Tham luận: Thực hiện chỉ thị 27-CT/TW - Phật Giáo Việt Nam
17:01 +07 Thứ năm, 28/03/2024

Tham luận: Thực hiện chỉ thị 27-CT/TW

Chủ nhật - 27/01/2013 21:39
(HDPT) - Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị “Về thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” như sau:
 
THAM LUẬN
KINH NGHIỆM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 27
“Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”

                  
Thượng tọa THÍCH CHƠN KHÔNG
 
      Nhân dịp MTTQVN các tỉnh thành tổ chức Hội Nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và các văn bản liên quan, Ban Biên tập xin giới thiệu bài tham luận: Kinh nghiệm thực hiện chỉ thị 27-CT/TW “Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” của TT Thích Chơn Không – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BHDPT/TW, Phó Thường trực BHDPT/TPHCM, Trụ trì chùa Thiên Tôn Q5, TPHCM.
     Đất nước ta trải qua bao thăng trầm chuyển biến trong lịch sử, bước ngoặc quan trọng thời cận đại là chiến thắng Mùa xuân năm 1975. Sau khi đất nước hòa bình độc lập thống nhất, bắc nam sum họp một nhà, việc chấn chỉnh lại thuần phong mỹ tục cho phù hợp với sự tiến bộ, đổi mới đi lên của cả nước là điều tất yếu. Thế nên, sau khi được Chính quyền, Mặt trận địa phương mời các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đến triển khai thực hiện: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (16-7-1998), Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ chính trị và Chỉ thị 14/1998 CT-TTg của Chính phủ “Về thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.
 Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức vận động đồng bào Phật tử tham gia thực hiện cụ thể như sau:
  1. Về việc cưới:
     Hôn nhân là việc hệ trọng của cả một đời người, cho nên ngoài việc tìm hiểu thực tế, đôi bạn trẻ cũng chưa an tâm, họ mong muốn được “trăm năm hạnh phúc” và mọi việc tốt lành về mặt tâm linh nữa ! Nên việc chọn: tuổi, cung, mạng và ngày lành tháng tốt theo phong tục là lẽ tự nhiên.
Có nhiều trường hợp: tuổi hoặc cung mạng xung khắc, chúng tôi khuyên họ rằng cổ nhân có dạy: “Đức năng thắng số” Nghĩa là: Phước đức thắng được số mạng. Như vậy điều căn bản là đôi bạn trẻ phải tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ, vợ chồng phải thật dạ thương yêu nhau, kính trọng, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau mới được hạnh phúc lâu bền.
Mặt khác, để tạo dấu ấn tâm linh đạo đức trong đời sống mới, một gia đình mới, trong ngày Thành hôn Tân lang và Tân nương cùng hai họ, bạn bè nên đưa nhau đến chùa làm lễ Hằng thuận. Trong dịp này, chư tôn đức Tăng Ni sẽ trân trọng nhắc lại những lời dạy của đức Phật về đạo vợ chồng, bổn phận làm dâu, làm rễ, làm cha mẹ tương lai và chúc phúc cho cô dâu chú rễ được “Loan phụng hòa minh, sắc cầm hảo hợp” Đồng thời khuyên họ tổ chức lễ Thành hôn trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức.
  1. Về việc tang:
    Khi gia đình Phật tử hữu sự đến chùa nhờ xem ngày giờ tẩn liệm chôn cất, chúng tôi khuyên họ làm lễ tang trong khoảng thời gian không quá 48 giờ. Điều này vừa phù hợp với Chỉ thị 27, mà cũng không trái với tập quán. Bởi vì người xưa có nói: “Tam nhựt bất trạch nhựt”. Nghĩa là: Lễ tang trong ba ngày không cần chọn ngày.
    Về việc chọn giờ, để tránh sự ùn tắc giao thông, gây trở ngại cho việc di chuyển trên đường phố, nên chúng tôi kết hợp chọn giờ tốt với tình hình giao thông của thành phố.
    Trong suốt thời gian lễ tang, toàn thể hiếu quyến phải mặc đồ tang để hành lễ và tiếp khách. Chỉ thay thường phục khi cần thiết. Tuyệt đối không để xảy ra việc tranh cải, gây mất đoàn kết nội bộ, người nhỏ phải vâng lời bậc trưởng thượng. Theo tinh thần kinh Địa Tạng, việc cúng cơm vong linh, nên cúng chay, không nên cúng mặn và cúng rượu. Suy ra, việc đãi khách cũng nên hạn chế đãi thức ăn mặn và rượu bia.
    Đến 10 giờ đêm (22h) nên trả lại sự yên tĩnh cho bà con hàng xóm, không ca hát đàn trống, kể cả nhạc lễ. Cổ đức có câu: “Tang trí kỳ ai” (Lễ tang thì phải buồn). Do đó, việc sử dụng âm nhạc, phải chọn lọc những nhạc phẩm nói lên được lòng tôn kính, thương tiếc người quá cố, phù hợp với mối quan hệ giữa người chủ đám với người đã mất. Lưu ý: lễ tang là một lễ buồn, vì vậy không nên dùng những bản nhạc vui, không hài kịch, không cờ bạc, không nhậu nhẹt và các hình thức vui chơi khác.
