Việc biện giải những hiểu lầm về Phật giáo ở Hội Phật giáo Bắc Kỳ - Phật Giáo Việt Nam
11:01 +07 Thứ bảy, 20/04/2024

Việc biện giải những hiểu lầm về Phật giáo ở Hội Phật giáo Bắc Kỳ

Thứ bảy - 06/10/2012 07:31
(HDPT) - Về bản chất của Phật giáo. Đứng vững trên quan điểm Phật học, Vũ Trọng Can tuyên bố: Nguyên thuỷ, Phật giáo không phải là một tôn giáo.
 

 

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nửa đầu thế kỷ XX, một trong những vấn đề được các nhà Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ quan tâm là việc biện giải một số nội dung được cho là hiểu lầm về Phật giáo từng tồn tại lâu nay, từ đó làm sáng tỏ bản chất thực sự của dạng thức tôn giáo khá đặc thù của xã hội Á Đông này.

Về Đức Phật và Phật giáo. Trước thực tế có nhiều Phật tử và thiện tín quan niệm các bậc Phật, trong đó có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là những vị thần, thánh oai linh hiển hách có thể ban phúc hay giáng hoạ, hoặc là những bậc kỳ dị từ trên Trời xuống phàm trần để làm những việc phi thường, Nguyễn Thiện Chính sau khi trưng dẫn một số kinh sách Phật giáo đã khẳng định: Phật là nhân vật lịch sử, tức là con người, có hình dạng như người. Phật có 32 tướng tốt là bởi tu hành lâu đời, đức hạnh đầy đủ, trí tuệ hơn người, nên gọi là Giác giả. Danh xưng của Phật khá đa dạng: Chính giác (kiến thức về muôn sự vật xác đáng, không bị điên đảo, mê hoặc), Biến Chính giác (hiểu thấu các phương diện và so sánh đúng nhau), Vô Thượng Biến Chính giác (tự giác ngộ và có công đức giác ngộ chúng sinh, không có bậc nào cao hơn). Phật giáo có rất nhiều bậc Phật, trong đó có những vị Phật quá khứ tiêu biểu như Đức Phật A Di Đà, có những vị Phật hiện tại tiêu biểu như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có những vị Phật tương lai tiêu biểu như Đức Phật Di Lặc([1]).

Nguyễn Hữu Kha lại đi sâu phân tích hoàn cảnh ra đời của Phật giáo. Theo đó, sự ra đời của tôn giáo này có tính chất như một cuộc cách mạng, nhằm phản kháng chế độ phân biệt đẳng cấp và áp bức bóc lột người cùng khổ vô cùng khắc nghiệt, giải phóng nhân dân Ấn Độ thoát khỏi xiềng xích của đạo Bàlamôn. Cụ thể, ông viết: "Dòng họ Bàlamôn đã lợi dụng cái thuyết thần bí, bịp được đầu óc người Ấn Độ trong thời kỳ còn man rợ chưa được khai thông, rồi một mặt họ đặt ra bộ pháp điển Manu, đem cả chính giáo trộn lẫn làm một, nghĩa là họ đem chế độ, giai cấp phân biệt như thế vào hẳn pháp luật công cộng để bắt chính quyền phải tôn trọng họ vậy. Một mặt họ hùa nhau viết ra bộ thánh điển Phệ Đà (Veda) trong đó gồm những nghi lễ thờ cúng và các bài văn chầu, các câu thần chú cực kỳ phiền phức bí mật, khiến cho người thường không thể hiểu được để mà tranh cái quyền thân Trời thứ nhất của họ được. Hai phần chính giáo họ nắm được cả rồi, làm cho dân Ấn Độ vốn cùng một loài người cả mà thành ra bốn cái giai cấp, cao thấp, giàu nghèo, sang hèn, khôn dại khác nhau như trời với đất vậy. Song, theo cái công lệ tiến hoá của loài người mỗi ngày một tiến lên, dân Ấn Độ là một dân tộc thông minh, hơn nữa, các giai cấp thấp kém nhất lại chiếm đa số, lẽ tự nhiên là họ phải lựa tìm đường ngoi lên, lại được một số người ở cái giai cấp cao quý quyền thế nhất nước tức là Đức Thích Ca bỏ hết mọi sự tôn vinh để lãnh đạo họ phá tan xiềng xích áp chế mà thở hít cái không khí tự do bình đẳng thì còn gì dễ bằng, vì thế nên Phật tu thành đạo, thấu triệt được cái chân lý bình đẳng rồi, phất lá cờ cách mạng ai nấy hoan hô, chỉ trong mấy năm đã quét sạch giáo Bàlamôn, giải thoát cho hơn 300 triệu dân Ấn thoát ách nô lệ một cách rất dễ dàng"([2]).

