Về phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội" - Phật Giáo Việt Nam
23:49 +07 Thứ sáu, 03/05/2024

Về phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội"

Thứ năm - 22/03/2012 11:43
(HDPT) - Lịch sử phương Tây từng ghi nhận, Chủ nghĩa nhân văn (dưới thời văn hoá phục hưng) ngay từ khi ra đời vốn dĩ là một trào lưu đối lập với Chủ nghĩa thần linh, giáo quyền của nhà thờ trải suốt đêm trường trung cổ. Nhưng hiện nay người ta thấy xuất hiện những khái niệm như “Chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo”…
 

 

 

 

 

 

 

V PHƯƠNG CHÂM

“ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”

 

ĐĐ. Thích Thanh Thắng

Uỷ viên Ban Văn hoá TW GHPGVN

Về ý nghĩa thời đại

Khi đề ra phương châm hoạt động, Giáo hội phần nào đã ý thức thể hiện những quan điểm mang tính lịch sử và thời đại. Cụm từ “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” được sử dụng bằng các gạch nối, đã chỉ ra mối quan hệ tương thuộc, hay bằng (=) và nhờ vào đó mà quan hệ này có ý nghĩa đồng hành. Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã đưa ra hình ảnh “Phật giáo Việt Nam đi chung con thuyền với dân tộc” (1) để miêu tả cho mối quan hệ vừa mang tính kế thừa vừa mang tính phát triển này. Bởi thực tiễn tương quan cho thấy, giá trị dân tộc đã mang trong lòng nó những giá trị Phật giáo và giá trị thời đại.

Trên thế giới, gần như có dân tộc là có tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu khái niệm “dân tộc” được hiểu theo nghĩa gắn liền với một thể chế, một chủ nghĩa thì có người tán đồng có người không, nhưng tôn giáo phát triển hay trì trệ thì không ai có thể phủ nhận rằng nó liên hệ mật thiết tới một thể chế chính trị cụ thể. Lịch sử phát triển của các quốc gia, tôn giáo đều thống nhất chỉ ra điều đó. Và tôn giáo cũng không hoàn toàn tốt đẹp hơn một thể chế chính trị nào đó nếu nó đi ra ngoài các nguyên tắc đạo đức tôn giáo. Do đó, không cần phải né tránh cụm từ “Chủ nghĩa xã hội” bởi bản thân nó đã bao hàm giá trị thời đại, định hướng đi cho một đất nước, dù trên thế giới đang tồn tại những mô hình nhà nước khác nhau.

Nghị quyết số 25 - NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá IX về công tác tôn giáo xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta…” (2). Vậy có mâu thuẫn nào không giữa tôn giáo và “Chủ nghĩa xã hội”, khi đã và đang xuất hiện những khái niệm và cách tiếp cận về “Chủ nghĩa xã hội Phật giáo” (3), “Chủ nghĩa xã hội Ki-tô giáo” (4)?...

Lịch sử phương Tây từng ghi nhận, Chủ nghĩa nhân văn (dưới thời văn hoá phục hưng) ngay từ khi ra đời vốn dĩ là một trào lưu đối lập với Chủ nghĩa thần linh, giáo quyền của nhà thờ trải suốt đêm trường trung cổ. Nhưng hiện nay người ta thấy xuất hiện những khái niệm như “Chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo”… Ở đây, “nhân văn” là một khái niệm thời thượng, hay đã có những điều chỉnh, làm mới những định nghĩa về tôn giáo này để tồn tại trước sức ép của các giá trị đến từ bên ngoài và những suy giảm niềm tin từ bên trong?

So sánh để thấy, nếu ai đó muốn hiểu đạo Phật giống như một “chủ nghĩa…”, thì cần phải hiểu hết những tiếp nối tinh thần của nó từ trong bối cảnh xã hội Ấn Độ hơn 25 thế kỷ trước. Khi ấy, đạo Phật được Đức Phật Thích Ca sáng lập đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp đầy khắc nghiệt, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức trong xã hội Ấn Độ đương thời, đề cao các giá trị nhân đạo, nhân văn, từ bi, bình đẳng, hoà giải…

Sự khẳng định gần đây của Liên Hiệp quốc đối với các giá trị Phật giáo là minh chứng rõ nét nhất cho sức sống của một tôn giáo vì hoà bình. Nhà bác học Einstein từng nhận định về đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên, trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (5). 

