Tìm hiểu nội dung giáo dục đạo đức và phương pháp thể hiện trong kinh "Tứ Thập Nhị Chương" - Phật Giáo Việt Nam
10:50 +07 Thứ tư, 01/05/2024

Tìm hiểu nội dung giáo dục đạo đức và phương pháp thể hiện trong kinh "Tứ Thập Nhị Chương"

Thứ sáu - 15/06/2012 23:53
(HDPT) - Ở Việt Nam, kinh “Tứ thập nhị chương” được Giáo hội Phật giáo Việt Nam dùng làm tài liệu chính thức giảng dạy trong các trường Phật học trong cả nước.
 

Kinh “Tứ thập nhị chương” là nội dung cơ bản trong những bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Ấn Độ) của đức Phật Thích ca Mâu ni cho các vị đệ tử đầu tiên của Ngài, sau này được các đệ tử tập hợp và biên tập lại.

Kinh điển tôn giáo chứa đựng nhiều tư tưởng  triết học, nhiều tư tưởng nhân văn, trong đó có nhiều nội dung giáo dục đạo đức và phương pháp thể hiện những nội dung ấy. Giáo lý của Phật giáo cũng có chung những giá trị đó. Tuy nhiên, tùy từng bộ kinh, bộ luật, do tính đặc thù của nội dung đề cập mà nội dung của một vấn đề nào đó có thể được nhấn mạnh hơn, nổi bật hơn và một số phương pháp thể hiện những nội dung đó đã được sử dụng. Trong bài này, chúng tôi xin đề cập đến một số nội dung giáo dục đạo đức và những phương pháp thể hiện trong kinh “Tứ thập nhị chương” của Phật giáo, với mục đích cung cấp đến bạn đọc có thêm một nguồn tư liệu về vấn đề giáo dục đạo đức của bộ kinh quan trọng này.

1. Giới thiệu sơ lược kinh “Tứ thập nhị chương”

Kinh “Tứ thập nhị chương” là nội dung cơ bản trong những bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Ấn Độ) của đức Phật Thích ca Mâu ni cho các vị đệ tử đầu tiên của Ngài, sau này được các đệ tử tập hợp và biên tập lại. Theo “Phật giáo đại từ điển”, bản dịch kinh “Tứ thập n hị chương” từ tiếng Phạn sang tiếng Hán đầu tiên là của Ca Diếp Mã Đằng và Trúc Pháp Lan dịch xuất hiện ở Trung Quốc vào thời Hậu Hán. Đây là bộ kinh Phật đầu tiên được truyền tụng và phổ biến ở Trung Quốc. Mấy trăm năm sau, ở Trung Quốc xuất hiện nhiều bản chú giải bộ kinh này, trong đó, phổ biến nhất là các bản: “Tứ thập nhị chương kinh ngự chú” của hoàng đế Tống Chân Tông, “Tứ thập nhị  chương kinh chú” của Thủ Thoại và Liễu Đồng (đời Minh), “Tứ thập nhị chương kinh giải” của Trí Húc (đời Minh), “Tứ thập nhị chương kinh chỉ nam” của Đạo Bái (đời Minh), “Tứ thập nhị chương kinh sớ sao” của Túc Pháp (đời Minh), “Tứ thập nhị chương kinh tiên chú” của Đinh Phúc Bảo.

Ở Việt Nam, kinh “Tứ thập nhị chương” được Giáo hội Phật giáo Việt Nam dùng làm tài liệu chính thức giảng dạy trong các trường Phật học trong cả nước.

Sở dĩ gọi là kinh “Tứ thập nhị chương” vì bộ kinh này có 42 chương, đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của Phật giáo, như vấn đề thập thiện, thập ác, vấn đề sửa chữa sai lầm, cái hại của việc nói xấu người khác, cái hại của thói ham mê sắc dục, tác dụng của bố thí,… Vấn đề nào cũng được đức Phật nói ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu.

