Pháp thoại ''ai sắp xếp số phận cho chúng ta'' tại chùa Nguyên Thỉ - Phật Giáo Việt Nam
02:22 +07 Thứ sáu, 03/05/2024

Pháp thoại ''ai sắp xếp số phận cho chúng ta'' tại chùa Nguyên Thỉ

Thứ ba - 25/09/2012 16:05
(HDPT) - Nhân lễ húy nhật lần thứ 18 của cố HT.Thích Minh Tánh - nguyên Phó ban Thường trực - Trưởng ban Tăng sự BTS PG tỉnh Long An - Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Long An - đệ nhất trụ trì chùa Nguyên Thỉ (số 42 – Phan Văn Đạt – F.1 – TP.Tân An – tỉnh Long An).
 
Sáng ngày 23/09/2012 (nhằm ngày mùng 08/08/năm Nhâm Thìn), đáp lại lời thỉnh cầu của Môn đồ Pháp quyến, tưởng niệm ân đức của Hòa thượng Tôn sư viên tịch, TT. Thích Chân Quang đã quang lâm đăng đàn thuyết Pháp. Bài Pháp thoại có chủ đề “AI SẮP XẾP SỐ PHẬN CỦA CHÚNG TA”, đã đem đến cho thính chúng một cái nhìn về sự ảnh hưởng sâu sắc của giáo lý nhân quả trong đời sống. Từ đó, ta biết làm thế nào để thay đổi tâm hồn, thay đổi số phận của mình theo chiều hướng tốt lên.  
Quang lâm chứng minh buổi thuyết Pháp có: HT.Thích Minh Thiện - Ủy viên HĐTSTW - Phó ban Hoằng pháp TWGHPGVN - Trưởng BTS PG tỉnh Long An; HT.Thích Toàn Đức - Ủy viên HĐTSTW - Phó trưởng Ban thường trực BTS PG tỉnh Lâm Đồng; cùng Chư tôn thiền đức Tăng, Ni và hàng nghìn Phật tử thuộc đạo tràng các trú xứ tại Lâm Đồng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Củ Chi, Long An, Tiền Giang đồng tham dự.
Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa cho rằng “Việc bói toán đã có từ ngàn xưa. Không thờinào, không có nước nào, không vùng nào không có bói toán”. Người coi bói sớm nhất là Đức Phật. Vừa mới sinh đã được ông A Tư Đà đến coi. Bảy ngày sau khi đặt tên thì 7 vị Bà La Môn lại coi bói một lần nữa và nói rằng “Với 32 tướng tốt này thì vị này sẽ trở thành Chuyển Luân Thánh Vương, tức Vua của các vị Vua hoặc là vị Giác ngộ”. Một người Giáo chủ nữa là Ma--mét (Giáo chủ Hồi giáo), khi còn nhỏ được coi bói và thầy pháp cho biếtsau này đứa bé sẽ cai trị cả thế giới.
Như vậy, ảnh hưởng cái nhìn vào tương lai, việc tiên tri số phận của một con người bỗng nhiên trở thành thuộc tính của nhân loại. Trước hết người ta tò mò muốn biết cuộc đời của mình sẽ ra sao, hoặc có những chuyện không suy đoán được, có những lúc bế tắc quá không hiểu mọi việc sẽ ra sao thì đi coi bói. Cũng có những người chẳng tò mò thắc mắc gì cũng rủ nhau đi coi bói khi có thời gian rảnh. Phải chăng cuộc đời có số phận đã được định đoạt rồi không? Vì nó được sắp đặt rồi thì mới bói được. Ví dụ, giờ đó ta đi đến đó sẽ gặp người đó.
Ta muốn biết được tương lai, số phận của mình bằng coi bói, coi chỉ tay, coi tướng mặt, nghe giọng nói, coi giờ sinh, coi bói bài, gieo quẻ âm dương. Những việc đó thỏa mãn phần nào sự lo lắng của mọi người về tương lai. Do đó, mỗi người có số phận như thế, quá khứ như thế, tương lai như thế. Vậy ai sắp đặt số phận?
