Chùa Hương – nhân, ảnh thiên thu - Phật Giáo Việt Nam
17:37 +07 Thứ tư, 24/04/2024

Chùa Hương – nhân, ảnh thiên thu

Thứ năm - 29/03/2012 15:08
(HDPT) - Hai chữ “chùa Hương” từ ngàn xưa cho đến mai sau mãi vẫn còn lay động hồn ta, bởi cảnh sắc thiên nhiên mà trời đất đã ban cho đất nước chúng ta. Một vùng suối nước, sông núi hữu tình mà mỗi một ngày, chúng ta càng khám phá ra nó trong một hình hài khác: tráng lệ và đầy sự huyền diệu.
 

 

 

 

Chùa Hương - cảnh đẹp thiên thu. Ảnh: Internet

Trẩy hội chùa Hương, trong ký ức thời thơ bé của tôi, đó là đến một miền đất Phật mà Trịnh Sâm phải thốt lên:

“Cảnh lạ thú sầu khôn xiết kể

Thanh Kỳ đệ nhất chốn Nam Thiên”.

“Đệ nhất Nam Thiên động”  – đó chính là chùa Hương của chúng ta. Đã biết bao thế hệ qua đây tay gậy trúc, mồm nam mô, và lòng từ bi khấn vái Quan thế âm bồ tát mong cho mình một sự thanh thản, một hạnh phúc trên mặt đất. Và cũng có bao nhiêu đôi lứa đến đây khấn cầu cửa Phật xin hạnh phúc và bao nhiêu người đã đạt được điều này? Tình yêu đó là sự dời đổi, hạnh phúc và bất hạnh:

“Oan tình vay trả chả xong

Ngàn năm vẫn ngóng mây hồng bay qua!”

(Đi cáp treo chùa Hương – Vĩnh Quang Lê)

Chùa Hương đẹp trước hết vẫn là cảnh và người:

“Thuyền nan đón khách mái chèo lay

Hai bên quả núi lồng gương suối

Bốn mặt hoa ngàn rủ bóng cây

Cửa Phật lơ thơ tầng đá giải

Chùa Tiên bát ngát khói sương bay”.

(Hương Sơn – Bà huyện Thanh Quan)

Cao Bá Quát lên Hương Sơn tưởng mình là tiên thực:

Tàn khúc xuân gió rộn tiếng oanh

Rừng mơ hoa kết quả đầy cành

Giấc mơ, mơ tưởng mình là tiên thực

Giãi tấm lòng băng với mắt xanh.

Còn Nguyễn Khuyến lại miêu tả một “chợ trần Hương tích” mà bụt và tiên tham gia mua trăng và gió. Thật là một giấc mơ tuyệt đẹp và toàn bích:

“Ai đi Hương Tích chợ trời đi

Chợ họp quanh năm cả bốn thì

Đổi chác người tiên cùng khách bụt

Buôn bán gió chị lại trăng gì”.

Chu Mạnh Trinh tả cảnh Hương Sơn thật sống động:

“Chim cúng trái, cá nghe kinh

Then hoa cài nguyệt chày kình nện sương

Nam mô Phật tổ vô thường

Trai thành dâng một nén hương trụ trì”.

Còn chùa Hương trong thơ kí sự của Nguyễn Nhược Pháp đã trở thành bài thơ bất hủ của nhiều đôi lứa yêu nhau:

“Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương

Khăn nhỏ đuôi gà cao

Em đeo dải yếm đào

Quần lĩnh áo the mới

Tay cầm nón quai thao”.

Là cô gái tuổi mười lăm của thế kỷ 20 hay 21 đều được cả bởi vẻ đẹp và tấm lòng của cô hướng tới tình yêu và sự hoàn thiện. Bài “Cô gái hái mơ” của Nguyễn Bính lại mang đầy chất huyền thoại:

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cảnh động Hương Sơn mấy dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát đưa hương”.

Rồi Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Khương Hữu Dụng, Bằng Việt, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Anh Thơ, Xuân Sanh, Trần Lê Văn, Yến Lan, Phạm Hổ,… mỗi người một vẻ làm nên một tập thơ chùa Hương nặng trĩu Hương thơ. Đặc biệt, lần xuất bản này chúng tôi chọn thêm một số bài thơ của các nhà thơ Tố Hữu, Đào Cảng, Vĩnh Quang Lê, Quốc Long, Kim Oanh viết về chùa Hương mà lần trước chúng ta chưa kịp bổ sung.

Năm 1963, khi viết tựa cho tập thơ chùa Hương do nhà thơ Trần Lê Văn biên soạn, NXB Văn hóa ấn hành, Xuân Diệu viết: Nếu có thể chia được cái đẹp thì người ta nói: Một nửa cái đẹp của Hương Sơn là con đường đất nước từ Bến Đục đi tới Hương Sơn. Cái hành lang nước thuyền đi êm như ru là một cuộc trưng bày Hương Sơn, còn ở xa xa thì giờ ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, là thì giờ để cho phai cái mệt đi đường, để yên lắng tâm hồn, để tắm mát xúc cảm khi đến Hương Sơn.

Năm 1992, Tố Hữu đến Hương Sơn khi ấy người chỉ là một thi nhân, ông nói thực lòng mình:

“Ôi trưa nay bước từng bậc đá

Róc rách còn nghe suối giải oan

Ước gì đời mãi xanh tươi lá

Thanh thản chùa Hương cả thế gian”.

(Chùa Hương – Tố Hữu)

Chế Lan Viên trong bài “Đi trong Hương chùa” đã say lòng men tình ái, ông nhìn đâu cũng thấy thương yêu:

“Thơ chúa Trịnh dẫu tài

Mắt ta nhìn vội vã

Quả táo cắn kề môi

Sánh bài thơ trên đá”.

Cây đời xinh tươi cũng ở chỗ ấy, quả táo của người tình sánh với bài thơ trên đá xám thi nhân quả là người biết tận hưởng tình yêu.

Xuân Diệu trong bài “Thăm cảnh chùa Hương” lại chỉ ca ngợi thiên nhiên kỳ vĩ và hoa mai, hoa mơ:

“Mơ hay là thực hỡi hoa mơ

Mơ trên thung lũng, mơ trên núi

Hoa bay trong ngàn vạn điểm thơ”.

Những bài thơ hay mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên lần đầu tiên ở tập thơ chùa Hương còn có cả ảnh của một số nhiếp ảnh gia trong nước đã đạt đến độ chín, nhìn chùa Hương ở nhiều góc độ khác nhau. Từ chùa Hương thâm u của ngàn xa, đến chùa Hương của bây giờ, có cáp treo, có điện sáng và những cuộc hành hương bất tận quanh năm của du khách. Phải chăng chùa Hương chính là một kỳ quan, một di sản văn hóa thế giới cần được công nhận. Ta có thể nói: Chùa Hương – nhân, ảnh thiên thu.

Vĩnh Quang Lê

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này