Huyền linh chùa Cổ Lễ - Phật Giáo Việt Nam
12:16 +07 Thứ bảy, 11/05/2024

Huyền linh chùa Cổ Lễ

Thứ năm - 21/06/2012 16:17
(HDPT) - Một không gian khá thoáng đãng, thinh lặng, gần như không còn nghe tiếng xe cộ ngoài đường, những tàng cây cổ thụ toả bóng xanh mát như bao bọc ngôi chùa, tạo một không khí u tịch linh thiêng.
 

Chùa Cổ Lễ - Thần Quang Tự, thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định, không chỉ là chùa cổ có những huyền tích trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam với sự tích làm “lễ cởi áo cà sa khoác chiến bào” giết giặc cứu nuớc của tăng, ni trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

 

 

Huyền linh chùa Cổ Lễ

Lư đồng trong chùa. Ảnh: Việt Văn.

Không phải mùa lễ hội, và cái nắng mưa thất thường của trời đất trong tháng 6 không phải là thuận lợi cho việc đi du ngoạn, nhưng có lẽ sự hấp dẫn bởi những thông tin về ngôi chùa Cổ Lễ, Nam Định, đã cho chúng tôi hứng thú khám phá một địa chỉ có cả huyền tích lịch sử Phật giáo Việt Nam từ 10 thế kỷ trước và những câu chuyện về “lễ cởi áo cà sa khoác chiến bào” của tăng, ni ở ngôi chùa này…

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 1A về phía Nam, 90km tới TP.Nam Định. Đến đây, qua cầu treo trên sông Đào, ngang qua bến Đò Quan, theo đường 21, khoảng 15km, tới thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Qua một cây cầu nhỏ, rẽ phải khoảng 200m là thấy ngay ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, 9 tầng, cao 32m… Và cũng là đã đến với ngôi chùa có tên hiệu từ thời Lý: Thần Quang Tự, hay là chùa Cổ Lễ hiện nay.

Một không gian khá thoáng đãng, thinh lặng, gần như không còn nghe tiếng xe cộ ngoài đường, những tàng cây cổ thụ toả bóng xanh mát như bao bọc ngôi chùa, tạo một không khí u tịch linh thiêng. Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu lát gạch, dáng cong, ba nhịp, cầu Cuốn bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi). Cây cầu như một cầu nối giữa đời thực với chốn huyền linh. Lại đi thêm hai cây cầu ngắn bắc giữa trái núi nhỏ, nhìn thấy một hồ nước trong vắt với lác đác những cánh hoa đại trắng muốt như những chiếc thuyền tí hon nhẹ nhàng trôi, giữa lòng hồ là một cái chuông đồng nằm nửa chìm nửa nổi… và thật sự đã lọt vào không gian của huyền tích, cổ tích Phật.

 

Tượng Phật trong chùa.

Theo văn bia truyền lại, tương truyền chùa Cổ Lễ do Thiền sư Nguyễn Minh Không - Không Lộ Thiền sư, “Lý Triều quốc sư” thời Lý sáng lập từ thế kỷ 11. Ngài là một trong ba vị Thiền sư của Việt Nam (còn có Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Giác Hải), và Ngài đã sang Ấn Độ học phép “Tam vô lậu” và đắc đạo “Lục trí thần thông”, trở thành “Nam Thiên Tam vị Thánh Tổ”.

Có lẽ thế mà Ngài được thờ ở đây như Đức Thánh Tổ của chùa. Bức tượng tạc Ngài bằng gỗ đàn hương trắng (trầm hương trắng) là một bảo vật - cổ vật, và đặc biệt hơn, được giữ gìn khá thần bí, nằm trên gác cao, được bao bọc bằng kính mờ, ít ai được ngắm dung nhan tượng, một năm chỉ mang ra một lần làm lễ “bảo sái” - tắm tượng trước ngày Lễ Khánh đản Đức Thánh Tổ từ 19 - 20.9 âm lịch.

