Tôi đã sống như loài cỏ dại - Phật Giáo Việt Nam
17:05 +07 Thứ bảy, 27/04/2024

Tôi đã sống như loài cỏ dại

Thứ năm - 26/04/2012 08:55
Tôi đã sống như loài cỏ dại

Tôi đã sống như loài cỏ dại

(HDPT) - Tôi sống với bao nhiêu nỗi khốn khó, vì thế so với nhiều bạn bè cùng trang lứa, tôi nhận thấy mình già dặn hơn họ về cách nhìn cuộc đời. Tôi bi quan hơn nhưng cũng có sự lạc quan đáng ngạc nhiên không ai theo kịp.
 
 
Tạo hóa chỉ cho tôi có một người mẹ sinh học bởi bà sinh tôi ra trên đời và sau đó không bao giờ thèm biết tôi còn sống hay đã chết! Phải chăng điều đó khiến từ mẹ trở thành ký ức ám ảnh lớn nhất trong tôi, có lẽ vì thế tôi hay nhớ về bà. Nhìn những đứa trẻ khác có mẹ chăm sóc từng li từng tí, tôi cảm thấy lòng mình như thắt lại. Tôi đã nén lại tất cả những thứ gọi là tình thương của một đứa con đối với người mẹ và thay vào chỗ trống đó cho sự hờn giận cuộc đời.

 Cha tôi bị chứng bất lực bẩm sinh nhưng mẹ không biết nó có nghĩa là gì trước khi bà về sống với ông. Năm đó mẹ tôi được 17 tuổi. Năm năm sau thì mẹ mang thai sinh ra anh trai, và 6 năm sau nữa sinh ra tôi trên cõi đời này. Anh là con ông Gà xóm trên, còn tôi là con ông năm Thương xóm dưới. Chúng tôi lớn lên trong sự sự xoi mói của bà con, hàng xóm. Lúc tôi lên 4 tuổi, mẹ bỏ đi. Việc bà bỏ đi đã trở thành đề tài cho nhiều người bàn tán vì thời điểm đó bà là người đầu tiên trong làng dám làm chuyện động trời như thế. 

Bắt đầu từ năm lên 4, tôi đã phải sống tự  lập, bởi từ ngày bà bỏ đi ba tôi chỉ biết tới uống rượu và đập phá. Chí Phèo quậy một, cha quậy mười. Cha chửi từ năm này qua năm khác. Tôi là người nghe nhiều nhất bởi lúc đó chỉ có tôi và cha ở nhà. Tôi bị đem ra so sánh với mẹ, cha bảo tôi có khuôn mặt giống “con đĩ mẹ”. Tôi biết mình giống mẹ nên phải chịu sự sỉ vả của ông suốt cuộc đời này cũng đáng!

  Cha người gầy gò, nhỏ bé, khuôn mặt khắc khổ nhưng nước da sáng cũng bù đắp được phần nào cho cái ngoại hình khợm khọm ấy. Cha tôi rất khỏe chửi, ông cứ uống và cứ chửi. Ông chửi con đĩ mẹ tôi, chửi tôi, chửi anh tôi, chửi làng nước tôi, chửi hết, chửi ráo, chửi cho tới khi ông không còn sức để chửi nữa. Ông bệnh và phải xạ trị vì ung thư bao tử giai đoạn đầu. Cha không còn chửi rủa nữa, từ đấy tôi thấy ông có vẻ hiền, ung dung và điềm tĩnh hơn. Để đến được giai đoạn này cũng phải mất mười một năm, thế nhưng tôi thương cha nhất trên đời, bởi có ông giang rộng đôi tay đón nhận anh em tôi nên giờ này tôi mới có thể sống và viết về cuộc đời mình. Trời cũng thương cha và cho ông qua cơn nguy kịch đang trong giai đoạn hồi phục sức lực.

Anh hai đã sớm bươn chải với cuộc sống để nuôi lấy gia đình nên so với các bạn đồng lứa anh nhìn già dặn hơn họ nhiều. Tôi nhớ anh tôi phải xin từng lon gạo về nấu cháo cho cả nhà húp những lúc trong nhà hết cái ăn. Và cứ thế anh tha hương từ năm 15 tuổi cho đến nay. Cha tên Im nhưng ông thường là người nói nhiều nhất. Tôi tên Lạc. Lạc là sự lạc quan, yêu đời! Vì thế mà tôi đã sống tốt ở cuộc đời này chỉ bằng tinh thần thuộc về bản chất ấy chăng? 

