Đằng sau bộ tượng bằng gỗ dâu nghìn năm tuổi: Báu vật vô giá - Phật Giáo Việt Nam
14:34 +07 Thứ tư, 08/05/2024

Đằng sau bộ tượng bằng gỗ dâu nghìn năm tuổi: Báu vật vô giá

Chủ nhật - 04/11/2012 13:06
(HDPT) - Ít ai biết được, để có được ba pho tượng khổng lồ này, cố Thượng tọa Thích Thắng Phước đã phải mất rất nhiều năm truy tìm gỗ quý. Và khi bộ tượng sắp sửa hoàn thành thì thầy lại đột ngột qua đời ở tuổi 47.
 







Lúc sinh thời, ngày mưa cũng như nắng, cố thượng tọa Thích Thắng Phước lúc nào cũng cận cề bên các nghệ nhân để trao đổi ý tưởng và góp sức

Tu sĩ nặng duyên với điêu khắc gỗ

Mặc dù, cố thượng tọa Thích Thắng Phước (nguyên Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng; Ủy viên tăng sự Ban Đại diện Phật giáo Di Linh; Trị sự chùa Linh Thắng) giờ đã về đất Phật, nhưng mỗi khi nhắc đến thầy, bà con phật tử ai cũng thương nhớ và khâm phục. Ở vùng Lâm Đồng, thầy không chỉ được biết đến với tư cách là một vị tu hành đã trọn nghĩa với đạo và vẹn tình với đời mà còn là một nghệ nhân nặng duyên nợ với các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Trong suốt quãng thời gian tại thế, cố thượng tọa Thích Thắng Phước đã miệt mài sưu tầm nhiều gốc rễ bỏ đi rồi tự tay “thổi hồn vào gỗ” để tạo nên những pho tượng có giá trị văn hóa – nghệ thuật hết sức độc đáo.

 

Đại đức Thích Linh Toàn, thư ký Ban trị sự Phật giáo Lâm Đồng cho biết, cố thượng tọa Thích Thắng Phước lúc sinh thời thường chia sẻ rằng: Lâm Đồng là vùng đất cao nguyên có rất nhiều loại cây gỗ quý. Nhiều năm liền, thầy chứng kiến cảnh bà con thường xẻ thân cây lấy gỗ còn bộ rễ hoặc phần gốc xù xì thì lại vứt đi. Và để những “vật báu” đó không biến thành tro than, thầy đã dành rất nhiều thời gian để mày mò chế tác nên nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật lớn.

Trong mười năm khổ công với mối duyên nợ lớn của cuộc đời, cố thượng tọa Thích Thắng Phước đã cho ra đời trên 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sinh động, độc đáo. Bà con Phật tử và khách tham quan trìu mến đặt cho thầy danh hiệu “Người thổi hồn vào gỗ” khi tận mắt chiêm ngưỡng không gian điêu khắc tại chùa Linh Thắng.

“Lúc trụ thế thầy Thắng Phước yêu gỗ lắm. Thầy có thể bỏ hàng tuần lễ, ngược xuôi khắp nơi để “tha lôi” hàng trăm bộ rễ cây về chùa. Và chỉ cần nhìn qua mỗi bộ rễ là trong đầu thầy đã phác họa ra hình thù phù hợp bộ gốc rễ ấy rồi. Cứ thế, một khi đã hăng say thì thầy miệt mài đặc đẽo, chạm khắc…cho đến khi hoàn thiện tác phẩm mới thôi. Những tác phẩm điêu khắc gỗ chủ đề Phật giáo nổi bật như: tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Hộ pháp, Tiêu diện v.v… đã được thầy tạo nên bằng đôi bàn tay khéo léo cùng lòng đam mê nghệ thuật.

Đại đức Thích Linh Toàn còn chia sẻ, trong nghệ thuật điêu khắc, cái khó nhất là sắp xếp bố cục, trang trí cảnh và vật sao cho phù hợp, tương đồng. Chính vì vậy mà không thể ấn định thời gian cho từng loại tác phẩm. Tất cả đều tùy thuộc vào cảm xúc của nghệ nhân. Gốc cây mang về, phải dành nhiều thời gian để ngắm nghía, hình dung và chọn thế sao cho phù hợp với tác phẩm, gần gũi với cuộc sống đời thường.
 
 

Toàn cảnh chùa Linh Thắng hiện nay.

 
Không gian nghệ thuật trong ngôi chùa
 
Ưu điểm của tượng điêu khắc gỗ là khi vận chuyển không bị bể gãy, hạn chế trầy xước, vân gỗ đẹp tự nhiên, màu sắc đa dạng, có độ bền thử thách cùng thời gian… Ngoài tượng Phật, Bồ Tát, tại chùa Linh Thắng còn trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ với các chủ đề khác như Phúc Lộc - Thọ, tứ linh...Phật tử và khách hành hương đến chùa, sau khi chiêm bái, lễ Phật còn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thật sinh động, độc đáo. Chính cố thượng tọa Thích Thắng Phước lúc sinh thời cũng từng ước mơ có được một không gian để triển lãm trên 100 tác phẩm nghệ thuật của mình.
 

