Chùa Bằng: Khai đàn Pháp hội Dược Sư PL2556 – DL2012 - Phật Giáo Việt Nam
16:33 +07 Thứ ba, 14/05/2024

Chùa Bằng: Khai đàn Pháp hội Dược Sư PL2556 – DL2012

Thứ hai - 05/11/2012 06:47
(HDPT) - Ngày 04 tháng 11 năm 2012, nhằm ngày 21 tháng 09 năm Nhâm Thìn, nhân kỉ niệm tháng 09 lễ khánh đản Đức Phật Dược Sư, chùa Bằng đã trang nghiêm tổ chức Pháp hội truyền thống Dược Sư 7 ngày (lần thứ 7 PL2556 – DL2012).
 

Buổi lễ được đặt dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tăng bản tự và các chùa lân cận, với sự tham dự của Phật tử đạo tràng Pháp hoa và câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử, sinh viên các trường Đại học.

Theo chương trình Pháp hội Dược Sư 7 ngày, các buổi sáng từ 07h30 đến 09h00 là thuyết pháp và sau đó là 3 thời khóa lễ tụng kinh sáng – chiều – tối và trưa cúng ngọ.
Hôm nay, ngày đầu khai mạc, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp thoại tới hàng Phật tử với chủ đề “Ý nghĩa của Pháp hội Dược Sư”
Mở đầu bài giảng, Hòa thượng đã giải thích về ý nghĩa của Pháp hội và đầu đề Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang bản nguyện công đức.
Pháp hội tức là đại chúng vân tập về một đạo tràng, trang nghiêm thanh tịnh, trên tinh thần giáo pháp lục hòa của Đức Phật để cùng nhau thực hiện các nghi lễ như cúng Phật, thiết trai cúng Tăng, thuyết pháp, trì tụng kinh hay là pháp hội vô già thí thực….
Pháp hội trong Phật giáo khác với lễ hội của thế gian. Lễ hội của thế gian gồm 2 phần: nghi lễ thiêng và mở hội vui chơi. Nhưng trong Pháp hội, hành giả luôn luôn nghiêm trì giữ 3 nghiệp thanh tịnh để thực hành các nghi lễ cũng như tu tập.
Tiếp đó, Hòa thượng giải thích về ý nghĩa đầu đề Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện công đức.
Dược Sư (tiếng Phạn đọc là Bệ xái xã lũ rô) là vị thầy thuốc khéo nhổ trừ tận gốc các bệnh thân, và giữ an ổn tâm cho chúng sinh. Tâm chúng sinh do hoặc chiêu nghiệp mà cảm báo. Cho nên, ngay từ tâm mà được đối trị thì sẽ tiêu trừ tất cả các bệnh.
Dược Sư tức là thầy thuốc trên 2 phương diện: Vật dược và pháp dược. Vật dược được ví như tất cả các thứ vật chất, thuốc thang để chữa tất cả các nhu cầu về thân. Ví dụ như: người đi đường cần có phương tiện giao thông, người mệt mỏi cần có giường tòa nghỉ ngơi, người đói khát cần được ăn uống…Tất cả những thứ đó thuộc về vật dược. Pháp dược được nhắc tới là Tam tạng Thánh giáo, chúng sinh do mê hoặc chiêu nghiệp mà cảm báo, nên phải có những “toa thuốc” để đối trị cho bệnh tâm. Người tham lam Phật dạy phép bố thí, người si mê Phật dạy tu tập trí tuệ, người sân hận “uống thuốc” Pháp nhẫn nhục…
Lưu Ly Quang (Bệ Lưu Ly Bát Lạt Bà Hát La Xà Giã) tức là trí tuệ sáng láng của một vị thầy thuốc cần có. Người thầy thuốc cần phải có trí tuệ để biết bệnh cho thuốc chúng sinh không bị nhầm, tùy căn bệnh mà cho thuốc. 
Như Lai là Phật (Dược Sư + Lưu Ly Quang). Dược Sư Lưu Ly Quang là tên riêng của Đức Phật.