Về bản chất của Phật giáo. Đứng vững trên quan điểm Phật học, Vũ Trọng Can tuyên bố: Nguyên thuỷ, Phật giáo không phải là một tôn giáo. Phật giáo chỉ mượn cái bóng của tôn giáo để đi tới triết học. Do vậy, việc thờ cúng các vị Phật trong ngôi chùa là sự hiểu lầm Phật, là phản Phật Tổ. Dần dần, Phật giáo bị biến thành tôn giáo vì số đông bậc độn căn không hiểu được những triết lý căn bản của đạo Phật, nên Đức Phật đã dùng phép phương tiện, khuyên dạy chúng sinh làm điều thiện và niệm Phật để siêu sinh Tịnh Độ. Nhưng về sau, nhiều đệ tử Phật chỉ trọng về hình thức như xây chùa, đúc tượng, tụng niệm vãng sinh,… nên đạo Phật bị nấp bóng tôn giáo. Tuy nhiên, xét thật kỹ, đạo Phật không phải là một tôn giáo, cũng không hoàn toàn là triết học. Thực chất, đạoPhật là con đường Phật tìmra chứ không phải Phật đặtra([3]).

Bùi Kỷ lại xét bản chất của Phật giáo từ giáo lý của tôn giáo này. Theo đó, đạo Phật là một môn giác học có thể đào tạo được những bậc thánh hiền, anh hùng hào kiệt làm những việc ích lợi cho nhân quần xã hội, có thể bồi bổ nhân tâm, giữ nền tảng lương thiện trung hậu. Suy rộng ra, đạo Phật có thể san lấp những tính xấu xa của con người, đưa thế giới vào con đường tiến hoá, nhân đạo và hoà bình([4]).

Theo chúng tôi, quan điểm của cả Vũ Trọng Can lẫn Bùi Kỷ tuy có một vài điểm hợp lý nhưng đều có chung nhược điểm là chưa thấy được quá trình vận động phát triển từ Phật học đến Phật giáo, hoặc quá trình tồn tại song trùng của Phật học và Phật giáo, tức vừa là tôn giáo vừa là triết học. Trong những không gian và thời gian khác nhau, với những đối tượng khác nhau, khi nó là Phật học, khi nó là Phật giáo, khi nó là cả hai. Đây là một trong những đặc điểm căn cốt khiến Phật giáo hấp dẫn được nhiều đối tượng ở các trình độ học vấn khác nhau, trong các nền văn hoá xã hội khác nhau.

Nhược điểm của Vũ Trọng Can và Bùi Kỷ đã được Nguyễn Trọng Thuật khắc phục căn bản khi ông bàn về bản chất của Phật giáo, cũng như sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Sau khi nghiên cứu giáo nghĩa căn bản của Phật giáo, Nguyễn Trọng Thuật cho rằng: Tôn giáo nào cũng lấy giải thoát tinh thần làm cốt trụ, lấy ngăn điều ác làm điều thiện làm sự công, nhưng đạo Phật là một tôn giáo có giá trị cao thượng và chân chính hơn ở phần triết lý duy tâm và luân lý phổ độ. Đạo Phật tuy là một tôn giáo nhưng cũng là một đạo học. Người hiền triết yêu đạo Phật ở nghĩa "duy tâm", người trí giả phục đạo Phật ở nghĩa "duy thức" và "sắc không không sắc", dưới nữa mộ Phật ở những nghĩa "thiện ác", "siêu đoạ", "tránh khổ sở, cầu sung sướng"... Do vậy, đạo Phật là một tôn giáo học thức, một tôn giáo bình dân, một tôn giáo xã hội đại đồng, tóm lại là một tôn giáo không trái với chủ nghĩa xã hội tiến hoá([5]).

