Chắt chiu từng ‘đóa Sen’ hồng - Phật Giáo Việt Nam
15:20 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

Chắt chiu từng ‘đóa Sen’ hồng

Thứ ba - 20/11/2012 09:42
(HDPT) - Ở một lớp dạy nghề khác, các em ngồi xung quanh cô giáo tỉ mẩn nhặt từng hạt đá long lanh kết lại với nhau thành xâu chuỗi, thành bông hoa hay nhặt từng cánh hoa vải kết thành cành hoa…
 

Tất cả các lớp học đều mang tên loài hoa sen trong một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ kém may mắn. Mà ở đó, những nụ cười ngờ nghệch, vô tư cùng với những tấm lòng tận tụy của thầy cô giáo cứ thế lặng thầm tồn tại với vui buồn đã 23 năm. Ở đó, một thế giới khác hẳn bên ngoài với những con người nhẫn nại vượt qua cả sự kiên nhẫn thông thường để đem đến cho các em những điều bình thường nhất trong đời sống…

Những “đóa sen” vô tư

Chúng tôi thật ngạc nhiên khi lần trở lại này chứng kiến một lớp học mà ở đó bao gồm cả những em làm hàng thủ công cho “đỡ buồn chán” thì cứ làm, còn các em khác học thì cứ học. Vài em vừa chăm chú lên chiếc bảng sơn xanh với hai ranh giới rất rõ ràng: nhóm 1 và nhóm 2 được gạch dưới. Nhóm 1 là những em học sinh đã “có thành tích” học tập tốt và ở trình độ cao nhất ở trung tâm này:  lớp 2. Còn phía bảng kia là dành cho những em tập đếm, cứ đọc chán từ 1 cho đến vài chục con số,  xong thì… chẳng nhớ gì, lại bắt đầu học từ đầu.

IMG_1999.JPG

Các em trong giờ học vẽ - Ảnh: Vũ Giang

Cô giáo thì vô cùng nhẫn nại với học trò, chứng kiến cảnh cô giáo dạy học có lúc tưởng chừng như cô không thể chịu đựng nổi nữa bởi cái sự ngu ngơ của học trò. Nhưng rồi, thái độ của cô lại lặng xuống, điềm tĩnh rồi lại kiên trì tiếp tục chỉ bảo…

Ở một lớp dạy nghề khác, các em ngồi xung quanh cô giáo tỉ mẩn nhặt từng hạt đá long lanh kết lại với nhau thành xâu chuỗi, thành bông hoa hay nhặt từng cánh hoa vải kết thành cành hoa…  Từng ánh mắt chăm chú, không hề có sự quấy phá hay bướng bỉnh không nghe lời.

Đó là một trong 7 lớp Sen ở Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 do Linh Quang tịnh xá thành lập từ 23 năm trước. Điều đặc biệt ở đây là một lớp học dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ có nhiều trình độ cùng lúc: nhà trẻ, mẫu giáo, lớp 1, lớp 2. Em lớn nhất cũng đã hơn 20 tuổi. Ở đây, học trò được phân theo sự nhận biết, khả năng nhận thức (từ khá, trung bình, kém) chứ không phân theo độ tuổi.

Điều đặc biệt nữa là học sinh ở đây đa phần kém khả năng nhận biết nên được dạy những kỹ năng đầu tiên của một con người như: tự đi đúng vào nhà vệ sinh, biết cách mặc quần áo, dọn dẹp những vật dụng, đánh răng, tự mình ăn cơm, khả năng nghe hiểu những điều người lớn nói, quét nhà… hay chỉ là để dép cho đúng chỗ.

Một em bé bình thường, những điều này thì rất dễ dàng nhưng đối với các em ở đây thì cả một quá trình. Quá trình đó được cộng hưởng từ sự hướng dẫn, chỉ bảo của thầy cô và sự tự nỗ lực của bản thân các em. Chính vì thế, không lạ gì học sinh ở đây đã hai mươi tuổi nhưng vẫn còn ngờ nghệch, vô tư, khá lắm cũng chỉ đạt ở trình độ nhận biết, học tập ở trình độ… lớp 2. Có em học đã 8 năm cũng chỉ đạt ở trình độ… để dép đúng chỗ.

Ở một lớp Sen khá, các em đa số ở độ tuổi trên dưới hai mươi nhưng thân hình còm nhom, mảnh khảnh tuy gương mặt cũng khá lanh lợi hơn nhiều em khác. Đỗ Tấn Thảo, sinh năm 1996 có thể nói là một trong những em có thâm niên ở đây, một thời gian Thảo trở về hòa nhập gia đình nhưng rồi phải quay trở lại.

Những em như Thảo đang chờ làm thủ tục, sẵn sàng trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, những em như Thảo lại rất ít mà đa số các “Sen” ở đây đều thiểu năng trí tuệ, trình độ nhận thức còn rất kém, như Nguyễn Ngô Tấn Thịnh bị hội chứng down vào trung tâm từ tháng 6-2012 rất chậm chạp, ngờ nghệch, mọi thứ với Thịnh chỉ là mới bắt đầu.

Chân trời mở

Từ chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước và nhu cầu của những gia đình Phật tử ở Linh Quang tịnh xá, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Q.4 (91 Nguyễn Khoái, P.1, Q.4, TP.HCM) của Phật giáo ra đời (năm 1989). Hiện nay, Trung tâm trực thuộc Sở Lao động-Thương binh &Xã hội TP do Phòng LĐ-TB&XH Q.4 quản lý và HT.Thích Từ Giang, viện chủ Linh Quang tịnh xá làm Giám đốc. Các em được học bán trú hoàn toàn miễn phí, các khoản chi tiêu cho Trung tâm đều do nhà chùa và mạnh thường quân đóng góp.