Với cái nhìn vật lý bình thường thì ai cho ta cuộc sống này? Người tạo ra số phận của ta trước hết là cha mẹ. Vì vậy ta hay đền ơn cha mẹ bằng cách báo hiếu. Một yếu tố khác là chính quyền. Khi người dân sinh ra ở thời có ông Vua tốt thì đất nước thịnh trị, người dân được hạnh phúc. Nếu vào thời ông Vua hung dữ, ác độc, bạo chúa dân tình oán than khổ sở thì số phận người dân thay đổi theo hướng xấu. Ngoài ra, môi trường xã hội cũng làm thay đổi số phận con người. Ví dụ như thời nay thông tin phát triển, mạng internet có nhiều trò chơi game bạo lực, đứa trẻ nghiện game đến nỗi về nhà giết ông ngoại để lấy tiền chơi game. Hoặc trong môi trường xã hội tốt, một người được nhà trường, hàng xóm, đoàn thể giáo dục, đứa bé trở thành sống có lý tưởng, là người không những sống không hưởng thụ mà còn biết cống hiến nhiều hơn. Nhờ vậy thay đổi số phận của nó. Một yếu tố nữa là thiên nhiên. Nếu năm đó trời đất mưa thuận gió hòa thì mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc. Ngược lại, một khi thiên nhiên không thuận lợi, hạn hán, con người sẽ sống khổ sở. Riêng các nhà tín ngưỡng thì cho rằng số phận của con người do nguyên nhân bí mật hơn. Yếu tố thần bí này mới làm cho người ta bói được.
Hôm nay, ta nói với nhau về việc ai sắp đặt số phận, và muốn thay đổi số phận đó thì phải làm sao. Các nhà tín ngưỡng có 2 trường phái. Một trường phái cho rằng có Thần thánh sắp đặt; trường phái thứ hai nói do Luật Nhân Quả sắp đặt. 
- Sự thật thì cả 2 đều đúng, tuy nhiên có cái đúng gần, có cái đúng xa. Theo khái niệm dân gian, từ ngàn xưa mọi người quan niệm có ông Trời trên cao sắp đặt. Ví dụ đang mùa cầy cấy mà trời hạn, ta đứng giữa trời cầu ông Trời cho trận mưa, thế là trời mưa thật. Lúc đó ta nghĩ do ông Trời cho nên cảm ơn ông Trời. Kỳ thực ông Trời chỉ cho trận mưa thôi, còn việc cầy cấy phải do mình làm thật. Lúa thất thu nhiều khi ta cũng nói ông Trời đày tôi. Như vậy trong quan niệm dân gian có ông Trời tác động vào cuộc sống của con người nhưng cũng có con người tự quyết định cuộc sống của mình. Giả như ông Trời cho mưa mà ta đi ngủ, không làm thì sẽ không có thu hoạch. Nếu ta không nỗ lực thì Trời cũng bó tay. Thời xa xưa ông bà mình sống rất hài hòa là hết sức nỗ lực nhưng vẫn thờ kính Đất Trời nên cuộc sống rất đẹp. Con người phải thương nhau rồi Trời thưởng công. Người nào sống ác quá thì Trời phạt. 
Bây giờ, ta xét theo Luật Nhân Quả thì cũng na ná như vậy. Xưa ông bà không biết Luật Nhân Quả nên mọi cái đặt hết vào bàn tay ông Trời. Tuy nhiên, ông Trời có làm gì vẫn phải tự con người quyết định. Người sống tốt thì ông Trời thưởng, người sống sai thì ông Trời phạt.
