Mẹ Quán Âm - Phật Giáo Việt Nam
13:57 +07 Thứ bảy, 18/05/2024

Mẹ Quán Âm

Thứ hai - 06/08/2012 18:30
(HDPT) - Với Quán Thế Âm nơi nào có khổ đau, nơi nào có tai nạn! Nơi đó phát ra tiếng niệm Quán Thế Âm chí thành và tha thiết thi nơi đó có Quán Thế Âm. Nơi đó được giải trừ tất cả khổ đau và tai nạn!
 

 

Quán Thế Âm Đấng mẹ hiền trên tất cả mẹ hiền, trên tất cả thánh nhân được tôn xưng là mẹ hiền.

Quán Thế Âm, Danh hiệu của tình thương bao la không bờ bến, bao la rộng khắp cõi hư không.

Quán Thế Âm, gắn liền với tim óc của nhân loại, của muôn loài chúng sinh.

Với Quán Thế Âm nơi nào có khổ đau, nơi nào có tai nạn! Nơi đó phát ra tiếng niệm Quán Thế Âm chí thành và tha thiết thi nơi đó có Quán Thế Âm. Nơi đó được giải trừ tất cả khổ đau và tai nạn!

Danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm trong nhân loại ai cũng đều biết đến, cũng đều niệm khi có tai nạn hiểm nguy và ách nạn khủng khiếp. Ngoại trừ hạng người sinh ra nơi biên địa, hoặc căn trí quá tối tăm, hoặc tín ngưỡng tà đạo, mê muội với thần quyền hữu danh mà vô thực. Hoặc là hạng người đã bán rẽ Mẹ Cha tôn thờ xác ma chết treo đầy quái gỡ làm cứu cánh. Vì chính họ đã chối bỏ Quán Âm thì Quán Âm không giao cảm đến. Tuy nhiên hạng người đó biết hồi tâm trong khoảnh khắc thì Quán Thế Âm vẫn thị hiện để hóa độ.

* Ý Nghĩa Quán Thế Âm Bồ Tát

Quán là quán xét, thấy nghe, biết đối tượng thật rõ ràng.

Thế là cõi đời, cỏi hữu tình thế gian.

Âm là tiếng niệm, tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện từ mọi nơi đau khổ phát ra.

Bồ tát là độ thoát cho loài hữu tình, cứu thoát, giác ngộ cho tất cả các loài chúng sinh có tình cảm được vượt thoát ra khỏi khổ đau ách nạn.

Đức Bồ tát Quán Thế Âm, đạt được diệu quả Nhĩ Căn Viên Thông nên quán xét và nghe, thấy, biết cùng tột tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sinh được vượt thoát tất cả những hiểm nguy nên gọi là Quán Thế Âm.

Do công hạnh cứu độ tự tại nhiệm mầu đó, nên trong kinh điển còn gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát.

Quán Thế Âm, tiếng Phạn Avalokitesvara, nghĩa là, Ngài nghe tiếng kêu thầm kín thiết tha từ tâm khảm chúng sanh trong thế gian mà đến cứu khổ. Đem an lạc từ bi tâm vô lượng không phân biệt dến với mọi loài, nói cách khác là tình yêu thương trìu mến vô biên gấp muôn vạn lòng dạ của bà mẹ hiền ở thế gian đối với đứa con cưng, nên gọi là Từ mẫu Quán Thế Âm.

* Quán Thế Âm Vô Úy

Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn: "Bồ tát đối với cấp nạn nguy hiểm, kinh sợ, còn ban cho chúng sanh năng lực Vô Úy để tự vượt thoát khổ ách", nên gọi là Quán Âm Vô Úy.

* Sự Tích Bồ tát Quán Thế Âm

Đức Phật Bổn Sư Thích Ca khi nói kinh Bi Hoa đã dạy rằng: Về thời quá khứ lâu xa về trước, đức Quán Thế Âm làm thái tử con của vua Vô Tránh Niệm. Thời bấy giờ có đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai, hiểu được đạo lý vô thượng, Vua và Thái tử phát tâm Bồ đề rộng lớn, nguyện tu các hạnh Bồ tát, mong thành Phật quả để phổ độ chúng sinh.

