Phật giáo ở dải đất ven biển miền Đông Nam Bộ - Phật Giáo Việt Nam
10:10 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

Phật giáo ở dải đất ven biển miền Đông Nam Bộ

Thứ năm - 23/08/2012 10:11
(HDPT) - Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với dân số 1.009.719 người, Phật giáo chiếm 21,66% dân số (thống kê năm 2010).
 

BR-VT là tỉnh được tách ra từ tỉnh Đồng Nai vào năm 1991 gồm 4 huyện: Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Đất và Côn Đảo. Trải qua 4 nhiệm kỳ, Phật giáo ở vùng đất này đạt nhiều thành tựu: cơ sở tự viện và Tăng Ni, Phật tử phát triển mạnh mẽ so với nhiệm kỳ đầu, đặc biệt, BR-VT có nhiều di tích Phật giáo, chùa cổ, thắng cảnh tiêu biểu... được nhiều du khách, Phật tử khắp cả nước đến tham quan, chiêm bái.

Dấu chân của tiền nhân

Theo dấu chân xưa đến vùng đất Long Điền - Đất Đỏ để thấy công đức to lớn của chư vị tiền nhân đã có công khai mở, xây dựng nên nền tảng Phật giáo đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Phật giáo ở BR-VT nói riêng. Những dấu ấn đậm nét bước chân khai phá và truyền bá Phật pháp của chư vị tiền bối, tiêu biểu là Thiền sư Huệ Đăng, người gốc Bình Định, thuộc thiền phái Liễu Quán, vào khai phá và truyền bá Phật pháp tại vùng đất đỏ có núi thiêng ven biển.

DSC_0041.JPG

Quần thể chùa Đại Tòng Lâm - Ảnh: H.D

Cụm chùa cổ Long Cốc, Long Hòa, Long Quang, Long Bàn, tổ đình Thiên Thai... ở vùng đất Long Điền - Đất Đỏ ngày nay là dấu son in đậm công đức của Tổ Huệ Đăng. Ngài là đệ tử Tổ Bảo Tạng, tu học tại chùa Long Hòa và lên Dinh Cố (núi Dinh) tìm thạch động tịnh tu, thiền định, sau này ngài đặt tên thạch động là động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên ngài đã nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh để tiếp Tăng độ chúng, truyền bá Chánh pháp.

Tổ đình Thiên Thai cùng với những ngôi chùa cổ trên vùng đất Long Điền - Đất Đỏ ngày nay là nền tảng đầu tiên của Phật giáo miền Đông Nam Bộ, chịu ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo Phú Yên. Ngài còn thành lập Hội Thiên Thai Thiền giáo tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa, đồng thời cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động Phong trào chấn hưng Phật giáo và hoằng dương Chánh pháp.

Ngày nay, khi nói đến Phật giáo BR-VT là nói đến công đức trong việc hoằng dương Phật pháp, xây dựng nền tảng Phật pháp của Tổ Huệ Đăng trên vùng đất miền Đông Nam Bộ. Và, tổ đình Thiên Thai như là nguồn mạch Phật pháp nối liền sự phát triển ngày càng rạng rỡ của Phật giáo vùng đất ven biển này. Cùng với các ngôi chùa cổ tại Long Điền - Đất Đỏ, các di tích văn hóa, tâm linh, thắng tích Phật giáo đặc sắc: di tích Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn tịnh xá, Linh Sơn cổ tự, Long Bàn, Phước Lâm, khu vực Đại Tòng Lâm, quần thể chùa núi Thị Vải… có sức hút tâm linh hàng triệu Phật tử và khách hành hương mỗi năm.

… Hậu học chung tay xây đắp

Nói đến thành tựu của Phật giáo tỉnh BR-VT trong nhiệm kỳ qua, HT.Thích Quảng Hiển, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni ngậm ngùi vì lẽ, trong nhiệm kỳ qua, Hòa thượng Trưởng BTS THPG BR-VT (cố HT.Thích Đồng Huy) từ nhiệm kỳ đầu đến giữa nhiệm kỳ IV vì tuổi cao sức yếu đã viên tịch vào năm 2009; HT.Thích Huệ Thành, Phó ban Thường trực BTS THPG BR-VT vì bệnh duyên trong thời gian dài cũng đã viên tịch vào năm 2012.