2. Nội dung giáo dục đạo đức trong kinh “Tứ thập nhị chương”

2.1. Về giáo dục đức tính thiện, bài trừ tính ác.

Chúng ta biết rằng, không phải Phật giáo mới đề cập đến đức tính thiện của con người mà hầu như tôn giáo nào cũng đề cao bản tính này của con người. Nho giáo có quan điểm “Nhân chi sơ tỉnh bản thiện” (Người ta khi mới sinh ra vốn có tính thiện- Mạnh Tử). Tại chương 4 trong kinh “Tứ thập nhị chương”, đức Phật dạy “Chúng sinh lấy 10 việc làm điều thiện, cũng lấy 10 việc làm điều ác”. Sao lại là 10 điều? Phật dạy: thân có 3 điều là sát, đạo, dâm (giết người, trộm cắp và dâm dục); miệng có 4 điều là lưỡng thiệt, ác khẩu, võng ngôn (nói hai lời, nói điều hung ác, nói dối, thêu dệt); ý nghĩ có 3 điều là tật, khuể, si (ghen ghét, giận dữ, ngu si). Nếu tuyệt đối không làm 10 điều trên là thiện, nếu làm 10 điều trên là ác. Trên cơ sở tư tưởng về thiện ác, trong kinh “Pháp cú”, đức Phật Thích ca khái quát:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo

(Những điều ác tuyệt đối không được làm, kính cẩn làm các điều thiện, tự mình giữ ý nghĩ cho trong sạch. Đó là lời chư Phật dạy).

Tìm hiểu lịch sử tư tưởng thế giới, chúng ta biết đức Phật Thích ca là người đầu tiên phát biểu về vấn đề này trên phương diện giáo dục đạo đức một cách cặn kẽ và cụ thể, tạo cơ sở lý luận cho các bộ luật của Phật giáo sau này.

2.2. Về vấn đề sửa chữa sai lầm

Về vấn đề này, tại chương 5 kinh “Tứ thập nhị chương”, đức Phật dạy: “Người  có những lỗi lầm mà không tự sửa chữa để dứt bỏ điều sai trái thì tội lại đến với mình như nước trở về biển, khiến ngày càng đầy. Nếu người có lỗi mà tự biết lỗi, đổi ác làm thiện, thì tội tự tiêu diệ t, như bị bệnh mà ra được mồ hôi, dần dần được thuyên giảm”. Ở đây chúng ta thấy, Phật đưa ra hai cách giải quyết và khắc phục sai lầm, đó là nếu người có sai lầm mà không tự sửa chữa được thì sai lầm theo năm tháng sẽ ngày càng nhiều, hai là nếu biết tự s ửa chữa sai lầm thì sai lầm sẽ được khắc phục. Điều cần lưu ý ở đây là đức Phật nhấn mạnh đến khả năng tự nhận ra sai lầm và tự sửa chữa, nhưng chưa đặt vấn đề có sự tác động của xã hội như Mạnh Tử sau này. Trong sách “Mạnh tử”, Mạnh Tử khẳng định: “Nhân cho sơ tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn” (Con người sinh ra tính vốn thiện, nhưng quá trình tập nhiễm của xã hội mới dần dần khác nhau).

Trên cơ sở tư tưởng về tự sửa chữa sai lầm của đức Phật, tăng đoàn Phật giáo sau này mới đưa ra những qui định cho cuộc sống tu hành của các tăng ni và của những người tu tại gia, trong đó, có những qui định cụ thể của việc tự sửa chữa sai lầm của mỗi loại sai lầm. Điều này, bộ “Giáo luật” của đạo Công giáo cũng qui định rất cụ thể.

2.3. Phật dạy không nói xấu, làm điều xấu để hại người khác

Nói xấu người khác có lẽ là thói tật có từ lâu đời và dễ thấy ở người phương Đông. Đưa ra vấn đề này để giáo dục đạo đức xã hội, có lẽ đức Phật đã quan sát được trong thực tế đời sống của thời đại và trên những vùng miền mà ngài đã sống và đi qua.

Tư tưởng này được đức Phật thể hiện trong chương 7 và chương 8. Tại chương 7, những người biên tập chép lại lời đức Phật: “Có người nghe Phật giữ đạo, làm việc đại nhân từ, nên đến mắng Phật. Phật làm thinh không đáp. Người kia thôi mắng, Phật hỏi rằng: ông đem lễ vật đến cho một người, nhưng người đó không nhận, lễ vật ấy có trở về ông không? Người kia đáp: về chứ! Phật nói: nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận lời mắng nhiếc đó thì ông tự mang họa vào thân rồi. Người đời nói rằng: âm vọng theo tiếng, bóng theo hình. Câu đó chính là nói về việc này. Cẩn thận, chớ có làm điều ác”.

