Khóa tu một ngày chùa Phước Viên - Phật Giáo Việt Nam
01:56 +07 Thứ hai, 13/05/2024

Khóa tu một ngày chùa Phước Viên

Chủ nhật - 15/07/2012 08:09
(HDPT) - Sáng 08/7/2012(20/5 – Nhâm Thìn) trời trong xanh, nhưng lại không có nắng vì mấy hôm liền mưa liên tục không ngớt. Phước Viên có khóa tu một ngày dành cho các em nghi lễ trẻ.
 

 

 

 

 

 

 


 

“Người thương người bao nhiêu cũng thiếu

Người ghét người chút xíu cũng thừa”

           

Theo như chương trình của BTC : 7g30 đến 8 giờ, tập trung, nắm doanh sách, số lượng các em tham gia là 170 em, gồm có tổ Quảng Đạo – Thiện Hòa- Quảng Linh- Quàng Long 7C – Diệu Trầm- Lộc Lâm – Địa Chất- Quảng Long 4C- và một  số em chưa thuộc tổ nào vì mới vào. Tiếp theo là nhập chung và trộn lẫn các tổ với nhau cho có tinh thần giao lưu – đoàn kết, được chia đều thành 5 nhóm : Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh mạng, chánh niệm, Chánh định. Đây là khóa tu một ngày đầu tiên trong mùa hạ này. Tinh thần buổi sáng thật phấn khởi, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy tri sự T. Quảng Cảnh và thầy giáo thọ T. Quảng Đạt.

               * Giờ Tu đến rồi ! Vào tu thôi !

                 Ngồi cho yên, học cho ngoan -  em nè !

Khóa lễ tụng Kinh Báo ân, do thầy T. Quảng Tịch chủ sám hướng dẫn, nhìn các em thành tâm, thành kính tụng kinh thiệt là thương, có lẽ là lần đầu tụng bài kinh Báo hiếu dài như vậy, nhưng nhờ có Thầy chủ sám nên các em tụng đều và rất hay. Trang nghiêm đến thấy thương ! có những em còn rất nhỏ 3-4-5 tuổi, chưa biết chữ cũng cố gắng ngồi im lặng cho anh chị tụng kinh. Thời kinh khá dài nên không có thời gian cho các em niệm Phật – đi kinh hành nữa rồi.

               Thầy Quảng Đạt phụ trách giảng dạy bài học với chủ đề “Sự suy đồi đạo đức của lớp trẻ hiện nay”. Đây là vấn đề đang nóng bỏng nhất của xã hội, của đất nước, của con người ngày nay. Những câu chuyện kể vừa cổ tích vừa hiện đại, những bi kịch xảy ra trong xã hội do lớp trẻ gây ra, những đau khổ mà chính bản thân các em và gia đình, người thân phải gánh chịu, nhất là bậc làm cha làm mẹ. Được hiển hiện trước mắt các em nhờ có chiếc máy chiếu. Lại còn những tấm gương sáng chói ở đời, vượt khó vượt khổ, vượt lên chính mình để thực hiện ước mơ hoài bảo là học tập và phục vụ cho đời…. Làm cho các em thanh thiếu niên tĩnh táo hẵn lên, bởi vì hàng ngày có khi cả buổi ngồi trên máy tính dạo mạng, lướt web nhưng hầu như đã ngủ quên, ngủ quên trên máy với những Game online, chat (tám) với cả thế giới, nhưng vẫn mê mờ mù tịt về thế giới. Thầy dạy : Đạo đức nôm na là những điều thiện lành tốt đẹp, đúng đắn, và luôn làm điều lợi ích cho người - cho đời. Đạo đức của người Việt Nam là “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây – Uống nước nhớ nguồn”. Biết tri ân – báo Ân là tinh thần đạo đức cao thượng nhất mới có cuộc sống an lạc và hạnh phúc thực sự. Mong rằng bài học hôm nay cảnh tỉnh và giúp các em hiểu hơn về những nguy cơ mất đạo đức trong xã hội, và hãy nhìn lại mình, nhìn lại hành vi, lời nói, suy nghĩ của chính mình, để luôn là con hiếu thảo của cha mẹ, học trò ngoan của thầy cô, và Phật tử hiền của Phước Viên .

                    *Giờ ăn đến rồi ! Vào ăn thôi !

                    Ăn uống tâm không tham sân nè.

