Hành hương Tây Tạng - Theo dấu người thỉnh kinh - Phật Giáo Việt Nam
19:59 +07 Chủ nhật, 05/05/2024

Hành hương Tây Tạng - Theo dấu người thỉnh kinh

Thứ tư - 01/08/2012 15:58
(HDPT) - Vượt qua bao khó khăn tưởng như có lúc đã thất bại. Cuối cùng, tôi cũng khoác ba-lô lên đường, dấn thân vào một hành trình đầy khó khăn gian khổ - Hành trình bằng xe ô tô dọc theo dãy Himalaya kỳ vĩ và huyền bí bắt đầu từ Lhasa thủ đô Tây Tạng cho tới Lumbini (Nepal)- nơi Phật Thích Ca sinh ra.
 

Từ thành phố Hồ Chí Minh bay đến Quảng Châu, bắt đầu từ Lhasa tới Kathmandu, vượt qua Gyantse, Shigatse, Shegar, Rongbuk Valley, Everest Base Camp, Nyalam, Kathmandu, Lumbini, chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô Land Cruser với tổng chiều dài bằng đường bộ khoảng 2.000 km trong điều kiện khắc nghiệt. Sau 14 ngày ròng rã, tôi đã trở về an toàn, hoàn thành ước mơ ghi dấu trên các nẻo đường Tây Tạng, Nepal, trên các địa danh Everest và Lumbini - nơi bất cứ ai cũng khát khao được một lần ghi dấu chân mình. 

IMG_13772

Khi máy bay giảm độ cao xuống Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng, tôi chợt nôn nao khi thấy dãy núi Himalaya hùng vĩ trùng điệp dưới cánh bay. Núi tiếp núi, mây vờn mây, những dòng sông băng khổng lồ cuồn cuộn… Himalaya đây ư? Tôi có thể tới đây ư. Lòng hồi hộp, trái tim tôi như bị ai bóp nhẹ với những cảm xúc dâng trào.

IMG_0692

 

Điều đầu tiên Tây Tạng tiếp đón chúng tôi là …sự khó thở. Nằm ở độ cao 5000m so với mực nước biển nên ít oxy. Và thời tiết khắc nghiệt cộng với độ cao đã gây ra một số bệnh thường không gặp phải trên các đồng bằng. Nhức đầu, buồn nôn, sự mệt nhọc, thờ ơ, khó thở, nói chung là khó chịu, ánh sáng chói, mất thăng bằng, mất phương hướng, và mất ngủ là một vài khó chịu thường gặp. Đây là vấn đề nói chung cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính và thể chất. Dần dần quen với khí hậu là câu trả lời tốt nhất. Chính vì vậy, chúng tôi buộc phải làm quen với một số quy tắc, cố tình làm chậm tất cả các hoạt động như thư giãn, giảm nói chuyện, quan sát im lặng và cười, tránh hút thuốc, uống rượu, mang hành lý nhẹ, đi chậm, cứ 15 phút đi thì nghỉ 5 phút….Cũng có lẽ chính vì thế, không gian hành hương ở Tây Tạng cũng “thiền” theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 

IMG_2297

Người dân ở Tây Tạng (Tibet) rất hiền hòa và có họ có một đức tin vào Phật Giáo mãnh liệt,  70 -80 % thu nhập của người dân Tibet dùng để cúng chùa chiền. Đối với họ, cõi này chỉ là cõi tạm,  cứ rạp mình  bái lạy trời xanh, bái lạy phật tổ để kiếp sau sống thanh bình, thảnh thơi...kiếp sống này hữu hạn còn vô lượng kiếp là ở mai sau.

IMG_0337

Người Tây Tạng đi hành hương rất nhiều. Và Đại chiêu tự là nơi hành hương quan trọng bậc nhất của họ, dc coi là "trung tâm tinh thần của Phật Giáo của Tibet”. Chúng tôi theo chân những người hành hương trên đường, nhắm thẳng tới Đại Chiêu Tự. Bên ngoài Đại Chiêu tự là cây tháp trước chùa rất phổ biến ở Tây Tạng, nó gửi lên trời những điều cầu may được ghi trong những lá cờ xanh đỏ. Đuôi trâu Yak ở trên đỉnh tượng trưng cho nóc nhà (người Tạng hay dùng lông Yak để lợp mái nhà) 

IMG_0345

"Tam bộ nhất bái" là cách hành hương thường được chọn. Họ tin rằng đường đi càng khổ hạnh bao nhiêu thì tội lỗi càng được gột sạch bấy nhiêu. Trên khắp những con đường hành hương Tây Tạng, chúng tôi luôn bắt gặp người dân ở đây quỳ rạp xuống đường với một niềm tin mãnh liệt. Trước Đại chiêu tự, khánh hành hương thường làm lễ “Ngũ thể nhập địa”, theo như quan sát thì  trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào 1 máy nhỏ đeo ở cổ tay; như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong tràng hạt hoặc lễ bái đến 10,000 lần! Ấy là điều mà chúng tôi nghe được từ người giới thiệu.

