Hà Nam: Lễ giỗ Tổ Tế Xuyên - Phật Giáo Việt Nam
16:20 +07 Thứ sáu, 17/05/2024

Hà Nam: Lễ giỗ Tổ Tế Xuyên

Thứ tư - 03/10/2012 21:53
(HDPT) - Ngày 02 tháng 10 năm 2012, nhằm ngày 17 tháng 08 năm Nhâm Thìn, sơn môn Tổ đình Tế Xuyên long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ đệ Tam.
 
Về tham dự lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích – Trưởng sơn môn Tế Xuyên cùng chư tôn đức Tăng Ni trong sơn môn.
Đây là lễ kỉ niệm Tổ sư chính nhất trong năm của sơn môn.
Chùa Tế Xuyên (Bảo Khám tự) thuộc thôn Tế Xuyên xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Xưa kia chùa thuộc xã Tế Xuyên tổng Ngu Nhuế huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một vùng chiêm trũng nhưng gắn liền với vùng đất lịch sử anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và nhiều danh nhân, di tích của chốn Sơn nam hạ. Chùa được dựng lên trên một gò đất cao của dải đất Long Xuyên tựa như đóa hoa sen mọc giữa bùn lầy. Ngôi chùa Tế Xuyên cũng như bao ngôi chùa Việt Nam khác đã được tổ tiên tạo dựng lên làm nơi quy hướng tâm linh hướng về tinh thần từ bi - trí tuệ -  nhẫn nhục - hỷ xả - đoàn kết hòa hợp của đức Phật, ngõ hầu mọi người cùng nhau xây dựng quê hương giáo dục con cháu sống cuộc sống hữu ích tốt đẹp. Cảnh chùa với các công trình kiến trúc nghệ thuật của đại hùng bảo điện, tổ đường, tăng xá, bảo tháp tổ sư, vườn cây ao hồ đã tạo nên danh lam thắng cảnh địa phương để cho mọi người đến vãn cảnh lễ bái sẽ vơi đi những mệt nhọc ngày tháng vất vả làm lụng, cuộc đời khổ đau. Chùa cũng là nơi dân nghèo gửi con em tới học chữ, học đạo đức làm người qua sự dạy bảo của các  thiền sư uyên thâm Phật học, giỏi Nho học, kinh nghiệm cuộc sống truyền dạy. Chùa Tổ đình Tế Xuyên hội tụ đủ các yếu tố đó. Nói về sự ra đời của ngôi chùa theo truyền thuyết và thần phả Thành Hoàng làng, chùa được xây dựng từ thời Lý do ông Trần Nham phát tâm cúng tiến, nhưng sử sách không còn để lại ngay đến những vị thái ông lão bà cao tuổi nhất cho đến đại lão Hòa thượng trưởng sơn môn nay ngoài 90 cũng không tường tận, chỉ được biết đến qua một số lần trùng tu lớn. Dưới thời vua Lê- chúa Trịnh Sâm trong huyện có người con gái được chúa yêu dấu tuyển vào Phủ, tuổi già nhớ tới quê hương tổ tiền nơi chôn nhau cắt rốn bà đã về làng bỏ tiền trùng tu chùa và mua ruộng để làm ruộng công cho 2 làng Tế Xuyên, Tế Cát canh tác lấy tiền tu bổ chùa cảnh.
Tổ đình Tế Xuyên đã trải qua 9 đời Tổ sư, Hòa thượng trụ trì. Trong đó đặc biệt tiêu biểu nhất là Tổ đệ tam Thích Phổ Tụ.
Ngài họ Đoàn, sinh năm Giáp Thìn (1844), viên tịch ngày 18/7 năm Bính Dần (1926), quê ở xã Trung – Huyện Hải Hậu – Phủ Xuân Trường – Tỉnh Nam Định. Ngài thuộc thế hệ thứ 3 Tổ đình Tế Xuyên (thế hệ thứ 5 Tổ đình Hồng Ân). Ngài sinh ra trong một gia đình Nho giáo tín kính Tam bảo, lúc nhỏ theo cha mẹ vào chùa bản quán lễ cầu Hòa thượng Chiếu Sĩ, quy y Tam bảo tập sự xuất gia. Tại đây, Tổ sớm hôm siêng năng tu học đạo thiền, dùi mài kinh sử Nho học. Sau đó được Ngài Chiếu Sĩ cho lên lễ yết kiến Hòa thượng Văn Bối tổ thứ sáu chùa Đọi Sơn – Duy Tiên – Hà Nam cầu thụ Sa di thập pháp. Cũng từ đây, Tổ được thầy cho sam học Tổ Chiếu Chí chùa Hải Yến – Hồng  Ân và được cầu thụ Cụ túc giới, sau khi giới châu viên mãn, Tổ bắt đầu sam học các nơi danh tăng Tổ đức như theo học Tổ Tâm Viên chùa Đức La – Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang, rồi lại sam học Tổ Nguyên Biểu chùa Bồ Đề - Thiên Sơn cổ tích tự - Hà Nội. Ở đâu cũng được thầy mến bạn yêu, luôn là người tăng sinh đức hạnh hiếu học chăm chỉ cần mẫn.
    Năm Tân sửu (1864), Nghiệp sư viên tịch, Tổ trở về thụ tang thầy và được sơn môn cử kế đăng trụ trì Tổ đình Tế Xuyên – Bảo Khám, bắt đầu với công việc “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, vừa lo sửa sang xây dựng chùa cảnh, mở mang đạo tràng, vừa tiếp chúng độ nhân. Chùa Tế Xuyên đã dần dần trở thành Tổ đình nổi tiếng xứ Bắc Kỳ, tăng ni về theo học hàng trăm vị, thiện tín tới quy y cả ngàn người. Bên cạnh đó, Tổ luôn luôn chú trọng tới việc in khắc kinh điển để có sách cho tăng ni học tập. Ngài đã khắc, in được các bộ như: 
Năm 1890: khắc in luật trùng trị.
Năm 1912: khắc in luận quy nguyên trực chỉ.
Năm 1924: khắc in luận Di Đà viên trung.
Năm 1926: khắc Tỷ khiêu ni sao.
Ngoài ra Ngài còn sửa sang khai hóa kiêm trụ trì các chùa Lương Khê, Nga Khê,Tân Hưng, Tế Cát, Bảng Thôn, Mai Xá, Cát Lại, Cao Đà, Thượng Nông…
Cả cuộc đời Tổ hiến dâng vì sự nghiệp Phật pháp xương minh, thiệu long thánh chủng, là tấm gương nổi bật nhất trong lịch đại tổ sư Tế Xuyên.
Ngày 17/8 năm Bính dần (1926), sau ngày tự tứ của mùa hậu hạ an cư, Tổ không bệnh an nhiên thị tịch tại thiền sàng, thế thọ 83 năm trải qua 64 hạ lạp. Môn nhân tứ chúng đệ tử dựng bảo tháp Tịnh Quang phụng thờ tại Tổ đình. Tứ chúng phụng nghinh long vị đồng phụng thờ các tự viện.


 
  
  
Tổ đường Tế Xuyên
 
  
Tượng Tổ đệ Tam
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

 
(Chùa Bằng)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này