Khởi đầu đức Vua và Thái tử làm người thí chủ chân thành cúng dường các thứ y phục, thuốc men, vật thực, mùng mền và tất cả các món cần dùng lên đức Bảo Tạng Như Lai và chúng tăng trong suốt 3 tháng. Nhờ nhất niệm tinh chuyên, tinh tấn không ngừng, vua Vô Tránh Niệm chứng thành quả Phật và phát 48 lời thệ nguyện rộng lớn để tế độ khắp cả chúng sanh, Ngài liền thành Phật hiệu là A Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc. Thái tử công hạnh cũng tròn đầy viên mãn cũng về cõi Cực Lạc thành bậc đại Bồ tát hiệu là Quán Thế Âm cùng với Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sinh về cõi Cực Lạc.

* Công Hạnh Bồ tát Quán Thế Âm

 Quán Thế Âm đã dùng Trí Tuệ Vô Ngại đó mà tìm tiếng kêu của chúng sinh ứng hiện tới mà cứu khổ, dù muôn ngàn vạn ức tiếng kêu cầu cứu khổ mà sự cứu khổ không mất thời gian, diệu dụng của Quán Thế Âm là như thế.

Lại nữa, trong Nhị Khóa Hiệp Giải viết rằng: "Quán, là Trí năng quán, Thế Âm, là Cảnh sở quán. Muôn ngàn hình tượng, muôn ngàn thứ tiếng chen nhau giao động, khác biệt, cách trở điệp điệp trùng trùng, do lòng từ rộng lớn vô biên của Ngài cùng một lúc đều được cứu độ, nên danh hiệu là Quán Thế Âm.

Thái Hư đại sư khi luận về Kinh Pháp Hoa có nói đến hạnh nguyện cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm như sau: "Đức Quán Thế Âm tìm nghe tiếng cầu cứu thống khổ của tất cả chúng sinh khắp mọi nơi, mọi chốn liền ngay khi đó đến mà cứu độ, quả vị lợi tha vô lượng vô biên luôn luôn hướng về chúng sanh và làm những việc lợi ích cho họ. Bồ tát thị hiện đầy đủ ba thân, đó là Thắng Ứng Thân, Liệt Ứng Thân, Tha Thọ Dụng Thân, nên mới đủ diệu dụng độ khắp chúng sanh trong pháp giới.

Còn Đại Thừa Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, toàn phẩm kinh Đức Thích Ca đã khuyên dạy chúng sinh trì tụng, lễ bái Quán Thế Âm thì được phước vô lượng. Về phương diện cứu khổ, Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện 32 thân, mỗi thân đều thích ứng với tâm cảnh hiện tại và từ đó có muôn ngàn phương tiện để giải thoát khổ nạn cho chúng sinh.

* Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện bằng cách nào trong khi có vô số chúng sinh cầu cứu cùng một lúc?

Diệu Dụng Mầu Nhiệm của Bồ tát là tất cả các thứ Sắc Pháp và Tâm Pháp "Có, Không. Danh, Tướng. Tâm, Cảnh. Năng, Sở...cho đến xa, gần, dày, mỏng, tối, sáng, nhiều, ít v.v... tất cả đều không chướng ngại, quí vị nhận định thí dụ sau đây:

Diệu dụng cứu khổ của Quán thế Âm, như ánh sáng của Thái dương (dụ cho thường quán) luôn luôn soi chiếu khắp mọi nơi, (dụ cho sự thường trực tìm tiếng kêu). Chúng sinh như là một tấm kinh hay là một chén nước trong nếu chịu hướng về ánh sáng Thái dương, thì trong tấm kính, chén nước có hình ảnh và ánh sáng của Thái dương ( ngời sáng trong đó. Ánh sáng dù luôn chiếu soi, mà tấm kính úp lại, chén nước thì đậy kín, nhất định hình ảnh Thái dương và ánh sáng không thể hiển hiện trong đó được. Cũng vậy chúng sinh không tha thiết chí thành, như đứa con hoang nghịch cố trốn tránh sự tìm kiếm của Mẹ hiền, sự gặp mặt tất còn lâu xa.

