Trọn niềm vui mùa Phật đản - Phật Giáo Việt Nam
02:57 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Trọn niềm vui mùa Phật đản

Thứ bảy - 12/05/2012 12:43
Trọn niềm vui mùa Phật đản

Trọn niềm vui mùa Phật đản

(HDPT) - Hòa vào không khí Phật đản vui tươi đang tràn ngập phố phường, năm nay nhiều chùa đã có những hoạt động thiết thực giúp ý nghĩa ngày Khánh đản của Đức Từ phụ thật sự đi vào đời sống. Đặc biệt, bên cạnh đó, mô hình vườn Lâm Tỳ Ni mừng Phật đản đã được Phật tử thiết trí tại nhà với niềm kính ngưỡng thiêng liêng dâng lên Đức Phật.
 

Em vẽ Phật với hồn nhiên

Có thể nói Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận) là ngôi chùa đầu tiên tại TP.HCM có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những lời Phật dạy đi vào đời sống đó là, khóa tu “Gieo hạt từ tâm” vào ngày 22-4, dành cho lứa tuổi 13 đến 25 tuổi. Trong khóa tu này, để hướng về ngày Đản sanh của Đức Phật, chùa đã tổ chức cho các em vẽ Phật với chủ đề “Đức Phật của em”. Đây là lần thứ hai chùa tổ chức thi vẽ cho thanh thiếu nhi, mùa Phật đản năm 2011 (lần thứ nhất với chủ đề Đức Phật qua đôi mắt trẻ thơ). Cuộc thi với ý nghĩa cúng dường ngày Đản sanh của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

thivephattrongem-nghethuatphatgiao7.jpg

Các tác phẩm đoạt giải - Ảnh: Quảng Mẫn

Những cuộc thi vẽ tranh cho thanh thiếu nhi do Quan Âm tu viện tổ chức thật sự có ý nghĩa và đọng lại nhiều cảm xúc, bất ngờ bởi những tác phẩm của các em đã thể hiện tất cả sự kính ngưỡng, lòng yêu quý dâng lên Đức Phật. Những tác phẩm ấy đã thể hiện qua bút pháp hết sức hồn nhiên, ngây thơ, phù hợp với lứa tuổi. Và vì thế, Đức Phật trong trí tưởng tượng, thế giới quan của các em cũng hết sức ngộ nghĩnh. Ngay cả với những em “lứa tuổi tô màu” cũng có những mảng màu sắc hết sức thú vị.

Cuộc thi vẽ tranh chưa thật sự thu hút được đông đảo các thanh thiếu niên thành phố, vì lẽ nó chỉ gói gọn trong khuôn khổ một khóa tu của chùa. Và vì thế, nó chưa phổ biến nhiều. Thiết nghĩ, những cuộc thi vẽ như thế có thể được tổ chức quy mô hơn, phổ biến rộng hơn để cuộc thi cũng có thể là bước khởi đầu để các em tìm về bên Phật. Từ nhân duyên Đức Phật trong trí tưởng tượng, hiện diện trên bức vẽ rồi đến tận sâu trong tâm hồn các em. Và Phật sẽ hiện diện quanh người thân của em.

thivephattrongem-nghethuatphatgiao4.jpg

Họa sĩ Nhuận Thường trao phần thưởng cho các em - Ảnh: Quảng Mẫn

Đáp ứng nhu cầu của Phật tử và hướng về ngày Đức Phật đản sanh, Quan Âm tu viện đã có buổi hướng dẫn cho Phật tử thiết trí bàn thờ Phật, lễ đài Phật đản và vườn Lâm Tỳ Ni tại tư gia cho Phật tử. Sư cô TN.Huệ Đức, trụ trì Quan Âm tu viện đã có những hướng dẫn cách thức thiết trí bàn thờ Phật, lễ đài Phật đản và vườn Lâm Tỳ Ni tại gia cũng như cách thức cúng Phật sao thật trang nghiêm và đúng với các nghi thức của Phật giáo. Phật tử cũng được đăng ký tham gia dự thi lễ đài Phật đản và vườn Lâm Tỳ Ni tại gia, chùa tổ chức một Ban Giám khảo để đến tận nhà Phật tử chấm điểm và tổ chức trao giải thưởng.

Theo Sư cô Huệ Đức, nhu cầu thiết trí bàn thờ Phật, lễ đài Phật đản và vườn Lâm Tỳ Ni tại gia đình ngày càng nhiều nhưng chưa có nơi nào hướng dẫn Phật tử cụ thể. Trước nhu cầu đó, Quan Âm tu viện đã tặng tượng Phật, cờ cho Phật tử và hướng dẫn Phật tử thiết trí bàn thờ Phật, lễ đài Phật đản và vườn Lâm Tỳ Ni tại tư gia với nghi thức của Phật giáo phù hợp không gian của gia đình. Đây cũng là cách làm thiết thực để giúp Phật tử trong việc thực hiện các nghi thức Phật giáo trong gia đình.

Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản, vào lúc 8 giờ ngày 16-4 ÂL, tại Quan Âm tu viện cũng sẽ diễn ra khóa tu cho các cháu thiếu nhi có độ tuổi từ 5 đến 12 tuổi, theo đó các cháu một lần nữa được hướng dẫn tô màu hình tượng Đức Phật, tập hát, xem phim về hình tượng Đức Phật lịch sử… Ngoài ra, tại Quan Âm tu viện, phụ huynh của các cháu cũng sẽ được giao lưu, trao đổi với nhà tâm lý học nhằm giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về lứa tuổi này, phụ huynh cũng có thể trao đổi với chuyên gia về những vấn đề thường gặp trong nuôi dạy con.