               Đã đến giờ thọ trai, các em xếp hàng ngay ngắn vào nhà ăn. Sự trang nghiêm thanh tịnh của quý thầy khiến các em ngoan ngoãn hơn, im lặng vào bàn ăn “không nói chuyện”, trước giờ ăn Thầy Quảng Đạt trình bày sơ lược cho các em hiểu “Thế nào là ăn cơm chánh niệm ?” – Khi ăn không nói chuyện, phải nhẹ nhàng, không gây tiếng động, tiếng ồn làm ảnh hưởng người khác. Ăn với tâm thiện lành- không tham lam, sân giận, si mê. Ăn với tâm niệm thành kính tri ân. Đó là ăn cơm Chánh niệm.

               Con thực sự xúc động, có những em hàng ngày quậy phá, nói chuyện và chọc ghẹo người khác trong giờ sinh hoạt, học giáo lý, vậy mà lúc này thật ngoan, chắp tay, im lặng nghiêm trang đến lạ lùng, tụng kinh theo quý thầy, và ngồi ăn rất hiền và dễ thương. Vì đông quá nên không thể theo quý thầy kinh hành niệm Phật trong chánh điện, chỉ đứng trang nghiêm chấp tay niệm Phật theo.

               Tiếp theo là giờ chỉ tịnh (ngủ trưa), Các em được các anh chị sắp xếp theo hai hàng bên nam – bên nữ ngủ trong hội trường. Lúc này một nhóm anh chị ở bên ngoài canh cho các em ngủ, một nhóm lo chuẩn bị vật dụng cho trò chơi chiều nay và gói quà phát thưởng. Bây giờ, Ban tổ chức và hai thầy mới dùng cơm đây!

               * Giờ chơi đến rồi ! Giờ chơi đến rồi !

                  Cùng vui chơi , chơi sao cho hết mình nè.

               Chuông báo thức, các em dậy vệ sinh và chuẩn bị tham dự trò chơi “TIẾNG TRỐNG PHÁP”.Với sự chứng minh của HT. Tụ trì, Ôn nói vài lời động viên các em và rất hoan hỷ khi các em tham gia tu học trong mùa hạ này. Đây là chương trình mới được tổ chức năm nay, do thầy Quảng Đạt phụ trách, cả về thiết kế – trình bày – và hướng dẫn trên máy chiếu. Các em trả lời câu hỏi (dạng trắc nghiệm A-B-C-D), Giống hình thức thi Rung Chuông Vàng trên đài truyền hình. Chương trình theo 3 vòng thi : Vòng một còn lại 4 em suất sắc – Các anh chị tình nguyện viên ở các nhóm tham gia trò chơi cứu phao “Kẹp banh vào thùng” để cứu các em vào thi vòng 2; Vòng này còn lại  hai em suất  sắc. Lại tiếp tục cứu phao cho các em thi tiếp vòng 3. Vui nhất là thầy cho thêm một câu anh văn (lớp 8) – “ Have you ever……. To India ?” ( A- gone; B - went ; C- been; D- go). Vậy là một cái Độp. Rớt hết mấy chục em. Còn lại có hai em. Mới biết các em yếu Anh văn thiệt !. Phật pháp toàn là những câu rất dễ, nhưng vì các em không học kỹ và không để ý nên cũng rớt lộp độp. Thầy hỏi các em có muốn chơi tiếp không ? đều đồng thanh trả lời “Dạ Muốn”. Cuộc chơi thật hoành tráng, náo nhiệt và không kém phần hồi hộp, các em vui lắm luôn !

Kết thúc trò chơi với biết bao luyến tiếc và thèm muốn. Con chưa bao giờ thấy các em vui như vậy. Thiệt cảm ơn thầy Quảng Đạt biết bao!

               Lại có chương trình tham gia trò chơi lớn, tìm mật thư – và hoàn tất trò chơi các anh chị đưa ra, để đến 5 trạm được bố trí quanh chùa, nào là : Nắm tay qua cầu; Ném banh; Hát 5 bài hát về con vật; Vượt chướng ngại – dùng miệng tìm ngọc (kẹo) trong đống bột mì rồi chui qua nước và bột… Trò này làm mặt mày ai cũng trắng bệch vì dính bột; Trò chơi ở trạm cuối thật thú vị, có thầy Quảng Cảnh chấm điểm, là tô màu theo mẫu hình vẽ gồm : Phật Đản sanh- Xuất gia – Tu khổ hạnh – Chuyển pháp luân- và nhập Niết bàn. Các em tô rất đẹp.