Nhưng điều thú vị của ngôi chùa Cổ Lễ, có lẽ bắt đầu từ sự huyền linh của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, một công trình kiến trúc được ví như đại diện cho mỹ thuật Phật giáo Việt Nam. Tháp có 8 mặt chạm khắc hình hoa sen nổi, đặt trên lưng một con rùa lớn hướng mặt vào chùa. Trong lòng tháp có một cột trụ rất lớn, có 98 bậc thang từ đế tháp lên đỉnh tháp theo đường xoáy trôn ốc. Chị hàng nước trong sân chùa mách: “Linh lắm, chú đã đến đây, nên cố mà lên đỉnh tháp, sờ tay vào bức tượng Phật trên đó, sẽ gặp nhiều may mắn trong đời”.

Kiến trúc chùa Cổ Lễ cũng là một điều bất ngờ. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa qua nhiều thế kỷ thăng trầm cùng thịnh suy của đất nước, chùa Cổ Lễ là sự hoà nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền trong đền đình chùa miếu của Việt Nam với các yếu tố kiến trúc gothic của Châu Âu, nên chùa thờ Phật nhưng mang bóng dáng một Thánh đường Thiên Chúa giáo. Nó thể hiện ở gian chính điện thờ Phật, rất cao, tường và trần đều có những bức bích hoạ...

 

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa.

Những “pháp khí” của nhà Phật cũng như các tượng Phật, Kim Cương, La Hán, Hộ Pháp trong chùa Cổ Lễ đều nhuốm màu linh thiêng, huyền bí và hơi kỳ lạ. Từ cái “Đại Hồng Chung” nặng 9 tấn, từ ngày đúc xong vào năm 1936 đến giờ chưa bao giờ đánh, đến các Hộ Pháp là Văn - Võ nằm trong chính điện. Trong chùa có tượng Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ đàn hương trắng cao hơn 4m đặt ở trên tầng cao, cùng nhiều tượng Phật khác, và phải đi theo những cầu thang nhiều bậc, rất hẹp ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật.

Hay như tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay cũng là một “bảo bối” linh diệu với nhiều truyền thuyết về sự huyền vi. Ngoài ra, còn một số cổ vật vô giá như trống đồng thời Lý, cái túi đựng đồng - tương truyền là của Thiền sư Minh Không dùng “vượt Tống quyên đồng” về đúc An Nam tứ khí.

Chùa Cổ Lễ như chốn tập trung nhiều điều lạ. Và điều lạ nhất ở đây, chính là việc các vị “Thiền sư” đã không “thiền” như thông lệ của người nhà Phật. Có lẽ họ thấm tư tưởng của những vị Thiền sư tổ và nhất là tinh thần của các Thiền sư Trúc Lâm, nên đã không ngồi yên khi đất nước bị ngoại xâm. Mở đầu là ngày 27.2.1947 (năm Đinh Hợi), nhà chùa đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp, tiếp nối theo sau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa tiếp tục làm lễ cho 8 nhà sư khác. Và 35 nhà sư này đã lập nên nhiều chiến tích, nhiều người đã hy sinh, nhiều người xong nhiệm vụ cứu nước lại trở về với cuộc sống “thiền sư”, nhiều người là sĩ quan cao cấp trong quân đội… Và mỗi người là một sự tích của ngôi chùa Cổ Lễ.

Khi đến ngôi chùa này, tôi đã lặng người trước hàng bia liệt sĩ bằng tiếng Hán và tiếng Việt, nằm dọc theo hai bên hành lang phía sau nhà Tổ, ghi công đức của những liệt sĩ “thiền sư” khoác chiến bào cứu nước.

Rời không gian thanh tịnh yên bình của chùa, trước khi ra đến cây cầu Cuốn trên hồ Chu Tích, nhìn hai cái lư đồng khổng lồ, có cảm giác trong đó đang chứa bao nhiêu câu chuyện đời của nhân gian, và được hoá giải những bi - ai - oán - khổ - hận… để tâm người bình an.

 

Việt Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này