Từ đó, công tác Phật sự của PG tỉnh cũng bị hạn chế vì không có các bậc trưởng thượng đứng ra gánh vác công việc chung. Tuy nhiên, trong ngôi nhà Phật pháp với 3 hệ phái: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Tăng Ni, Phật tử luôn đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận trong Phật sự, những hạn chế đó cũng là tạm thời. Các tự viện, Tăng Ni, Phật tử tỉnh BR-VT luôn phát triển nội lực sẵn có, phát huy những thế mạnh tự thân của mỗi tự viện, cá nhân góp phần vào thành tựu chung của Phật giáo tỉnh nhà.

So với nhiệm kỳ đầu, Phật giáo BR-VT phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất hạ tầng cơ sở tự viện, số lượng Tăng Ni, Phật tử phát triển mạnh về số lượng với đời sống sinh hoạt tu học ổn định, đi vào nề nếp, đặc biệt là Trường Trung cấp Phật học, Lớp Cao đẳng tại BR-VT hình thành sớm, tạo nền tảng vững chắc cho Tăng Ni trẻ.

DSC_0037.JPG

Tăng Ni sinh lớp Cao đẳng Phật học tỉnh BVR-VT đang thi học kỳ

Theo HT.Thích Quảng Hiển, toàn tỉnh BR-VT hiện có trên 600 tự viện với gần 4.000 Tăng Ni,  phân bổ đều khắp tại 7 huyện thị gồm: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Một số thành tựu trong nhiệm kỳ qua của Phật giáo tỉnh BR-VT có thể kể đến công tác quản lý Tăng sự, hợp thức hóa cho hơn 100 cơ sở thờ tự trở thành các tự viện chính thức, thực hiện quyển Danh mục tự viện tỉnh BR-VT, tổ chức an cư kiết hạ đúng theo truyền thống tu học cho Tăng Ni trong toàn tỉnh, tổ chức Đại giới đàn Thiện Hòa VI, Hội thảo Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN, Đại lễ chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… tạo những dấu ấn mạnh mẽ. Ngoài ra, các ban ngành: Tăng sự, Văn hóa, Giáo dục Tăng Ni, Nghi lễ, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, TTXH… đã kết hợp đồng bộ tổ chức các sinh hoạt tu học, văn hóa, tâm linh phục vụ cho Tăng Ni, Phật tử trong toàn tỉnh như truyền thống Lễ Phật đản, Vu lan, Phật thành đạo, vía Bồ-tát Quán Thế Âm, diễu hành xe hoa Phật đản, kỷ niệm các vị tiền bối hữu công, tổ chức lễ cầu an cầu siêu tại huyện Côn Đảo… Những lễ hội mang đậm chất văn hóa Phật giáo, tâm linh do BTS và các ban ngành trực thuộc tổ chức thu hút hàng chục ngàn Phật tử, người dân tham dự.

Phật giáo BR-VT xác định ngay từ đầu là tập trung đào tạo Tăng tài, phát huy truyền thống tu học của tiền nhân, nên ngành giáo dục Tăng Ni được thành lập rất sớm, chỉ sau TP.HCM. Trường Trung cấp Phật học tỉnh BR-VT đặt tại Đại Tòng Lâm bắt đầu hoạt động vào năm 1989, đến năm 1990 thì chính thức tuyển sinh. Cho đến nay, có khoảng 3.000 Tăng Ni tốt nghiệp, hiện đang mở khóa VII, Lớp Cao đẳng Phật học đang duy trì khóa V. Tăng Ni sinh được tu học có khu vực nội trú riêng tại hai cơ sở: Vạn Phật Đại Tòng Lâm và Ni viện Thiện Hòa. Ngoài ra, BTS THPG BR-VT cũng đã tiếp tục mở lớp Sơ cấp khóa II tại TP.Vũng Tàu.

