Viếng chùa Sa Prasan Suk, nhớ cụ Đồ Chiểu - Phật Giáo Việt Nam
20:47 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Viếng chùa Sa Prasan Suk, nhớ cụ Đồ Chiểu

Thứ năm - 24/05/2012 11:52
(HDPT) - Có thể bạn sẽ nghĩ những ngôi chùa phái Nam Tông cao thanh thoát ở Thái Lan hao hao những ngôi chùa Miên miền tây nước Việt. Nhưng không, ở đây tôi “gặp” lại cái ý của cụ Đồ Chiểu, nơi Ubon Ratchathani xa xôi ngàn dặm đất chín rồng.
 

 

 

Ubon Ratchathani, thường được gọi ngắn là Ubon, ít được nhắc đến ở các tour du lịch Thái Lan, kể cả với các tay du lịch bụi. Nhưng Ubon vắng du khách Âu Mỹ. Với phật tử người Thái mộ đạo, khách Việt yêu mến những gì xưa cũ, những giá trị đạo đức lẫn tâm linh… thì một Ubon hiền lành, chầm chậm sống là một điểm đến rất thú vị. Và, nó đã níu chân tôi ở lại đây nhiều ngày hơn dự tính.

Nơi có những cái “nhất” của Thái Lan

Ubon chỉ được hình thành từ cuối thế kỷ 18, bởi một hoàng tử Lào. Và có gần 30 ngôi chùa lớn nhỏ trong ngoài thành phố. Giữa trung tâm, ngôi chùa Thung Si Muang xây dựng từ đầu thế kỷ 19, giờ còn giữ được toà thư viện bằng gỗ, kiến trúc ảnh hưởng cả ba trường phái Thái – Lào – Miến thanh thoát nằm giữa hồ sen xanh um. Cách đó chừng 3km, du khách nào đã từng đến đất Phật sẽ cảm thấy thú vị khi viếng chùa Wat Nong Bua – một phiên bản của Đại Giác Ngộ Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng. Điều khác với ngôi chùa đá xám uy nghi bên Ấn, ngôi chùa cao 55m này được sơn son thiếp vàng giữa khu vườn xanh…

Thích thiên nhiên lạ, đẹp, bạn có thể đến vườn quốc gia Kaeng Tana, nơi ngày trước người Khmer từng sinh sống. Ngắm những dòng chảy cuồn cuộn trên địa hình đá lạ lùng của những triền sông, mấy con thác đẹp gần nơi ba dòng Mekong, Mun, Lam Dom Noi hợp lưu. Du khách có thể thử cảm giác mạnh khi đi trên chiếc cầu treo dài nhất Thái Lan – Saphan Khwan – đòng đưa trên cao, lắt lẻo bắc qua dòng Mun xanh rì. Thích sưu tập những cái “nhất” vào hành trình du lịch, từ Kaeng Tana có thể chạy xe thẳng đến đỉnh của vườn quốc gia Pha Taem, có hai tấm bảng to đùng “Nơi đón bình minh sớm nhất” và “Nơi chia tay hoàng hôn sớm nhất” của Thái Lan.

Ngôi chùa trên chiếc thuyền

Nghe hai bạn trẻ địa phương nhiệt tình giới thiệu, tôi lại dời ngày về. Để mai sớm hôm sau tôi tìm đến chùa Sa Pran Suk, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lạ của chùa, nơi tôi “gặp” lại cụ Đồ Chiểu từ quê nhà.

Chùa Ban Na Muang, giờ gọi là Sa Prasan Suk được xây dựng bởi cao tăng Luang Pu Boon Mi (hoặc Luang Poo Boon Mee) vào cuối thế kỷ 20. Nằm hơi xa phố, ở ngoại ô Ubon, cổng ngôi chùa là một chú voi ba đầu cao khổng lồ. Voi thần Airavata của vị thần Ấn giáo Indra này vừa là cổng chùa, cũng là linh vật bảo vệ chùa – tôi được ông chú người Thái giải thích khi thấy tôi lơ ngơ ngắm nhìn. Ngay trong khuôn viên chùa là một chiếc thuyền, trong thuyền có một gian điện thờ nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống trông ngôi chùa thật đẹp, ngẫm lại ý nghĩa mà ông chú mới nói, tự nhiên tôi bật nhớ câu thơ của cụ Đồ Chiểu.

Hiểu nôm na theo ý của cao tăng Luang Pu Boon Mi, chiếc thuyền chở ngôi chùa như là tâm, nổi trên mặt nước – dục vọng của con người. Điều quan trọng cho người tu cũng như người trần là sao giữ cho tâm luôn vững, không chao đảo trên biển dục vọng của mình. Ý nghĩa câu thơ nổi tiếng của cụ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm…” lại khác. Nhưng ngẫm ngợi tới lui, cách giáo dục con người, quan niệm chuyện đạo, chuyện đời không khác nhau chút nào, giữa hai vị đạo cao đức trọng, ở hai miền đất khác xa nhau, về không gian và cả thời gian.

Tôi thiển nghĩ, có chăng là nó bổ sung cho nhau. Khi ngôi chùa – chiếc thuyền chở nặng đạo lý, vừa “không khẳm”, nó vừa khó “chao đảo” trên biển dục vọng ngày càng dữ dội ở cuộc sống nhiều áp lực, lắm bon chen, tham vọng bây giờ. Mong sao có thật nhiều người giữ được nó “thật khẳm”, không đảo chao, để có nhiều hơn những ngòi “bút chẳng tà”.

Bài và ảnh: Trần Thái Hoãn

 

Từ Ubon đón xe song-thẻo (giống xe lam ở Sài Gòn) số 8, nói tên chùa, xe sẽ chở bạn đến chùa, mất 7 baht. Lúc về bạn phải đi bộ 1km ra đường chính, cũng đón xe số 8 về lại Ubon (bình thường xe không rẽ vào chùa mà đi thẳng). Ngoài những ngôi chùa trong bài đề cập, Ubon còn hơn 20 ngôi chùa lớn nhỏ, cũ mới khác. Ngoài khu chợ ẩm thực ban đêm, ở Ubon có nhiều người Việt nên bạn có thể thưởng thức món ngon nước Việt trên xứ người. Ăn uống ở Ubon rẻ, khoảng 30 – 40 baht/món, nhưng nghỉ ngơi tương đối đắt – khoảng 600 – 1.000baht/phòng. Có thể đến Ubon bằng xe buýt từ Bangkok (mất khoảng tám tiếng) hoặc từ Pakse, Lào (mất khoảng hai tiếng rưỡi).

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này