Ở chương 8, đức Phật nhấn mạnh tác hại của việc làm hại người khác bằng một sự so sánh rất hay: “Kẻ xấu hại người hiền, chẳng khác nào ngước lên t rời nhổ nước bọt, nước bọt chẳng lên đến trời mà lại rơi đúng vào mặt mình; cũng chẳng khác nào rê bụi ngược gió, bụi chẳng bay đi nơi khác mà lại bay trở lại bám vào mình. Người tốt đã không thể làm hại được mà  họa lại đến thân mình”.

2.4. Về tác dụng của việc bố thí. Bên cạnh việc đưa ra những quan điểm nhằm khuyên mọi người không làm điều ác, không nói xấu người khác, đức Phật còn nhấn mạnh đến tác dụng của việc bố thí. Tại chương 10, chép lại lời Phật dạy: “Thấy người làm việc bố thí mà vui vẻ giúp đỡ thì được phúc rất lớn”. Có một sa môn hỏi: “Phúc ấy có hết được không?”. Phật dạy: “Ví như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều dùng đến đuốc chia nhau mà lấy để nấu chín thức ăn lại còn thắp sáng, mà lửa cây đuốc vẫn như cũ. Phúc của người bố thí cũng như vậy đó”?

Chúng ta biết rằng, trong Phật giáo, bố thí có nhiều loại: tài thí, pháp thí, vô úy thí. Bố thí là một trong những hoạt động cơ bản của tăng ni và tín đồ Phật giáo. Ở đây, mặc dù đức Phật không nói rõ là loại thí nào, nhưng nên hiểu là đ ức Phật đề cập đến cả ba loại thí trên, bởi vì, tùy theo căn cơ của mỗi người mà có thể thực hiện tài thí, pháp thí hay vô úy thí. Sở dĩ đức Phật khuyên mọi người nên thực hiện bố thí, vì trong thự tế, người bố thí và người được bố thí đều thu nhận về mình những điều tốt đẹp. Nếu người được bố thí nhận về mình một sự hiểu biết (pháp thí), một số tiền cửa (tài thí), sự không sợ hãi (vô úy thí) thì người bố thí lại được nhận về mình sự thanh thản, sự tự tin,… Lời Phật dạy đã mấy nghìn năm nay, nhưng hiện nay nó vẫn có nguyên giá trị.

2.5. Về cách tu dưỡng bản thân và tác dụng của sự nhẫn nhục. Kinh “Tứ thập nhị chương” cũng dạy cho người ta cách tu dưỡng bản thân và tác dụng của sự nhẫn nhục. Chương 13 ghi lại câu Phật trả lời một vị sa môn hỏi: do nhân duyên gì để được túc mệnh và làm thế nào để đến được với đạo, Phật trả lời: “Tĩnh tâm thủ chí, có thể đến được với đạo”. Và Phật so sánh: “Ví như lau gương. Lau xong rồi thì bụi biến mất, chỉ còn lại ánh sáng, dứt lòng tham dục, không mong cầu gì thì được túc mệnh. Lại có vị sa môn hỏi: “Thế nào là thiện?”. Phật trả lời: “Hành đạo, giữ điều chân thật là thiện” (chương 14).

Về vấn đề tu dưỡng bản thân, giáo lý các tôn giáo lớn đều coi đó là vấn đề cốt lõi của con người. Nho giáo còn nâng lên thành con đường tiến thân của sĩ tử. Trong sách “Đại học”, Tăng Tử (Tăng Sâm- một trong số bốn vị Thánh được phố thờ với Khổng Tử ở Văn miếu) khái quát con đường tiến thân của một kẻ sĩ quân tử có 8 giai đoạn: “Cách vật, chí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, trong đó, “tu thân” là giai đoạn có ý nghĩa chuyển tiếp giữa thời kỳ tích lũy kiến thức và thời kỳ phục vụ xã hội. Mục đích của quá trình tu dưỡng bản thân của Phật giáo không hoàn toàn giống như của Nho giáo, nhưng tác dụng của quá trình đ ó của Nho và Phật lại giống nhau, đó là hoàn thiện đạo đức con người theo hướng thiện.