Về một mô hình Phật giáo trong lịch sử

Đạo Phật Việt Nam trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ trở thành quá khứ. Ở ý nghĩa tích cực nhất của từ “nhập thế”, người Phật tử Việt Nam luôn vận dụng linh hoạt tinh thần khế lý (hợp với chân lý), khế cơ (hợp với căn cơ), khế thời (hợp với thời đại, thời cuộc). Phật giáo chưa bao giờ tách khỏi một mô hình nhà nước cụ thể. Thực tế, quyền lực chính trị và vị thế tôn giáo thường là bất đối xứng, nên bằng con đường phát triển hoà bình của mình, Phật giáo đã thuyết phục được niềm tin của người Việt, đồng thời không ngừng tạo được sự tin cậy và ủng hộ nhất định từ phía vương quyền. Nhưng Phật giáo chưa từng lợi dụng vào sự ủng hộ của vương quyền đó mà đàn áp các tư tưởng tôn giáo khác. Đọc lại lịch sử, không khó để chúng ta nhận ra một mô hình xã hội “Tam giáo đồng nguyên”, với những ưu tiên, hạn chế phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức chủ quan, khách quan khác nhau của mỗi triều đại, mỗi người đứng đầu đất nước.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng thời Lý - Trần, Phật giáo là quốc giáo, nên dù Tam giáo (Phật - Đạo - Nho) cùng tồn tại, song về cơ bản, nhà nước theo mô hình “Quân chủ Phật giáo”, nhà vua là một Phật tử. Thời Trần, xuất hiện dòng thiền Trúc Lâm do nhà sư Trần Nhân Tông sáng lập, với tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, đáp ứng được những nhu cầu tâm linh, tinh thần thời đại. Lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam có một dòng thiền do người Việt sáng lập, truyền thừa, và cũng là lần đầu tiên dưới ảnh hưởng của dòng thiền này, cả triều đình đã quy y và thọ Bồ tát giới (6). Lê Quý Đôn cho rằng, thời Trần đã “lấy địa vị vua chúa mà làm đại sĩ, hoàng hậu mà làm tỳ khưu, khanh tướng mà làm thầy chùa” (7). Trải qua nhiều triều đại, Phật giáo Trúc Lâm không ngừng ghi dấu ấn của mình vào lịch sử, ở đó tư tưởng dân tộc và tư tưởng đạo Phật đã dung hợp và trở thành “đạo nhà” của đa số người Việt. Tuy vậy, thời Lý - Trần, Phật giáo dù cực thịnh nhưng không hề có tính chất “giáo quyền”, áp đặt tư tưởng. Nhờ đặc điểm này mà một số nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng thời Lý - Trần, vương quyền và giáo quyền được kết hợp một cách tự nhiên. Đặc biệt bước chuyển từ minh quân sang hiền triết đã đem đến cho dân tộc ta một mẫu hình nhân cách cai trị “vua - hiền triết” hết sức độc đáo (8).

Với hơn hai nghìn năm sống trong lòng xã hội phong kiến, dù gắn với những vương triều cụ thể (những dòng họ được truyền ngôi theo huyết thống), như ở Việt Nam là Đinh, Lê, Lý, Trần…, thì Phật giáo cũng luôn phải tự điều chỉnh để thích nghi và có những thịnh - suy tất yếu (ngoại tác, nội sinh) khi đối mặt với các đòi hỏi khác nhau của thời cuộc.