IMG_2036.JPG

Giờ làm thủ công mỹ nghệ của các em ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Q.4 - Ảnh: Vũ Giang

Trung tâm có 80 em, trong đó 10 em câm điếc còn lại là thiểu năng trí tuệ. Đa phần là các em chậm phát triển trí tuệ, hội chứng down, kém khả năng vận động, trẻ vừa thiểu năng vừa câm điếc, động kinh, suy dinh dưỡng… Nên, khi các em được tiếp nhận vào học bán trú ở đây bắt buộc phải có gia đình, người thân để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường giúp đỡ các em chữa bệnh, phục hồi trí năng, nâng cao nhận thức, học chữ, hướng nghiệp, giao tiếp, ứng xử… để hòa nhập với gia đình và xã hội. Đó là cả một chân trời mở với biết bao điều xa lạ, mới mẻ cần phải học hỏi từng ngày.

 

Mục đích sau cùng của Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Q.4 là lấy lòng từ bi của đạo Phật làm cho các em và gia đình được an lạc, hạnh phúc. Giúp các em khuyết tật giảm bớt nỗi bất hạnh, hòa nhập với gia đình và xã hội là ước mơ, là động lực của chúng tôi.

Hiện nay, công việc hỗ trợ cho trẻ khuyết tật đang là vấn đề cần các ban ngành, tổ chức xã hội, mọi người quan tâm. Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Q.4 cũng mong có sự chung tay, góp sức của mọi người để trẻ khuyết tật được chăm lo chu đáo và có một tương lai tươi sáng hơn.

HT.Thích Từ Giang

Thầy Bùi Tấn Hiếu, kỹ thuật viên vật lý trị liệu cho biết, khi ở gia đình các em thiểu năng trí tuệ, hội chứng down được gia đình, cha mẹ nuông chiều, bao bọc rất kỹ hoặc bị bỏ quên không được quan tâm nên rất thụ động. Nhiều em ở trong nhà kín suốt cả ngày, thế giới quan của các em nhỏ bé, cái gì cũng xa lạ, tay chân yếu  ớt… Khi đến Trung tâm, nhiều em phải tập vật lý trị liệu từng ngày, hàng tháng, hàng năm…

 

Thiếu kỹ năng sống, giao tiếp, các em đều phụ thuộc vào người khác. Khi đến Trung tâm, các em phải bắt đầu học lại những kỹ năng này. Ngay cả việc cầm muỗng tự mình ăn, thay quần áo, để dép đúng chỗ, rửa tay…  cũng cần phải học.

Để dạy những kỹ năng sống và những thói quen tốt hàng ngày cho các em không phải mất đi thời gian tính theo ngày mà tính theo năm, thậm chí cả chục năm. Một em thật sự tiến bộ đòi hỏi sự kiên trì của cả thầy cô và học trò, phải học sự kiên trì, học chữ  “nhẫn”.

Điều đáng buồn là, hiện nay trường chuyên biệt dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ không nhiều. Thầy Tấn Hiếu cho biết, ngay cả phụ huynh cũng cảm nhận những ánh nhìn về phía các em như soi mói, bị xem như người tâm thần. Phụ huynh cảm thấy mặc cảm và lo sợ cho con của họ. Nhiều khi, họ không dám mặc chiếc áo đồng phục ở trường cho con ngay tại nhà mà đến cổng trường mới mặc áo vào.

Đến với trường, mỗi sáng, các em được tập thể dục, niệm Phật, điểm danh, được học các kỹ năng thông thường dành cho trẻ, học giao tiếp, học đếm, học chữ bằng giáo án điện tử với những hình ảnh sinh động, màu sắc dễ nhớ…  Mỗi tháng, các em cũng được bác sĩ chuyên khoa tâm thần đến khám, cho thuốc.

Ngoài ra, Ban Giám đốc cũng kết hợp với Trung tâm Thể thao Q.4 tổ chức huấn luyện, tập luyện cho các em các môn: võ thuật, cầu lông, bi gỗ… rèn luyện kỹ năng vận động, rèn sức khỏe, tham gia các giải đấu giao lưu để các em tìm lại sự tự tin, hòa nhập cùng bạn bè.

Trung tâm cũng hướng nghiệp cho các em đạt trình độ khá: vẽ, nấu ăn, dạy kết cườm, may tay, làm hoa giấy, chổi ny-lon, giỏ xách, may máy, thêu… giúp các em có cơ hội được tiếp xúc, học nghề, làm nghề và trang bị cho tương lai.

Thầy Tấn Hiếu, người có thâm niên 20 năm chăm sóc trẻ tại đây chia sẻ, với thầy niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy các em tự tin, biết lo cho mình, sống hòa mình vào gia đình và xã hội.

Chừng ấy năm, tuy không nhiều nhưng đã có những em thật sự bước ra đời, tự mình kiếm sống bằng các nghề: sửa xe, bảo vệ, dán giấy lên vỏ hộp... Thỉnh thoảng, có em mua quà bánh đến thăm “đàn em”, bảo “về thăm cho đỡ nhớ”… Thầy Tấn Hiếu nói, đó là món quà quý giá mà thầy cô nhận được.

H.Diệu

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này