Một số giải pháp tạm thời cho ngành giáo dục Tăng Ni - Phật Giáo Việt Nam
21:37 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

Một số giải pháp tạm thời cho ngành giáo dục Tăng Ni

Thứ năm - 28/06/2012 08:16
(HDPT) - Chúng ta hãy mạnh dạn trở mình, để nhìn nhận những tiếng khen, những biểu hiện cho là phát triển chỉ là trên một mặt nào đó. Sự phát triển ấy có thể là sóng sau so với sóng trước của một thực thể nội tại.
 

Quãng thời gian 30 hoạt động của ngành Giáo dục Tăng Ni (GDTN) khá dài, nhưng chúng ta nằm trong thế hầu như bị động. Đà tiến của ngành Giáo dục Phật giáo phải nói là rất chậm so với tốc độ kinh hoàng của khoa học, của thời đại. Tuy không chủ trương chạy theo thời đại, nhưng nếu chúng ta không cập nhật để cải đổi kịp thời thì việc lãnh đạo của chúng ta chắc chắn bị tụt hậu. Hiện nay, Trung ương Giáo hội vẫn chưa có kế hoạch chiến lược thống suốt cho ngành GDTN, do đó căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi xin mạo muội đề xuất một vài giải pháp tạm thời.

I. Nhất quán mục tiêu Giáo dục

Chúng tôi luôn chủ trương mỗi ngôi trường, mỗi lớp học của Phật giáo phải là một cửa ngõ nhập thế rộng rãi; mỗi học viên của trường Phật học phải là những người thực tu, thực học, có định hướng, biết ước mơ. Sau khi ra trường, các học Tăng học Ni có thể tự chọn cho mình một ngôi trường tiếp theo để tu học, một vị trí phụng sự Giáo hội, hay một mục tiêu tâm linh để nỗ lực công phu.

Hiện nay, Giáo dục Phật học đang đứng trước những thách thức và viễn ảnh: thách thức lớn của Phật giáo là vấn đề kinh phí, và viễn cảnh chính là Phật giáo “chuông-mõ”. Tăng ni ngày nay hoặc là chú trọng chuyên tu theo một thế cách rất tách biệt, hoặc quay cuồng trong dòng xoáy độ sanh, độ tử bằng hình thái hấp dẫn của nghi lễ tán tụng và đáp ứng nhu cầu ngắn hạn cấp thời của quần chúng, mà quên đi phạm hạnh, công phu. Cả hai khía cạnh này đều là cực đoan mà người học Phật cần phải tránh.

Rải rác trong kinh điển Phật giáo cũng như quan điểm của các nhà giáo dục, mục tiêu cơ bản của giáo dục là phải giúp con người hiểu rõ sự thật của tự thân, sự thật của thế giới, thấy rõ hướng đi đời sống của mình và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nghĩa là giáo dục phải là giáo dục con người nhận biết được sự thật của chính mình, con đường chân thật dẫn đến hạnh phúc hiện tại.

II. Hệ thống Giáo dục

Hiện nay cơ sở Giáo dục của tỉnh đa số chỉ có hai cấp Trung và Sơ, hoặc một trong hai. Nên có hướng phấn đấu để vận động thành lập các lớp sơ cấp Phật học rải đều các huyện, thị Giáo hội. Một số tỉnh lân cận nên gom thành cụm để mở những lớp chuyên khoa, hoặc hơn nữa là Cao đẳng.

Mặc dù theo sự quy định của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, chương trình học của Trung cấp là 4 năm, nhưng xét tình hình thực tế, một số trường đã chủ động thay đổi cơ chế còn lại 3 năm. Vì, một số các bộ môn cơ bản đã được dạy ở bậc sơ cấp; và việc điều chỉnh này cũng phù hợp với các trường Trung cấp Chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT, chỉ có 2 hoặc 3 năm. Trường TCPH Khánh Hòa là một điển hình. Bên cạnh đó, vì không có sự thống nhất chương trình giảng dạy từ Ban GDTN Trung ương, nên nhà trường phải tự cân đối tình hình học viên, phân phối chương trình giảng dạy, định ra quy chế dạy, học, thi cử, đánh giá, xếp loại học viên … dựa theo Quy chế của Bộ Giáo dục ban hành.