Tư tưởng khoan dung của Phật giáo luôn đóng vai trò hoá giải những mâu thuẫn xã hội, vì thế ngay cả vào thời Nho giáo thịnh hành, không phải ngẫu nhiên lại xuất hiện trào lưu “cư Nho, mộ Thích” trong hàng ngũ trí thức Nho giáo, và ở một số triều đại Nho giáo vẫn thấp thoáng hình bóng của những vị vua Phật tử. Chính sự thúc ước lẫn nhau một cách không rõ ràng của mô hình Tam giáo mà xã hội phong kiến có những đặc thù trong tư tưởng, đòi hỏi người đứng đầu nhà nước và một bộ máy cầm quyền tương ứng ít nhiều đều phải có kiến thức về Tam giáo để phục vụ cho mục đích cai trị, và các khóa thi Tam giáo liên tục được mở ra là một ví dụ. Do đó, trong sự gia giảm, thúc ước này của Tam giáo, mô hình “Quân chủ Phật giáo” (thời Lý - Trần) hay mô hình “Quân chủ Nho giáo” (thời Lê - Nguyễn) cũng chỉ có tính chất tương đối.

Vì không có một đường lối cai trị xuyên suốt và thống nhất trong các nhà nước phong kiến, nên mỗi tư tưởng được ứng dụng thường gắn với quyết định lựa chọn của một vị vua cụ thể, hay những tác động nhất định đến từ triều đình Trung Hoa. Bởi cũng trong một triều đại, vua này lên thì ủng hộ tư tưởng này, vua khác lên thì ủng hộ tư tưởng khác. Tuy nhiên, do tính chất thâm nhập vào nhau, nên dù có những bài xích, đấu tranh để khẳng định ưu thế tư tưởng thì không bao giờ một bên kia hoàn toàn bị triệt tiêu. Nhiều những giá trị thời đại của dân tộc đã được tạo nên bởi tính chất dung hội này, và thực tế lịch sử cho thấy xã hội phong kiến Việt Nam không hề xảy ra chiến tranh tôn giáo. Cấu trúc tôn giáo (đồng nguyên) này chỉ bị phá vỡ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, sử dụng tôn giáo phương Tây, bạo lực cai trị như một công cụ để nô dịch, ngu dân và đồng hóa văn hóa.

Về Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh

Lý giải cho những thịnh - suy của Phật giáo, dù ở xã hội phong kiến (gắn với những vị vua cụ thể) hay ở thời đại Hồ Chí Minh (gắn với những nhà lãnh đạo - theo nhiệm kỳ cụ thể) cũng không ra ngoài những thích ứng, hài hòa với lợi ích dân tộc và những đòi hỏi tất yếu của thời đại mà Phật giáo phải tự điều chỉnh. Sự thịnh suy của Phật giáo phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chủ quan khách quan khác nhau, không kể nhà nước đó theo mô hình nào.

Về cơ bản, tinh thần xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam gắn liền với đạo lý “Tứ ân” (Ân trời đất; Ân quốc vương, quốc gia xã hội; Ân cha mẹ, thầy tổ; Ân thập phương tín thí) và đạo lý ấy phải được lý giải bằng tinh thần của người Việt. Do đặc điểm này mà đạo Phật khi thì “Hộ quốc an dân”, lúc lại “Hộ giáo khai quyền”, nhằm đem đến những lợi ích, an lạc và sự phát triển hài hòa trong xã hội. Nhà sử học người Anh, D. G. E. Hall nói: “Sự phát triển của văn hoá Việt Nam với sự thúc đẩy của Phật giáo đã trở thành một đặc trưng của ý thức hệ dân tộc” (9)1955: A History of Southeast Asia London: Macmillan Limited

1955: A History of Southeast Asia London: Macmillan Limited

.

Hiện nay, Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy triết học Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Dĩ nhiên, quan điểm về tôn giáo cũng có những khác biệt lịch sử nhất định. Hệ thống triết học này từng xuất hiện trong lòng xã hội, tôn giáo phương Tây, vì thế những lý giải tôn giáo cần đặt trong những mâu thuẫn, đối kháng xã hội (thế tục - thần quyền) của chính nó. Nếu đem những mâu thuẫn, đối kháng ở giai đoạn lịch sử cụ thể này vào xã hội Việt Nam và đồng nhất với các tôn giáo phương Đông khác (mà Việt Nam chịu ảnh hưởng) thì sẽ không hiểu hết được tinh thần hoà hiếu, khoan dung trong truyền thống ứng xử của người Việt.