Liên quan đến vấn đề tu dưỡng bản thân là vấn đề nhẫn nhục. Về vấn đề này, chương 15 kinh “Tứ thập nhị chương có chép đoạn hỏi đáp giữa một vị sa môn với đức Phật. Vị sa môn hỏi: làm thế nào có nhiều sức mạnh, làm thế nào được trong sáng nhất, Phật phát biểu quan điểm của mình: “Nhẫn nhục thì có nhiều sức mạnh, bỏ điều xấu đã làm thì thêm khỏe mạnh; nhẫn nhục  mà không làm điều xấu thì tất được mọi người tôn quí. Diệt hết những điều nhơ bẩn, trong lòng thanh tịnh, không còn uế tạp, thì đó thực sự là sáng suốt” (chương 15).

Về vấn đề khuyên người đời phải nhẫn nhục, chúng ta thấy giáo lý của nhiều tôn giáo có đề cập đến. Nho giáo thì đề cao tấm gương nằm gai nếm mật của Việ t vương Câu Tiễn và sự nhịn nhục của Hàn Tín khi ông chấp nhận chiu qua háng của một tên làm nghề mổ lợn. Còn kinh điển của đạo Công giáo thì chép lại lời dạy của đức chúa Giê Su: nếu ai tát vào má bên trái của con thì con hãy chìa má bên phải cho người ấy tát tiếp. Vấn đề này kinh điển Phật giáo đã có nhiều lần được đề cập đến.

Trong đời sống hàng ngày, thực hành sự nhẫn nhục là điều không dễ, nó cần phải có sự rèn luyện và sự từng trải. Người cao tuổi có thể có khả năng nhẫn nhục tốt hơn, nhưng mục độ của mỗi người mỗi khác nhau. Tác dụng của của đức tính nhẫn nhục trong xã hội có rất nhiều. Chẳng thế mà dân gian có câu “Vạn sự nhịn là chín sự lành”, hoặc “Chín bỏ làm mười”.

Lời dạy của đức Phật về sự nhẫn nhục là sự tổng kết cuộc sống xã hội đương thời và được kinh điển hóa nên có tác dụng giáo dục đạo đức xã hội rất cao.

2.6. Về vấn đề ái dục và sắc dục. Trong kinh “Tứ thập nhị chương”, chúng ta cũng thấy đức Phật quan tâm nhiều đến tác hại của ái dục và sắc dục. Nếu ở chương 16, đức Phật khuyên các sa môn phải dứt bỏ ái dục để hành đạo thì ở chương 21, 22, 23 đức Phật nói đến cái hại của sắc dục. Phật nói: “Người  nào theo tình dục mà cầu được thanh danh, thì khi thanh danh vừa hiển lộ, thân mình đã chết rồi” (chương 21), hoặc: “Tài sắc đối với con người, không ai có thể bỏ được, nhưng nó chẳng khác nào trên lưỡi dao có dính chút mật ngọt, không đủ làm ngon cho một bữa ăn, thế mà đứa trẻ liếm vào ắt sẽ bị cái họa đứt lưỡi” (chương 22). Phật nhấn mạnh thêm: “Một khi trong lòng đã ham mê sắc đẹp thì đâu có sợ gì đến sự gian nguy, dẫu có bị nạn nơi miệng hùm, bụng cũng không sợ” (chương 23). Phật cảnh báo: “Sự thèm muốn của con người ta không có gì hơn là nữ sắc. Sự thèm muốn về nữ sắc, ngoài nó ra, không gì lớn bằng. Cũng may, người ta cũng chỉ có một thứ thèm muốn đó là lớn nhất, nếu có cái thứ thèm muốn thứ hai cũng như thế thì không ai trong thiên hạ có thể hành đạo được”. Và đức Phật khuyên các sa môn nên tránh xa sắc dục.

Những lời Phật dạy trên đây trước hết là dành cho các vị sa môn, vì vậy không tránh khỏi sự tuyệt đối hóa vấn đề cấm dục trong giới tu hành Phật giáo. Nếu so sánh với quan điểm của đạo Công giáo, chúng ta thấy quan điểm của đạo công giáo về vấn đề này có điểm giống nhau, như trong kinh “Mười lời răn của Chúa”, điều răn thứ 6 “Chớ làm sự dâm dục”. Nhưng cũng có điểm cởi mở hơn, chẳng hạn, điều răn thứ 9 trong kinh trên có dạy “Chớ ham muốn vợ chồng người”. Còn giới nhà Nho thì cảnh tỉnh con cháu “Khôn trong tửu sắc là khôn dại/ Dại nói văn chương, ấy dại khôn”.

