Ngôi chùa 1000 năm tuổi - cái nôi của vị thiền sư “hóa Phật” - Phật Giáo Việt Nam
17:09 +07 Chủ nhật, 12/05/2024

Ngôi chùa 1000 năm tuổi - cái nôi của vị thiền sư “hóa Phật”

Thứ năm - 28/06/2012 23:21
(HDPT) - Chùa Thầy còn được gọi là Thiên Phúc tự, dịch nghĩa: Trời ban phúc, gắn liền với tên chùa là truyền thuyết về nhà sư Từ Đạo Hạnh, người được biết đến là thế hệ thứ 12 thuộc dòng thiền ti-na-đa-lưu-chi.
 

Hơn 1000 năm tuổi, ngôi chùa Thầy dưới chân núi Sài Sơn (thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vẫn lưu giữ được hệ thống tượng đa dạng, lối kiến trúc độc đáo, thể hiện bàn tay khéo léo của người nghệ nhân xưa.

Trong số đó phải kể đến bệ đá kép "Bách hoa đài" được xác định có từ thời Trần, hiện lớn nhất Việt Nam.

Mảnh đất "dáng long"

Chùa Thầy còn được gọi là Thiên Phúc tự, dịch nghĩa: Trời ban phúc, gắn liền với tên chùa là truyền thuyết về nhà sư Từ Đạo Hạnh, người được biết đến là thế hệ thứ 12 thuộc dòng thiền ti-na-đa-lưu-chi.

Trụ trì chùa, nhà sư Thích Đào Vĩnh cho biết, chùa được dựng ở mảnh đất hình rồng, theo những người am hiểu phong thủy. "Dáng long" ở chỗ núi Sài Sơn nơi mà chùa tựa vào là đuôi rồng, sân chùa là hàm trên, bờ hồ là hàm dưới con rồng. Giữa đình có cái ao nhỏ gọi là Thủy đình chính là viên ngọc rồng. Người xưa cũng quy ước rằng bên trong chùa có cầu Nhật Tiêu Kiều và Nguyệt Tiêu Kiều là nanh con rồng, hai bên có hai giếng là mắt rồng. Không gian chùa thoáng đãng, gồm có  ba lớp chùa hạ, chùa trung, chùa thượng tạo thành đầu rồng, còn gác chuông, gác chống hai bên là tai rồng.

Tương truyền thiền sư Từ Đạo Hạnh trước đây là thầy lang, có tấm lòng nhân ái đi chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ trong vùng mà không lấy tiền. Ngày ngày, ngài lên núi tìm thuốc chữa bệnh cho dân, ngoài ra còn dạy dân biết trồng cây ăn quả, rau màu và các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà. Đặc biệt ngài còn được coi là tổ nghề của múa rối nước bởi vậy người dân nơi đây cảm phục, kính trọng gọi thiền sư bằng cái tên gần gũi mà kính trọng là Thầy. Gắn liền với cuộc sống của ông, các địa danh nơi đây đều được gọi là Thầy, ví dụ như nơi ông tu hành về sau được gọi là chùa Thầy, nơi ông hóa phật gọi là núi Thầy, làng nơi ông sống gọi là làng Thầy.

Người ta cho rằng sau thời gian ngộ đạo thiền sư đã lên núi sống kiếp sống của người tu hành để giũ bỏ cuộc sống phàm tục, nhịn ăn, nhịn uống 100 ngày rồi dặn dò dân làng rằng: "Sau khi ta chết, thấy xác có mùi thì đem chôn, nếu không thì mang về thờ". Sau này dân làng lên núi Thầy dù ngài đã viên tịch nhưng thi thể không như người thường. Lúc này nhớ lại lời dặn trước lúc thoát tục, dân làng đã đem "bức tượng thoát tục" này về thờ tự. 

Không chỉ mang nhiều sự tích, màu sắc kì bí, chùa Thầy còn được biết đến với lối kiến trúc đặc sắc. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc", bên hành lang phải là nơi thờ tượng Phật, bên trái là dãy tượng La Hán. Điểm đặc biệt trong Thượng điện của chùa thờ ba kiếp tu của thiền sư Từ Đạo Hạnh: Kiếp tiên, kiếp làm Phật, kiếp làm Vua.