Thế nên, không có bất cứ lý do gì để chỉ vì có cùng danh nghĩa “tôn giáo” mà Phật giáo phải bị lôi kéo vào những quan điểm chính trị, tôn giáo, hay các đối kháng văn hoá, xã hội phi truyền thống khác như một số tôn giáo đang tiến hành. Và dĩ nhiên, những ứng xử của nhà nước đối với Phật giáo cũng không thể cào bằng hay đánh đồng chỉ vì lý do đều có cùng danh nghĩa “tôn giáo”, bởi Phật giáo luôn phủ nhận thần quyền, phủ nhận một nhà nước giáo quyền do “Thượng đế” an bài. Sự khác nhau về bản chất (tôn giáo) được thử thách qua lịch sử của những cuộc xung đột, vì vậy rất cần một ứng xử “định tính” rõ ràng chứ không chỉ cứ mãi “định lượng” (ở mức tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự…).

Trong bối cảnh thực dân, đế quốc xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo kết hợp chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước anh hùng với tinh tuý của các tư tưởng khác để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng, giành độc lập cho dân tộc. Từ bao đời nay, tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc luôn là chất keo để gắn kết toàn bộ các triết lý, tư tưởng khác trong xã hội. Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Quang Trung và bao nhiêu vị vua anh minh khác, dù có dụng Nho triển Thích, hay tiếp nhận các tư tưởng khác ở mức độ thế nào thì họ cũng phải bảo vệ non sông bằng chính tinh thần ấy. Và cũng chỉ như thế, họ mới sống mãi trong lòng người Việt. Khi giặc Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã tuyên cáo: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế một phương. Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có…” (Bình Ngô đại cáo).

Với quan niệm “Tam giáo đồng nguyên” và tinh thần “Nho, Phật phân công”, vua Trần Thái Tông phát biểu: “Lấy giáo lý của Đức Phật làm giáo lý của mình. Lấy trách nhiệm của bậc tiên thánh làm trách nhiệm của mình”. Trải qua nhiều thế kỷ giữ gìn nền độc lập, đời sống ứng xử của người Việt vẫn luôn hướng đến sự khoan dung, hài hòa. Đối với nhân sinh quan của người Phật tử, “cư Nho mộ Thích”, hay “cư Cộng mộ Thích” cũng đều như vậy, không thay đổi gì nhiều trong sự chiêm nghiệm về lẽ đời thịnh suy, đắp đổi và sự nỗ lực hoàn thiện của mỗi hành giả trên con đường giác ngộ giải thoát. Vì thế đề ra phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” không phải để lấy lòng nhau về mặt chữ nghĩa, mà là sự tiếp nối sinh động của tư tưởng “cư trần lạc đạo” và tinh thần “nhập thế”, “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.

Người Phật tử Việt Nam xem lợi ích dân tộc (của toàn dân) là giá trị cốt lõi, cố kết cho cả hai vế “Đạo pháp” và “Chủ nghĩa xã hội”, và họ luôn kinh nghiệm rằng, tư tưởng xa rời lợi ích dân tộc, tư tưởng ấy không đủ tư cách để bàn về những vấn đề của dân tộc. Trong lịch sử, không có thách thức thời đại nào đối với Phật giáo lớn hơn thách thức thời chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược, bởi đi cùng chủ nghĩa này là cả một hệ thống chính sách, tôn giáo luôn chỉ ra những dấu hiệu bất dung tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa.

Về một định hướng “Chủ nghĩa xã hội”

Trong kinh Tiện Dân (Nipata), Đức Phật dạy: “Không ai sinh ra là tiện dân, không ai sinh ra là Bà la môn. Do hành vi mà con người thành tiện dân, do hành vi mà con người thành Bà la môn”. Con người trở nên cao quý hay thấp hèn là do chính hành động của mình, không phải do một thượng đế quyền năng nào an bài điều đó, nên dù xuất hiện ở những thời điểm lịch sử khác nhau, song tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Cộng sản phần nào đã gặp nhau ở giá trị đề cao sự công bằng, bình đẳng.

Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển…” (9).

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, một bậc thầy tâm linh có ảnh hưởng lớn trên thế giới từng nói: “Hệ thống kinh tế của chủ nghĩa Mác-xít được hình thành trên những nguyên lý về đạo đức trong khi chủ nghĩa tư bản chỉ liên hệ đến việc tăng thêm lợi nhuận. Chủ nghĩa Mác-xít có liên hệ đến sự phân phối của cải đồng đều và số phận của những người kém may mắn khi cần thiết. Chủ nghĩa Mác-xít quan tâm đến đối tượng là những người bị áp bức bóc lột. Vì những lý do đó mà chủ nghĩa Mác-xít là công bằng”. Và ngài tự nhận mình: “Một nửa là chủ nghĩa Mác-xít và một nửa là Phật giáo” (10).

Hiện tại người dân Việt Nam đang suy nghĩ, mong ước điều gì và đặt niềm tin vào đâu? Chắc chắn họ đang mong muốn những người đại diện cho nhân dân đứng ra điều hành đất nước phải làm được nhiều hơn những điều tốt đẹp như đã nêu ở trên. Tại sao lĩnh vực y tế, giáo dục (công) lại không thể khởi đầu cho những nỗ lực ưu tiên (miễn giảm) của mô hình chủ nghĩa xã hội? Là một nước xã hội chủ nghĩa, Cuba đã làm được điều đó, và làm nhiều hơn thế, bởi chắc chắn một điều họ buộc phải nhìn nhận thực tế “chủ nghĩa xã hội” không phải là một khẩu hiệu suông, mà ở đó phúc lợi xã hội phải được phân chia một cách công bằng, đồng thời khuyến khích người làm giàu phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn cho quốc gia để người dân không phải chịu thiệt thòi trước những phân hoá xã hội và những quan hệ bất đối xứng khác. Định hướng xã hội chủ nghĩa phải là định hướng giảm dần sự bất bình đẳng và tiến tới bình đẳng, công bằng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường nếu cứ tiếp tục được hiểu là “lẽ đương nhiên” của phân hóa xã hội, và chúng ta không tìm cách khắc phục, thì những nỗ lực tiến tới sự công bằng ở một mô hình chủ nghĩa xã hội sẽ đi về đâu? Người dân mong muốn nhìn thấy sự bình đẳng, công bằng như một nét ưu việt có thể nắm bắt được qua những chỉ số hạnh phúc (vật chất – tinh thần) thực chất hơn của mô hình này. Và không thể không nhắc tới câu hỏi, với những thời cơ và thách thức, Phật giáo Việt Nam sẽ đồng hành với chủ nghĩa xã hội ra sao, niềm tin, cơ chế nào khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia tích cực vào các công việc y tế, văn hoá, giáo dục của đất nước?

Bất cứ ai có những ý tưởng, hành động tốt đẹp cho xã hội, cho con người, đề cao mối quan hệ giữa người với người, để cuộc sống tử tế hơn, nhân văn hơn…, thì đều xứng đáng ngồi chung trên con thuyền dân tộc, cùng chèo lái con thuyền dân tộc tiến lên. Vì thế, nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng tôn giáo, doanh nghiệp, những người giàu có hơn phải cùng suy nghĩ đến những điều căn bản ấy mà phục vụ nhân dân. Khi nhận thức đúng mối tương quan (làm nhân - quả cho nhau), mọi người sẽ cùng có những hành động thiết thực hướng đến lợi ích chung của dân tộc, và không ai khác, họ cần phải đoàn kết lại để xây dựng một “Chủ nghĩa xã hội” nhân bản, tốt đẹp, thiết thực hơn cho dân tộc của mình.

 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: chủ nghĩa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này