Tham luận về HT Thích Thiện Hào - Bậc Thầy khả kính - Phật Giáo Việt Nam
05:51 +07 Thứ ba, 30/04/2024

Tham luận về HT Thích Thiện Hào - Bậc Thầy khả kính

Chủ nhật - 05/08/2012 11:03
(HDPT) - Mở đầu câu chuyện, Hòa thượng Thiện Hào hỏi thăm về: tình hình biến cố tháng 5, năm 1960. Khi công an mật vụ chế độ cũ lụt soát chùa, có ai bị bắt không ? Hòa thượng Minh Đức gặp những khó khăn như thế nào ? Căn hầm bí mật còn không? Lúc ấy, Thầy Trụ trì ngạc nhiên đứng nhìn, chẳng biết ất giáp gì cả! Vì trong thời gian đó thầy Trụ trì đang tu học ở chùa khác, nên không biết...
 

 

 

 

 

 

 

BẬC THẦY KHẢ KÍNH

 

 

Pháp tử THÍCH CHƠN KHÔNG

 Trụ trì chùa di tích Thiên Tôn TPHCM


Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, hòa bình được lập lại, non sông liền một dãy, Bắc Nam sum hợp một nhà. Hôm sau, ngày 01-5-1975, hầu hết các thầy tăng sinh Phật học viện Minh Đức - chùa Thiên Tôn đều đổ ra đường cùng nhân dân Sài Gòn đón mừng chiến thắng. Riêng tôi và vài vị tăng sinh tới phiên trị nhựt nên phải ở lại chùa nấu ăn và dọn dẹp nhà bếp; lúc ấy tôi thoáng thấy có hai vị Hòa thượng bước vào sân chùa nhìn Phòng thuốc nam từ thiện, rồi lại nhìn ngôi Tây lang và bước vào nhà Tổ, lễ Tổ. Thấy vậy, tôi vội vàng lên chào và mời 2 vị ngồi; lên gác thỉnh thầy Trụ trì (Thượng tọa Thích Nhựt Bửu) xuống tiếp.

 

Hòa thượng lên tiếng tự giới thiệu rằng: Đây là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, còn tôi là Thích Thiện Hào, huynh đệ đồng sư với Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng vừa dứt lời thì Thầy Trụ trì nhào tới ôm chân Hòa thượng Minh Nguyệt, rồi ôm chân Hòa thượng Thiện Hào, bác cháu nghẹn ngào một lúc mới lấy lại bình tỉnh. Bấy giờ Hòa thượng Thiện Hào bảo Thầy Trụ trì ngồi, nhưng Thầy giữ lễ, không ngồi mà đứng khoanh tay hầu một bên.

 

Mở đầu câu chuyện, Hòa thượng Thiện Hào hỏi thăm về: tình hình biến cố tháng 5, năm 1960. Khi công an mật vụ chế độ cũ lụt soát chùa, có ai bị bắt không ? Hòa thượng Minh Đức gặp những khó khăn như thế nào ? Căn hầm bí mật còn không? Lúc ấy, Thầy Trụ trì ngạc nhiên đứng nhìn, chẳng biết ất giáp gì cả! Vì trong thời gian đó thầy Trụ trì đang tu học ở chùa khác, nên không biết.

 

Trong hai thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, chùa Thiên Tôn là cơ sở của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Trong  chùa có Phòng thuốc nam từ thiện để chữa bệnh cho dân và che mắt địch, có “hầm” bí mật để nuôi giấu các vị cán bộ cao cấp của Cách mạng như: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (Cố Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN), Hòa thượng Thích Thiện Hào (cố Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ); ông Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Đảng CSVN), ông Huỳnh Tấn Phát ( cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam),... về hội họp. Chùa cũng là nơi đặt cơ sở của Ban Trí vận Khu ủy, đã từng tiếp đón quý ông Nguyễn Hữu Thọ ( nguyên Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và các vị nhân sĩ trí thức yêu nước.

Năm 1982-1983, theo lời thỉnh cầu của Thượng tọa Thích Nhựt Quang - vị Trụ trì thứ ba của chùa Thiên Tôn, Hòa thượng nhận lời lên ngôi Viện chủ và về an trụ ở chùa Thiên Tôn. Từ đó chúng tôi có dịp được hầu Hòa thượng nhiều hơn, và hiểu được tấm lòng tận tụy hy sinh cao cả của Hòa thượng đối với đạo pháp và dân tộc. Bấy giờ, Hòa thượng là Đại biểu Quốc hội Khóa VII - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN và nhiều vai trò khác của Mặt trận Trung ương, Mặt trận Thành phố và Thành hội Phật giáo TPHCM, nên Hòa thượng rất bận rộn. Tuy nhiên, mỗi khuya chúng tôi công phu, Hòa thượng cũng thức dậy lên chánh điện để kinh hành niệm Phật.

 

Có nhiều lần, Hòa thượng vừa dùng cơm chiều xong, thì có xe đến rước Hòa thượng đi họp đến 11,12 giờ khuya mới về, chúng tôi thấy rất xót xa và xin được chăm sóc Hòa thượng, nhưng Hòa thượng ôn tồn bảo: Thôi khuya rồi, các “ông” hãy đi ngũ đi, để còn công phu khuya! Lúc còn trong chiến khu, nhiều đêm Thầy thức trắng, có sao đâu!

 

Mỗi sáng, sau khi điểm tâm, khoảng 7.00g thì Hòa thượng lên xe qua Văn phòng Thành hội Phật giáo – chùa Ấn Quang để làm việc, đến 11,30g trưa mới về dùng cơm, ngày nào cũng thế. Buổi chiều thì xem kinh, đọc sách, tối đến thì dạy thầy Phước Triều học bộ Luật Trường hàng bằng chữ Hán, do chính tay Hòa thượng viết ra để dạy. Thấy Hòa thượng vất vã như thế, sư huynh của chúng tôi là thầy Lệ Tập, xin được thay Hòa thượng để hướng dẫn thầy Phước Triều, nhưng Hòa thượng khiêm tốn bảo: “Thầy muốn đứng ra giảng dạy cho Phước Triều, cũng là dịp để ôn lại lời dạy của chư Phật, chư Tổ và cũng là dịp ôn lại chữ Hán, đã bỏ lâu rồi không có dùng đến”

Cảm mến đức độ khiêm cung từ tốn, một lòng vì đạo pháp và dân tộc của Hòa thượng, ngày 19-6-Quý hợi (1983) thầy Chơn Định ( Lệ Tập), thầy Chơn Tịnh (Nhựt Hiển) và tôi thành tâm đảnh lễ cầu y chỉ nơi Hòa thượng. Tôi được Hòa thượng ban cho pháp húy là Tâm Hoa, pháp hiệu là Chơn Không và phú pháp rằng:

 

TÂM Phật chúng sanh đồng

HOA niêm ngộ chỉ thông

CHƠN đài minh cảnh chiếu

KHÔNG tịch nhập thiền tông

 

Hôm nay, nhân Lễ Kỷ niệm lần thứ 15 ngày viên tịch của Hòa thượng, với tấc dạ chí thành của môn đồ pháp quyến, chúng tôi xin được trình bày đôi nét để nhớ về Hòa thượng - bậc Thầy khả kính.

 

TT.THÍCH CHƠN KHÔNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này