Đến khi đạo giáo bước vào sử dụng khái niệm ông Trời thì khái niệm này bắt đầu có sự thay đổi. Ông Trời không còn là đấng đứng khơi khơi bên ngoài nữa mà can thiệp rất sâu vào số phận con người. Các vị Giáo sĩ dựng lên hình tượng mới về ông Trời, cho rằng ông Trời theo chặt chẽ con người từng giờ, từng phút trong cuộc sống. Nhà cửa có hay không – do ông Trời; miếng ăn có hay không - do ông Trời; ai thương, ai ghét là do ông Trời; thậm chí ông Trời bảo giết ai thì ta giết người đó! Mà ông Trời có nói không. Thường con người gán ý cho ông Trời và tưởng đó là ông Trời, chứ Trời không nói tiếng nào. Như Lão Tử nói Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vần xoayvạn vật luôn sinh hóa. Lão Tử nhìn trời đất thản nhiên như thế, mà con người trong đó vận động quay cuồng rồi gán cho trời thế này, gán cho đất thế kia. Cuối cùng chưa bao giờ có ai nghe được tiếng nói của Trời.
Cái quan điểm ông Trời sắp đặt số phận cho ta, ta không phủ nhận vì theo đạo Phật khái niệm “Trời” là có thật. Đức Phật dạy trên Trời có nhiều tầng trời, mỗi tầng trời có một vị Vua cai quản. Chỉ ở những tầng trời cực cao như cõi trời Hữu Đảnh, cõi trời Sắc Cứu Cánh không có Vua vì mỗi vị Thiên tử đều là Thánh, những vị này đều chứng tam quả A-na-hàm hết (bất lai), nghĩa là đến mức độ cõi trời Sắc Cứu Cánh, các vị Thiên tử quá đạo đức nên không cần người cai trị. Còn dưới tầng trời đó như cõi trời Phạm Thiên vẫn còn Vua. Xuống cõi trời Dục giới như cõi trời 33 có Vua trời là Đế Thích cai quản vì người ta chưa hoàn toàn đạo đức thánh thiện, người ta còn sai lầm nên cần có người cai trị để hạn chế sai lầm của họ. Tương tự, cõi người này lúc nào cũng có luật pháp, có quân đội, có nhà cầm quyền để trấn áp, giữ gìn cho xã hội được bình yên, vì thế giới loài người còn rất nhiều điều ác độc. Đã là Vua rồi thì rất bận rộn, phải quan sát, điều phối, sắp xếp, kiểm tra,… thậm chí trên cõi trời sắp xếp xuống số phận của cõi người (đặc biệt là những người rất nổi bật), điều khiển hết việc của trần gian, nên ông bà ta thường nói “Sống thuận lòng Trời” là vì vậy. Ta không cần chạy vạy, cứ sống cho tốt, có đạo đức thì Trời sắp chổ bằng cách tác động vào tâm mọi người. Khi Trời sắp chổ thì lòng người ủng hộ mình nên ta hay nói “Ý Trời”. là như thế. Còn lòng người oán thán, ta cố gắng gượng lại để chạy chọt cái gì là ta đã đi ngược ý Trời. Coi vậy số phận con người vẫn lệ thuộc vào cõi trên.
Nhưng sâu thẩm phía sau ý chí, ý muốn của con người, phía sau ý muốn của Trời là Luật Nhân Quả chi phối. Ông Trời có sắp đặt gì thì cũng theo đúng Luật Nhân Quả công bằng chứ không làm khác được. Và Thượng tọa đã chứng minh ý nghĩa này bằng nhiều ví dụ đầy ẩndụmang tính logic chặt chẽ, nhằm khơi dậy củng cố niềm tin chánh kiến cho người nghe.
Đạo Phật hay nói về Luật Nhân Quả, còn các tôn giáo khác thì nói là ý Trời. Quan điểm của cả hai bên đều đúng nhưng đạo Phật nói Nhân quả là nói tới cái gốc (quá sâu xa), còn các tôn giáo bạn nói ý Trời là muốn nói điều cụ thể hơn một chút. Nếu không nói Luật Nhân Quả, không nói ông Trời, chỉ nói đến thế giới vật lý hữu hình thì mọi việc là ý của con người. Tuy nói là ý của con người nhưng đằng sau sự chi phối là ý của Thần thánh. Mà đằng sau sự chi phối của Thần thánh là Luật Nhân Quả. Nói Luật Nhân Quả thì không còn có ý nữa. Luật Nhân Quả là một nguyên tắc, một quy luật vô hình chi phối cả vũ trụ nhân sinh và chi phối tận tâm ý của con người. Thế là số phận ta được sắp đặt.