 Anh hai nghỉ học sớm vì cuộc mưu sinh, còn tôi vẫn từng ngày vác cặp đến trường. Trường học là nơi duy nhất khiến tôi vui thật sự. Những tiết học văn, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi đã từng nghĩ mình thấu hiểu sâu sắc về văn học nên sẽ trở thành một nhà văn để viết lên những cảnh đời bất hạnh cần được an ủi và tình thương yêu của người đời. Tôi bắt đầu viết. Lúc bắt đầu rất khó khăn vì cứ mỗi lần cầm bút là tôi lại đẩy mạch cảm xúc đi lan man và chẳng đến được cái đích nào theo ý muốn của tôi! Điều khiến tôi buồn nhất đó là nhiều bạn bè trong lớp biết hoàn cảnh của tôi, thấy tôi có tinh thần cầu tiến, họ tỏ rõ thái độ không hài lòng. Có người còn nói thẳng mặt tôi là đừng có bày đặt viết lách gửi báo biếc gì, rằng tôi mà viết cái gì ra hồn! Nhưng mặc kệ họ nói, tôi miệt mài viết cho nội san trường và gửi báo. Đúng như lời họ nói, tôi đâm ra nản khi viết mà chẳng được tờ báo nào đăng bài. Những trăn trở và ước vọng không được ai công nhận khiến tôi chán nản! Người ta nói đúng về tôi, tôi chỉ là phường “giá áo, túi cơm”, chỉ nên lê lết đến hết lớp 12 thì về nhà làm ruộng và cưới chồng và không bao giờ nên mơ mình sẽ trở thành nhà văn nữa!

 Sự tự ái khiến tôi thấy họ đúng, tôi lao vào cuộc ăn chơi. Trong trường có đám thiếu niên được cho là quậy, những thành phần thường hút thuốc, uống rượu, yêu đương lăng nhăng và hay nghỉ học. Những đứa đó đa phần là con nhà nghèo hoặc giàu chán ghét cảnh đời, cảnh người; bất trị và nổi loạn. Khi theo họ chơi, tôi cảm thấy mình được đồng cảm, được chia sẻ. Không ai trong đó khinh thường tôi. Coi nhau là chị em và chia sẻ cho nhau những mất mát mà chúng tôi đã phải gánh chịu. Họ cũng đáng thương như tôi. Con nhà giàu thì cha mẹ không quan tâm, chỉ cho tiền và chấm hết. Con nhà nghèo thì bất lực trước hoàn cảnh và số phận bị cuộc đời rẻ rúng. Dần dà trong nhóm bị kỷ luật, đuổi học lần mòn, không vì trộm bút thì cũng văng tục chửi bậy. Chỉ còn mình tôi vẫn ở lại trường vì cô giáo dạy văn đã luôn ở bên cạnh an ủi và hay cho điểm số rất cao để có thể bù đắp lại những môn khác nên tôi vẫn còn ở lại học được. Cái cách cô nói chuyện khiến tôi có cảm giác rằng cô đang cố để gần gũi với tôi. Một hôm sau khi tôi bị kỷ luật đuổi học một tuần vì tội đánh con bé hỗn xược dám bảo tôi là đồ con lang chạ, con của cái thứ  làm đĩ lấy trai! Cô giáo hỏi tôi:

-    Bây giờ em muốn gì hả Lạc? Hay là em tính nghỉ học?

Cô hỏi thế tôi cũng chưa biết mình phải mở lời như thế nào, thì thấy cô rưng rưng nước mắt. Nhìn cô khóc, cảm xúc của tôi bộc phát, tôi nói: 

-    Em không biết cô à! Em thấy cuộc đời mình sao mà thảm quá, cứ  như mình bị cả thế giới này bỏ rơi, cuộc đời chẳng có chút công bằng nào với em!

     Cô giáo rớt dài hai hàng nước mắt khi nghe xong câu nói. Lúc đó cả thân hình tôi như bủn rủn, tôi cảm thấy xúc động đến độ không còn một chút sức lực để che đậy sự yếu đuối của mình. Giọt nước mắt cô đã an ủi tôi biết bao, từ cha sinh mẹ đẻ tới nay đây là lần đầu tiên có người khóc vì tôi thay vì những lời khinh bỉ và miệt thị những lỗi lầm tôi mắc phải. Đã có cô giáo ủng hộ tôi, và chỉ còn một người trên đời này quan tâm tôi cũng thấy hạnh phúc vì điều đó. Lúc đó tôi đã nghĩ như thế!

Cô đã cho tôi sức mạnh để đi học tiếp, tôi sung sướng bước vào kỳ thi đại học sắp tới. Lúc đó tôi bắt đầu xuống thành phố, ban ngày làm thêm phụ bán cơm kiếm tiền, ban đêm học bài và ôn thi đại học. Tôi nhớ rất kỹ lời cô giáo nói: “Cô đọc văn của em thấy em là người có tố chất của một nhà báo. Em thích phơi bày những cái xấu xa, mặt sau của những hiện tượng trước mắt. Em thử thi vào trường nào có đào tạo chuyên ngành báo chí học xem sao!”. Lời cô nói như kim chỉ nam giúp tôi bừng tỉnh. Đúng thế, tôi nghĩ rằng mình có tố chất của một nhà báo nhưng mình chưa bao giờ biết gọi tên? 