    Nếu thân nhân mất nhằm cung xấu như: Càn, Tốn, Ly, Đoài; hoặc ngày xấu như: Tam tang, trùng tang, trùng nhựt, .v.v. Để hóa giải thì vợ (hoặc chồng) và con cháu dâu rể nên phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn Ngũ giới thì tai qua nạn khỏi. Không cần trấn yếm, không cần “cất đám” (Động quan, hạ huyệt) lúc 0 giờ.
    Về việc đốt vàng mã, đây là một tập tục đã có lâu đời trong dân gian, xét về mặt tích cực thì đây là một hình thức bày tỏ sự quan tâm và thương tiếc của thân nhân dành cho người quá cố, cần nên duy trì ! Nhưng nếu nghỉ rằng: người quá cố nhận được vàng mã để tiêu dùng trong cõi âm là mê tín dị đoan, không phù hợp với giáo lý. Cho nên, mỗi lần cúng cơm, tang quyến chỉ nên đốt tượng trưng 10 là vàng mã với tấm lòng thành là đủ, không cần phải đốt nhiều, không đốt lai rai như trong phim và tuyệt đối không rãi vàng mã khi đưa đám, không nằm cản đường khi di chuyển linh cửu.
    Về Lễ nhập quan, Lễ động quan, Lễ hạ huyệt, theo phong tục có một số tuổi kị, cần tránh mặt để hóa giải. Lưu ý: chỉ tránh mặt trong giây lát khi chuyển xác vào quan tài, khi chuyển linh cửu ra khỏi nhà và lúc hạ huyệt. Còn lúc trước và sau đó vẫn tham dự đủ các lễ nghi.
    Về Lễ An sàng, sau khi hạ huyệt (hoặc hỏa táng), tang quyến thỉnh lư hương, linh vị và di ảnh về nhà cúng An sàng. Phân công vài người thân ở nhà quét dọn sạch sẽ, sắp đặt lại bàn thờ và dọn sẵn mâm cơm chay để cúng An sàng. Bàn thờ này, được để yên cho đến khi thân nhân đều xả tang hết, thì thỉnh di ảnh, linh vị lên thờ chung với tổ tiên. Lưu ý: không được xả tang ở nghĩa trang hoặc lò thiêu ! Nếu có việc gấp, cần xả tang thì xả tang trong lễ An sàng. Tùy theo mối quan hệ với người quá cố, nên để tang đến 49 ngày hoặc lâu hơn theo tục lệ cổ truyền.
    Lễ Khai mộ (Mở cửa mã, nếu hỏa táng thì miễn lễ này), theo lễ nghi cổ truyền, phải 3 ngày sau mới làm lễ khai mộ vào buổi chiều, trong khoảng từ 14 giờ – 16 giờ. Lễ phẩm gồm có: Nhang, đèn, hoa quả, gạo, muối, nước, bánh kẹo, nước trà, .v.v. mỗi thứ 2 phần để cúng Đất đai và trước mộ người quá cố. Thỉnh tăng làm lễ hoặc tang gia hiếu quyến tự cúng vái. Lưu ý: nên làm lễ vào buồi chiều (giờ âm) sau khi an táng được 3 ngày. Không nên làm lễ này ngay khi hạ huyệt.
    Đồng thời, chúng tôi gởi thêm tờ hướng dẫn thực hiện các lễ nghi và những lời dặn dò cần thiết cho tang gia hiếu quyến, nên họ không phải bận tâm nhờ người tư vấn.
  1. Về việc lễ hội:
    Hằng năm, hằng tháng tại chùa có nhiều cuộc lễ và hội. Về lễ trước đây Bổn tự cúng lễ theo nghi thức cổ truyền nên thời gian kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Sau khi tiếp thu Chỉ thị 27, chúng tôi điều chỉnh còn khoảng 1 giờ đến 1 giờ 15 phút. Về nội dung tụng niệm, chúng tôi chủ trương Việt hóa và đã cho ra đời quyển kinh TAM BẢO THÔNG DỤNG thuần tiếng Việt, để sử dụng trong chùa và phổ biến đến các tự viện có nhu cầu. Về lễ hội, tại Chùa có tổ chức các chương trình như: lễ Khai giảng Đạo tràng bát quan trai, lễ Mừng Phật đản, lễ Cài hoa hồng nhớ ơn Mẹ, Tết Nhi đồng...chúng tôi rút gọn trong khoảng 1 giờ 30 phút. Đồng thời, động viên khuyến khích Phật tử đến dự lễ đúng giờ.
  1. Các hoạt động khác:
  1. Đối với Bổn tự:
  1. Để mọi người thấm nhuần những lời dạy của Đức Phật, hằng năm vào các dịp lễ hội Bổn tự đều có ấn tống (tặng) nhiều kinh sách Phật, đĩa thuyết giảng giáo lý để tặng cho đồng bào Phật tử.
  2. Tham gia và hỗ trợ các ban ngành đoàn thể của quận, phường xây nhà Tình thương và trao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại địa phương và các vùng phụ cận.
  3. Hỗ trợ, hòa giải những xung đột, mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình khi có yêu cầu của Phật tử.
  1. Đối với Phật tử đến chùa sinh hoạt tu học:
  1. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần thuyết giảng các chuyên đề: Ý nghĩa Lễ Hằng thuận, Việc cưới hỏi xưa và nay, Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ý nghĩa việc đốt vàng mã. Ý nghĩa cầu an cầu siêu. Phân biệt chánh tín và mê tín,...là những đề tài Phật pháp có liên quan đến Chỉ thị 27.
  2. Thông báo trong các khóa lễ đông người v/v hạn chế đốt vàng mã nhang đèn.
 