Trong chùa có khám thờ được điêu khắc tỉ mỉ, họa tiết văn hoa tinh xảo, bên trong là nơi để nhục thể của thiền sư. Chỉ khi nào lễ hội diễn ra thì khám thờ này mới được mở ra để người dân tắm rửa, thay lễ phục. Người dân địa phương quan niệm nếu ai dám tự ý mở ra thì "sẽ gặp tai ương"? Đây được coi là một bức tượng độc đáo chỉ có ở chùa Thầy. Trải qua nhiều thế kỉ, nhưng bức tượng vẫn giữ được nét đẹp, không hề bị bụi thời gian che phủ.

Bệ đá kép quý giá

Chùa Thầy còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá khác nhau như hai vị tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 4m nặng 3 tấn làm từ đất sét và giấy bản đã hơn 400 năm tuổi, bức phù điêu Thập điện Diêm Vương nói về cảnh địa ngục, khuyên răn con người sống tốt nếu không sau này bị đẩy xuống địa ngục; bộ tượng di đà tam tôn, hay cây cột gỗ Ngọc Am có từ thế kỉ XI… Nhưng có giá trị nhất, được nhiều người biết đến chính là bệ đã kép "Bách hoa đài" với những nét điêu khắc tinh tế.

Chùa Thầy nổi tiếng với lối kiến trúc "Tiền Phật, hậu Thánh". Đây là kết hợp đánh dấu sự giao lưu văn hóa giữa tín ngưỡng phật giáo với tín ngưỡng bản địa, và tính từ bi của nhà Phật với sự linh thiêng của thần thánh. Thượng điện chùa Thầy là sự minh chứng cho điều ấy. Gian giữa Thượng điện với dòng chữ: "Đại hùng bảo điện" dưới đó là thờ tam bảo rồi thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Phía dưới là bệ đá kép "Bách hoa đài" có từ thời Trần, lớn nhất Việt Nam. Nói về bệ đá thời Trần, hiện nay còn khoảng 20 chiếc còn lưu giữ ở Bắc Bộ, tuy nhiên lớn nhất là bệ đá “Bách hoa đài” này. Trụ trì chùa cho biết, như tên gọi "kép" chỉ hai tầng của bệ, đo dọc hai bên thân có đủ 100 cánh hoa. Bệ đá được chia thành 2 phần: Phần bệ trên cao 0,94m, rộng 2,45m, dài 1,78m toàn bộ được chế tác từ đá xanh.

Theo các tài liệu Phật giáo, phần bệ trên cùng là hình ảnh lớp hoa sen úp ngửa với cánh dưới ngửa, còn hai cánh trên úp. Phía dưới hình hộp là điêu khắc hình dây leo, hình mây với những họa tiết nổi. Thân bệ chạm khắc hình rồng không vảy, với cặp sừng chìm trong lớp bờm. Ở bốn cạnh bệ đá có hình chim thần Garuda mỏ ngắn, mắt tròn trơn, bụng phệ hai tay đưa đỡ lấy tòa sen. Phần dưới cùng là những trang trí hình hoa lá, mây, hình rồng với những họa tiết nhỏ nhưng sống động. Bệ trên này để hòm sắc phong do triều đình ban cho thiền sư.

Phần bệ đá dưới chiều dài và rộng lớn hơn so với phần bệ đá trên. Bệ này có kết cấu tương tự phần dưới cùng của kệ trên cũng với những nét điêu khắc tỉ mỉ, hoa  lá, mây, rồng tạo nên nhiều tầng lớp. Bệ đá dưới này ngoài là bệ đỡ của bệ đá trên còn là nơi để tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh tương truyền đã hóa kiếp Phật. 

Trong cuộc sống hiện đại xô bồ, chùa Thầy là nơi để những ai vừa muốn tìm về với văn hóa tâm linh vừa để thưởng ngoạn phong cảnh đến đây thăm thú. Bên cạnh đó với nghệ thuật điêu khắc độc đáo, chùa Thầy mang những nét riêng mà không phải ngôi chùa cổ nào cũng còn giữ được.

Nguồn: Pháp Luật và Xã Hội

 

Lê Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này