Tình hình quan trọng mà hiện nay ai cũng biết là chưa có bộ sách giáo khoa được sự chứng duyệt ban hành từ Giáo hội Trung ương. Do đó, các vị giáo thọ các bộ môn khi dạy bắt buộc phải tự soạn bài. Từ những bài giảng và kinh nghiệm rút ra thêm trong quá trình giảng dạy, bộ phận học vụ sẽ trợ giúp biên tập lại thành một cảo bản giáo trình, lưu giữ tại thư viện trường, để có cơ sở đối chiếu và tham khảo cho các khóa học sau. Nếu được chỉnh đốn hoàn thiện hơn, thì với mỗi bộ môn như thế, chúng ta sẽ có một tập “giáo khoa địa phương” cho trường sở tại.

Về tiêu chuẩn đánh giá, chúng tôi đề nghị thống nhất theo hệ thống giáo dục hiện đại, áp dụng thang điểm 10 thay vì 20, để có thể chuyển sang bách phân dễ dàng, hay nếu so sánh với các trường thế học cũng có sự đồng bộ. Việc kiểm duyệt giáo án, Ban GDTN Khánh Hòa đang trình phương án thành lập Hội đồng thẩm định giáo án để có sở y vững chắc hơn. Đây là giải pháp tạm thời, nhưng có lẽ cũng sẽ áp dụng lâu dài cho tới khi Giáo hội TƯ có chỉ thị mới. Thành phần nhân sự của hội đồng này gồm có các vị kỳ túc trong ngôi nhà Giáo dục Phật giáo, có sở học cao, kinh nghiệm giảng dạy nhiều, đang hoặc không đang tham gia các công tác Giáo hội… Nếu thành lập được Hội đồng này rồi, việc đánh giá chất lượng đào tạo cũng sẽ dễ dàng hơn.

Để tổ chức giáo dục Phật giáo được vận hành triệt để, các nhà s ư phạm Phật giáo phải là những người làm việc toàn thời gian cho trường lớp. Như các vị Hòa thượng tiền bối từng dạy “phải sống với hơi thở của Giáo dục” thì mới hoàn thành được sứ mệnh. Nếu không cân đối được quỹ thời gian, mà dành quá nhiều cho hành chánh, nghi lễ phục vụ … thì rõ ràng chất lượng giáo dục không bao nhiêu. Thêm nữa, chúng tôi chủ trương mời dạy và có sự đãi ngộ phù hợp, tuyệt đối không áp dụng chế độ công quả.

Về vấn đề tuyển sinh, chưa có một quy định nào về chỉ tiêu tuyển sinh của các t rường Phật học trong cả nước. Chúng ta nên thống nhất chỉ tiêu tuyển sinh từ 100 đến 150 tăng ni cho mỗi tỉnh (nếu đào tạo theo khóa), và trường phải chia thành nhiều lớp nếu số học viên quá đông. Đặc biệt là ở bậc học trung cấp, chất lượng học tập sẽ không tỉ lệ thuận đối với một giảng đường đông nghẹt. Các tỉnh thành hiện nay cứ phải tuyển sinh đào tạo theo khóa, vì các lý do khách quan như pháp lý nhà nước, cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng... Chúng ta nên mạnh dạn khắc phục tồn đọng để tuyển sinh hàng năm. Có thể giảm chỉ tiêu tuyển sinh thấp xuống để vẫn đảm bảo số lượng học viên các khóa, lớp phù hợp. Làm như thế vừa giúp Tăng ni bớt chán ngán chờ đợi, giữ được đà hứng thú học tập; vừa giải quyết được vấn đề dạy bổ sung, lưu ban, thi bù môn học ...

