Nghi lễ Phật giáo đồng hành cùng dân tộc - Phật Giáo Việt Nam
15:25 +07 Thứ năm, 28/03/2024

Nghi lễ Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Thứ năm - 22/03/2012 09:56
(HDPT) - Trong cuộc sống, ngoài nhu cầu vật chất, nhu cầu về đời sống tâm linh cũng không thể thiếu. Vì thế, Nghi lễ Phật giáo luôn được xem là một trong những giá trị văn hóa đạo đức quan trọng để xương minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Dẫn nhập:

Trong quá trình du nhập, tồn tại và phát triển suốt chiều dài 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nghi lễ Phật giáo luôn là một trong những nhân tố tạo thành tính đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Nghi lễ Phật giáo  luôn đồng hành cùng dân tộc, được xem là một trong những chính nhân để Phật pháp được xương minh, lợi lạc hữu tình. Vì vậy, trong suốt chặng đường 30 năm, kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, 30 năm so với chiều dài lịch  sử Phật giáo chưa phải là nhiều, nhưng Ban Nghi lễ Trung ương đã hết sức cố gắng hoàn thành trách nhiệm về nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Tăng, Ni và đồng bào Phật tử trong giai đoạn mới - thời hội nhập, nhằm “thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, thượng báo tứ ân, hạ tế tam hữu”.

2. Những thành tựu Phật sự trong hoạt động Nghi lễ Phật giáo:

Trong những ngày Đại lễ như Phật đản, Vu lan, Trung ương Giáo hội đều có thông bạch hướng dẫn tổ chức, từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở Tự viện, với nhiều chương trình hoạt động phong phú như diễu hành xe hoa, thuyền hoa, rước kiệu hoa, phóng sanh đăng, thắp nến cầu nguyện hòa bình, chương trình văn nghệ, thuyết giảng ý nghĩa Phật đản sanh, lễ hội ẩm thực chay v.v… tất cả được tổ chức rất trang nghiêm, chu đáo và đạt kết quả tốt đẹp.

Trên tình thần tri ân, báo ân của người con Phật gắn cùng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu báo ân được trang nghiêm, long trọng, đầy đủ ý nghĩa và ổn định trong tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã khuất và những người còn sống bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.

Đặc biệt, trong tinh thần tri ân và báo ân đối với những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, năm nay Trung ương Giáo hội đã có Thông bạch 160 ngày 02/5/2011 hướng dẫn các cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong cả nước lấy ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, vào lúc 06 giờ đồng loạt cử 09 hồi Đại hồng chung để cầu nguyện siêu độ cho các Anh hùng Liệt sĩ. Việc cử 09 hồi đại hồng chung vào ngày Thương binh Liệt sĩ, đây là điểm mới, là nghĩa cử cao đẹp về truyền thống tri ân, báo ân của dân tộc và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiếng đại hồng chung được gióng lên vào một thời khắc nhất định trong ngày Thương binh Liệt sĩ đã nói lên ý nghĩa tình người của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, Nghi lễ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Ngoài những ngày Đại lễ, với lòng thành kính vô biên và tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật, tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội và các cơ sở Tự viện liên hệ đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm rất trang nghiêm trọng thể như Lễ Kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo, Đại lễ Kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Lễ Kỷ niệm 1000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch, Lễ kỷ niệm Chư Sơn Thiền đức Hội đồng Trưởng lão của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, Chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch; đồng thời tổ chức Tang lễ chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội trang nghiêm và trọng thể.

