Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma – biểu tượng của Quyền Thiền hợp nhất - Phật Giáo Việt Nam
01:53 +07 Thứ tư, 17/04/2024

Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma – biểu tượng của Quyền Thiền hợp nhất

Thứ ba - 11/12/2012 08:13
(HDPT) - Hình ảnh Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma tồn tại hôm nay như một người có tướng mạo hung dữ, đôi mắt luôn trợn trắng, mày quặm lại, râu đen cả mặt, giống như cướp biển.
 

Đặc biệt là đôi mắt, to và sâu thẳm như hư vô. Đôi mắt đó thường nhìn trừng trừng bất động, như có mãnh lực vô hình, khiến người ta xao xuyến, khiếp sợ. Cho nên, văn học Trung Hoa dùng từ “bích nhãn hồ tăng” nghĩa là “nhà sư mắt biếc đất Hồ” để gọi Ngài.
 
Mắt sâu hút bóng thiên đàng
 
Một khung trời nhỏ, lá vàng chợt bay
 
Người ngồi giữa cuộc đổi thay
 
Nghe sông núi cạn phút giây vô thường.
 
Nhà thơ Y Sa đã cảm tác như vậy khi đối diện bức họa “Bồ Đề Đạt Ma cửu niên diện bích”, khiến chúng ta cảm nhận được niềm cô đơn đến vắng lặng mà sự yên lặng ấy như sấm sét giữa núi rừng tĩnh mịch. Một con người khác thường, mang tâm hồn hiên ngang nhưng sống cuộc sống cô đơn đến cùng cực, và “xem công hầu khanh tướng như cỏ rác, đi trên thị phi tầm thường, vượt ra ngoài những giới hạn của đời sống công lệ và tâm hồn nung nấu niềm kiên dũng xót xa trước sự đi xuống của con người” [1, tr.6].
 
Hình ảnh Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma tồn tại hôm nay như một người có tướng mạo hung dữ, đôi mắt luôn trợn trắng, mày quặm lại, râu đen cả mặt, giống như cướp biển. Đặc biệt là đôi mắt, to và sâu thẳm như hư vô. Đôi mắt đó thường nhìn trừng trừng bất động, như có mãnh lực vô hình, khiến người ta xao xuyến, khiếp sợ. Cho nên, văn học Trung Hoa dùng từ “bích nhãn hồ tăng” nghĩa là “nhà sư mắt biếc đất Hồ” để gọi Ngài. Và từ đó, Ngài bước chân vào huyền sử như Trúc Thiên cảm thán:
 
Từ Tung sơn, sừng sững bên vách đá Thiếu Lâm, bóng Người ngả dài suốt lịch sử Đông Phương như một tượng trưng thuần túy của Ðạo. Ngót mười lăm thế kỉ, lòng người còn nghe đồng vọng tiếng Người nói; chốn Già lam còn vang dội bước Người đi.
 
Người đi qua không gian hiển hiện như chưa từng có. Người đi qua thời gian, hiển hiện như chưa từng không. Người đi thẳng vào sự thực, dẫm nát dư luận. Người đi thẳng vào lòng người, không mặt nạ.
 
Ðối với Người, sự thực là sự thực, không được trả giá. Trả giá với sự thực là kí kết với ma. Con người đi xuống quá rồi, thế đạo đang nghiêng ngửa giữa sắc tướng; cần cấp thời chận đứng cái đà tuột dốc; cần vươn mình mở lấy con đường không đường, cần nhảy thẳng vào tâm điểm cuộc sống, của giác ngộ. Căn bịnh đã quá trầm trọng, cần bạo tay thọc thẳng mũi đao vào tròng ung thư. Trong tinh thần vô úy ấy Người đã thét giữa những con người bé nhỏ chúng ta chơn lí tối hậu: hoát nhiên vô thanh.
 
Từ huyền sử, Người tô lại khung đời bằng nét đạo tâm linh. Sống là đạo, ngoài ra không có đạo nào khác. Ðạo nào khác đều tìm Thánh mà bỏ phàm, đều ham ngộ mà ghét mê, đều bỏ đời mà cầu đạo, đều tự trói buộc mình: “Bất dữ phàm thánh đồng triền. Siêu nhiên danh chi viết Tổ” [2].
 