Về quan niệm tăng sĩ phải cạo râu, cắt tóc, mặc áo vải, ăn chay, từ bỏ gia đình, hành xác ở nơi vắng lặng. Nguyễn Hữu Kha biện luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ai muốn hỏi tôi là người thế nào, xin cứ trả lời cho họ biết rằng: Tôi là một người tuổi già gần 60, răng đã gẫy rồi mà chưa có vợ có con”. Người là một bậc tài trí phi thường, thông minh kiệt xuất mà còn phải xuất dương từ nhỏ, không lập gia đình, thường mặc bộ quần áo vải cũ, phải chăng là hi sinh hết hạnh phúc riêng để mưu cầu hạnh phúc chung cho nhân dân Việt Nam và cho cả nhân loại. Mục đích của nhà Phật là cứu vớt nhân loại ra khỏi bể khổ. Cho nên, các đệ tử của Đức Phật lẽ tự nhiên là phải theo gương Phật Tổ hi sinh hết hạnh phúc riêng để lo tu học, tự cứu lấy mình rồi cứu đời([6]).

Về câu “Bất lập văn tự” của  Thiền Tông. Sự hiểu lầm về câu "Bất lập văn tự" của Thiền Tông, theo Nguyễn Trọng Thuật, bắt đầu từ việc Phật Tổ cầm cành hoa giơ lên, sau đó truyền chính pháp nhãn tạng cho Ca Diếp, người được coi là Tổ thứ nhất/Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn Độ. Cùng với đó, kinh sách Phật giáo cũng đề cập đến sự kiện, khi sắp tịch diệt, sợ người đời sau mê chấp vào văn tự, Đức Phật Thích Ca đã nói với Bồ tát Văn Thù rằng: “Ta 49 năm nay, chưa từng thuyết một chữ nào, thì sẽ điều gì cũng bảo là ta nói chăng?”. Từ đó, xuất hiện câu nói “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, nghĩa là truyền ngoài giáo nghĩa, không lập văn tự. Sau này, khi Thiền Tông truyền vào Trung Hoa xuất hiện thêm sự việc Thiền sư Huệ Năng, một người chuyên chăm việc giã gạo, bổ củi trong tùng lâm của Đệ ngũ Tổ Thiền Tông, không được học hành, chẳng biết chữ nghĩa, bỗng nhiên tự giác ngộ, tự hoạ được thơ, thấu được cốt tuỷ của đạo Phật ở bài kệ Bồ Đề Phi Thụ và được truyền y bát làm Lục Tổ của Thiền Tông Trung Hoa.

Một số người đã vin vào những cớ nêu trên để cho rằng, đạo Phật “Bất lập văn tự”, nghĩa là không cần phải học nhiều, chỉ cần tin tưởng ở Phật, khi Phật điểm hoá là tự nhiên ngộ đạo. Nguyễn Trọng Thuật nhấn mạnh, đây là một suy nghĩ sai lầm, bởi vì đạo Phật lấy từ bi phổ độ làm tông chỉ, nên trí tuệ uyên thâm là một trong những yếu tố rất quan trọng khi hành đạo. Muốn có trí tuệ cao rộng tất nhiên phải tích cực học tập, không những Phật học mà còn ngoại điển. Cho nên, kinh sách Phật giáo nói: Bồ tát vì muốn lợi ích chúng sinh nên mọi sự kỹ xảo ở thế gian không cái gì mà không am hiểu.