               Chưa kịp xong trò chơi cuối cùng thì trận mưa kéo đến, Các em phải chạy vào hội trường sinh hoạt vòng tròn. Ban tổ chức tổng kết và phát thưởng cho những em đoạt giải “Tiếng Trống Pháp” – giải đồng đội các trò chơi. Các giải thưởng là những tập sách nhỏ về Phật Pháp và đĩa VD Phật pháp thật ý nghĩa.

               Con biết tối nay các em sẽ ngủ rất an lạc, bởi một ngày vận động thật ý nghĩa. Một chút suy tư về bài giảng của thầy, một chút đọng lại trong lời kinh Báo ân lúc sáng, một chút nhớ nghĩ bữa ăn chánh niệm, một chút luyến tiếc với “Tiếng trống Pháp”, một chút vui cười với trò chơi lớn, và một chút …. Một chút thôi, cũng được bao nhiêu là hân hoan, bao nhiêu là hỷ lạc của một ngày tu học rồi.

               Con không hiểu tại sao mình có nhiều cảm xúc đến vậy, không thể nói hết bằng văn tự, diễn tả sao cho đầy đủ. Những ngày BTC họp để chuẩn bị cho các em tu một ngày, Thầy Quảng Cảnh phải lên tận Thành phố HCM để tìm lựa mua quà về cho các em, thầy phải sắp xếp việc cơm nước buổi trưa… nhiều việc linh tinh khác nữa. Các anh chị em trong BTC làm bảng tên, làm mũ đội cho từng nhóm, bảng cho các em thi Phật pháp..v..v.. Chỉ nghĩ đến những điều này đã thấy ấm lòng biết chừng nào ! Quả thật có gì to tác lắm đâu, nhiều chùa đã từng tổ chức những khóa tu không chỉ một ngày mà nhiều ngày nữa là. Nhưng cảm giác ở Phước Viên với con có khác.

               Chúng con có lỗi bởi còn rất ngu muội, mê mờ, còn ham chơi, thích vui đùa – văn nghệ, ca hát  hơn là tu học nên không chú tâm tu luyện – học tập giáo lý khi quý thầy dạy dỗ hay ban bố Pháp nhủ. Mỗi khi nghĩ lại đã phụ công khó nhọc của quý thầy, trong lòng thấy ăn năn hối hận nhiều lắm ! Chúng con chỉ biết cúi lạy xin sám hối, nhưng thầy đã không thương chúng con nữa rồi !!

               Hôm nay thì con mới biết Quý thầy vẫn rất - rất thương chúng con, rất quan tâm chúng con, không còn cảm giác Phước Viên tuy đông nhưng không ấm áp, Giáo pháp của Phật vô lượng vô biên nhưng chúng con vẫn rất đói khát. Nhất là có Ôn luôn từng bước theo dõi và động viên việc tu học của các em. Thầy Quảng Đạt tuy rất bận cũng cố gắng về chùa dạy bảo chúng con. Thầy làm con thật xúc động.    

               Con thầm nghĩ đến hai chữ Từ Bi – hay còn gọi là yêu thương, Từ Bi nói lên sao nghe đơn giản và dễ dàng nhưng thật ra để thể hiện và thực hành hạnh Từ Bi đúng như Phật dạy không dễ chút nào. Việc dạy dỗ các em, trang bị cho các em một tinh thần, một nhận thức về thế giới cực lạc ngay trong hiện tại, bây giờ, không đâu xa xôi nơi Phước Viên thân yêu này, để mỗi khi lên chùa tu học, rồi về nhà luôn lưu lại “Một chút yêu thương” ấy trong lòng mình. Thì thật hạnh phúc lắm rồi. Đây là việc rất cần làm cho các em. Mới là yêu thương thực sự. Cầu mong sao cho quý thầy luôn mở rộng lòng Từ Bi với chúng con !

          Chúng con thành kính lạy tạ tri ân Hòa Thượng viện chủ, thành tâm tri ân Quý thầy, biết bao khó nhọc để dìu dắt, lo lắng tổ chức cho chúng con có một ngày tu ý nghĩa đến vậy. Kính tri ân quý chú Sa Di, Điệu trong tổ hành đường. Quý Bác, cô dì trong nhà bếp đã lo bữa ăn no đủ cho chúng con. Cảm ơn quý cô chú anh chị em trong Ban tổ chức, trong đầu nghành, trong đội tình nguyện viên… Kính cảm ơn toàn thể Quý thầy – quý chú trong bổn tự đã ngầm động viên giúp đỡ chúng con. Thành kính tri ân.

                                                                             Nam Mô A Di Đà Phật.

 

 

 

Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này