Chùa Chiêu Ứng qua tư liệu văn khắc Hán Nôm - Phật Giáo Việt Nam
08:23 +07 Thứ hai, 13/05/2024

Chùa Chiêu Ứng qua tư liệu văn khắc Hán Nôm

Thứ ba - 22/05/2012 13:04
(HDPT) - Địa điểm tọa lạc của ngôi chùa khá gần với các di tích nổi tiếng trong vùng như lăng Sĩ Nhiếp, chùa Dâu... Đây là ngôi chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như hệ thống tượng thờ (có cả tượng bằng đá), hoành phi câu đối cổ, hệ thống văn bia, chuông đồng...
 

Chùa Chiêu Ứng, tên chữ là "Chiêu Ứng thiền tự" hay "Chiêu Ứng tự", tên nôm gọi theo tên làng là chùa Đông Côi, ở tại thôn Đông Côi, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thời Lê, chùa thuộc địa phận xã Đông Côi, huyện Gia Định, phủ Thuận An (muộn hơn một chút là phủ Đường An); thời Nguyễn thuộc xã Đông Côi, huyện Gia Bình, phủ Thuận An, đạo Bắc Ninh.

 

Địa điểm tọa lạc của ngôi chùa khá gần với các di tích nổi tiếng trong vùng như lăng Sĩ Nhiếp, chùa Dâu... Đây là ngôi chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như hệ thống tượng thờ (có cả tượng bằng đá), hoành phi câu đối cổ, hệ thống văn bia, chuông đồng...

 

Hiện không đủ tư liệu để khảo cứu về thời điểm khởi lập ngôi chùa này, song theo các nguồn tư liệu xác tín, chủ yếu là hệ thống văn khắc khá phong phú hiện còn được lưu giữ tại chùa, có thể biết rằng so với hàng loạt ngôi chùa hiện còn tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, chùa Chiêu Ứng là một trong những di tích được xây dựng từ khá sớm.

 

Văn bia chùa Chiêu Ứng (Chiêu Ứng tự bi) dựng vào ngày 13 tháng 8 năm thứ 5 niên hiệu Dương Hòa (1639) cho biết việc nhà sư trụ trì tại chùa Chiêu Ứng khi đó là Hoàng Thế Vinh, tên tự là Phúc Cao khởi xướng việc xây dựng, trùng tu nhà thiêu hương, tiền đường, hành lang và tường vây bốn phía của ngôi chùa. Một khi đã phải tiến hành trùng tu các công trình chủ yếu của chùa, thì ít nhất trước đó mấy chục năm chùa hẳn đã được xây dựng (không loại trừ khả năng chùa đã được xây từ rất lâu và có thể đã trải qua nhiều lần trùng tu tương tự, song không còn tư liệu để kê cứu). Nói cách khác, chùa Chiêu Ứng đã được xây dựng trước thời điểm năm Dương Hòa thứ 5 (1639) khá lâu, tính sơ, đến nay di tích này đã có lịch sử trên dưới 400 năm. 

 

Văn bia nói trên còn ghi lại việc đóng góp công đức của một số quan chức cấp cao, chẳng hạn: Quan Thị nội giám, tước phong Định Lương hầu là Nguyễn Công Hiệp, người ở xã Đại Bái, huyện Gia Định hay quan Lang trung bộ Binh, tước phong Trung Lễ tử là Nguyễn Công Mưu... Không chỉ vậy, việc trùng tu chùa còn thu hút sự quan tâm của các cung tần mĩ nữ như: Đệ nhất cung tần Nguyễn Thị Ngọc Đài, đệ nhị cung tần Nguyễn Thị Ngọc Nhất, đệ tam cung tần Trần Thị Ngọc Phúc công đức. Các chi tiết này cho thấy, đương thời, chùa Chiêu Ứng hẳn phải là một di tích quan trọng, có tiếng tăm trong vùng. 

 

Lần trùng tu tiếp sau được ghi lại trong văn bia khắc vào tháng Trọng thu (tháng 8), năm thứ 20 niên hiệu Chính Hòa (1699) Từ văn bia ghi việc trùng tu lập năm 1639, đến bia việc trùng tu lần này (việc trùng tu diễn ra từ những năm 1697), đã trải gần 60 năm, không rõ giữa hai đợt trùng tu có còn đợt nào khác hay không? Lần này, ngoài việc trùng tu chùa, sư trụ trì bản tự là Nguyễn Tất Văn, tên hiệu là Huệ Thông, đạo hiệu là Huyền Minh còn cho dựng thêm 2 pho tượng Quan Âm và A Di Đà, rồi sau lại dựng thêm 6 tượng Kim cương cùng một số khâu kiến thiết khác. 