Một tỉ dụ khác, diệu dụng Quán Âm như tổng đài phát ra làn sóng âm thanh hay phát ra hình ảnh. Sự phát đi, dĩ nhiên luôn luôn thường trực (dụ cho tầm thanh cứu khổ) còn chúng sinh như những máy thu thanh, thu hình, máy mở đúng làn sóng, đúng vi ba của tín hiệu, tất nhiên thấy hình, nghe tiếng (dụ cho lòng chí thành và giao cảm).

Dù cho muôn ngàn triệu chiếc máy (vô số chúng sinh) cùng một lúc bắt đúng tín hiệu tất nhiên muôn ngàn triệu chiếc máy, cùng một giờ phút, mà cùng có âm thanh và hình ảnh (dụ cho cùng niệm và cùng được sự thị hiện nhiệm mầu). Cũng như thế, tất cả mọi loài chúng sinh, nếu cùng chí thành hướng về đức Bồ tát Quán Thế Âm tất Bồ tát cùng hiển hiện ngay liền khi đó.

* Diệu Dụng Khi Thị Hiện Của Bồ tát Quán Thế Âm

Căn cứ theo các kinh Bi Hoa, Lăng Nghiêm, Tất Đàn, Phổ Môn, Quán thế Âm thọ ký...thì đức Quán thế Âm thị hiện thật nhiều thân: 32, 33, 38 và tùy vô số loại mà hiện thân.

Người ta cứ nghi: "Bồ tát sao không hiện ra trước mắt cho thấy, cho nghe; bao nhiêu hiện thân trong kinh Phật, nào Bồ tát, Phạm vương, Đế thích, Thiên, Long, Đồng nam, Đồng nữ v.v...Nhưng khi có nạn, mình có niệm chí thành  mà nào có thấy Bồ tát!" Sự kiện này, có nhiều người vì lòng tin sâu đậm và do nhận xét tinh tế quyết chắc có sự tế độ của Bồ tát chỉ vì mình mắt phàm, tai tục nên không thấy Ngài, nếu không có thì không thể nào mình thoát nạn một cách ly kỳ vậy được. Một số khác, lại ngờ rằng không biết có phải Bồ tát đến độ cho mình hay không? hay là mình có số hên? Hay là do phước ông bà để lại?hoặc có quý nhân phù trợ

Bồ tát thị hiện giao cảm trong chúng ta, trong tất cả mọi người, mọi loài.

Thí dụ

Một đám giặc cướp sắp ồ ạt tấn công qua chiếc thuyền nhỏ bé, hay trên thuyền sắp có biến cố thê thảm xảy ra...Tại sao bọn cướp lại đổi ác ý để trở thành thiện niệm? Để rồi bọn chúng trở nên hiền từ và rút lui êm đẹp? Hơn nữa còn tiếp tế giúp đỡ, đó là nhờ trên chiếc thuyền có nhiều người chí thành niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.

Sự đổi thay tâm ý của kẻ ác, lại không là sự thị hiện nhiệm mầu để cứu độ hay sao? Không lẽ Ngài hiện ra hung thần để đánh chìm ác tặc, rồi mới cho là linh?

Bà già ở nhà có một mình lấy rổ vá ra khâu may, mới vài đường chỉ chẳng may chỉ tuột ra , đôi mắt lem nhem sợi chỉ không làm sao xâu qua lỗ được, bà thở dài buồn thảm: "Mẹ hiền Quán Âm ơi con phải làm sao?" Bà tủi thân gần muốn rơi lệ lòng hướng về Phật lâm râm cầu nguyện. Đứa bé chơi từ ngoài xa, nó bỗng thấy thích vào nhà bà già cô quả ấy và đứa bé đã xâu chỉ cho bà. Quý vị đã nhận thấy Bồ tát thị hiện trong tâm đứa bé ấy chưa?

 

Bạn lái xe đi trên quãng đường thôn dã, không may xe bạn hư! Với một mình và hơn nữa là bạn chưa một lần biết sửa xe, bạn chỉ còn biết cầu nguyện...Từ bên ngoài quốc lộ có vài bạn tự nhiên  thích được đi trên con đường hẻo lánh đó, họ gặp bạn và sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp giải nguy cho bạn. Quán Âm thị hiện là chỗ đó.