Như trên chúng tôi đã đề cập, nội dung giáo dục đạo đức trong kinh “Tứ thập nhị chương” trước hết là dành cho những người tu hành Phật giáo, nhưng ở một số chương, nội dung giáo dục đạo đức của nó có tác dụng rất lớn và rất thiết thực đối xã hội. Vì vậy, không phải chỉ là giới tăng ni Phật gáo, mà đối với tất cả mọi người trong xã hội đều nhận thấy ở đây những bài học đạo đức thiết thực. Ngoài những nội dung trên đây, kinh “Tứ thập nhị chương” còn đề cập đến một số nội dung giáo dục nữa, như giáo dục lòng quyết tâm của người học đạo, vấn đề phương pháp tu đạo,… mà những người không phải tăng ni, tín đồ Phật giáo có dịp tìm hiểu cũng thấy rất bổ ích.

3. Phương pháp thể hiện quan điểm của đức Phật trong vấn đề giáo dục đạo đức

Trong lịch sử tư tưởng  nhân loại, chúng ta thấy phương pháp thể hiện là vấn đề được các nhà tư tưởng thời cổ đại rất quan tâm. Cũng như các Nho gia thời Tiên Tần (Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử), phương pháp thể hiện tư tưởng  của đức Phật Thích ca chủ yếu là phương pháp ví dụ và so sánh, phương phâp khái quát hóa,...

Trong phương pháp ví dụ, khi nói đến tác dụng của việc bố thí, đức Phật ví von: “Ví như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều dùng lửa chia nhau lấy mà nấu chín thức ăn lại còn thắp sáng, mà lửa cây đuốc vẫn sáng như cũ” (chương 10); nói về tác dụng của việc tĩnh tâm thủ chí, đức Phật dùng hình ảnh lau gương phủi bụi cho dễ hiểu; nói về tác dụng của việc tu đạo, Phật ví: “Như cầm đuốc mà vào trong nhà tối, bóng tối dần hết, chỉ còn lại ánh sáng” (chương 17); nói về tác hại của việc tham danh mà không học đạo, đức Phật ví: “Như đốt hương, người ta vừa ngửi được mùi hương thì hương kia đã cháy hết, mà lửa hại thân lại theo liền sau đó” (chương 21), nói về tác dụng của việc không ham ngó nhìn gái đẹp, đức Phật ví như hoa sen tuy sống trong bùn nhưng không bị bùn làm hoen ố (chương 29),…

Trong phương pháp so sánh, đức Phật thường lấy sự vật, hiện tượng thường gặp để biểu đạt những vấn đề trừu tượng nhằm giúp người nghe dễ hiểu. Chẳng hạn, khi nói về cái tác hại của việc nói xấu người khác, đức Phật so sánh:“Kẻ xấu hại người hiền chẳng khác nào ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt, nước bọt không đến trời mà lại rơi trúng vào mặt mình” (chương 8); khi nói về tác hại của sự ham mê ái dục, đức Phật so sánh: “Người ham mê ái dục cũng giống như cầm đuốc đi ngược chiều gió, tất không tránh khỏi cái họa cháy tay; khi nói về tác dụng của việc học đạo, đức Phật so sánh: “Người hành đạo cũng giống như gỗ trôi trên mặt nước, cứ theo dòng mà trôi, không táp vào hai bên bờ, không bị người ta vớt, cũng không bị quỉ thần ngăn trở, chẳng bị chỗ nước xoáy làm dừng lại, cũng chẳng bị mục nát. Ta cam đoan rằng, khúc gỗ đó nhất định sẽ ra đến biển” (chương 27),…

Tác dụng của phương pháp ví dụ và so sánh là giúp người nghe, người đọc đi “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” (chữ dùng của V.I. Lê nin trong “Bút kỹ triết học”), từ đó dễ dàng nắm được bản chất của vấn đề mà người nói, người viết muốn trình bày.