HT.Thích Quảng Hiển cũng nhấn mạnh, Phật giáo BR-VT phát triển dựa trên nền tảng truyền thống sẵn có và nội lực trong Tăng Ni, Phật tử nên đa số các giảng sư của Ban Hoằng pháp hiện nay là nguồn nhân lực của tỉnh nhà. Ban Hoằng pháp tiếp nhận những vị giảng sư Tăng Ni tốt nghiệp các khóa Thiện Hoa, Trí Thủ, các lớp cao cấp, trung cấp giảng sư… được phân công thuyết giảng tại các đạo tràng, phát triển tu học.

Ban Hoằng pháp cũng kết hợp với Phân ban Cư sĩ Phật tử hướng dẫn tu học với nhiều chương trình sinh hoạt, tu học phong phú, đa dạng. Hiện nay, toàn tỉnh có 100 đạo tràng tu học. Nhiệm kỳ qua, các đạo tràng Phật tử, ban ngành kết hợp, Tăng Ni các tự viện kết hợp với Ban TTXH tổ chức nhiều chương trình TTXH, trị giá trên 142 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt nhất là duy trì 4 bếp ăn tình thương cho bệnh nhân tại 3 Bệnh viện: Lê Lợi, Bà Rịa và Châu Đức hơn 10 năm qua.

 

 

HT.Thích Quảng HiểnPhó BTS THPG BR-VT, Trưởng ban Tổ chức Đại hội: “Sẽ đề xuất bổ sung nhân sự nhiều hơn nhiệm kỳ trước”

 

DSC_0009.JPG

Trao đổi về vấn đề nhân sự BTS THPG BR-VT nhiệm kỳ 2012-2017, HT.Thích Quảng Hiển cho phóng viên Giác Ngộ biết: “BTS THPG khóa IV dù có những khiếm khuyết về nhân sự chủ chốt trong BTS THPG ở cuối nhiệm kỳ nhưng nhân lực của Phật giáo tỉnh BR-VT rất dồi dào.

 

 

Do đặc tính của Phật giáo BR-VT là các tự viện, Tăng Ni đông nên để quản lý, hướng dẫn tu học cho trên 600 tự viện và gần 4.000 Tăng Ni cần nhiều nhân lực nhiệt tâm, nhiệt tình trong công tác Phật sự chung. Do đó, nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Nhân sự Đại hội đã đề xuất với HĐTS bổ sung thêm nhân sự. Cụ thể, nhân sự nhiệm kỳ 2012-2017 dự kiến sẽ có 77 thành viên, trong đó gồm  47 ủy viên chính thức và 30 ủy viên dự khuyết.

 

Cơ cấu nhân sự nhiệm kỳ 2012-2017 sẽ phân bổ theo yếu tố hệ phái, những vị cao niên có nhiều kinh nghiệm công tác Phật sự trong nhiều năm qua vẫn có thể được lưu nhiệm trong các ban ngành. Ngoài ra, nhiệm kỳ này sẽ bổ sung nhiều Tăng Ni trẻ, có năng lực quản lý, trình độ Phật học lẫn thế học, năng nổ, nhiệt tình… có khả năng, chủ động điều hành Phật sự sẽ được bổ nhiệm vào ủy viên dự khuyết. Lực lượng này sẽ là nhân sự kế thừa trong công tác quản lý cho Ban Thường trực BTS các nhiệm kỳ kế tiếp.

 

Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh BR-VT lần thứ V, nhiệm kỳ 2012-2017 cũng đề xuất suy cử Ni sư TN.Như Như, trụ trì ni viện Thiện Hòa làm Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh BR-VT để theo sát và giúp đỡ Ni giới tu học. Tuy còn rất ít, nhưng các ủy viên chính thức BTS THPG BR-VT nhiệm kỳ 2012-2017 vẫn phải tiếp tục kiêm nhiệm, đảm trách một số ban ngành trong hoàn cảnh thực tế của Phật giáo địa phương”.

S.NGHỆ ghi

 

 

H.Diệu

 
(GNO)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này