Chủ thuyết hòa bình của Phật giáo có thể chế ngự được sự hung bạo của kẻ ngoại xâm? - Phật Giáo Việt Nam
12:18 +07 Thứ ba, 21/05/2024

Chủ thuyết hòa bình của Phật giáo có thể chế ngự được sự hung bạo của kẻ ngoại xâm?

Thứ sáu - 22/06/2012 07:05
(HDPT) - “Thưa thầy! Thầy có nghĩ chủ thuyết hòa bình của Phật giáo có thể chế ngự được sự hung bạo của kẻ ngoại xâm?” - tôi làm gián đoạn lời thuyết giảng về hòa bình của đại đức Thích Giác Nghĩa - trụ trì chùa Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) - bằng một câu hỏi có phần khiêu khích.
 

 

Đại đức nhìn tôi với vẻ thông cảm của người tu hành: “Đức Phật dạy rằng hận thù không thể dập tắt hận thù, mà chỉ có lòng từ mới có thể chuyển hóa được tâm thù hận. Sự tu hành của chúng tôi ở nơi sóng gió này, cuộc sống của người lính, người dân nơi đây sẽ truyền đi một thông điệp hòa bình đến với nhân loại”. 



Linh hồn lính biển

Là một con dân đất Việt, nhưng phải hơn nửa đời người, tôi mới có dịp đặt chân đến vùng biển đảo nơi cực đông tổ quốc. Con tàu HQ 996 già nua của Hải đội 411, Hải quân Vùng 4, duy trì tốc độ trung bình 7 hải lý/giờ trong điều kiện trời yên, biển lặng, mất 2 ngày 2 đêm mới đưa chúng tôi đến vùng biển của huyện đảo Trường Sa. Ấy vậy mà xa xưa, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, các cụ nhà ta trong hải đội Hoàng Sa đi trên thuyền câu nhỏ cũng chỉ mất 3 ngày 3 đêm là đến đảo Đại Trường Sa.

Đến ngày thứ ba, khi bình minh ửng hồng trên biển cả thì hòn đảo đầu tiên chúng tôi ghé thăm trong chuyến hải hành hiện ra trong tầm mắt - đảo Đá Lớn. Trong một chuyến đi biển 10 ngày đêm, chúng tôi đã kịp đặt chân 6 hòn đảo của quần đảo Trường Sa: Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây và Trường Sa. Thời gian lướt đi thật nhanh! Sau những cái bắt tay thật chặt; những nụ cười chào đón và tiễn đưa..., đọng lại trong tôi là khuôn mặt rám nắng của những cậu lính biển trẻ măng với ánh mắt bình thản mà cương nghị khi nắm chắc khẩu AK47 trong giờ gác.

Trên đảo Đá Lớn, câu chuyện giữa tôi và trung tá Vũ Duy Khánh - người Giao Thủy, Nam Định - lại xoay quanh chuyện học hành của hai đứa con của Khánh. Khánh bảo: “Vợ em vừa điện ra báo hai đứa nhỏ đều được học sinh giỏi. Mừng quá anh ạ! Thằng lớn sinh năm 1997 đang tuổi nghịch, ngày nào em cũng điện về hỏi chuyện nhà, chuyện bài vở và kể chuyện lính Trường Sa cho cu cậu nghe. Nó bảo sẽ học giỏi để sau làm lính biển như bố. Em bảo, con phải trở thành người đàn ông trụ cột ở đất liền thì hải quân mới tuyển làm lính đảo xa. Cu cậu tin sái cổ và ngoan ra phết”.

Đang chuyện, chợt có tiếng ai đó hỏi vào: “Ban thờ ngoài này thờ ai vậy?”. Khánh đứng dậy, giọng trầm hẳn: “À, của hai đứa em bị sóng biển cuốn. Hôm nay cũng được một trăm ngày”. Tôi lẳng lặng bước ra, đến bên ban thờ đơn sơ của hai người lính biển, thắp cho các anh một nén nhang, mà lòng không khỏi rưng rưng.

Chiều ngày thứ năm của chuyến hải hành, tàu HQ 996 thả neo trên vùng biển đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin làm lễ tưởng niệm vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nơi đây 24 năm về trước đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ công binh hải quân Việt Nam. Trong tay không có vũ khí, để chống lại kẻ xâm chiếm hung bạo, các anh đã lấy máu của mình tưới lên biển đảo quê hương.

Đại tá Đỗ Minh Thái -Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân - xúc động nhắc lại sự kiện 14.3.1988: “Dẫu biết sẽ hy sinh, song các anh quyết không lùi bước... Anh hùng liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma - trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn cờ tổ quốc quanh mình, động viên đồng đội. “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm cờ tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.

Đó là Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời vị trí. Là Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế phải đối mặt với hỏa lực mạnh từ các tàu địch đã mưu trí đưa tàu HQ 505 lao lên bãi ngầm đảo Cô Lin, biến con tàu công binh trở thành chiến hạm không thể đánh chìm, bảo vệ thành công chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô Lin...”.

Giọng của đại tá Thái bỗng rưng rưng. Con người của biển cả, được tôi luyện trong sóng gió cũng không kìm được xúc động trào dâng trong lòng: “Kể sao xiết những tấm gương hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam... Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân xâm chiếm run sợ, chùn bước”.

Tôi lặng người bước tới lan can con tàu, thả xuống những con sóng xanh biếc của biển Đông bông cúc vàng thắm. Phía xa kia, trên đảo Gạc Ma, kẻ xâm lược đã xây dựng một công trình quân sự bằng bêtông cốt sắt mang hình dáng một chiến hạm. Chúng những mong bắt chước sự mưu trí của người lính hải quân Việt Nam khi biến con tàu HQ 505 trở thành chiến hạm không thể đánh chìm trên đảo Cô Lin năm nào...   

