Lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phật Giáo Việt Nam
23:52 +07 Thứ sáu, 26/04/2024

Lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thứ bảy - 01/12/2012 19:29
(HDPT) - Hiện nay, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Giáo hội là khoảng 17000 cơ sở tôn giáo như các chùa, thiền viện, tự viện, tịnh xá, tịnh thất,..., và trên 50000 tăng ni tại tất cả các tỉnh trên toàn quốc.
 

Cho đến thời điểm Thống nhất Việt Nam năm 1975, tại miền Bắc và miền Nam có nhiều tổ chức Phật giáo hoạt động. Với mục đích thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo tại Việt Nam dưới một tổ chức duy nhất, cuộc Vận động thống nhất Phật giáo được tiến hành. Năm 1980, Ban vận động thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Phật giáo duy nhất được Chính phủ Việt Nam công nhận và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập sau Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ Nhất tổ chức tại tùng lâm Quán Sứ, Hà Nội vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 nhằm thống nhất tất cả sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, phật tử Việt Nam. 

Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012-2017) là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.
 
Phương châm của Giáo hội là: "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội."
 
Lịch sử hình thành
 
Cho đến thời điểm Thống nhất Việt Nam năm 1975, tại miền Bắc và miền Nam có nhiều tổ chức Phật giáo hoạt động. Với mục đích thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo tại Việt Nam dưới một tổ chức duy nhất, cuộc Vận động thống nhất Phật giáo được tiến hành. Năm 1980, Ban vận động thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban.
 
Năm 1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức:
 
- Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
- Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam
- Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước
- Giáo hội Thiên thai giáo Quán Tông
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam
- Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ
- Hội Phật học Nam Việt
 
Đại hội đã thông qua Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời suy tôn, suy cử giáo phẩm lãnh đạo gồm Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự.
 
Pháp chủ là Hòa thượng Thích Đức Nhuận (nguyên Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam)
 
Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật là Hòa thượng Thích Đôn Hậu (nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
 
Chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hòa thượng Thích Trí Thủ (nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
 
Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hòa thượng Thích Trí Tịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
 
Tổ chức
 
Tổ chức của Giáo hội tuân theo Hiến chương được soạn thảo năm 1981 và sửa đổi một số lần sau đó. Theo đó, tổ chức Giáo hội chia thành cấp Trung ương, cấp tỉnh/thành và cấp quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh. Tại cấp Trung ương, lãnh đạo của Giáo hội gồm hai Hội đồng: Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị Sự, với nhiệm kì 5 năm.
 
Hội đồng Chứng Minh: Thành viên Hội đồng Chứng Minh là các Hòa thượng. Đứng đầu Hội đồng Chứng Minh là Pháp Chủ, dưới là các Phó pháp chủ và các thành viên khác.
Hội đồng Trị sự: Thành viên Hội đồng Trị sự là các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, Cư sĩ. Đứng đầu Hội đồng Trị sự là Chủ tịch Hội đồng Trị sự, tiếp đó là các Phó chủ tịch, các Trưởng ban.
 
Tại cấp Tỉnh/thành, mỗi tỉnh/thành có Tỉnh/Thành hội Phật giáo, lãnh đạo bởi Ban trị sự Tỉnh/Thành hội, người đứng đầu là Trưởng Ban trị sự.
Tại cấp Quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh, lãnh đạo bởi Ban đại diện Phật giáo, đứng đầu là Chánh Ban đại diện Phật giáo quận, huyện, thị xã, thành phố (trực thuộc tỉnh).
 
Hiện nay, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Giáo hội là khoảng 17000 cơ sở tôn giáo như các chùa, thiền viện, tự viện, tịnh xá, tịnh thất,..., và trên 50000 tăng ni tại tất cả các tỉnh trên toàn quốc.
 
Lãnh đạo
 
Người đại diện cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mặt giới luật (đạo pháp) là Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, thường gọi tắt là Pháp chủ. Từ khi thành lập, đã có ba vị Pháp chủ
 
Đệ nhất Pháp chủ là Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận từ năm 1981 đến năm 1993;
 
Đệ nhị Pháp chủ là Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch từ năm 1997 đến năm 2005;
 
Đệ tam Pháp chủ là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ từ năm 2007 đến nay.
 
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người thay mặt Giáo hội về mặt pháp lý Nhà nước trong mối quan hệ của Giáo hội ở trong nước và ở nước ngoài. Từ khi thành lập, có hai vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự
 
Hòa thượng Thích Trí Thủ từ năm 1981 đến năm 1984
 
Hòa thượng Thích Trí Tịnh từ năm 1984 đến nay.

(Nguồn tư liệu được cung cấp bởi Văn phòng Trung ương GHPGVN)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này