Đến năm 2007, được sự cho phép của chính quyền địa phương và Giáo hội, Đại đức Thích Thắng Phước đã đưa cây gỗ dâu có tuổi đời gần một nghìn năm về chùa để thực hiện tâm nguyện tạc một bộ tượng Tây Phương Tam Thánh gồm ba pho để thờ ở chánh điện. Theo một số Phật tử thân tín của chùa: Khi phát tâm thực hiện ý định này, cố thượng tọa Thích Thắng Phước đã mất rất nhiều thời gian và công sức đi tìm gỗ dâu. Bởi, mặc dù Tây Nguyên được xem là “xứ sở” của nhiều loại gỗ quý nhưng để tìm được loại gỗ dâu có kích thước lớn với tuổi đời hàng nghìn năm là rất khó. Thế rồi sau nhiều tháng ngày tìm kiếm, cơ duyên cũng đã đến.

Tượng đang dở dang, thầy đã về bên đất Phật

 Khi gỗ được đưa về chùa, cố thượng tọa Thích Thắng Phước đã nhờ hai nghệ nhân Phạm Minh Khai và Lê Hoành Lợi – là hai người có tay nghề điêu khắc nổi tiếng của thành phố Huế chế tác. Trong gần hai năm chế tác bộ tượng kỷ lục này, cố thượng tọa Thích Thắng Phước đã chung tay như một nghệ nhân thứ ba. Ngày mưa cũng như nắng, thầy luôn bên cạnh để trao đổi ý tưởng cũng như phụ giúp hai nghệ nhân để có được những nét tạc ưng ý nhất.

Bộ tượng Tây Phương Tam thánh gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa cao 3,6m trong tư thế đứng, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi thẳng xuống để tiếp dẫn chúng sinh về thế giới của Ngài; tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở bên trái, tay cầm bình nước Cam Lộ và cành dương liễu cao 3,5m; tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở bên tay phải, tay cầm cành hoa sen cao 3,5m. Để hoàn thiện bộ tượng này, các nghệ nhân đã phải làm việc ròng rã từ năm 2008 đến 2010 mới xong.

Theo nhận xét của một số nhà điêu khắc thì bộ tượng được chế tác rất tinh tế, thuần Việt qua hình dáng khuôn mặt và nụ cười nhân từ. Những hoa văn, nếp áo uyển chuyển mềm mại, đầy tính nghệ thuật nhưng không mất đi vẻ uy nghi và triết lý “từ bi hỷ xả” của bậc đại giác ngộ.
 

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao bằng “Xác lập kỷ lục Việt Nam” cho bộ tượng Tây Phương Tam Thành trong ngày lễ đại tường của cố hòa thượng

 
Một điều thật đáng buồn đó là khi bộ tượng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện thì vào ngày 6/10/2010, do bệnh tim tái phát, thượng tọa đã thu thần thị tịch tại chùa, trụ thế 47 tuổi - 21 Hạ Lạp. Sau khi thượng tọa Thích Thắng Phước viên tịch, hai nghệ nhân Phạm Minh Khai và Lê Hoành Lợi vẫn tiếp tục hoàn thiện những phần việc còn lại. Với tâm nguyện “thầy đâu tượng đó” nên sau khi nhục thân của cố thượng toạ nhập tháp tại khuôn viên chùa Linh Thắng, Ban Hộ Trì và Phật tử đã xin phép hoà thượng thỉnh bộ tượng này an trí tại thượng điện chùa vào ngày rằm tháng 4 Tân Mão - Phật Đản PL 2555 – 2011. Và đến ngày 13/9/2012, nhân lễ đại tường của cố thượng tọa Thích Thắng Phước, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng “Xác lập kỷ lục Việt Nam” cho bộ tượng Tây Phương Tam Thành bằng gỗ dâu quý hiếm này.
 
 
Chùa Linh Thắng vốn có tên là chùa Di Linh, toạ lạc tại số 89, đường Thống Nhất, thị trấn Di Linh, huyện di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
 
Trải qua nhiều đời trụ trì, cuối năm 1968, hòa thượng Thích Toàn Đức về trụ trì cho đến nay. Năm 1994, chùa Linh Thắng được đại trùng kiến lại, đến ngày 26.3.2007 ( tức 8/2 năm Đinh Hợi) thì hoàn thành. Hiện nay, chùa Linh Thắng là trụ sở của ban đại diện Phật giáo huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Cố thượng tọa Thích Thắng Phước: pháp danh Quảng Tuệ, sinh năm 1964 tại làng Trà Trì, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa III năm 1995, tại Thiền viện Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh.  
 
 
Hà Tùng Long
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này