Với đạo Phật, văn tự là một công cụ rất quan trọng trong việc truyền bá Phật pháp ra khắp thế giới. Do vậy, câu “Bất lập văn tự” phải được hiểu là trong 49 năm giáo hoá chúng sinh, Đức Phật chỉ nói bằng lời, chứ không hề viết ra bằng chữ. Muốn những lời dạy của mình còn lại ở thế gian, khi sắp tịch diệt, Đức Phật Tổ mới dặn đệ tử chép lại. Tuy biết đạo muốn tồn tại phải nhờ văn tự, nhưng Đức Phật Tổ cũng lại sợ văn tự chỉ là cái dấu hình tướng nên nhiều khi không diễn đạt được hết tinh thần của đạo. Nếu đời sau cứ chấp nệ vào văn tự để cầu đạo, từ đó lời nói nào trong sách cũng đều cho là lời Phật thì sẽ xa với đạo. Việc chỉ hoa vào ngực (niêm hoa), ý Phật dạy, tuy phải nhờ văn tự mới biết đạo nhưng lại phải tự hỏi ở tâm mình thì mới không bị văn tự làm lầm.

Về trường hợp đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng, Nguyễn Trọng Thuật giải thích: Lục Tổ không học bằng mắt, bằng mồm mà học bằng tai. Huệ Năng là người có căn khí thông minh, lòng chân thành mộ đạo, không nề việc chấp tác gian khổ, lại được sống trong một đại tùng lâm. Những lúc thầy giảng pháp, bạn đọc bài, Huệ Năng lắng nghe và ghi nhớ, tích tiểu thành đại, lâu ngày kinh gì cũng hiểu, nghĩa gì cũng biết, những lúc dư nhàn có thể đã tập riêng nghiên bút, nên mới đốn ngộ.

Tựu trung lại, bản thể của đạo Phật là ở Tâm, sự lý của đạo ngụ ở văn tự. Hiểu được sự lý của đạo ở văn tự mới chứng được bản thể của đạo ở Tâm. Sau khi Phật tịch diệt, đạo Phật nằm ở kinh tạng, ai chăm học thì biết. Do đó, nếu người nào căn khí đã kém, tính lại lười biếng, xa thầy hay bạn giỏi, hằng ngày không đọc kinh sách mà bảo chờ sẽ có dịp Phật điểm hoá cho ngộ đạo, tự nhiên hiểu biết mọi sự lý, thì lời nói ấy hoặc là loè đời hoặc là dối mình([7]).

Về phép Niệm Phật vãng sinh của pháp môn Tịnh Độ. Nguyễn Trọng Thuật cho rằng, giáo nghĩa chân chính của Phật giáo chỉ có hai phần là "triết lý duy tâm" và "luân lý phổ độ". Lúc Phật mới thuyết pháp, phép tu tâm như "bát chính đạo" chỉ là sự triết lý. Song vì là triết lý, cho nên những người độn căn chưa thể lĩnh hội ngay được phép tu tâm. Mà trong xã hội, hạng độn căn luôn nhiều, nên các Tổ sau này đã phải tìm thêm nhiều con đường tu hành vắn tắt, gọi là những phép phương tiện, để cho số đông cùng tới cửa đạo. "Niệm Phật vãng sinh" của Tịnh Độ Tông, do vậy, về bản chất, là một phép phương tiện tu tâm. 

Ưu điểm của pháp môn Tịnh Độ là giúp con người định tâm để tạo công đức phổ độ, nên nó là một phép phương tiện hữu ích cho đạo Phật. Nhược điểm của pháp môn này xuất hiện khi các Phật tử và thiện tín quá chú trọng niệm Phật và gõ mõ lần tràng mà ít thực hiện các việc công đức. Phật tử và thiện tín luôn phải nhớ căn cốt của phép niệm Phật là niệm để định tâm, để thực hành công đức của chư Phật ra hiện tại, chứ không phải niệm Phật để du ngủ, niệm để quen mồm, niệm để người khác biết là mình tu Phật([8]).