Theo Bách trượng thanh quy, Ngài tên là Bồ Đề Đa La, con trai thứ ba của vua Hương Chí, dòng Sát Đế Lợi, Nam Thiên Trúc. (祖師南天竺國香至王第三子也。 姓刹帝利。本名菩提多羅 [5, tr.1118a29]). Về sau, đổi là Bồ Đề Đạt Ma, nghĩa là đã thông lượng đối với các pháp (汝於諸法已得通量。夫達磨 者通大之義也。 宜 名達磨). Với nỗi niềm thổn thức trước những biến thiên của cuộc đời, trước nỗi đau muôn thuở của kiếp người trong dòng chảy vô thường mà Ngài phát tâm xuất gia, tìm cầu sự giác ngộ. Ngài “nuôi chí cầu pháp Đại thừa, trút lớp áo trắng cư sĩ khoác lên chiếc áo nâu sòng, quyết làm hưng thạnh hạt giống Thánh. Thoải mái trong lòng, thông suốt thế sự, trong ngoài sáng rỡ, đức hạnh vượt ngoài khuôn mẫu thế gian” [3, thượng, tr.210]. Từ nhân duyên đó, Ngài được Tổ Bát Nhã Đa La (PrajñÅtÅra), đời thứ 27 của Phật giáo Thiên Trúc truyền Y Bát làm Tổ đời 28.
 
Sau thời gian ẩn thân tu tập để đập tan những định kiến, vượt qua những dối lừa của tri giác sai lầm và đến lúc ánh trăng hiện rõ giữa bầu trời cao rộng, cơ duyên chín mùi, Ngài lên thuyền vượt biển sang Trung Hoa vào ngày 21 tháng 7 năm Mậu Tuất. Vua Lương Võ Đế hay tin liền mời về Kim Lăng hội kiến. Sau vài lần tiếp chuyện, Bồ Đề Đạt Ma biểu lộ chất nghệ sỹ ngang nhiên của người siêu thoát, trong khi Lương Võ Đế là vị vua thuần thành, nhưng chưa thoát ra khỏi trí óc tầm thường của thế tục, nên không thể lãnh hội những huyền nghĩa cao siêu của bậc đại nhân. Dưới mắt Thiền sư, danh lợi phồn hoa của cuộc đời như mây chiều sương sớm. Cảnh đời vô thường mộng huyễn. Một lời còn không muốn thốt ra, hà huống là văn tự trọn chẳng màng đến. Khí khái dứt khoát, tư tưởng siêu việt, xem nhẹ việc đời như cát bụi. Do đó Đạt Ma Tổ Sư bỏ về Hồ Nam. Tương truyền, Ngài bứt cọng lau ném xuống sông, rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang để đến Thiếu Lâm Tự, vào năm Hiếu Xương thứ ba, đời Bắc Ngụy (527) [4, tr. 657].
 
Tại đây, Ngài thấy nhiều nhà sư thể trạng yếu đuối, hay ngủ gật lúc nghe giảng và không chịu nổi khí lạnh núi rừng. Đồng thời, thấy cuộc đời chưa tiếp nhận được tông chỉ cứu cánh của Pháp như thật nên ngồi quay mặt vào vách trong, trở về với nỗi niềm cô đơn tuyệt đối của kẻ thiết tha cứu đời. Kết quả sau chín năm diện bích, Ngài đã đúc kết hết thảy tinh yếu vào trong cuốn Dịch Cân Kinh và Tẩy Thủy Kinh[1], trở thành tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công và cũng là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa với dòng truyền rực rỡ, như bài kệ Ngài dạy: “Ngô bản lai tư thổ, truyền Pháp cứu mê tình, nhất hoa khai ngũ diệp, kết qủa tự nhiên thành” (吾本來兹土傳法救迷情一華 開五葉 果自然 成).Ta vâng lời Thầy, mang Pháp tạng được trao truyền từ Tây Vức sang đến cõi này để truyền pháp cứu người mê. Một đóa hiện linh thoại, có năm cánh tỏa hương thơm kỳ diệu, là kết quả thành tựu tự nhiên.
 