 

Tôi đã từng bị lạc đường ,đã từng bị bơ vơ giữa chốn rừng núi hẻo lánh  tối tăm ,nhưng chỉ  một lúc sau có người rất tốt giúp đỡ và đưa tôi về nhà bình an vô sự  ( Sau này được biết họ là những tên trộm cướp khét tiếng  )tại sao lúc đó họ không cướp bóc hãm hiếp tôi ?? Mẹ  Quán thế Âm đã  thay đổi ý miệm xấu xa trong con người họ

 

Bà Ấm người làng Sơn Tịnh, mỗi năm một lần bà lên núi Trà Bồng, hang Thạch Động để lễ Phật, cái hang động ngày xưa mà thầy Chơn Dung tu hành đã phát kỳ tích ở đấy. Hú hồn, hôm ấy bà lại gặp phải con cọp, chao ôi con cọp vằn vện to lớn quá, cọp từ xa gầm rú và phóng tới, bà chỉ kịp kêu lên   Bồ tát Quán Thế Âm cứu con  rồi bà bất tỉnh! Thực ra bà "Thét" chứ không phải niệm, nhưng đó là cái thét  gào cấp bách đầy khẩn thiết và sự chí thành được dồn hết vào cái Thét  gào đó. Khi tỉnh dậy, ý niệm đầu tiên của bà là tưởng mình đã chết, một lát sau khi tri giác về đủ, bà mới cảm nghe hôi hám và đau rát trên mặt. Thì ra con cọp đã liếm mặt bà rồi bỏ đi.Tại sao con cọp bỏ món mồi ngon ?? là do tiếng thét gào của bà  trở  thành  tiếng sấm chớp làm chói loá mắt con cọp dữ kia

Qua những mẩu chuyện trên ,chúng ta tự kiểm nghiệm mình có luôn được Bồ tất Quán Thế Âm hiện thân đến cứu giúp lần nào chưa ?? chắc cũng đã gặp không nhiều thì cũng có một  đôi lần , hoặc mỗi chúng ta cũng sẽ là Bồ tát Quán thế Âm cứu độ chúng sinh ... Nếu ta làm được nhiều phước báo đó là Ngài mượn thân xác ta vì vậy chớ nên kiêu hãnh ,tăng mạn nếu kể lể  ra thì sẽ mất hết công đức lớn ,do vậy ta phải quên ngay đừng tạo cho ai phải biết ơn ta ,vì thế  ta sẽ luôn có Ngài bên cạnh hộ trì trong những lúc nguy khốn , giúp  cuộc đời ta  luôn an lạc, may mắn ,vô luợng cát tưòng thành tựu sự nghiệp .

Từ nay mỗi chúng ta hàng ngày ,hàng giờ nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm bồ Tát ,công dụng sẽ  linh ứng ngay tức thì

 

Hằng năm Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày: 19/02, 19/06 và 19/09 đều theo âm lịch

Ngày 19/02 là vía Quán thế Âm Đản Sinh.

Ngày 19/06 là vía Quán thế Âm Thành Đạo.

Ngày 19/09 là vía Quán thế Âm Xuất Gia.

 

Nhạc phẩm Mẹ Từ Bi

 


Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (02 lần) 
Chấp tay quy kính lạy người, thiết tha con khấn nguyện cầu. 
Quê hương là dòng sông mát trong trăng vàng soi sáng.


Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (02lần) 
Đóa hoa tươi sắc vô thường, sớm khuya rơi giữa khôn lường. 
Nương thuyền Từ vượt qua bến mê đến nơi bờ Giác.

Mẹ hiền Quán Thế Âm. 
Giọt nước nhành dương xoa dịu lầm than

Mẹ hiền Quán Thế Âm. 
Đem đến an vui dứt sạch ưu phiền.

Mẹ hiền Quán Thế Âm. 
Ngàn mắt ngàn tay vô lượng vô biên

Mẹ hiền Quán Thế Âm. 
Chiếu sáng yêu thương khắp nơi bình yên.

Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (02 lần). 
Chiến tranh đau đớn cuộc đời, bão giông mây nước ngập trời. 
Con xin Mẹ Từ Bi xót thương cứu độ trần gian. (02 lần)

Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

 

Thiện Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: quán thế, nơi đó

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này