Ðối thoại Khoa học và Phật giáo tại Làng Mai - Phật Giáo Việt Nam
14:59 +07 Thứ bảy, 18/05/2024

Ðối thoại Khoa học và Phật giáo tại Làng Mai

Chủ nhật - 10/06/2012 08:22
(HDPT) - Trong bài thuyết trình ngày 3 Tháng Sáu, 2012 tại Xóm Hạ, Làng Mai, Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận nêu ra một số lý thuyết trong môn vật lý học hiện tại để so sánh với những quan điểm trong truyền thống Phật giáo.
 

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận thuyết trình trong khóa tu tại Làng Mai, Pháp Quốc, về Khoa học và Phật giáo; và sau đó một ngày, với tư cách một nhà khoa học, ông đã đặt một số câu hỏi với Thiền sư Nhất Hạnh về cách nhìn của đạo Phật đối với một số vấn đề căn bản trong khoa học hiện đại.

Là một nhà vật lý học chuyên khảo về vũ trụ, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết Vật lý học đã nhận thấy một số điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học. Những điểm “hội tụ” (convergence) mà ông nhìn ra là tính tương quan và tùy thuộc vào nhau của mọi hiện tượng vật lý; tính trống rỗng (vacuity, emptiness) của vạn pháp; và tính vô thường (impermanence). Nhiều khám phá trong khoa học trong một thế kỷ gần đây đã đưa tới những cách nhìn giống như quan điểm của đạo Phật từ nhiều ngàn năm qua. Chẳng hạn, tính bất khả phân (non-seperability) của mọi vật; mối liên quan không thể tránh giữa chủ thể quan sát và đối tượng được khảo sát (tương tức, tương nhập); vân vân.

Trong khi khoa học sử dụng lý trí và các phương pháp phân tích để gia tăng hiểu biết có tính chất khách quan và định lượng của con người về vũ trụ chung quanh mình, Phật giáo là một truyền thống với cách nhìn toàn diện với mục tiêu trị liệu, đưa tới giác ngộ toàn diện (enlightment). Phật giáo không nhìn thế giới theo lối lưỡng nguyên (tâm và vật) nhưng cũng không cố chấp vào cách nhìn phi lưỡng nguyên. Từ nhận định về tính tương lập (interdependence) của mọi vật và mọi người, Phật giáo đã dẫn tới đức từ bi như một cách biểu hiện khác của trí tuệ.

Một ngày sau cuộc thuyết trình, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã đặt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh một số thắc mắc của một nhà khoa học để tìm hiểu cách giải đáp của Phật Giáo.

Thứ nhất, Phật giáo yêu cầu phải vượt qua những chướng ngại do sự hiểu biết gây ra, một điều khác với khảo hướng của khoa học là luôn dựa trên những hiểu biết đã có để đi tìm các hiểu biết mới. Thứ hai, quan điểm Phật giáo về trình độ ý thức (consciousness) của loài người so sánh với các sinh vật khác, với vật chất vô sinh, cho tới các hạt nhân. Khoa học, kể từ Einstein, đã nhìn ra thời gian chỉ là một kích thước mới của không gian, điều này tư tưởng Phật Giáo đã nhận định ra sao. Ðiểm sau cùng là theo quan điểm Phật giáo, mọi vật đều là do biểu hiện của tâm thức, thì như vậy có một thế giới hoàn toàn vật chất ở ngoài hay không? Thiền sư Nhất Hạnh đã trình bày cách nhìn của Phật giáo trước các vấn đề trên, dựa trên sự phân biệt “sự thật tương đối” (tục đế) và “sự thật tuyệt đối” (chân đế) trong truyền thống Phật giáo.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng khắp thế giới về đề tài vũ trụ học. Ông cũng là đồng tác giả với một tăng sĩ người Pháp về tương quan giữa khoa học và đạo Phật. Khóa tu tại Làng Mai, vùng tây nam nước Pháp, được tổ chức trong 21 ngày, kể từ ngày 1 Tháng Sáu năm 2012, quy tụ gần một ngàn thiền sinh đến từ gần 30 quốc gia. Ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Anh, với tám nhóm thông dịch đồng thời sang tiếng Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ý, Thái, Nhật, Trung Hoa cho nhiều người đến từ Singapore, Hồng Kong, Mã Lai, Ðài Loan, vân vân; đông nhất là nhóm những người nghe tiếng Việt và tiếng Pháp.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này