Ngày xưa, Đức Thế tôn ở Magadhà đóng cửa không nói ba tuần; ba mươi hai vị Bồ tát tại Vaishali bàn bạc với Duy Ma Cật về pháp môn bất nhị, cuối cùng Ngài đã yên lặng không nói, khiến ngài Văn Thù khen ngợi; Ngài Tu Bồ Đề ngồi trong hang đá không nói một lời, không một câu thuyết về Bát nhã ba la mật lại khiến Thiên Đế Thích lặng lẽ rải hoa dâng cúng; rồi Đạt Ma cửu niên diện bích, lãnh đạm với mọi ngôn ngữ. Như vậy, sự im lặng sấm sét ấy chính là một pháp môn thượng thừa, chứ nào phải tà ngụy đối với Thiền?
 
Hiện nay, từ Lạc Nhạn đầm vòng theo hướng Đông Nam, lối đi từng bậc đá ngoằn ngoèo lên sườn Thiếu Thất có Trấn Võ động. Bên trong khắc hàng chữ: “Đạt Ma thiền sư tham thiền chi linh vị” (達磨 禪師參禪之靈 位)và phía dưới là chiếc lư lớn bằng đồng, đặt trên phiến đá - nơi kỷ niệm Đạt Ma Tổ sư cửu niên diện bích. Và về sau, các thế hệ kế thừa đã tán thán Ngài nhân kỳ giỗ Tổ hằng năm bằng lời sớ với văn phong trang nhã, tôn kính:
 
 大哉正傳 紹覺皇之宗裔。廓然無聖 破義學之膏肓。百川到海逈絕 異流杲日麗天罄無側影 指人心而成佛成佛同心 契妙道以忘言。忘 言見道。有 大功於世教。宜 廣振於宗風 現濁世優曇華。實為鼻祖 取神州大乘器。盡入彀中。適逢瘞履之辰。爰效采蘩之薦。伏願 信衣表佛 祖 之重 力任千鈞 一花開 天地之春。芳聯萬世。[5, tr. 1118a20].
 
Lớn lao thay chánh truyền, nối dòng dõi Phật. Trống trơn không Thánh, phá tan những hiểm nguy của nghĩa học. Trăm sông về biển, nào còn dòng chảy riêng tư. Mặt trời trên không, chẳng còn hình ảnh riêng rẽ. Chỉ thẳng tâm người thành Phật. Khế hợp diệu đạo mà quên lời, quên lời để thấy đạo. Lập công to cùng thế giáo, chấn động lớn ở Tông phong. Hiện đóa Ưu đàm giữa dòng đời nhơ bẩn, làm vị Tổ đầu tiên. Nắm vận khí Đại thừa tại Trung Quốc, trọn nhập vào khuôn khổ. Vừa gặp ngày chôn giày, bèn dâng lễ tưởng niệm. Ngưỡng mong, tín y biểu thị, việc lớn của Phật Tổ, sức nặng ngàn cân. Một hoa xòe nở, mùa xuân trời đất, thơm mãi muôn năm.[2]
 
Và theo Bách trượng thanh quy, ngày mồng 5 tháng 10 năm Bính Thìn, nhằm năm thứ 19 niên hiệu Thái Hòa nhà Ngụy, Ngài ngồi yên lặng mà tịch. Ngày 28 tháng Chạp, đem an táng ở núi Hùng Nhĩ, xây tháp tại chùa Định Lâm. Nhà Đường phong thụy hiệu là Viên Giác đại sư, tháp tên là Không Quán. (至太和十九年丙辰歲十月五日端居而逝。其年十二月二十八日葬熊耳山。起 塔於定林寺。唐諡 圓 覺大師。塔曰空觀) [5, tr. 1118b15].
 
