Pháp hội Dược Sư ngày thứ sáu với bài pháp thoại “Tứ vô lượng tâm” - Phật Giáo Việt Nam
08:36 +07 Thứ ba, 14/05/2024

Pháp hội Dược Sư ngày thứ sáu với bài pháp thoại “Tứ vô lượng tâm”

Thứ bảy - 10/11/2012 14:03
(HDPT) - Suốt trong quá trình tu học của người con Phật nếu thường ái niệm chúng sinh trong khắp mười phương, muốn được thấy họ an vui thì hành giả phải khởi Từ Bi Tâm.
 
Ngày 09 tháng 11 năm 2012, nhằm ngày 26 tháng 09 năm Nhâm Thìn, nhận lời mời của Ban tổ chức, Thượng tọa Thích Tâm Thuần - Ủy viên Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Phó Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội , trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc đã quang lâm giảng đường chùa Bằng chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề “Tứ vô lượng tâm”.
Bài giảng của Thượng tọa nhằm chỉ rõ cho hàng Phật tử hiểu được công hạnh sâu dày của Đức Phật như thế nào, để bản thân mỗi Phật tử phát tâm phát nguyện thực hành theo, tuy không được cao cả như Đức Phật thì cũng được từng bước mà hoàn thiện những đức hạnh Từ Bi, Hỉ Xả đó . 
Đức Từ, Đức Bi, Đức Hỷ, Đức Xả đó là bốn công hạnh to lớn mà trước khi lễ Phật, chúng ta thường tán thán công hạnh vô lượng của Đức Phật - “Đại từ đại bi thương chúng sinh, đại hỷ đại xả cứu hàm thức”. 
Tinh thần “Từ” nguyên âm chữ hán là “Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ” (Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sinh an vui - Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sinh thoát khổ).
Suốt trong quá trình tu học của người con Phật nếu thường ái niệm chúng sinh trong khắp mười phương, muốn được thấy họ an vui thì hành giả phải khởi Từ Bi Tâm. Từ Bi Tâm tương ứng với thọ, tưởng, hành và thức, duyên khởi nơi thân và khẩu, tác thành những hạnh Từ Bi.
Chữ Từ Bi còn có nghĩa là “Oán thân bình đẳng” - kẻ oán người thân đều thương xót, cứu giúp bình đẳng. Đó là lòng Từ Bi vô lượng của Đức Phật, cứu khổ cho chúng sinh không phải cho chúng sinh tiền của vật chất địa vị mà là chỉ cho chúng sinh tận nguồn gốc của cái khổ chính là do chấp Ta và của Ta. Cho nên để giúp cho chúng sinh hết khổ, Đức Phật đã chỉ cho chúng sinh phải quán chiếu tận sâu trong thâm tâm mình để thấy rõ được chấp ta và cái của ta. Khi quán chiếu thân, quán chiếu các thọ, quán chiếu các tâm tưởng nghĩ, vọng tưởng và quán chiếu tất cả các pháp xung quanh cuộc sống này; Quán chiếu thật kỹ thì không thấy gì là mình, không có cái gì là của mình, tất cả đều chợt có chợt không, chợt thành chợt hoại, chợt sinh ra chợt diệt. Vì vậy nhổ tận gốc khổ cho chúng sinh bằng cách chỉ cho chúng sinh quán chiếu để thấy tận gốc cái khổ đó là do cái chấp ta của ta, quán chiếu phá được cái chấp đó là đạt được sự vô ngã – thoát khổ. Như vậy là tự chúng sinh quán chiếu tu tập rồi thoát khổ, chứ không phải là Đức Phật làm giùm mình thoát khổ. Mình có phiền não, mình buồn mình giận, mình mất ngủ, Phật không làm mình ăn ngon ngủ yên được, Phật chỉ dạy cho mình cách quán chiếu để mình xả bỏ cái chấp để được bình an. Đó chính là tinh thần cứu khổ của lòng Từ Bi, lòng Từ Bi đó bình đẳng nên sự cứu khổ không có hạn chế, mỗi người đều có Phật tánh nên chúng ta đều phải thương xót và bình đẳng giúp đỡ.
Còn tinh thần ban vui, không phải cứ cho ta cái gì ở bên ngoài, mà Đức Phật chỉ cho ta có Phật tánh, cái Ta chân thật không già, không bệnh, không chết. Như trong Kinh Pháp Hoa đã dạy “Đức Phật vì một đại sự nhân duyên ra đời, khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là khai mở cho chúng sinh nhận lại Phật tri kiến nơi mình và chứng nhập được điều đó. Nhận ra được cái mình không già, không bệnh, không chết thì niềm vui đó không có gì bằng. Đó mới chính là tinh thần ban vui – chỉ cho chúng sinh “Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tánh”. Đức Phật ban vui cho chúng ta bằng cách chỉ cho chúng ta cái chân thật, nhận ra nó. Người sống và làm được điều đó mới nhận được Đại Hỷ.
Nhận ra được Tâm Phật không hình không tướng của mình cho nên không có Vật ở trong đó. Lục Tổ có nói “Bản lai vô nhất vật” – do không một vật nên không có gì để xả. Đó chính là Đại Xả.
Do vậy Đại hỷ là niềm vui lớn khi tin nhận lại được chính mình, Đại xả có nghĩa là nhận ra được cái Tâm Phật của mình là “Bản lai vô nhất vật”. 
Đó chính là tinh thần mà Đức Phật đã đạt được, Ngài nói đạo lý của Ngài là do Ngài tự tu tập theo tinh thần đó, tự giác ngộ được và chỉ dạy cho chúng sinh.
Qua đó, Thượng tọa khuyến tấn hàng Phật tử hãy từng bước tu tập, mỗi ngày tu tập chính là mỗi ngày tình thương của mình mở rộng, sống trong ánh sáng trí tuệ của Đạo Phật, nhìn tất cả chúng sinh đều là người thân của mình để luôn luôn thương xót và giúp đỡ.

 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

 
(Chùa Bằng)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này