Chúng ta thấy, các tôn giáo trên thế giới này có những điểm khá tương đồng, nếu có tâm bao dung, ta sẽ nhìn thấy những điểm hay của nhau để yêu quí, bao dung, tôn trọng nhau, chứ không khích bác gây thành xung đột tôn giáo. Ai trong lĩnh vực tôn giáo mà thích gây xung đột thì đó là người xấu, người đó đã sai với chính tôn giáo của mình. Còn nếu là một tôn giáo chân chính thì ta thích sự đoàn kết của nhân loại, vượt qua khỏi ranh giới của tôn giáo để con người yêu thương nhau. Hôm nay ta  nói đề tài AI SẮP ĐẶT SỐ PHẬN là vậy. Ta nói Thần thánh cũng được hoặc nói do Luật Nhân Quả cũng không sai. Nhưng tùy gốc độ mà ta nói, không gì có lỗi. Cái quan trọng vẫn là chính con người. Con người đó được Trời thưởng, được Chúa chọn hay người đó được Luật Nhân Quả, có phúc sắp xếp, tất cả đều do chính con người, do ý chí của cá nhân là trước hết cái đã. Chính ta, ta quyết định phải sống như thế nào – Chúa sẽ chọn ta sau hay Trời sẽ thưởng ta sau. Do đó ý chí của ta là sắp đặt số phận ta trước. 
Nói rằng, con người có một số phận được sắp đặt nhưng nó không hoàn toàn cứng ngắc, vẫn thay đổi được. Tiếp theo, Thượng tọa liệt kê một số điểm chính không thay đổi được (Định nghiệp) và một số điểm thay đổi được. Ví dụ: Một người sinh ra đời trong gia đình như thế, có cha mẹ như thế là định nghiệp, vì ta không chọn được, nhưng thật sự ta chọn được, nếu lui ngược lúc trước khi chết, trước khi đầu thai nhưng ta cứ tạm nói không chọn được, phần còn lại của cuộc đời ta là do ta. Cha mẹ chỉ dạy ta đến mức độ nào đó thôi, nhưng để tốt hơn là do ta tự tìm tòi học hỏi, hoặc xấu hơn cũng là do ta hư hỏng, chơi bời với bạn bè xấu rồi ta đi xuống. Cũng cha mẹ như thế mà chính ta quyết định vượt lên trên số phận, để thành người xuất sắc hay tuột xuống thành người hèn kém tầm thường. Nên có định nghiệp mà cũng có bất định nghiệp; có những số phận đã quyết định không thay đổi được nhưng trong cái số phận quyết định không thay đổi được đó còn có ý chí của ta, ta sẽ thay đổi cuộc đời mình ở phía sau nữa.
Nhưng ở đâu ta có những quyết định tốt, ý chí tốt và ngược lại? – Thượng tọa nhấn mạnh yếu tố giáo dục cực kỳ quan trọng. Nếu ta “May mắn” gặp được thầy lành bạn tốt trong đời, ta sẽ có những quyết định tốt, làm thay đổi cuộc đời mình đi lên; còn nếu xui, ta gặp người bạn xấu (một ác tri thức), xúi giục ta những điều bậy bạ thì ta quyết định cuộc đời sai lầm liền. Như vậy, yếu tố tác động của bạn bè, một lời dạy, một lời khuyên của thiện tri thức hay ác tri thức quan trọng vô cùng, nó thay đổi nhân quả luôn. Đáng lẽ mọi chuyện Trời sắp như thế, nhân quả đã sắp như thế nhưng vì ý chí người đó thay đổi nên số phận thay đổi. Mà ý chí thay đổi là do thiện tri thức hay ác tri thức. Đó là lý do Phật không dùng thần thông để cải hóa tâm người mà dùng lời nói để giáo dục, kiên nhẫn dạy bảo từng người để họ thay đồi nhận thức, chọn con đường đi đúng hơn. Nên việc giáo hóa cho nhau là công đức số một. Khi ta nói được những đạo lý tốt, ta thay đổi số phận của người khác và đó là cái phước lớn nhất.