  1. Đối với người đi viếng chùa, chúng tôi niêm yết các mẫu thông báo, với nội dung ngắn gọn như sau:
a.  Ba cây nhang thơm, một tấm lòng thành.
  1. LƯU Ý: Mỗi người chỉ thắp từ 01 đến 03 cây nhang nhỏ với tấm lòng thành là đủ, không cần đốt nhiều. Xin cắm vào lư hương lớn ở trước điện thờ, không cắm nhang vào: bàn thờ, bình bông, đĩa trái cây, hủ linh cốt, v.v... Không đốt nhà kho, xe cộ, quần áo và đồ dùng vàng mã. Chỉ đốt 10 lá vàng bạc hoặc giấy tiền, nếu cần.
  2. THÔNG BÁO:
    Để thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ không khí trong lành nơi thờ phượng, tích cực bài trừ mê tín dị đoan và các thủ tục lỗi thời, đề nghị quý Phật tử khi vào lễ chùa, hoan hỷ lưu ý thực hiện các việc như sau:
- Không xin xăm, bói toán, đồng bóng.
- Hạn chế đốt vàng mã và nhang lớn. Nếu thấy cần, chỉ nên đốt tượng trưng 10 lá vàng bạc cúng chung cho những người quá cố. Tuyệt đối không đốt cúng cả bao vàng mã hoặc nhà kho, xe cộ, quần áo và những vật dụng khác.
- Không đốt nhang khói bay mù mịt trong nội điện,…
  1. THÔNG BÁO:
     “Tới cảnh Phật trang nghiêm thành kính,
     Dốc lòng thành dâng nén tâm hương,
     Kính mong quý khách thập phương,
     Nhất tâm hoan hỷ cắm hương, lư ngoài.
     Tâm ngưỡng mộ trong chùa đà có,
     Nén nhang vòng thắp đủ các ban,
     Đường xa chẳng quản gian nan,
     Phật soi thấu suốt, phúc ban mọi người.”
     Để bà con dễ nhớ và hạn chế mọi sự bày vẽ không cần thiết, Bổn tự có in thêm các biểu mẫu hướng dẫn khi cúng lễ và khấn vái.
     Việc thực hiện và hỗ trợ các yêu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử quen cũng như lạ, Bổn tự không đặt giá cả, không đòi hỏi, cũng không gợi ý về tiền bạc mà để tín chủ tùy tâm hỷ cúng.
     Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:
          Như bông hoa tươi đẹp,
          Có sắc lại thêm hương,
          Cũng vậy lời khéo nói,
          Có làm có kết quả.
 *Kiến nghị: Để nội dung Chỉ thị 27 và các văn bản liên quan, thiết thực đi vào cuộc sống của đồng bào, chúng tôi xin kiến nghị với các cơ quan chức năng như sau:
  1. Vào dịp đầu năm hoặc cuối năm âm lịch, nên tổ chức các buổi họp triển khai Chỉ thị 27 có sự tham dự của đại diện các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và dân gian, các cơ sở mai táng, các cán bộ hộ tịch phường xã.
  2. Nên có chỉ đạo cán bộ phường xã tuyên truyền đến từng cá nhân, khi đồng bào đến đăng ký kết hôn hoặc khai tử.
    Tóm lại, việc thực hiện chỉ thị 27-CT/TW là một bước tiến quan trọng trong sự điều chỉnh những tập tục lỗi thời, mang nặng màu sắc mê tín dị đoan đã có từ lâu trong dân gian. Đây là một hoạt động văn hóa lành mạnh, một sự chấn chỉnh cần thiết, phải kiên trì thực hiện và động viên khuyến khích đồng bào tích cực tham gia hưởng ứng. Việc làm này, còn có ý nghĩa làm cho hình ảnh Phật giáo được trong sáng và tốt đẹp nhiều hơn nữa.
 
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này