III. Hoạt động Quản l ý

Ở một trường Phật học của tỉnh thì vị trí Hiệu trưởng phải do trưởng ban Giáo dục Tăng ni (hoặc phó trưởng ban) của tỉnh hội đảm nhiệm. Như thế việc quản lý giáo dục của tỉnh sẽ thông suốt và thuận lợi hơn. Và dĩ nhiên, vị này tuyệt đối không nên kiêm nhiệm chức vụ nào trong giáo hội cả, để việc làm đối với công tác giáo dục là toàn thời gian. Về giáo thọ giảng dạy, ta nên thảo luận đi đến nhất quán trong công tác, thời gian phục vụ và chế độ chu cấp bút chỉ cụ thể. Tốt hơn nữa, chúng ta nên áp dụng cơ chế biên chế như nhà nước, có như thế mới đủ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm các vị giáo thọ đối với sự nghiệp giáo dục, và tạo điều kiện cho họ nghiên cứu.

Một điều hết sức quan trọng có thể coi là vấn đề xương sống, đó là cơ sở cư trú cho TNS.

Sinh hoạt nội trú là biện pháp tốt nhất để theo dõi việc học hành, đặc biệt là phẩm hạnh của Tăng Ni sinh. Có nội trú, nhà trường mới giữ được truyền thống tu học Thiền môn. Trong cơ sở nội trú, phải có hệ thống y tế tối thiểu, thư viện, thiền đường, điều kiện giải trí,… Chúng ta phải nhất định tổ chức cho được việc nội trú, phải dứt khoát xem nội trú là điều kiện tiên quyết để thành lập một trường Phật học, không tổ chức được nội trú thì không nên mở trường. Chư tôn đức bổn sư khi đã cho đệ tử nhập học thì dứt khoát phải chuyển TNS vào ở nội trú, dù chùa gần trong nội thành, dù Phật sự tại cơ sở cần thiết đến mấy. Vì thời gian theo học là thời gian để các Tăng ni xây dựng nội lực của mình trên cả ba phương diện: kiến thức, đạo hạnh và thể chất. Ba phươ ng diện này chỉ được hoàn thiện đồng đẳng trong môi trường đại chúng hòa hợp.

Nếu TNS chỉ được học lý thuyết mà không có cơ hội thực hành thì đi ngược tôn chỉ “tri hành hợp nhất”. Cho nên, bên cạnh giáo dục giảng đường, thư viện, thì giáo dục môi trường, giáo dục định hướng, giáo dục tâm lý … là những yếu tố rất quan trọng không thể thiếu. Khi soạn giáo án, phải có chương trình thực hành bắt buộc như thực tập, khảo sát thực tế. Môi trường nội trú phải có những giờ chuyên tu. Tăng Ni sinh phải được sắp xếp t hỉnh giảng giáo lý, hướng dẫn các khóa tu, hay tham gia công tác xã hội, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo. Chương trình ngoại khóa là một tất yếu trong môi trường giáo dục Phật giáo.

Để quản lý và tạo điều kiện cho Tăng ni học tập thật sự thì các tr ường phải lưu trữ hồ sơ và quản lý bằng phương pháp hiện đại, khoa học. Khi TNS ra trường dù đạt tốt nghiệp hay không, phải có học bạ. Hồ sơ, điểm số được lưu trữ tối thiểu 10 năm để học viên khi cần có thể quay lại trường xin chứng nhận. Mỗi học viên phải có mã số, khóa học. Khi cần thiết tra cứu thì văn phòng chỉ truy cập số danh bộ trong sổ, hoặc học viên tự gõ mã số vào phần quản lý TNS của địa chỉ điện toán trường sở tại. Quản lý tốt sẽ hạn chế tình trạng không đáng có trong ngành giáo dục Phật giáo.

Nhân sự điều hành, tổ chức như thế nào là nhân tố quyết định sự thành công của mọi trường lớp. Nhân sự điều hành phải là những người trực tiếp làm việc toàn thời gian cho giáo dục và có khả năng chuyên môn. Do đó, mỗi trường, mỗi địa phương phải có kế sách, chiến lược lâu dài, đi đôi việc đào tạo với sử dụng nhân lực theo chủ trương “dụng nhân như dụng mộc”. Với cái nhìn thiện xảo của một người lãnh đạo, ai cũng là nhân tài có sở dụng riêng. Nên có quỹ khuyến khích học thêm cho TNS sau khi ra trường được đào tạo các chuyên ngành, đặc biệt là sư phạm, quản trị giáo dục để có tầng lớp thừa kế và duy trì sự phát triển.

