TPHCM: Lớp Thạc sĩ Phật học du khảo Phật giáo vùng Đông Nam Bộ - Phật Giáo Việt Nam
03:54 +07 Thứ bảy, 20/04/2024

TPHCM: Lớp Thạc sĩ Phật học du khảo Phật giáo vùng Đông Nam Bộ

Thứ sáu - 19/04/2013 16:26
TPHCM: Lớp Thạc sĩ Phật học du khảo Phật giáo vùng Đông Nam Bộ

TPHCM: Lớp Thạc sĩ Phật học du khảo Phật giáo vùng Đông Nam Bộ

(HDPT) - Được sự cho phép của phòng Sau đại học Học viện Phật giáo TP. HCM, ngày 17-18.4.2013 lớp Thạc sĩ Phật học Khóa I đã có chuyến du khảo nghiên cứu Phật giáo vùng Đông Nam Bộ để chuẩn bị cho đề cương luận văn ra trường.
 
 
 

Được biết đây là lớp Thạc sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam, hiện đang được thí điểm, với 160 Học viên. Bước vào học kỳ 3, các học viên đang chuẩn bị đăng ký đề tài luận văn tốt nghiệp. Vì vậy Ban cán sự quyết định tổ chức chuyến du khảo, để một mặt giúp các thành viên trong lớp tìm ý tưởng cho đề tài, tạo cơ hội đi thực tế cho những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo vùng Đông Nam Bộ, bởi đây là vùng tập trung nhiều trường phái Phật giáo khác nhau và được xem là là bàn đạp để Phật giáo người Việt phát triển khắp vùng đất Nam Bộ thời từ thời các chúa Nguyễn khai khẩn miền Nam. Mặt khác, cũng là dịp để kết nối các thành viên cùng học chung khóa Cao học đầu tiên của Phật giáo, để sau thời gian học tập ở trường, có thể chia sẻ ý tưởng, tư liệu nghiên cứu và các công tác Phật sự cũng như những suy tư của những người pháp lữ đồng hành.

Sau khi dừng chân điểm tâm tại Tịnh thất Quan Âm do Đại đức lớp trưởng Thích Quảng Lực trụ trì, điểm đến đầu tiên của đoàn du khảo là Thiền viện Thường Chiếu – Long Thành, Đồng Nai. Đây được xem là nơi khởi đầu cho hoài bảo khôi phục thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Tại thiền viện, đoàn được quý thầy trong ban Tri khách hướng dẫn đến chánh điện lễ Phật và tham quan các công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Rời Thiền đường Nội viện – nơi các thành viên vừa được chia sẻ về cách thức ngồi thiền tại đây một cách sinh động mà thiền vị, đoàn được diện kiến và vấn an sức khỏe Hòa thượng Thích Nhật Quang – Trưởng ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời hiện đại và nghe nói chuyện về Thiền phái cũng như nề nếp sinh hoạt tại thiền viện. Những lời chia sẻ chân tình của thầy tri khách qua mẫu chuyện về các Thiền sinh, làm cho mọi người cảm thấy gắn bó, gần gũi và cảm kích hơn đối với sự tu tập của các thiền sinh và tâm nguyện của Hòa thượng khai sơn muốn khôi phục lại dòng thiền dân tộc.

Dùng cơm trưa tại Kiều Đàm Ni viện xong, đoàn ghé lại thăm viện chuyên tu làng Vạn Hạnh do Đại đức Thích Thiện Thuận trụ trì – nơi tập trung hàng ngàn người trong các ngày huân tu mỗi tháng. Buổi chiều, đoàn đến chiêm bái Thích Ca Phật Đài và tìm hiểu về Phật giáo Nam tông tại chùa Hộ Quốc – một địa điểm quan trọng của Phật giáo Nam tông người Việt vào những thập niên 60 của thế kỷ XX. Tại đây, quý thầy cô và Phật tử trong đoàn được Thượng tọa Tiến sĩ Thích Giác Trí chia sẻ về các vấn đề lịch sử truyền thừa và kinh điển quan trọng của các trường phái. Thượng tọa cũng nói về sự khác biệt của Phật giáo Nam tông người việt và người Khmer, sau đó hướng dẫn mọi người đến chiêm bái bảo tháp xá lợi. Trong ánh chiều tà, các tăng Ni và Phật tử đã có khoảng thời gian ngắn nhiễu quanh bảo tháp để cảm nhận sự tịch diệt vi diệu mà mỗi người đệ tử Phật hướng đến trong đời sống tu tập của mình.

Cuối ngày du khảo, ghé lại chùa Hưng Phú (Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) do Đại Đức Phó đoàn Thích Thị Minh trụ trì để nghĩ ngơi. Các huynh đệ đã có một buổi tối giao lưu và chia sẻ thật ấm cúng bên tách trà và những người bạn cùng chung lý tưởng.