Sau khi Ngài viên tịch, các Đại sư Thiếu Lâm tiếp tục tập luyện những phương pháp do Ngài truyền lại. Với Dịch Cân Kinh thì rèn luyện nội công, còn Tẩy Thủy Kinh thì rèn luyện khí công. Chẳng bao lâu, các Đại sư nhận ra việc luyện tập hai quyển này, không những làm sức khỏe tăng tiến, cơ thể mạnh mẽ mà tinh thần càng phấn chấn, trầm tĩnh, có thể chống lại khí lạnh núi rừng, bịnh tật, mệt mỏi sau khi ngồi thiền và can đảm vượt qua những khó khăn nguy hiểm trong lúc hành đạo.
 
Thế nhưng, nói đến Bồ Đề Đạt Ma, không thể không nói đến tư tưởng Thiền tông mà Ngài là người kế thừa và được tư tưởng ấy hun đúc nên con người siêu tuyệt. Một đóa sen Đức Phật đưa lên ở hội Linh Sơn đến sự im lặng đến vô tình của Bồ Đề Đạt Ma, một tiếng hét vang vọng đất trời của Lâm Tế làm bừng vỡ chân tâm hành giả hay những chiêu gậy hàng ma tuyệt hảo của Bách Trượng, xua đi đám mây mù che mắt thế gian. Đó đều là hạo khí của Thiền bàng bạc trong dòng truyền này. Và hạo khí đó, được thâu gọn trong bốn câu của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” (不立文字教外別 傳直指人心見性成佛), nghĩa là, phải hiểu thấu đáo một câu Kinh bằng cách đập vỡ cả kính lẫn ảnh, vượt qua mọi hình thái ý niệm, không phân biệt mê ngộ, không chú ý đến hiện tại hay sự vắng mặt của tâm tưởng, không bắt không bỏ hai đường thiện ác như Đại Ứng quốc sư đã diễn tả [3, trung, tr.64]. Để từ đó, khai sáng Thiền tông Trung Hoa, và chính tông phái này đã hun đúc truyền thống huy hoàng của nền văn hóa Nhật Bản, ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Việt Nam và Triều Tiên.
 
Tinh hoa Thiền Bồ Đề Đạt Ma là dạy người triệt ngộ cội nguồn tâm linh, quay lại sống với chính mình; chuyên tâm nhất ý quán sát bằng cách tự truy vấn, khi cha mẹ chưa sinh ta, bản lai diện mục là gì? Có nỗi ưu tư buồn khổ vì không thấu rõ cội nguồn của mình, để phải lưu linh trôi nổi sanh tử luân hồi. Khi nào cảm nhận được nỗi bâng khuâng sanh tử luân hồi giống như nỗi buồn con thơ lúc cha mẹ qua đời, chính là khi dụng tâm hồi quang phản chiếu, liễu ngộ Phật tánh [6].
 
 Như vậy, từ bỏ quê hương, qua Trung Hoa trao truyền đạo lý tinh túy của đấng Thiện Thệ, nhưng tiếng nói của Ngài chỉ là tiếng nói cô liêu giữa sa mạc loài người bấy giờ. Người đời không thể hiểu tiếng nói cao siêu ấy nên Ngài đã đi vào nỗi niềm cô đơn vô hạn, suốt chín năm lặng lẽ ngồi quay mặt vào vách để thiền định, “với đôi mắt nhìn thẳng vào hư vô thăm thẳm của trần gian, nhìn vào kiếp người phù du và ngó xuống nỗi đời trầm thống” [1].
 
Nhiều khi trong hành trạng của Ngài, có những cử chỉ tàn bạo đối với môn đệ, nhưng thật ra đó là thái độ tích cực để giúp những tâm hồn tinh thành trên con đường giải thoát khổ đau. Hơn nữa, theo Phạm Công Thiện, cử chỉ lạnh lùng của Bồ Đề Đạt Ma là “biểu lộ một cách tiêu cực lòng thương yêu thầm kín của một tâm hồn đa cảm trước những yếu đuối của loài người”.
 