IMG_0414

Điều đặc biệt nữa là những dân tộc sống trong khu vực Himalaya thường sử dụng phần trán rất nhiều. Họ chào tạm biệt nhau bằng cách cụng trán vào nhau, cầu khấn bằng trán và họ gánh hàng hóa cũng bằng trán…

Trên nóc các chùa hay tu viên thường là các  Chuyển kinh luân quay suốt ngày. Người Tạng tin rằng các Chuyển kinh luân này sẽ nhân gấp hàng ngàn lần các câu tụng kinh của họ. Chính vì thế, hầu như trên tay của những khách hành hương hay đi cúng lễ, ai cũng có 1 chiếc chuyển kinh luân dạng cầm tay.  Ở trong mỗi kinh luân thường đã chứa đựng sẵn từ 1.000 cho tới 100.000 thậm chí cả hàng triệu lần câu thần chú “Om Mani Padme Hum” tuỳ theo kích thước to nhỏ của Kinh Luân .Cho nên mỗi khi hành giả cất tiếng tụng chú, tay quay kinh luân thì phước đức tăng trưởng như đã tụng hàng trăm ngàn   câu thần chú “Om Mani Padme Hum” (biến chú Lục Tự). 

IMG_0314

Phong cách kiến trúc Tây Tạng thấm đẫm ở khắp nơi. Từ Chùa chiền đến các cửa hiệu, từ tu viện cho đến nhà ở. Điều thích thú là ở các ngôi nhà đều có những ô cửa sổ được làm hệt như nhau nhưng mỗi ô mỗi vẻ. Trên bệ cửa, nơi được xây đủ rộng để một đứa con gái có thể ngồi đó tán tỉnh mây trời suốt ngày, là những chậu hoa đủ màu sắc. Có khi là hoa màu đỏ, có khi hoa màu vàng, rồi màu hồng, màu trắng, màu tím... Có khi kín hết khoảng không, có khi chỉ để một bên, có khi lại để chính giữa... Đặc biệt không thể không nói đến Cung điện Potala, cung điện của các Lạt Ma, những người lãnh đạo tôn giáo được coi là Phật Sống. Cung điện Potala được tạp chí USA Today và chương trình truyền hình “Good Morning America” bình chọn là một trong bảy “kỳ quan mới” của thế giới. Theo các chuyên gia, cung Potala được chọn vì nó mang ý nghĩa quan trọng trong lịch sử tôn giáo và là một trong số các công trình kiến trúc quý hiếm của thời Tây Tạng cổ còn sót lại. Thú thực khi bước vào trong, tôi chưa từng thấy một cung điện nào lộng lẫy và thấm đẫm tâm linh như thế. Rất tiếc trong Điện không được chụp ảnh. Có thể nói Cung điện Potala là một nơi bạn phải đến trước khi lìa đời. 

IMG_0439

Yamdrok, một hồ nước thiêng nổi tiếng quá ấn tượng với tôi. Đẹp đến nghẹt thở theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Dừng chân trên đèo cao nhìn xuống, tôi không tin vào mắt mình, đây có phải là cơn mơ không? Hồ xanh một màu xanh diệu kỳ, mềm và mịn như dải lụa xanh vắt ngang triền núi vấn vương mây trắng. Một bức tranh sơn thủy tuyệt tác.

Hành trình dài và vất vả nhưng đong đầy những cảm xúc khác biệt, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể vắn tắt vài dòng về Lhasa như chỉ có thể đưa các bạn nếm thử một ngày trong 14 ngày rong ruổi trên cao nguyên Tây Tạng, dọc theo dãy Himalaya huyền bí.

Tac_gia_cuoi_trau_Tay_Tng_tren_ho_Namsto

Chuyến đi đã qua từ lâu nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy mình đang lang thang đâu đó trên dãy Himalaya khốc liệt. Da diết nhớ về những ngày phiêu bạt trên thảo nguyên mênh mông... tôi thích cảm giác ở một không gian khổng lồ, cảm giác vượt qua những dãy núi ngút ngàn mây trắng bồng bềnh dưới chân mình.

Tôi hay nhớ về buổi chiều ngắm hoàng hôn trên ngọn núi Everest. Một không gian gần như không có âm thanh, chỉ có những dải nắng vàng như mật ong vắt trên đỉnh núi Mẹ linh thiêng quanh năm tuyết trắng. Lạnh lẽo và vĩ đại đến ngộp thở.

Khoảng thời gian hoang dã và điên loạn nhất mà tôi trải qua là cái đêm xốc một anh bạn bị mất kiểm soát do thiếu oxy lên chiếc ô tô Land Cruser, chạy từ Everest băng xuống trùng điệp những dãy núi, băng qua thảo nguyên hoang dã theo những vết xe ngựa dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Hạ độ cao khẩn cấp là cách an toàn nhất và duy nhất để có thêm oxy đem lại sự sống cho bạn mình….

Cao Thu

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này