Sau cùng, Thượng tọa đúc kết lại, nếu hỏi “Ai sắp đặt số phận cho mình”, đầu tiên ta trả lời là do Thần thánh sắp đặt. Nhưng sâu xa hơn Thần thánh là Luật Nhân Quả. Để có Luật Nhân Quả cho ta đi theo chiều hướng tốt là do ý chí của ta làm ta gieo nhân lành, thì Luật Nhân Quả mới sắp cho ta được cái quả lành.  Tuy nhiên, ở đâu  ta có ý chí tốt? – Do giáo dục, do thầy lành, bạn tốt. Nên yếu tố “Minh sư thiện hữu” quan trọng vô cùng. Ta lúc nào cũng cần minh sư thiện hữu nhắc ta một lời, nói ta một câu để thay đổi tâm hồn của ta. Mà ta cần thì người khác cũng cần.
Như vậy số phận của ta cần thay đổi theo chiều hướng tốt; số phận của những người khác cũng cần thay đổi theo chiều hướng tốt. Do đó ta không bao giờ thay đổi số phận của mình chỉ một mình. Hễ thay đổi thì phải thay đổi đồng bộ, tất cả đều phải tốt lên hết thì mới tốt. Còn nếu có ai nghĩ rằng, tôi biết đạo lý rồi, một mình tôi sẽ vươn lên thành một người tốt nhất thì không bao giờ được, vì đó là ý nghĩ ích kỷ, không hợp lý và không thành công. Hiểu như vậy, chúng ta phải làm sao lan truyền đạo lý, chánh pháp pháp phải được hoằng hóa bởi từng người đệ tử Phật.
Có 4 tác ý để ta thay đổi tâm hồn, thay đổi số phận của mình:
-           Chánh kiến: Trang bị những đạo lý chân chính.
-          Chánh tư duy: Dựa vào những đạo lý đó để suy nghĩ thay đổi tâm hồn của mình.
-          Như lý tác ý: Ra mệnh lệnh cho chính mình.
-          Phát nguyện trước Phật.
Ai có 4 điều này trong tâm thì bắt đầu mở ra một chân trời mới cho số phận của ta. Ta thay đổi cuộc đời của ta, ta chuyển được dòng nghiệp của mình theo chiều hướng tốt hơn. Ở đây ta có đủ điều kiện để làm, vì ta có cả một đạo lý của Phật mênh mông, vô tận, tu hoài không hết. Ta có ưu thế hơn một người không biết Đạo Phật, đó là ta có tư liệu để trang bị tâm hồn của mình tràn đầy ánh sáng. Riêng những người không biết giáo lý đạo Phật, họ đang trong bóng tối mà không biết cái gì để thắp lên trong cõi lòng đó. Còn ta có vô số những ngọn đèn giáo lý của Phật, ta chỉ mang mồi và thắp lên trong lòng mình làm cho lòng của mình mỗi ngày một sáng tỏ; ta hạnh phúc vô cùng. Vấn đề còn lại là quyết tâm. Ta thay đổi tức là cưỡng lại được thói quen xấu.  Và khi ta phát nguyện trước Phật rồi thì nhiều cơ hội bắt đầu đến để thử thách ta có làm được hay không.
Bài Pháp thoại với nội dung hay và hấp dẫn đã đi vào lòng người nghe, để lại trong họ nhiều cảm xúc mới mẻ được học hỏi, rất riêng và ai cũng có những dự tính cho cuộc đời tốt đẹp của mình không những trong kiếp hiện tại mà còn cho vố số kiếp về sau. Hãy sống xứng đáng với lợi thế mà chúng ta đang có./.
 


































































 

Tâm Trụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: long an

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này