Có một đạo tràng giản dị như thế - Phật Giáo Việt Nam
19:12 +07 Thứ sáu, 17/05/2024

Có một đạo tràng giản dị như thế

Thứ hai - 10/09/2012 21:51
(HDPT) - Quê tôi có năm ngôi chùa, nhưng cũng như nhiều chùa khác ở miền quê bắc bộ, chùa không thành lập được đạo tràng, cũng không tổ chức khoa tu.
 

Hết tháng này qua năm khác, ngày rằm mùng một nhà chùa mở cửa cho Phật tử đến lễ, cầu xin rồi về. Không biết tự bao giờ, ngôi chùa đã trở thành cái miếu thờ, người Phật tử trở thành tín đồ của thần linh.

Rồi một ngày đẹp trời, một chùa ở quê tôi đã thành lập được đạo tràng tu học, tôi có nhân duyên được một bác mời đến tham dự một buổi tu học của đạo tràng.

Chứng kiến các bác quần áo trang nghiêm, tiếng niệm Phật âm vang thành kính, những bước chân kinh hành an lạc nhẹ nhàng gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc, tôi đã xin phép để viết một bài để chia sẻ cùng mọi người.

Được biết Đạo tràng được thành lập hơn một năm nay, do một Phật tử đứng ra vận động thành lập. Mọi người đã xin phép thầy trụ trì để có chỗ tu học.

Ban đầu chỉ có khoảng 10 người, đến nay đã có khoảng 40 người tham gia. Người trẻ nhất là 30 tuổi, người già nhất là 80.

Đều đặn mỗi tuần bốn buổi là thứ 7, chủ nhật, thứ 2 thứ 3; ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nóng bức cũng như ngày giá lạnh cứ 7h 20 tối, tất cả các thành viên có mặt tại chùa, trang nghiêm thanh tịnh để vào khóa lễ tụng kinh, niệm Phật, kinh hành sau đó là sám hối và phát nguyện.

Mỗi tuần 4 buổi, trong khi mọi người khác còn đang dán mắt vào ti vi xem các chương trình phim cuối tuần, hoặc game show cuối tuần thì mọi thành viên trong đạo tràng, đều gác tất cả việc nhà, việc vui chơi để đến chùa tu học.

Tinh thần tu học như thế thật là đáng quý. Nhưng điều đáng quý nhất ở đây là Đạo tràng được thành lập là do một số Phật tử thuần thành đứng ra vận động, rồi tự tổ chức, tự quản lý và cùng nhau hướng dẫn tu học theo pháp môn Tịnh độ của chùa Hoằng pháp.

Tuy không có thầy đứng ra tổ chức và hướng dẫn, nhưng các Phật tử ở đây tu học rất quy củ, kỷ luật, nghiêm trang và tinh tấn.

Vì không có thầy giảng pháp, do vậy đạo tràng thỉnh thoảng lại dành ra một buổi để nghe băng đĩa giảng pháp của các thầy. Hoặc mỗi khi có ai thỉnh được băng đĩa giảng pháp hay, băng đĩa mới thì đều mang đến để mọi người cùng nghe, nghe xong có thể mượn về nhà nghe lại cho thấm nhuần lời giảng của thầy hoặc mở lên cho cả nhà cùng nghe.

Chính vì thế các thành viên trong đạo tràng đều là những Phật tử đúng nghĩa, là những Phật tử thuần thành và hiểu đạo. Chúng ta hãy xem chia sẻ của một số bác Phật tử trong đạo tràng:

Người thứ nhất: Đạo Phật đúng là cứu khổ ban vui, sau khi tham gia đạo tràng, học Phật bác thấy cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giờ mình bớt tham bớt sân, bớt si. Khi con cái có lỗi ,trước đây mình thường hay chấp, giận con giận cháu, giờ mình bao dung, không mắng chửi mà khuyên nhủ nhẹ nhàng.