Niềm vui lễ đài Phật đản tại gia

Thực tế, nhiều Phật tử muốn thiết trí lễ đài Phật đản, vườn Lâm Tỳ Ni tại gia để cúng dường Khánh đản Đức Phật nhưng chưa biết cách thực hiện, nếu trước mỗi mùa Phật đản, hoặc trong các khóa tu, buổi thuyết pháp các thầy hướng dẫn giúp Phật tử cách thiết trí mô hình vườn Lâm Tỳ Ni thì mỗi mùa Phật đản không gian gia đình sẽ tràn ngập niềm vui Khánh đản.

tn.jpg

Trang hoàng Phật đản tại gia ở huyện ngoại thành - Ảnh: Hạnh Ý

Hiện nay, nhu cầu thiết trí lễ đài, vườn Lâm Tỳ Ni, bàn thờ Phật tại gia phát sinh rất nhiều nhưng Phật tử chưa được các thầy hướng dẫn, phần nhiều các gia đình tự thiết trí bàn thờ Phật, lễ đài tại gia đều tự mày mò tìm hiểu, nhiều khi Phật tử sợ chưa thực hiện đúng nghi thức Phật giáo nên có tâm lý “sợ tội”. Đa phần các gia đình Phật tử thiết trí với cái tâm và con mắt kính Phật mà thành, cho nên lễ đài vườn Lâm Tỳ Ni tại gia thường được trang trí  với sắc hoa tươi, nước thơm, và đèn lấp lánh ánh điện màu…  

 

Năm nay, nhiều gia đình đã đăng ký với Phật giáo quận huyện thiết trí lễ đài tại gia để mừng Khánh đản Đức Phật, theo BĐD PG quận 4 có 80% gia đình Phật tử đăng ký thiết trí lễ đài, vườn Lâm Tỳ Ni. Phật giáo huyện Hóc Môn có 50 gia đình đăng ký làm lễ đài tại gia, Quan Âm tu viện 30 gia đình đăng ký.

 

Chị Tám Trọng - PD Diệu Kim (đường Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp) cho biết, người trong khu phố ai ai cũng dừng chân trước gia đình chị để xem thiết lễ đài Phật đản. Lễ đài gia đình gây chú ý, bắt mắt người xem đơn giản vì gia đình chị duy nhất trong con hẻm này đã 18 năm liền thiết trí mô hình lễ đài đón Phật đản. Nhìn vào lễ đài thấy tấm bandroll in hình Đức Thế Tôn cộng thêm lồng đèn rực sáng, đèn chớp tắt nhấp nháy, cờ Phật đản. Nhiều người trò chuyện nói với cô: “Thấy chị Tám treo cờ là tôi biết Phật đản gần về rồi”. Chị chia sẻ: “Nghe câu hỏi đó của mọi người, cô thấy hạnh phúc nhất. Vì mình thiết trí lễ đài, người chưa đến với đạo và các bạn khác đạo họ biết sắp đến ngày Đức Phật đản sanh, họ mừng chung với mình. Có thể đó là nhân duyên để họ đến gần với đạo Phật mình hơn”.

Gia đình chị Phan Thị Út (71/5, ấp 6, xã Phú Xuân, đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè) vào trước ngày mùng 7-4 ÂL lễ đài tại gia đình chị đã hoàn tất. Vì là gia đình buôn bán nên có nhiều khách đến thấy lễ đài nên tò mò. Chị đã giải thích từng tí một, sau đó họ xin được đến thắp hương.

Với chị Út, “Làm lễ đài được 7 mùa Phật đản rồi mà đến bây giờ vẫn còn nhiều bạn hàng của tôi vẫn chưa quen với lễ đài Phật đản. Nhưng mừng là nhờ lễ đài mà năm nào cũng có thêm người tìm hiểu về Đức Phật, về đạo Phật. Khi giải thích cho họ hiểu, họ thông, họ có cảm tình với đạo Phật rồi thì tôi cảm thấy mùa Phật đản đã trọn niềm vui”.

Thêm niềm vui cho mùa Phật đản năm nay có lẽ là việc thiết trí lễ đài Phật đản tại gia trên địa bàn thành phố đã tác động tích cực, lan rộng đến với vùng ven đô. Sát huyện Bình Chánh TP.HCM, huyện Cần Giuộc (Long An) có đến hai mươi ngôi nhà thiết trí lễ đài Phật đản. Lý do thiết lập lễ đài ai cũng bảo: “Thấy thành phố làm đẹp nên cũng muốn nhà mình có lễ đài đón mừng mùa Phật đản để mùa Phật đản năm nay thêm ý nghĩa, thêm niềm vui”.

3.jpg

Bàn thờ Phật tại nhà chị Phan Thị Út - Ảnh: Hạnh Ý

Đáng ghi nhận nhất là gia đình cô Sáu Thanh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, gia đình cô chưa một ai quy y Tam bảo, chỉ là mộ đạo nhưng cô dành rất nhiều tâm huyết để thiết lễ đài đón chào ngày vui của Phật tử. Cô không chỉ chăm chút trang trí lễ đài Phật đản trước nhà mà bên trong nhà cô cũng trang trí rèm, màn cửa chỉnh chu chẳng khác nào ngày Tết. Giờ thì cả xã này có đến cả chục lễ đài Phật đản tại gia, tối nào đèn cũng rực sáng lung linh. Vui lắm!”.

Diệu Ẩn - Ngọc Hạnh

 
(GNO)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này