Ngoài ra, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước đã tổ chức nhiều Đại lễ Tưởng niệm cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc như Đại lễ cầu siêu tại huyện đảo Phú Quốc; Đại Lễ cầu siêu tại các ngôi chùa trên đảo Trường Sa, Đại lễ cầu siêu tại đường 9 – Hồ Chí Minh; Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Trị; và tại nghĩa trang liệt sĩ nhiều tỉnh khác trong cả nước, Đại lễ tưởng niệm các bậc tiền nhân có công trong việc mở mang bờ cõi Việt Nam đã thể hiện  đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật, là một truyền thống văn hóa nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc sống, ngoài nhu cầu vật chất, nhu cầu về đời sống tâm linh cũng không thể thiếu. Vì thế, Nghi lễ Phật giáo luôn được xem là một trong những giá trị văn hóa đạo đức quan trọng để xương minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Phật tử, ngoài các nghi lễ cầu an đầu xuân – tết Nguyên đán,  Rằm tháng Giêng, Đại lễ Phật đản, Vu Lan Báo Hiếu ngày Rằm tháng Bảy – ngày xá tội vong nhân, ngày đền ơn đáp nghĩa, Lễ Phật xuất gia, Thành đạo, nhập Niết bàn, Lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm, Lễ vía Đức Phật A Di Đà và các lễ hội truyền thống khác cũng được tổ chức theo từng địa phương tại các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường đều mang đậm nét tinh thần Phật giáo hòa quyện với dân tộc, đi vào lòng dân tộc như nước với sữa.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Liệt vị.

Nghi lễ luôn mang tính kế thừa và phát huy, phát huy để hòa nhập với cuộc sống thực tiễn. Từ đó để có sự đồng thuận cùng thống nhất tạo thành nghi lễ chung cho cả nước, đặc biệt là các Nghi lễ chính trong ngày Phật đản, Vu lan... được sự chấp thuận của Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự Trung ương, Ban Nghi lễ Trung ương đã 2 lần tổ chức Hội thảo Nghi lễ. Đây có thể là dịp để các Bộ phận Nghi lễ nói lên tính đặc thù nghi lễ của từng vùng, từng miền và từ đó mới có thể hướng tới có một nét nghi chung cho cả nước trong các nghi lễ trọng đại của Phật giáo Việt Nam.

Ngoài ra, để thống nhất việc thọ trì các thời khóa hằng ngày tại các Tự, Viện... Ban Nghi Lễ Trung ương cũng đã biên soạn và in Kinh Nhựt Tụng Tiếng Việt ấn hành cho toàn thể Tăng Ni và Phật tử trong cả nước đọc tụng.

Để cho Ban Nghi lễ Trung ương được tiếp tục hoàn thành sứ mạng của mình trong công tác phục vụ Nghi lễ, chúng tôi xin mạo muội có những kiến nghị như sau:

- Đề nghị Trung ương Giáo hội nghiên cứu và có kế hoạch về việc tổ chức giảng dạy Nghi lễ Phật giáo tại các trường Phật học và tiến tới thành lập một Phân khoa Nghiên cứu Nghi lễ Phật giáo tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, Trường Cao Đẳng Phật học.

- Đề nghị biên soạn chương trình, giáo trình, giáo án giảng dạy Nghi lễ Phật giáo tại các trường Phật học và các trường Hạ trong cả nước.

- Đề nghị cần có sự phân định về Nghi lễ dành cho giới xuất gia và giới cư sĩ tại gia. Cần chấn chỉnh cách xưng hô, trang phục của Tăng, Ni các cấp.

- Đề nghị Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo khi tổ chức các đại hội, lễ hội, giới đàn v.v…cần tham khảo ý kiến với Ban Nghi lễ Trung ương và phối hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ với ngành Nghi lễ của tỉnh, thành hội Phật giáo địa phương để việc tổ chức được trang nghiêm, trọng thể theo đúng nghi lễ truyền thống Phật giáo.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Liệt vị.

Nghi lễ Phật giáo luôn là một trong những nhân tố quan trọng để xương minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc. Trong mọi sinh hoạt của Tự viên, Tăng Ni và Phật tử luôn gắn liền với Nghi lễ, bởi vì nghi lễ luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Cổ nhân đã dạy: “Nghi tại tướng, Lễ tại tâm” và “Hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính” . Trong hoàn cảnh hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phât triển, nghi lễ Phật giáo phải vừa phù hợp với truyền thống vừa đáp ứng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt nam theo tiêu chí: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”.

 

Hòa thượng Thích Trí Tâm

Trưởng Ban Nghi Lễ Trung ương GHPGVN

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này