Tóm lại, những huyền thoại kỳ bí như: Đạt Ma vượt sóng qua Đông Độ, đạp cọng lau qua sông Dương Tử, hay xách dép phi hành trên ngọn Thống Lãnh, đều nhằm thi vị hóa sự tôn kính đối với cuộc đời ngang dọc của Bồ Đề Đạt Ma - một nhân vật siêu phàm, xuất chúng về đường tư tưởng và học thuật, một tâm hồn phóng khoáng, siêu thoát, phá chấp và nghịch đời. Tổ sư đã đi vào lịch sử nhân loại trong suốt 15 thế kỷ qua, bằng nhiều nghi án lịch sử quan trọng, bên cạnh những huyền thoại kỳ bí, đã khiến một số học giả Đông - Tây nghi vấn và phủ nhận cuộc đời Ngài, như: Phùng Hữu Lan, P. Pelliot, Conze. Trái lại, có nhiều học giả công nhận như: Hồ Thích, Praboth Chandra Bagchi, Suziki, và cả trong các sách Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, sách Võ Thuật Tùng Thư của Quảng Từ Lão Ni [1, tr. 21-26].
 
Như vậy, Thiền tông là tâm hồn, võ thuật là thể xác của Đạt Ma, do đó, sự xuất hiện của hai nền tư tưởng và học thuật này, chính là hiện tượng siêu hóa nghệ thuật thật sự con người Đạt Ma. Tổ sư đã thật sự đi vào huyền sử nhân loại, để sống mãi với sự tôn kính cao cả. Và chính yếu, ngay chính bản thân Ngài, cũng là sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa đã minh chứng hùng hồn cho sự hòa quyện giữa Quyền và Thiền. Một minh chứng sống thực cho sự giao thoa, kết dính ấy tạo nên hạo khí kiêu hùng trong dòng chảy miên viễn của cuộc đời ngược xuôi.
 
TTT.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1] Phạm Công Thiện (2003), Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma – Tổ sư Thiền tông, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
 
[2] Trúc Thiên (1972), “Linh thoại Bồ Đề Đạt Ma”, Tạp chí Tư tưởng Đại học Vạn Hạnh, số 2 và 3.
 
[3] DAISETZ TEITARO SUZUKI (1989), Thiền luận, Trúc Thiên dịch, tập thượng, trung, hạ, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
 
[4] Sa môn Thích Quảng Độ dịch (2000), Phật Quang đại từ điển, tập 1, Hội Văn Hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản.
 
[5]大智壽聖禪寺住持臣僧德煇奉勅重編,大龍翔集慶寺住持臣僧大訢奉勅校正 , “勅修百丈清規”, 大正新修大藏經, 卷 48, 數 2025,1109c– 1159b.
 
[6] 達磨祖師著 (2007), 達磨悟性論, 佛陀教育基金會恭印, 台灣.
 
 
[1] Có quan điểm cho rằng Dịch Cân kinh và Tẩy Thủy kinh không phải của Bồ Đề Đạt Ma. Trong tác phẩm Lược khảo võ thuật Trung Hoa, Trí Chi – Hồ Hiếu Vũ dịch (1973), đưa ra dẫn chứng cho rằng hai tác phẩm kia được viết từ đời nhà Minh hoặc nhà Thanh, qua việc phân tích sự giả tạo trong bài tựa của Lý Tĩnh và Ngưu Cao trong sách Dịch Cân kinh và Tẩy Thủy kinh. Tuy nhiên, những dẫn chứng mà các quan điểm đó đưa ra vẫn chưa được các nhà nghiên cứu chấp nhận là có cơ sở khoa học. Do đó, tôi vẫn theo quan điểm chung, xác nhận là tác phẩm của Bồ Đề Đạt Ma. Vì vấn đề ở đây, không phải là nói tác phẩm của ai, mà tôi chỉ nói đến ứng dụng, công dụng của nó. Cho nên, vấn đề xác thực thì dành cho những nghiên cứu sau này.
 
[2] Thích Phước Sơn & Lý Việt Dũng dịch
 
 
 
Đại đức Thích Thanh Tâm

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này