Một phương pháp rất đắc dụng được đức Phật sử dụng trong kinh “Tứ thập nhị chương” là phương pháp khái quát hóa. Tại chương 10, đức Phật đưa ra 20 việc khó đối với mỗi con người, đó là: “Nghèo túng mà bố thí là khó; giàu sang mà học đạo là khó; quên mình quyết chết là khó; được thấy kinh Phật là khó; sinh nhầm thời có Phật là khó; nhịn sắc đẹp, nhịn tình dục là khó ; thấy cái gì tốt đẹp mà không ham tìm kiếm là khó; bị nhục mà không giận dữ là khó; có thế lực mà không ỷ vào đó là khó; thấy việc có liên quan mà không động lòng là khó; học rộng, nghiên cứu nhiều là khó; trừ diệt sự ngạo mạn trong lòng là khó; không khi nh người thất học là khó; thực lòng sống bình đẳng là khó; không nói chuyện thị phi là khó; gặp được người thiện tri thức là khó; kiến tính học đạo là khó; tuỳ hóa độ nhân là khó; giỏi dùng phương tiện là khó; thấy cảnh đẹp không động tâm là khó.

Tìm hiểu kinh điển Nho giáo, chúng ta thấy phương pháp khái quát hóa được các bậc tiên Nho sử dụng rất đắc địa. Người đi đầu và có nhiều đóng góp đối với phương pháp này là đức Khổng Tử.

Tác dụng của phương pháp này là giúp người đọc nắm bắt được ngay quan điểm của tác giả. Một phương pháp nữa mà đức Phật dùng để chuyển tải tư duy của mình là phương pháp tam đoạn luận. Chẳng hạn, Phật nói: “Người nào theo đuổi ái dục thì sinh lo lắng, từ lo lắng mà sinh ra sợ hãi, nếu lìa bỏ được ái dục thì còn gì phải lo sợ nữa”. Tìm hiểu lịch sử tư tưởng phương Đông, chúng ta thấy các nhà tư tưởng cổ đại sử phương pháp tam đoạn luận rất hiệu quả, trong đó phải kể đến đức Phật Thích ca.

Tác dụng của phương pháp này là làm tăng mức độ tin cậy của độc giả về tính chân thực của vấn đề mà tác giả đưa ra.

Những phương pháp trên đây, chúng ta thấy đức Phật sử dụng ở rất nhiều  chương trong kinh “Tứ thập nhị chương”.

Đi đôi với những phương pháp trên đây, khi trình bày nội dung bài giảng, đức Phật rất hay dùng thủ pháp hỏi- đáp, một thủ pháp chúng ta thường thấy trong các bộ luận, bộ lục của các vị cao tăng sau đó, như “Lý hoặc luận” của Mâu Tử (thế kỷ II), “Chuyết Công ngữ lục” của Minh Hành Tại tại (thế kỷ XVII). Rất có thể các vị này đã học tập thủ pháp này từ đức Phật. Thủ pháp này chúng ta cũng thấy reaats phổ biến trong tác phẩm “Luận ngữ” của Khổng Tử và tác phẩm “Mạnh tử” của Mạnh Tử.

Thủ pháp này có tác dụng là gây sự chú ý và động não của người đối thoại, nhờ đó mà nội dung cuộc đối thoại có chất lượng cao, gây ấn tượng lâu dài.

Tóm lại, mặc dù xuất hiện cách ngày nay đã mấy nghìn năm và mặc dù có một vài chi tiết tỏ ra đã lạc hậu, nhưng nội dung giáo dục đạo đức và phương pháp thể hiện những nội dung ấy trong kinh “Tứ thập nhị chương” vẫn còn những vấn đề mà giới tăng ni, tín đồ Phật tử cần học tập, thực hành và giới nghiên cứu Phật giáo cần tìm hiểu. Việc chọn kinh “Tứ thập nhị chương” làm tài liệu giảng dạy chính thức cho các trường học Phật giáo ở Việt Nam chứng tỏ giá trị nhiều mặt của nó. Từ nhận thức đó, chúng tôi thấy rằng, việc tìm hiểu giá trị đạo đức và nhân văn của kinh điển Phật giáo- trong đó có kinh “Tứ thập nhị chương”- là một điều cần thiết và có ý nghĩa.

NGUYỄN QUANG KHẢI

(Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bắc Ninh)

 

Nguyễn Quang Khải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này