Về sự chú trọng cúng lễ trong hành đạo. Nếu quá chú trọng việc cúng lễ, theo Nguyễn Trọng Thuật, Phật giáo Việt Nam cũng sẽ giống như nhiều tôn giáo mê tín khác. Tăng sĩ chỉ là những người thầy cúng. Khởi thuỷ, với triết lý "duy tâm" nên Phật giáo trọng thực hành, chứ không trọng cúng lễ. Nhưng sau này, do yêu cầu của thời thế, sự cúng lễ được đạo Phật (tiêu biểu là Mật Tông và Tịnh Độ Tông) phụ thêm vào để phù hợp với trình độ dân trí thấp kém, chỉ hâm mộ hình thức bề ngoài mà không đủ tuệ lực để hiểu những nghĩa lý sâu xa. 

Tuy nhiên, cần phải biết rằng, Mật Tông trong đạo Phật thuộc về nghĩa "quyền" chứ không phải nghĩa "thực". Nếu dùng nghĩa "quyền" để thi hành nghĩa "thực", tức dùng cúng lễ như phép phương tiện để tu chứng tâm thân thực hành cứu độ, thì Phật giáo sẽ phát triển một cách vững chãi. Xu hướng này mới thấy có ở Phật giáo Nhật Bản. Ngược lại, chỉ biết dùng nghĩa "quyền" mà bỏ mất nghĩa "thực", tức chỉ chăm lo sự cúng lễ mà không biết tông chỉ cứu thế của Đức Phật, thì càng làm hại cho đạo Phật. Xu hướng này phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Liên hệ đến thời kỳ chấn hưng Phật giáo, Nguyễn Trọng Thuật kêu gọi: Khi xã hội đã phát triển, học thuật đã tiến bộ, dân trí đã mở mang, những tập tục mê tín sẽ không còn thích dụng nữa. Muốn cho giáo lý chân chính của đạo Phật được phát huy sâu rộng khắp quần chúng, thì Phật tử Việt Nam phải tiến hành cải cách mọi nghi văn hình thức([9])

Về quan điểm cho đạo Phật là một tôn giáo lánh đời, mê tín và vị kỷ. Nguyễn Trọng Thuật nhấn mạnh, đây cũng là một trong những quan niệm không đúng, bởi vì đạo Phật là một tôn giáo có tính cách xã hội, chú trọng đời sống thực tế hiện tại của con người. Điều này thể hiện rõ trong 3 nhân duyên Thích Ca Mâu Ni lập ra đạo Phật.

Thứ nhất, đạo Phật là một tôn giáo trọng bình đẳng và giải phóng giai cấp cho quần chúng. Để phản đối chế độ đẳng cấp của đạo Bàlamôn, sau khi lập đạo Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quy định, bất kể thành phần giai cấp, tuổi tác,…hễ cứ là người xuất gia sau thì phải kính nể người xuất gia trước. Con người cùng chịu Phật tính như nhau thì cùng được hưởng thụ bằng nhau trên luật đạo. Đạo Phật lấy bình đẳng là tiêu chuẩn cho mọi sự lý.

Thứ hai, đạo Phật là một tôn giáo trọng thực tế và không mê tín. Để phản đối sự mê chấp, sự mê tín của đạo Bàlamôn, đạo Phật được lập ra luôn đề cao chính giác. Phật giáo chỉ thừa nhận trong pháp giới có chân tính, trong con người có chân tâm. Tu hành là giữ lấy chân tâm thanh tịnh, rồi thực hành công đức cứu độ ra cho xã hội loài người. Ngoài việc phải thực hành đầy đủ 6 phương diện luân lý, báo đền 4 điều ân đức ở đời, Đức Phật Tổ cho phép các đệ tử của mình được sinh hoạt tuỳ duyên, nghi văn giản dị, không thờ tượng pháp trong tịnh xá. 