Người thứ 2: từ ngày đi chùa học đạo, nghe băng đĩa bác hiểu đạo hơn, đi chùa không mê tín nữa, sống từ bi hơn, yêu thương mọi người, trước đây đi chùa chỉ chăm chăm cầu cho gia đình giờ mở lòng ra cầu cho tất cả pháp giới chúng sinh ai cũng được gặp Phật pháp để cùng niệm Di Đà, đồng sinh cực lạc. Trong gia đình đôi khi chồng có cáu giận, quát mắng nếu như trước đây thì bác cãi lại thế là gia đình lại cãi nhau sinh to chuyện. Giờ mỗi khi chồng có nổi giận thì mình không nói gì, lúc đó bác chỉ niệm Phật trong lòng, thế là bao nhiêu cái sân của mình cũng hết, chồng nói một lúc thì thôi, gia đình lại được yên ấm. Những lúc rảnh rỗi bác lại bật đĩa nhạc niệm Phật rồi cùng niệm theo nhạc hoặc ngồi thiền để thanh tinh thân tâm.

Người thứ 3 ( một bác 50 tuổi ): ban đầu bác chúng trưởng có vận động tham gia đạo tràng nhưng cô từ chối vì còn bận việc gia đình, bận trông cháu, bận phải đi chợ bán hàng, không có điều kiện tham gia. Lần một, lần 2 mình từ chối nhưng rồi bác ấy nhiệt tình vận động nên cô cũng tham gia một buổi. Sau buổi ấy cô phát nguyện tham gia tu học cùng đạo tràng. Nhờ có Phật gia hộ, bây giờ việc tu vẫn tu, việc lo cho gia đình, việc trông cháu đi chợ vẫn đi, việc nào việc ấy đều hoàn thành và chu đáo. Bây giờ cô hiểu đạo rồi, mình còn trẻ có sức khỏe, bây giờ không tu thì để bao giờ mới tu, cứ chờ cho rảnh việc nhà thì bao giờ mới hết, sợ đến lúc già muốn tu cũng không được.

Qua đây ta có thể rút ra một số điều:

Có những thầy được giáo hội bổ nhiệm làm trụ trì một chùa, để thay Phật giáo hóa chúng sinh, hướng dẫn mọi người cùng tu tập theo lời Phật nhưng quý thầy lại ngại đứng ra thành lập đạo tràng, tổ chức khóa tu cho Phật tử, để Phật tử của mình đi chùa mấy chục năm nhưng vẫn không hiểu đạo.

Nhưng có những Phật tử trăn trở với sự thịnh suy của đạo Pháp, sẵn sàng dấn thân vận động nhau để thành lập đạo tràng và cùng nhau tu học.

Những nơi chưa có chùa , hoặc chùa chưa có thầy trụ trì thì Phật tử cũng có thể đứng lên vận động thành lập đạo tràng và hướng dẫn nhau cùng tu học theo pháp môn Tịnh độ giống như đạo tràng trên. Thiết nghĩ việc này không khó vì nơi khác họ làm được thì mình vẫn có thể làm được. Cái khó là do chúng ta có nhiệt tâm, có dấn thân tu học và hộ trì Phật pháp hay không thôi?

Chúng ta là Phật tử hãy chứng tỏ mình là một Phật tử đúng nghĩa, phải hiểu đạo và có trách nhiệm hộ pháp. Mỗi người tùy vào điều kiện của mình, hãy đóng góp phần trách nhiệm của mình bằng những việc làm cụ thể thiết thực cùng với quý thầy hoằng dương Phật pháp, để Phật giáo được hưng thịnh.

Cuối cùng xin cảm ơn bác chúng trưởng và toàn thể đạo tràng đã tạo điều kiện cho tôi viết bài và chụp hình sinh hoạt của đạo tràng.

Kính chúc đạo tràng ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, việc tu học ngày càng tinh tấn, làm nhiều việc thiện lành để đời sống hiện tại được an vui, khi bỏ báo thân này đều được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.

Nam mô A Di Đà Phật

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tu:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này