Sự xuất hiện của những quả lê Phật Quán Âm: Nên mừng hay lo? - Phật Giáo Việt Nam
07:50 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Sự xuất hiện của những quả lê Phật Quán Âm: Nên mừng hay lo?

Thứ bảy - 08/09/2012 18:18
(HDPT) - Một nông dân ở Trung Quốc kỳ công nghiên cứu để cho ra đời những trái lê có hình tướng Phật Quán Âm và hình chú tiểu ngồi chắp tay búp sen không chỉ thu hút sự tò mò mà còn cả những băn khoăn của rất nhiều người.
 

Theo báo Kiến Thức, anh Hao Xianzhang, đang sống tại ngôi làng Hexia ở Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đã mất 6 năm nghiên cứu và thử nghiệm để tạo thành công những trái lê có hình người và tượng Phật.

Để có được những quả lê mang hình dạng như mong muốn, anh Hao cho những trái lê từ nhỏ phát triển trong những chiếc khuôn nhựa.

Trong mùa thu hoạch năm nay, anh Hao đã tạo ra được 10.000 trái lê có hình dạng Phật Quán Âm và hình chú tiểu ngồi chắp tay búp sen. Anh cũng dự định sẽ xuất khẩu chúng sang châu Âu.

Mặc dù mỗi trái lê này có giá khoảng 5 bảng Anh (tương đương 160.000đ), nhưng người dân địa phương rất hứng thú mua chúng vì "mọi người nghĩ rằng chúng rất đáng yêu hoặc có thể mang lại may mắn nên họ sẵn sàng mua ngay sau khi được hái khỏi cây".

Phương pháp tạo dáng độc đáo cho nhưng trái lê bằng khuôn nhựa

Trao đổi với Chùa Phúc Lâm online về sự xuất hiện của những quả lê đặc biệt này là nên vui mừng hay là đáng quan ngại, đạo hữu Đào Văn Bình, hiện sống tại California, Hoa Kỳ chia sẻ: "Vì không được nhìn tận mắt trái lê cho nên tôi không biết là chúng có thật không. Nếu là thật thì cũng là điều đáng mừng vì hình ảnh, tên tuổi của Phật đã trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới mà khoảng 10 năm trước đây không thấy."

Còn cư sĩ Minh Mẫn, cư trú tại Sài Gòn thì có cái nhìn thực tế hơn khi ông cho rằng con người có óc thương mãi thường hay tìm mọi cách chạy theo thị hiếu độc đáo, khác lạ. Ý tưởng độc đáo thể hiện trí sáng tạo luôn đi kèm mục đích lợi nhuận chứ không thuần túy văn hóa. Hoa quả những năm qua thường tạo dáng theo ý tưởng nhà vườn, ví dụ dưa hấu hình vuông...

"Dân Trung quốc có xu hướng niềm tin Phật giáo mạnh. Ngày nay đạo Phật tại các nước châu Á cũng rất phát triển. Vì thế, nhà vườn nảy sinh ý tưởng nhại hình ảnh của Phật giáo để câu khách," cư sĩ Minh Mẫn chỉ rõ nhân duyên ra đời của những quả lê mang hình dáng Phật bà.

Những quả lê có hình dáng Phật bà và chú tiểu

ngồi chắp tay búp sen không chỉ thu hút sự tò mò mà còn cả những băn khoăn của rất nhiều người.

Khi được hỏi liệu quả lê có hình dáng Phật Quán Âm, biểu tượng của Từ bi và Trí tuệ, có thể dùng dao gọt, bổ, ăn được không, cư sĩ Minh Mẫn phân vân chia sẻ: "Quả lê là trái cây ăn được, nhưng hình ảnh như thế, người thâm tín Phật chất sẽ ngần ngại khi phải ăn."

Đạo hữu Đào Văn Bình thì lại cho rằng vấn đề này "rất khó nói". Đạo hữu Bình còn băn khoăn xa hơn nữa, rằng "mua trái lê này chỉ để cúng rồi khi hư thì vất đi và có nên vứt chúng vào thùng rác không? Thật nhức đầu! Thế giới càng tiến bộ lại càng đẻ thêm phiền não, rắc rối."

Một vấn đề khác mà có lẽ người tạo ra những ra quả lê có hình dáng "độc", "lạ" ấy cũng không nghĩ đến. Khi được xuất qua các nước có tín đồ theo Phật giáo là thiểu số, người dân những nước này có thể ăn, thậm chí giẫm đạp lên những quả lê có hình tượng tôn giáo này. Liệu hành động ấy có thể bị coi là đã làm thương tổn và xúc phạm đến niềm tin đạo Phật hay không?

Cư sĩ Minh Mẫn nhận định: "Khi giẫm lên quả lê cũng như giẫm lên các hình Phật trên giấy nhãn thẻ nhang, người có lòng tôn kính sẽ cảm thấy áy náy, kẻ vô tâm coi như không có gì phải ngại.

"Người tin Phật không nên tạo thêm hình ảnh tôn kính có thể bị chà đạp dễ dàng. Nghệ thuật đi kèm với ý thức thì sản phẩm có chỗ đứng và tồn tại. Ngược lại, nếu chỉ vì thị hiếu và lợi nhuận thì nhất định nó sẽ bị đào thải một khi quần chúng ý thức được việc nào cần phải làm, cần phải tránh. Và sản phẩm ấy chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài," - cư sĩ Minh Mẫn cảnh báo.

 

Quần Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này