 Tôi biết chỉ có con đường đi học mình mới thoát khỏi sự ghẻ lạnh của người đời và vì thế tôi càng cố gắng hơn nữa. Nhưng cuộc sống luôn luôn khắc nghiệt. Lúc tôi sắp khăn gói lên đường thi cử thì cha tôi đã nghe người khác bàn ra. Họ bảo tôi đi học, cha sẽ không có tiền đâu mà chu cấp, rồi tiền đâu chữa bệnh, cay nghiệt hơn là họ nói nếu tôi đi xa sẽ như chim sổ lồng và bỏ ông  lại. Bởi cái tính đay đảy, thích nhảy, thích đi của tôi thì ông sẽ mất tôi. Có lẽ thế ông càng phản đối nhiều hơn. Ông nói một câu chắc nịch rằng khi nào ông chết tôi mới được đi thi đại học. 

Ước mơ vào đại học của tôi tan theo mây khói. Tôi ngồi nhà gặm nhấm những gì còn sót lại trong tôi. Cảm giác trống rỗng của một người không còn suy nghĩ được gì cả khiến tôi muốn tâm sự với một ai đó. Tôi gọi cho cô em họ. Cô ấy lớn tuổi hơn tôi và đang làm ở Sài Gòn. Cô rất phục khả năng “sống sót” của tôi. Cô ấy hay nói nếu không có mẹ, cô sẽ chẳng thể nào có thể bước được trên cuộc đời vậy mà tôi đã sống mạnh mẽ và hiên ngang giữa cuộc đời như thế! Biết tôi thích đi học nhưng cha không cho cô ấy đã bày tôi một cớ mà cho đến nay tôi vẫn còn thầm cảm ơn cô. Tôi nói với cha rằng nhà có sổ hộ nghèo thì không phải tốn tiền học phí. Với lại nhà nước cho vay để học sau này ra trường tôi sẽ làm trả lại. Thêm nữa tôi có đủ sức để làm thêm dư sức để học hành. Trước thái độ chân thành của tôi cha đã bị thuyết phục.

Tôi đã thi đậu vào Trường cao đẳng phát thanh truyền hình thành phố Hồ Chí  Minh. Ngày tôi đi vào Sài Gòn học, cha tôi đã rưng rưng nước mắt. Tôi biết những lúc trước đây khi dày vò tôi, cha đã khóc nhưng không bao giờ tôi thấy, nhưng tôi luôn cảm nhận được. Hôm nay nó đã thể hiện ra ngay trước mặt. Tôi cảm thấy mình là người sung sướng và hạnh phúc nhất trên cuộc đời này. Bao nỗi oán hận cuộc đời, và nhất là với nỗi oán hận người mẹ lạnh lùng tàn nhẫn của tôi cũng xua tan hết. Vì nếu không có bà ấy làm sao tôi có thể có mặt trên đời này để có được giây phút hạnh phúc như ngày hôm nay. Tôi đi học bỏ lại ba tôi một mình nơi quê nhà khiến tôi rất đau lòng. Nhưng  chỉ  3 năm thôi chúng tôi sẽ được đoàn tụ. Khi anh em tôi đã thành đạt và làng nước sẽ dành cho gia đình tôi một cái nhìn thân thiện hơn chăng?  Với cái ý nghĩ đầy lạc quan đó tôi đã cố gắng viết, viết và viết tất cả những gì tôi linh cảm và muốn viết. Những khó khăn ban đầu không làm tôi nản chí cho đến khi có bài báo đầu tiên trên một tờ nhật báo. Lúc đấy cha tôi sung sướng biết bao nhiêu, có lẽ đối với người khác không là gì nhưng đối với cha và anh, tôi là niềm tự hào, là ánh sáng cuối đường hầm của họ. Tôi cảm thấy sung sướng khi được làm công việc mình thích, được cha tự hào, được anh tin tưởng. 

Trong suốt quãng đời sinh viên của mình tôi sẽ mãi cố gắng. Giờ đây cha và anh đã tin tưởng tôi thì còn ngại gì người đời không cho tôi một cơ hội được yêu thương được trân trọng. Và như thế tôi tiếp mãi trên con đường đời này như loài cỏ dại trường tồn mãi mãi dù giông gió cuộc đời có xô đẩy hơn nữa, tôi vẫn sống. 

TUYẾT DIỆU
 

 

 
(Chùa Hoằng Pháp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này