Thứ ba, Phật giáo phản đối lối tu hành vị kỷ. Để phản đối tư tưởng chán đời, lánh đời của đạo Bàlamôn, đạo Phật chủ trương phổ độ quần sinh. Đạo Phật cứu khổ chúng sinh không những về tinh thần mà còn về thân thể. Đức Phật Tổ cho rằng có phổ độ mới có công đức, mới xứng đáng nghĩa cứu thế của đạo Phật.

Với mong muốn phá bỏ những hiểu lầm về giáo lý, nghi lễ và phương pháp tu tập của Phật giáo, Nguyễn Trọng Thuật tuyên bố: Từ nay, đối với người trong đạo Phật cũng như đối với người ngoài, nếu có ai nghi ngờ đạo Phật là tư tưởng trốn đời thì phải trả lời ngay rằng, tư tưởng trốn đời là của đạo Bàlamôn, đạo Phật lo giải phóng quần chúng thì đạo Phật không phải là trốn đời; có ai nghi ngờ đạo Phật là mê tín thì phải trả lời ngay rằng, mê tín là của đạo Bàlamôn, đạo Phật trọng chính giác thì đạo Phật không mê tín; có ai nghi ngờ đạo Phật vị kỷ thoát thân thì phải trả lời ngay rằng, vị kỷ thoát thân là lối của đạo Bàlamôn, đạo Phật phổ độ quần sinh cả phần thân thể và phần tâm hồn thì đạo Phật không vị kỷ thoát thân. Đạo Phật chính là một tôn giáo xã hội.

Từ việc tìm hiểu nguyên nhân của những hiểu lầm, ông đề ra 3 giải pháp nhằm hiện thực sâu rộng giáo pháp của Đức Phật Tổ trong cuộc đời hiện thế: Thứ nhất, phải công kích bài trừ tư tưởng trốn đời, lấy sự bình đẳng mà tự xử và khuyên nhau giải phóng cho người khác. Thứ hai, phải bảo vệ chân lý chính giác, công kích bài trừ những dị đoan, mê tín. Thứ ba, phải công kích bài trừ lối tu vị kỷ cầu thoát thân, thực hành công đức phổ độ cho quần chúng([10]).

Về thuyết "Liễu tận vô không" và "Khổ". Vẫn theo Nguyễn Trọng Thuật, nhiều nhà khoa học Phương Tây và người đời hiện thế chưa nhận chân về hai nội dung quan trọng trong giáo lý nhà Phật là thuyết "Liễu tận vô không" và "Khổ". Cho nên, thuyết "Liễu tận vô không" và "Khổ" thường được nhiều người hiểu là đạo Phật quan niệm mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều không có thực, cuộc đời là khổ, vì vậy cứu cánh của Phật giáo là muốn cho tắt hết mọi sự khổ, mà muốn diệt khổ phải làm cho tắt hết mọi sự sống. Do đó, những nhà tu hành đạo Phật chán ghét thân thể, xa lánh cuộc đời.

Việc nhiều người quan niệm đạo Phật như vậy, theo vị cư sĩ này, không phải không có cớ. Bởi vì, nhiều kinh sách của đạo Phật cũng thường thuyết lý đến những nghĩa dường như vậy. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, đó chỉ là những suy luận về vật lý tới chốn tột cùng, là sự khám phá chân lý để bài xích những quan niệm mê chấp như chấp pháp, chấp ngã, vị kỷ diệt thân và chế độ phân biệt đẳng cấp của đạo Bàlamôn, chứ Phật giáo không lấy đó làm căn cứ lập giáo.

Từ đó, ông cho rằng, tuy đạo Phật lấy "diệt khổ" làm mục đích cứu cánh, nhưng sự sống và sự tồn tại là điều bắt buộc của quần sinh. Cho nên, với Phật giáo, muốn diệt khổ chỉ còn một cách là làm thế nào cho đời người cùng được hưởng nhiều sự sung sướng. Sự sung sướng tăng lên bao nhiêu thì sự khổ sở giảm đi bấy nhiêu. Đạo Phật không chủ trương lập luận chỉ có một cách tự diệt như vậy. Bởi vì, tự diệt mình để "diệt khổ" - như chặt cây để trừ tầm gửi - là trái với quy luật tự nhiên, trái với tính bằng của vạn vật.