 

Cây hương đá khắc năm thứ 20 niên hiệu Chính Hòa (1799) do một vị Hoa văn học sinh đương thời là Nguyễn Triều viết chữ, ghi công đức của rất nhiều người song đặc biệt nhấn mạnh công lao to lớn của nhà sư Nguyễn Tiến Sơ, tên tự là Chân Tấu. Bài văn này bổ sung một số chi tiết đã không được văn bia năm Chính Hòa nhắc đến; cho biết việc trùng tu chùa Chiêu Ứng diễn ra vào năm Giáp Tuất (1694). 

 

Dưới thời nhà sư Nguyễn Tất Văn trụ trì tại chùa, ông đã tiến hành xây dựng gác chuông, đắp 15 pho tượng Kim cương, Bồ tát, La hán và dựng một đài hương vào năm 1699. Bài văn còn cho biết nhà sư Nguyễn Tiến Sơ xuất gia đầu Phật vào năm 1676. Hẳn ông là đệ tử của sư Nguyễn Tất Văn và sau đó trở thành sư trụ trì tại chùa. 

 

Điều khá thú vị là sư trụ trì Nguyễn Tất Văn có vợ, sinh được 3 con trai và 4 người con gái; sư Nguyễn Tiến Sơ cũng có vợ và 2 người con trai. Có lẽ họ đều có gia đình rồi mới xuất gia đầu Phật. 

 

Gần 40 năm sau, một vị Sa di tên hiệu là Như Viên vâng lệnh nhà vua về trụ trì tại bản tự. Nhân chùa đã có tiếng tăm từ lâu, lại vì vị Sa di này vốn là người trong hoàng tộc nên danh tiếng của ngôi chùa càng đặc biệt nổi bật. Vì lẽ đó, với danh nghĩa là sư trụ trì bản tự, Sa di Như Viên đã đóng góp nhiều công sức cho nhân dân địa phương, kêu gọi công đức xây dựng cầu đá tại thôn Cầu Lẻ, khởi công vào cuối Thu năm Đinh Tỵ (1737). Đợt kêu gọi công đức này được đông đảo nhân dân tham gia; không chỉ dừng lại ở đó, việc làm này còn thu hút được Hoàng đế đương triều (tức vua Lê Ý Tông) và Hoàng thái hậu. Điều đó cho thấy nếu chùa Chiêu Ứng không phải là di tích quan trọng, có tiếng tăm, thì nhà vua hẳn không sai một nhà sư dòng dõi hoàng tộc về để trụ trì, và nếu không phải chùa có tiếng tăm, không phải sư trụ trì là người trong hoàng tộc thì việc hưng công xây cầu không thể thu hút được sự quan tâm của những người có vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị đương thời. 

 

Các sư trụ trì chùa Chiêu Ứng không chỉ quan tâm đến bản thân ngôi chùa mà mình đang trụ trì, cho việc tham cứu Phật pháp, mà còn nỗ lực đóng góp công sức cho địa phương, nhất là trong việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa nhà chùa và nhân dân (xem Văn bia chùa Chiêu Ứng, dựng vào tháng trọng đông (tức tháng 11) năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh Hựu (1738)).

 

Sang thời Nguyễn, vào niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 6 (1825), khi đó, trụ trì bản tự là sư Đạo Hương tiếp tục cho xây mới và trùng tu chùa. Theo ghi chép trong bài kí trên chuông chùa hiện còn, sư Đạo Hương cho xây mới các công trình: Tiền đường, gác chuông, thiêu hương và thượng điện. Thượng điện  là bộ phận kiến trúc quan trọng bậc nhất của một ngôi chùa, di tích có bề dày lịch sử như chùa Chiêu Ứng lẽ nào lại không có thượng điện? Chẳng hạn trường hợp gác chuông của chùa, theo ghi chép trên cây hương dựng năm 1700 vốn đã được dựng từ lâu, khi sư Nguyễn Tất Văn đang trụ trì, vậy đến lúc này, tại sao phải xây mới thượng điện, gác chuông, lại đúc chuông mới? Có lẽ vì trải qua thời gian lâu dài nên các công trình trên đã xuống cấp trầm trọng, chuông chùa đã mất nên sư trụ trì phải làm mới. Việc làm mới lần này thực chất là làm lại. Bên cạnh đó, sư trụ trì còn cho trùng tu các tòa hậu thất, hành lang, miếu vũ...

 

Qua các tư liệu hiện còn, tuy không thể biết chính xác thời điểm khởi dựng chùa Chiêu Ứng song ít nhất ngôi chùa này đã có trên 400 năm lịch sử, vốn  là một di tích khá quan trọng của vùng Kinh Bắc. 

 

Nguyễn Thị Dung

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này