bo, một quan chức chịu trách nhiệm về khu vực này cho biết, trong thời gian liên tiếp xảy ra các đợt dư chấn, bản thân ông cũng thấy đất dưới chân rung chuyển lên từng hồi. Nhưng khi quan sát bức tượng từ xa có thể bị ảnh hưởng, xấu hơn cả là các tảng đá có thể làm hại khách du lịch dưới chân núi, ông ngạc nhiên khi không thấy một sự tác động nào do động đất. Các cây lớn vẫn bình yên trên núi không chút lay động, không một cành khô hay viên đá nào từ núi rơi xuống.
Tượng Phật Lạc Sơn Đại Phật nà được xây dựng từ năm 713, do hoà thượng Hải Thông chỉ huy. Vì nơi đây là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn chảy qua, nên mong muốn của ông rằng, Phật có thể làm cho nước sông êm đềm hơn để tàu thuyền có thể đi lại dễ dàng trên sông. Theo truyền thuyết, nhiều nhà hảo tâm thời đó bắt đầu ái ngại sau bao năm đóng góp, lập tức Hoà thượng Hải Thông đã tự khoét mắt mình để chứng tỏ lòng mộ đạo và ngay thẳng. Sau 9 năm xây dựng gian khổ, cuối cùng bức tượng đã hoàn thành và được xem là bức tượng Phật cao nhất thế giới thời đó. Điều mong ước của hoà thượng cũng thành sự thật. Tại nơi nhiều sóng dữ nhất của đoạn hợp lưu này đã trở nên êm đềm hơn, thuyền bè đi lại thuận tiện. Mãi sau này, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng, khi tạc tượng, chính những tảng đá thừa đã được bỏ xuống vô tình lấp các hố ngầm sâu dưới lòng sông khiến dòng chảy bị biến đổi và trở nên êm đềm hơn.
Nhật Bản, 2011
Chiều ngày 11/3/2011, một trận động đất 8,9 độ Richter ở độ sâu 10km ngoài khơi Nhật Bản đã tạo nên một xoáy nước khổng lồ và tạo thành một cơn sóng thần ập vào đất liền. Đây là trận động đất lớn nhất trong vòng 140 năm qua tại Nhật Bản, với 1.600 người thiệt mạng và hơn 10.000 người mất tích khiến người Nhật buộc phải an táng các đồng bào xấu số trong những ngôi mộ tập thể. Điều đáng nói là trận động đất này đã tạo ra một kỳ tích, dịch chuyển hòn đảo lớn nhất Nhật Bản tới 2,4 mét và “nâng” Trái Đất lên 10cm trên trục của nó. Vỏ Trái Đất bị “nứt” dọc một vệt dài tới 400km và rộng 160km, với 160 dư chấn liên tiếp.
Ngoài việc bị động đất dữ dội, các tỉnh dọc bờ biển Đông Bắc Nhật Bản còn hứng chịu thêm một tai hoạ nữa là sóng thần. Cơn đại hồng thuỷ này đã tiến sâu vào đất liền gần 10km, xoá sổ nhiều làng mạc và nhiều công trình, nhà cửa. Tại ngôi làng Ryolshi, người dân còn cẩn thận xây dựng một bức tường dài theo dọc bờ biển. Bức tường bê tông sắt thép kiên cố này cao tới 10 mét, được xem là lá chắn tốt nhất để tránh cho dân làng không bị thiệt hại. Tuy nhiên sức mạnh của cơn sóng thần ngày 11/3 đã quật đổ bức tường kiên cố này trong phút chốc. Cao tới 14 mét nên cơn đại hồng thuỷ này đi đến đâu là mang lại những thảm hoạ kinh hoàng đến đấy.
Cũng như các phóng viên ảnh khác, một mình Toru Yamanaka bất chấp mọi gian khổ, phóng xạ… tiến thẳng vào những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có lẽ, một trong những hình ảnh khó quên nhất đối với anh tại Natori, quận Miyagi là bức tượng Phật vẫn đứng vững sau cơn sóng thần. Hôm đó là ngày 14/3/2011, Toru Yamanaka đi dọc theo đống đổ nát tan hoang ven bờ biển. Anh như đứng chôn chân tại chỗ khi nhìn thấy chỉ duy nhất một vật còn đứng, đó là bức tượng Phật. Bên cạnh đó là ngổn ngang hàng trăm cột bê tông, cọc sắt, mái nhà bị sóng cuốn đến, nhưng hình như có một khoảng cách vô hình nào đó khi mà đống đổ nát này đều “tránh” bức tượng. Tất cả đều tạo thành một vành đai hình tròn xung quanh dưới chân tượng Phật, một khoảng cách “an toàn” rất khó lí giải với Toru Yamanaka khi anh đi vòng quanh để chụp ảnh.
Bức tượng Phật đứng vững sau cả cơn động đất 8,9 độ Richter đã là một điều khó, nhưng khó hiểu hơn cả là nó không hề có dấu hiệu di chuyển trong “lòng” cơn sóng thần cao tới 14 mét, trong khi đó hàng trăm tấn bê tông đề bị cuốn đi một cách dễ dàng. Toru Yamanaka không khỏi thắc mắc về sự kì lạ này trong đầu anh, mặc dù anh quan sát rất kỹ để tìm một sự dịch chuyển nhỏ nào phía dưới phần đế tượng. Đến khi công bố bức ảnh của mình trên mạng, anh phát hiện ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các bức tượng Phật tại đất nước Sri Lanka xa xôi đều không bị việc gì sau cơn sóng thần cách đó 7 năm.
Cho đến hôm nay, Toru Yamanaka vẫn đang tiếp tục tìm lời giải cho các thắc mắc của mình bằng những luận cứ khoa học nhất…
Theo Minh Sơn
Nguồn: Báo Văn nghệ trẻ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này