Bản nguyện công đức là bản nguyện mười phương chư Phật đều phát thệ nguyện riêng. Ví dụ Phật A Di Đà khi còn tu hạnh Thanh Văn phát 48 lời nguyện, Phật Dược Sư khi còn tu nhân Bồ Tát phát 12 lời thệ nguyện..Những lời nguyện này xuất phát từ nơi tu nhân địa của Bồ Tát đạo, và chính từ nhân địa này mà viên thành đại nguyện (Thành Phật) công đức trang nghiêm. Bản nguyện viên mãn là điều căn bản cốt yếu định hướng để hóa độ chúng sinh.
Chư Phật, Bồ Tát trong 3 đời đều lấy 4 hoằng thệ nguyện làm căn bản. Nhưng các Đức Phật, Bồ Tát đều có bản nguyện riêng (như trên đã nói).
Trong các nghi lễ Phật giáo đại thừa, khi cung thỉnh Phật, Bồ Tát đều dùng từ “Duy nguyện bất vi bản thệ…” (Kính xin chư Phật Bồ Tát không quên nguyện xưa thương xót hữu tình giáng lâm đàn tràng chứng minh công đức).
Kinh là lời dạy của Đức Phật hoặc của các đại đệ tử Phật nói nhưng được Đức Phật ấn chứng. Kinh Dược Sư này là do Ngài Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu vua Đường dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Quốc. Bản này được lưu truyền ở Việt Nam khá phổ biến. Nhưng kinh Dược Sư mà ngài Huyền Trang dịch chỉ nói đến Đức Phật Dược Sư Lưu Ly ở cõi Phương Đông, thế giới Tịnh Lưu Ly. Bên cạnh đó, cũng thời nhà Đường, có Pháp sư Nghĩa Tịnh cũng dịch bộ kinh Dược Sư nhưng gồm 2 quyển Thượng và Hạ nêu lên bản sự của 7 Đức Phật ở 7 thế giới khác nhau:
-   Đức Phật Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương ở thế giới Quang Thắng.
-   Đức Phật Bảo Nguyệt Trí Âm Tự Tại Vương ở thế giới Diệu Bảo.
-   Đức Phật Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu ở thế giới Viên Mãn Hương Tích.
-   Đức Phật Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường ở thế giới Vô Ưu.
-   Đức Phật Pháp Hải Lôi Âm ở thế giới Pháp Tràng.
-   Đức Phật Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hí Thần Thông ở thế giới Thiện Trụ Bảo Hải.
-   Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang ở thế giới Tịnh Lưu Ly.
Kinh Dược Sư được đề cập tới 2 vấn đề chính đó là:
-   Nơi trí tuệ hiển bày y báo, chính báo. Nêu hạnh, quả của Phật Dược Sư qua sự đối đáp của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Pháp Vương Tử) với Đức Phật Thích Ca để nêu lên hạnh nguyện của Phật Dược Sư với lòng thương xót cứu vớt chúng sinh, trừ bỏ hết thảy nghiệp chướng.
-    12 đại nguyện: 
1. Chính báo trang nghiêm.
2. Thân quang phá ám.
3. Trí tuệ cứu giúp chúng sinh.
4. Dẫn dắt vào Đại thừa.
5. Được giới thanh tịnh.
6. Được thân khỏe đẹp.
7. An khang lạc đạo.
8. Chuyển nữ thành nam.
9. Tà giáo ngoại đạo trở về chính đạo.
10. Giải thoát lo khổ.
11. Được ẩm thực mỹ diệu.
12. Được y phục tốt đẹp tốt bậc.
Qua đó, Hòa thượng mong muốn tất cả hành giả trong Pháp hội thông hiểu lời Phật dạy trong Kinh Dược Sư để thực hành hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của Đức Phật Dược Sư qua lối sống tu tập hàng ngày tại thế gian này.

 
  
  
  
  
 
  
  
  
  
  
  
  
  
 
  
  
  
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Giờ thọ trai
  
  
  
  
  
  
  
  

 

 
(Chùa Bằng)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này