IV. Quan hệ hợp tác

Trong hệ thống quản lý của nhà trường, phải có một vị đặc trách ngoại vụ. Các công tác ngoại giao, tiếp xúc chính quyền, hay giao lưu giáo dục do vị này đảm trách. Thực tế cho thấy, trong nội bộ Phật giáo, các trường không có sự liên kết nhau, nên không thể trao đổi học viên lẫn nhau, hay sinh viên muốn chuyển trường thì không dễ dàng vì các trường không cùng quy chế, khác chương trình học tập, thậm chí thang điểm cũng không ăn nhập gì nhau. Về đối ngoại, các trường đại học thế học không công nhận văn bằng Cử nhân Phật học; văn bằng Trung cấp chuyên nghiệp của thế học thì có giá trị hẳn hòi trong khi bằng Trung cấp Phật học c hỉ là chứng chỉ cơ bản để vào Đại học Phật giáo. Đó là một sự nghịch lý, bất công mà Phật giáo cần phải tranh đấu đòi hỏi quyền lợi cho học viên của mình. Việc tranh đấu trước nhất là nội tại, xây dựng nội lực cho ngôi nhà giáo dục Phật giáo của chúng ta.

Một số ý kiến phản hồi trên các diễn đàn Phật pháp, tại sao Tăng ni được phép học tại các trường thế học, trong khi người  cư sĩ lại không được phép học tại các trường Phật học? Một số trường thế học có khoa tôn giáo, khoa Phật học và mọi công dân đều có quyền theo học, tại sao họ không được quyền học Phật học hay các ngành khác tại trường Phật học? Hầu hết Phật tử tại gia ngày nay thiếu kiến thức Phật học trầm trọng, dẫn đến những hiện trạng không mấy sáng sủa cho Phật giáo đồ. Do đó, các Học viện nên cải c ách mạnh mẻ, áp dụng các quy chế của một Đại học theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo để tất cả thành phần sinh viên đều có thể tham học. Các trường Trung cấp nếu ngại ngùng việc tiếp xúc Tăng-tục dẫn đến ảnh hưởng phạm hạnh Tăng ni, thì nên mở các lớp đào tạo Phật tử tại gia, cấp chứng chỉ sơ, trung, cao, Hoằng pháp viên, v.v. Có thể ý kiến cho rằng đó là nhiệm vụ của ban Hướng dẫn Phật tử, còn ban Giáo dục Tăng ni chỉ dành để giáo dục Tăng và ni. Xin lập luận ngược lại, ban Hướng dẫn Phật tử thì chỉ có hướng dẫn thôi, chứ không có dạy; còn ban Giáo dục Tăng ni thì chỉ đạo mở trường lớp để dạy Tăng ni. Khi một ngôi trường đã có pháp lý thì phải dạy tất cả đối tượng học viên nếu đầy đủ điều kiện. Việc dạy vừa đề xuất trên là trách nhiệm của một ngôi trường, không phải của ban Giáo dục Tăng ni.

Với những tiêu chí đặt ra vừa rồi, thì việc gắn kết giữa ban Giáo dục Tăng ni và các ban ngành khác là điều tất yếu. Kết hợp ban Hoằng pháp để TNS có cơ hội thực tập thuyết giảng, hướng dẫn; kết hợp ban Văn hóa để TNS tham gia đóng góp công tác Phật sự; kết hợp ban Từ thiện để học viên có dịp thực tập hạnh dấn thân nhập thế, v.v. Điều này cũng là quy tắc cho các ban ngành khác. Nếu ban ngành nào cho rằng mình có thể độc lập hoạt động thì đây là một chủ trương lệch lạc.

Trên đây là những đóng góp nhỏ nhặt, xin lắng nghe như tiếng động của một đợt sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông. Chúng ta hãy mạnh dạn trở mình, để nhìn nhận những tiếng khen, những biểu hiện cho là phát triển chỉ là trên một mặt nào đó. Sự phát triển ấy có thể là sóng sau so với sóng trước của một thực thể nội tại. Nếu so sánh với xã hội, với các thực thể khác, sự thành công ấy còn theo sau xã hội, sau thế cuộc quá xa.

Xin cảm ơn Hội nghị đã lắng nghe.

 

ĐĐ. Thích Đạo Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này