Đạo Phật vốn tự có đủ nghĩa viên mãn thường đắc lực cho hiện thế. Sự hiểu lầm của hiện thế về vấn đề nêu trên là do trong kinh sách Phật giáo truyền diễn đến nay có phần hiển, có phần ẩn, có nghĩa chính, có nghĩa phụ, có chỗ thuần, có chỗ tạp, có điều còn tồn tại, có điều đã quá khứ,… Trước sự cao siêu và phức tạp của kinh sách Phật giáo, nhiều người đã không biết cách phân tích, gạn lọc và biểu dương. Để tránh tình trạng bạo đoán đạo Phật, nói cách khác, muốn hiểu được bản chất của đạo Phật một cách xác đáng, cần phải đứng ở địa vị khách quan khi xem xét và phân tích, từ đó mới có thể hiểu được những gì vốn có của đạo Phật, những gì là hỗn tạp ở ngoài lẫn vào.

Sự hiểu lầm về thuyết "Liễu tận vô không" và "Khổ" còn do việc nhiều người căn cứ chủ yếu vào kinh sách Phật giáo Tiểu Thừa, mà chưa tham cứu kinh sách Phật giáo Đại Thừa. Người phương Tây ban đầu tin theo Phật giáo hay công kích Phật giáo, đều căn cứ vào kinh sách Phật giáo Tiểu Thừa. Những chỗ mà họ viện ra để phê bình Phật giáo đều thuộc về sự tu hành khắc khổ và sự bi quan tiêu cực của đạo Bàlamôn và Phật giáo Tiểu Thừa([11])./.

TS Lê Tâm Đắc

Nguồn: btgcp.gov.vn

 

 


 

[1] Phượng Sơn Nguyễn Thiện Chính. Phật học vấn đáp. Đuốc Tuệ, số 78, ngày 1/2/1938, tr.9-10.

[2] Thiều Chửu. Phật học vấn đáp, trong: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nguyễn Đại Đồng thực hiện. Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954). Nxb Tôn giáo, 2008, tr.359.

[3] Vũ Trọng Can. Tinh thần Phật giáo (khái luận về triết học Thích Ca). Nhà in Cộng Lực, 1944, tr. 97-98 và 101.

[4] Bùi Kỷ. Học Tiểu Thặng và Đại Thặng. Đuốc Tuệ, số 17, ngày 7/4/1936, tr. 4.

[5] Nguyễn Trọng Thuật. Phật giáo tân luận. Đuốc Tuệ, số 74, ngày 1/12/1937, tr.5.

[6] Thiều Chửu. Phật học vấn đáp, trong: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nguyễn Đại Đồng thực hiện. Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954). Nxb Tôn giáo, 2008, tr.380.

[7] Nguyễn Trọng Thuật. Phá ba điều nhận lầm giáo lý của đạo Phật. Đuốc Tuệ, số 63, ngày 15/6/1937, tr.5-6.

[8] Nguyễn Trọng Thuật. Phá ba điều nhận lầm giáo lý của đạo Phật. Đuốc Tuệ, số 63, ngày 15/6/1937, tr.6-7.

[9] Nguyễn Trọng Thuật. Phá ba điều nhận lầm giáo lý của đạo Phật. Đuốc Tuệ, số 63, ngày 15/6/1937, tr.7-8.

[10] Nguyễn Trọng Thuật. Xã hội Phật giáo. Đuốc Tuệ, số 107, ngày 1/5/1939, tr.8-10.

[11] Nguyễn Trọng Thuật. Phật giáo tân luận. Đuốc Tuệ, số 72, ngày 1/11/1937, tr.5-12.

 

TS Lê Tâm Đắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này