 

 

 

Lá đại kỳ hiển hách nhà Trần được nhân dân tỉnh Hải Dương tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Sinh Tồn - thỉnh một tiếng chuông

Tôi nhớ lời đại đức Thích Giác Nghĩa đã giảng về kiếp người và sự luân hồi: “Ai đó mà đột ngột phải từ bỏ cõi trần thì nỗi oan khiên đó rất đau thương. Linh hồn họ mang nghiệp rất nặng vì người ta phải để lại trách nhiệm với gia đình, với sự nghiệp đang dang dở. Linh hồn của người lính còn mang nghiệp nặng hơn vì họ đang gánh vác trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc”. 

Đại đức Thích Giác Nghĩa bảo: “Vậy nên từ xa xưa, khi đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa ra đây khai phá vùng biển đảo này cho đất Việt, những người còn sống đã có ý thức lập chùa, lập miếu để cầu siêu cho những người lính đã vong thân vì Hoàng Sa - Trường Sa, để linh hồn họ phù hộ độ trì cho những người đang sống. Việc tu hành của chúng tôi ở Trường Sa bây giờ cũng tiếp nối truyền thống đó của cha ông”.    

Trưa ngày thứ bảy của chuyến hải hành, tôi và mấy anh em Cty TNHH biển đảo Tàu Không Số có một bữa nhậu đáng nhớ ở nhà anh Nguyễn Đình Phương (thị trấn Trường Sa). Lúc chúng tôi đến, anh Phương vừa đi diễn tập về. Anh bảo: “Tất cả đàn ông trên thị trấn này đều tham gia dân quân. Có bộ đội ở đây, nhưng chúng tôi ai cũng muốn tự tay bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ gia đình mình”. Tôi đùa: “Trông bộ dạng anh thì làm sao giữ được khẩu AK?”. Anh Phương cười: “Mắt tôi kém, bắn bia di động trên biển là thua thôi, chớ mục tiêu cố định là chớ có chệch viên nào”.

Sự hiếu khách của người dân thị trấn đảo khiến chúng tôi cũng bất ngờ. Anh Phương và vợ ra vườn cua luôn hai con ngan, một con gà đãi khách. Anh Dũng và anh Vui - hai lão tướng của Cty Tàu Không Số - không ngần ngại cùng vào bếp với chủ nhà, trổ tài băm chặt và đánh tiết canh ngan...

Ngày trên các xã đảo Trường Sa thật yên bình. Nắng Trường Sa rực rỡ. Gió Trường Sa lồng lộng. Nắng và gió giờ đã được biến thành điện năng đem lại cuộc sống thật tiện nghi cho quân và dân huyện đảo. Sóng điện thoại di động căng cứng. Chiếc smartphone hữu dụng thường ngày bỗng khiến tôi bực mình vì những tin tức từ đất liền chẳng hề ăn nhập với những gì tôi đang cảm nhận từ cuộc sống của người dân, người lính huyện đảo Trường Sa.

Hôm đọc được tin trên báo mạng về khu vườn “thượng uyển” xa hoa trị giá hàng trăm tỉ của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, tôi đã định đưa cho một cậu lính biển quê Hải Dương xem. Nhưng khi thấy trên tay người lính cũng đang cầm một chiếc điện thoại thông minh thì tôi chợt hiểu, các anh biết cả. Nhưng nhìn vẻ mặt bình thản của các anh, tôi đoán những tin “hot” đó không mảy may làm các anh bận tâm. Tôi bỗng tự bật cười vì một suy nghĩ “sáo rỗng” của mình: “Có lẽ nếu mỗi người ở đất liền được một lần ra Trường Sa chứng kiến cuộc sống của quân và dân huyện đảo, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ sống trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước!”.

Trong sân chùa Sinh Tồn, tôi gặp đại đức Thích Đức Hỷ - phó trụ trì - đang ngồi thiền dưới bóng cây phong ba. Hóa ra dòng suy nghĩ tưởng như “sáo rỗng” của tôi lại có người đồng cảm. Khi tôi hỏi: “Thầy tu hành ở đảo có khác với trong đất liền?”, đại đức Thích Đức Hỷ bảo: “Khác chứ! Các anh cũng thấy đấy, ở huyện đảo đâu có những thói xô bồ đời thường. Người dân ở đây thường xuyên đến chùa dâng hương với các thầy. Còn các anh chiến sĩ do bận công tác nên chỉ khi rảnh rỗi thì các anh về để dâng hương và cầu nguyện cho đất nước Việt Nam hòa bình, cho nhân dân an lạc, ấm no, hạnh phúc. Đó là nguyện vọng của các anh cũng như nguyện vọng của chúng tôi. Vậy nên đây là một môi trường thanh tịnh để cho các thầy có thời gian quay về với chính mình, có thời gian tĩnh tọa, niệm Phật, ngồi thiền để mình đào sâu thêm nội lực tu hành, để hoằng tâm, hoằng pháp...”.

Trước khi rời đảo, tôi xin với đại đức Thích Đức Hỷ được tự mình thỉnh một tiếng chuông chùa. Thầy gật đầu. Trong tiếng gió biển Trường Sa, hình như âm vang của chuông chùa Sinh Tồn cứ ngân nga mãi trong thinh không cùng tiếng sóng...

 

 

Đỗ Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này