Đạo hiếu của người con Phật. - Phật Giáo Việt Nam
07:19 +07 Chủ nhật, 12/05/2024

Đạo hiếu của người con Phật.

Thứ năm - 06/12/2012 20:02
(HDPT) - Từ ấu thơ đến khi con trưởng thành, tuổi thanh xuân mẹ không màng, thời gian trôi đi theo năm tháng, dù tóc trắng như mây, chân bước lụm cụm mẹ vẫn gắng hết sức để lo cho con.
 
Vì con mẹ đã chịu nhiều thương đau, gánh lấy bao nhiêu tủi nhục,... chấp nhận hy sinh để đem lại hạnh phúc cho con...
 
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”

Mây trời có rộng lớn? Nước biển có mênh mông? Điều đó ví như trong vòng sinh tử luân hồi chúng ta có rất nhiều thân, mỗi lần có thân khác là đều từ nơi mẹ sinh ra. Trong kinh nói: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, hiệu thiên võng cực”. Cha sinh ra ta, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, khác nào như trời cao không cùng.

Như dòng sữa ngọt ngào, tình thương mẹ cho ta không cùng tận. Ân sâu ấy không từ ngữ nào lột tả hết được. Chúng ta có được tấm thân này là nhờ biết bao ân đức của vạn loài mà lớn nhất đó là ân cha mẹ. Tình mẹ là tình cảm thiêng liêng quý báu. Có mẹ là có một bầu trời êm đẹp, trong xanh; có mẹ là có niềm hạnh phúc lớn nhất. Những gì ta có được là từ mẹ “mẹ là của ta, ta là của mẹ”. Khi mẹ mang thai ta chín tháng mười ngày, ba năm nhũ bộ, mẹ đã cho ta biết bao ân nghĩa. Làm sao nói hết...?

“Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường chu đáo mọi bề
Thứ hai sinh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần
Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu bền vững chẳng lay
Thứ tư ăn đắng nuốt cay,
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con
Điều thứ năm lại khi đi ngủ,
Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con...”

Khi sinh con thì thân mẹ gần như mười phần chết chỉ có một phần sống. Trong lúc như thế, người mẹ không để ý đến sức khỏe của mình, vì mong cho con được chào đời khỏe mạnh mà quên hết mọi đau đớn. Khi con biết ăn, mẹ là người mớm cho con từng muỗng cơm; khi con ngủ mẹ là người hát ru con ngủ. Khi bầu trời trong mắt con mỗi ngày một rộng mở, thì mẹ mỗi ngày thêm mòn mỏi, già nua...

Từ ấu thơ đến khi con trưởng thành, tuổi thanh xuân mẹ không màng, thời gian trôi đi theo năm tháng, dù tóc trắng như mây, chân bước lụm cụm mẹ vẫn gắng hết sức để lo cho con. Vì con mẹ đã chịu nhiều thương đau, gánh lấy bao nhiêu tủi nhục,... chấp nhận hy sinh để đem lại hạnh phúc cho con.

Còn cha? Lúc mẹ mang thai ta, cha hồi hộp lo lắng. Sau khi mẹ sinh ta, cha là người trụ cột trong gia đình, nên biết bao cái khó nhọc cha đều gánh trên vai. Cha cặm cụi giặt dũ quần áo dơ cho con trong sự vụng về của một người đàn ông. Cha cố gắng ra sức tạo nhiều tiền của, để đem lại cho sự đủ đầy, hạnh phúc. Cho con cuộc sống bằng bạn bằng bè. Vì cha lo lắng hoàn cảnh thiếu thốn có thể làm cho con mặc cảm, tự ti. Khác xa mẹ, tình thương của cha thầm kín hơn. Cha đã dùng tình thương yêu của mình trao tặng cho con ngay từ khi lọt lòng, tuy bên ngoài tỏ vẻ nghiêm khắc, xa lạ. Những gì cha làm đều mong muốn con có thêm nghị lực, ý chí để vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời.

Sự có mặt của ta trên đời đã làm cha mẹ phải lo lắng đủ điều. Nhu cầu của con ngày càng nhiều hơn, cha mẹ lo nghĩ đến hao mòn sức khỏe. Chính vì con, lo cho con, rồi sầu khổ cũng vì con. Như khi bông sen nở hoa thì bên dưới những chiếc lá xanh héo rách đi. Để cho con là bông sen hồng rực lung linh đón nắng, cha mẹ trở thành bông sen trắng trong mặt hồ yên tĩnh.

Cha mẹ ban cho ta hình hài và trí tuệ để được mở mang kiến thức và hơn nữa là được biết đến giáo lý Phật đà. Nay là người con Phật, lại được học giáo pháp của Như Lai, thật là điều quá hạnh phúc! “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, muốn thành công việc gì, trước hết ta phải làm tròn đạo hiếu của một người con.

Trong tiền kiếp, đức Phật luôn hiếu dưỡng đối với cha mẹ. Có khi còn phải hy sinh thân mạng để báo hiếu. Khi thị hiện chứng thành Phật quả, ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Thánh mẫu Ma-gia và trở về quê thuyết pháp cho vua cha. Đến khi cha mất, ngài tận tay gá vai khiêng kim quan và làm lễ trà tỳ cho cha. Có lúc, trên đường đi qua một ngọn núi, Thế Tôn dừng chân, cúi đầu lạy đống xương khô. Thấy vậy, A-nan mới hỏi Phật: “Đức Thế Tôn là thầy của trời người, cha lành của bốn loài. Ai ai cũng phải kính lạy, cớ sao ngài lại lạy đống xương khô?”. Đức Phật dạy rằng núi xương ấy chính là cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của mình.

Ngài Mục-kiền-liên sau khi chứng thánh quả, đã dùng thần thông tìm kiếm thấy mẹ mẹ bị đọa địa ngục, thương xót vô cùng nhưng không phương cứu mẹ, Ngài trở về cầu xin Thế Tôn chỉ cách cứu mẹ. Nhờ thần lực chú nguyện của mười phương Tăng trong ngày trai tăng tự tứ, mà bà Thanh-đề được siêu thoát lên cõi trời. Tấm lòng hiếu hạnh của ngài là một tấm gương tỏ ngời đến mai sau và cũng là duyên khởi ngày Vu Lan thắng hội.

Đức Phật cũng đã phân định: “Cùng tột điều thiện không hơn gì hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”. Đối với người con có hiếu, khi cha mẹ còn sống phải lo báo đáp công ơn cha mẹ không chỉ tháng bảy Vu lan mà ngày nào tháng nào cũng một lòng tôn kính cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời, phải năng làm việc thiện, tránh xa việc ác, sống đời đạo đức để đem công đức hồi hướng cho cha mẹ được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, thoát khỏi lục đạo luân hồi. Được như vậy mới là tận hiếu!

Thiên Ấn


 
(Chùa Hoằng Pháp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này