Ngày du khảo thứ hai, đoàn được Hòa thượng hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm chia sẻ về những khác biệt của Phật giáo Việt Nam và các nước, đặc biệt là Miến Điện. Sau đó Hòa thượng nói qua về sự hình thành và cách thức quản lý ở trường Trung cấp. Điều này đã giúp cho các thành viên trong đoàn, đặc biệt là những người đang công tác tại các trường Trung cấp học hỏi thêm về phương pháp và tấm lòng của vị thầy vì đàn hậu học và tương lai của đạo pháp. Sau cuộc tiếp kiến với Hòa thượng, đoàn lần lượt tham quan các công trình kiến trúc tại ngôi chùa mang tên Vạn Phật Đại Tòng Lâm, nơi có đến 6 kỷ lục Việt Nam, và tiếp bước đến thăm Ni viện Thiện Hòa ở kế bên. Niềm vui vỡ òa khi các thành viên trong đoàn có nhân duyên giao lưu với lớp Trung cấp Ni tại Ni viện Thiện hòa. Chỉ qua vài phút giây ngắn ngủi, nhưng mỗi người như được thấy lại hình ảnh của mình trước đây qua sự hăng say học tập và niềm khát khao cháy bỏng của các Ni sinh bày tỏ, muốn được một lần đặt chân đến Học viện Phật giáo TP. HCM. Bằng sự đồng cảm sâu sắc của mình, Đại đức Phó đoàn Thích Tuệ Nhật đã chia sẻ hoài bảo học tập của các Ni sinh và cũng như các nơi khác, đoàn đã tặng trường bức tranh toàn cảnh học viện như 1 lời chúc các Ni sinh sẽ đạt được tâm nguyện và tiến xa hơn trên con đường học tập chánh pháp, để làm tư lương cho mình và hoằng pháp lợi sanh.

Buổi Trưa, đoàn viếng thăm Thiền viện Viên Chiếu và Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức – Hai ngôi thiền viện tiêu biểu của dòng thiền Trúc Lâm tại Đông Nam Bộ. Nếu như Viên Chiếu là thiền viện Ni đầu tiên trong các thiền viện Ni của thiền phái Trúc Lâm thì Trúc Lâm Trí Đức lại là một trong những thiền viện quy mô vừa mới hoàn thành trong thời gian gần đây. Đến thăm phòng lưu niệm của thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, nơi lưu giữ các bức ảnh và công trình của Hòa thượng Trúc Lâm, cùng cách sinh hoạt nội viện của chư Tăng, mọi người bắt đầu “phản quang tự kỷ”, để nhìn lại mình, và cảm thấy cần phải cố gắng thật nhiều để học theo công hạnh của những vị thầy khả kính.

Điểm cuối của cuộc hành trình du khảo, đoàn đã đến Thiền viện Phước Sơn (Biên Hòa, Đồng Nai) nơi vị thầy Giáo thọ thân thiện và gẫn gũi đang trụ trì và hướng dẫn quần chúng tu học. Cả đoàn như lặng người xúc động khi xe vừa tiến vào khu chánh điện đã thấy thấp thoáng bóng y vàng của Thượng tọa Tiến sĩ Thích bửu Chánh đứng chờ từ lúc nào. Dù đang bệnh, nhưng sư đã đón những người học trò của mình hết sức nhiệt tình. Sau khi ôn tồn thăm hỏi chuyến du khảo của các học trò, sư hướng dẫn đoàn thực tập thiền Vipassana để có những phút trải nghiệm tâm linh quý giá. Sau đó sư chia sẻ về Phật giáo Nam tông, về sự hình thành và phát triển của Thiền viện Phước Sơn. Mọi người có cơ hội hiểu thêm về tấm lòng của một vị thầy, một vị sư luôn ý thức hạnh buông xả và trách nhiệm của người Thích tử, muốn xây dựng mô hình Thiền viện Phước Sơn như một bệnh viện chữa các chứng bệnh về tinh thần cho tất cả mọi người. Sư bộc bạch hết sức chân thành rằng: “có nhiều người nói tôi sao nhận người vào đây mà không tìm hiểu cho kỹ, để xảy ra chuyện này chuyện kia không hay. Nhưng tôi nghĩ những người tìm đến chùa đều có những nghiệp duyên khác nhau. Vì người ta gặp vấn đề, có khó khăn, chưa hoàn thiện mới cần tới mình. Mình lập chùa ra như 1 bệnh viện vậy, không lẽ bệnh viện lại từ chối bệnh nhân? Nếu ai thật sự không tốt, theo quy luật cuộc sống, họ từ từ sẽ bị đào thải, nhưng mình đừng đào thải họ.” Với tâm nguyện đó, Thiền viện Sơn ngày nay trở thành trung tâm tu học của những hành giả đến từ rất nhiều trường phái khác nhau.

Sau khi chia tay với sư Bửu Chánh, chuẩn bị kết thúc chuyến đi, các thành viên trong đoàn bắt đầu bày tỏ tâm trạng của mình sau hai ngày cùng nhau du khảo Phật giáo vùng Đông Nam Bộ. Rất nhiều lời tâm sự, bộc bạch đây là lần đầu tiên có cơ hội tham gia một chuyến đi ý nghĩa như thế. Vừa học được nhiều điều thiết thực, có những giây phút trải nghiệm tâm linh, lại gắn kết huynh đệ trong lớp với nhau, cảm thấy mình có thêm sức mạnh khi bên cạnh có nhiều người cùng chung chí hướng. Các thành viên trong đoàn đã nói lời cảm ơn đến phòng Sau đại học và Ban cán sự lớp đã tổ chức chuyến đi này, và cảm ơn sự nhiệt tình của mọi người để chuyến đi thật sự ý nghĩa với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, “học mà chơi, chơi mà học.”

Chuyến đi khép lại trong sự hoan hỷ và lưu luyến của mọi người. Chia tay, nhưng chắc rằng những kỷ niệm trong chuyến đi sẽ luôn là hành trang theo chân mỗi người. Đặc biệt là những điều học được sẽ phần nào giúp cho các học viên có ý tưởng và phương hướng để thực hiện luận văn sắp tới của mình một cách hoàn hảo nhất. Đây có lẽ là điều mong mỏi nhất mà Ban tổ chức hướng đến khi lên kế hoạch cho chuyến du khảo này.

Xin chia sẻ một vài hình ảnh của chuyến đi:

 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 

 

 

Tuệ Phúc – Suối Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này