Ngọc phả Hùng Vương: Xuất hiện ấn kiếm tượng trưng cho uy quyền - Phật Giáo Việt Nam
05:34 +07 Thứ bảy, 04/05/2024

Ngọc phả Hùng Vương: Xuất hiện ấn kiếm tượng trưng cho uy quyền

Thứ hai - 24/12/2012 09:04
(HDPT) - Từ đời thứ 3 đến đời thứ 7 là thời kỳ xây dựng đất nước, củng cố vương quyền của các Vua Hùng với những sự kiện Thánh Gióng đánh tan giặc Ân và sự tiếp xúc với Phật giáo.
 
Đời thứ 3: Hùng Quốc Vương

Vua kế nghiệp vua cha là Lạc Long Quân "thi hành chính sự đức giáo, khuyến khích nông tang, khiến dân không lo nghèo thiếu, nước có tích lũy của dư". Nhà vua cũng có một số thay đổi, nhằm kiểm soát đất nước, củng cố vương vị, vương quyền: "Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn Tinh, Thủy Tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, chia đất đầu núi góc biển, hùng cứ một phương. 50 trấn đầu núi đều gọi là Quan lang phiên thần phụ đạo; 50 trấn góc biển đều gọi là Thủy thượng linh thần, tiện cho việc bảo hộ sinh dân, khuông phù xã tắc). Hùng Quốc Vương ở ngôi 221 năm, thọ 260 tuổi.

Đời thứ 4: Hùng Việp Vương
 
Vua "Lấy nhân nghĩa làm dân tục. Dựng xây tu sửa miếu đền, bách thần được thăng phong cấp bậc, hóa nhật thiên hạ sáng tưng bừng". Vua ở ngôi 300 năm.

Đời thứ 5: Hùng Hy Vương
 
Vua "trong sửa văn đức thu phục nhân tâm, ngoài lập vũ công, chấn uy phong với nước lạ, khiến cho xã tắc yên bình, biên cương vô sự". 

Đời thứ 6: Hùng Huy Vương
 
Đời vua thứ 6, Hùng Huy Vương có một sự kiện lớn là giặc Ân sang xâm lược nước ta. Vua cho đi cầu tài và được Thánh Gióng ứng mộ giúp nước. Về sự kiện Thánh Gióng đánh giặc Ân, sử sách đã đề cập nhiều, ở đây không nhắc lại. Nhưng qua sự tích, chúng ta có thể thấy rằng, về đời Hùng Vương, triều đình chưa có quân đội thường trực. Khi có giặc thì dân là lính, thời bình lính lại về làm dân. Việc vua cử sứ đi chiêu mộ người tài giúp nước chính là đi "mộ lính", là hình ảnh của việc "mộ lính".
 
Sau khi giặc tan, vua cho lập đề thờ tri ân người có công: "Nghĩ Thiết Đổng thần vương có đại huân lao giúp nước nhưng chưa từng gặp mặt, không biết lấy gì báo đáp, Hùng Huy Vương bèn truy tôn thần là Phù Đổng thiên vương, truy tôn bà mẹ làm Thánh Mẫu, cho dựng đền thờ trên nền nhà cũ (nay ở xã Phù Đổng huyện Tiên Du và thôn Đổi Mã xã Vệ Linh huyện Kim Hoa có các đền miếu phụng thờ). Cấp cho làng Phù Đổng 100 khoảnh ruộng để đèn hương phụng thờ". Hùng Huy Vương ở ngôi 87 năm, thọ 100 tuổi.
 
 Lễ hội đền Hùng.
Đời thứ 7: Hùng Chiêu Vương

Đời vua thứ 7, Hùng Chiêu Vương có một sự kiện nổi bật, đó là đạo Phật được  truyền vào nước ta. Từ các đời vua trước, Ngọc phả cũng đã có nhắc đến đền chùa, nhưng chỉ nói đến việc thờ phụng thần tiên hoặc tổ tiên. Đến đời Hùng Chiêu Vương ta mới thấy nhắc đến các danh từ nhà Phật như Tây vực (chỉ Ấn Độ, nơi phát sinh đạo Phật), Biển Giác, Bát nhã (trí tuệ), Niết bàn, cầu kinh xướng kệ, ăn ở chay tịnh... Và đặc biệt là việc vua đã gặp Phật, dưới dạng là một lão ông. "Lão ông nói: Ta là thần miền Tây vực, cư trú lâu ngày ở Biển Giác, chu du trên thuyền Bát Nhã (trí tuệ), không nhiễm lòng trần. Nay ta đang đi phơi thuốc ở đường đến Niết Bàn, thấy nơi đây dân chúng lòng thành cảm cách, râm ran tiếng cầu kinh xướng kệ, cho nên ta cảm ứng mà đến đây". 
 
Đối chiếu với lịch sử Phật giáo thì vào thời vua Asoka (phiên âm Hán Việt là A dục vương) trị vì từ năm 268 - 232 TCN, để "hoằng dương Phật pháp", đã tổ chức "Đại hội kết tập kinh điển" và đã cử 9 đoàn "Như Lai sứ giả" lên đường đi truyền bá đạo Phật ở những vùng xa, trong đó có đoàn thứ 8 do hai cao tăng là Sona và Uttara sang vùng đất Kim Địa (tức vùng Miên Ma, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaxia ngày nay). Đoàn "Như Lai sứ giả" thứ 8 đã đến nước ta và đã để lại dấu ấn là các tháp A dục mà các sử sách Trung Quốc như Giao Châu ký (thế kỷ IV) và Thủy kinh chú (thế kỷ VI) đã có dịp ghi lại.
 
Đời Hùng Chiêu Vương còn có một sự kiện đặc biệt nữa là đã bắt đầu xuất hiện ấn kiếm để tượng trưng cho uy quyền: "Rồi đó, Chiêu Vương ngự giá về cung, sai đem khối ngọc khắc thành quả Bảo ấn, đem chiếc móng Rồng bằng ngọc tạc thành cái chuôi kiếm". Hùng Chiêu Vương ở ngôi được 200 năm.
 
(còn nữa)

 

Phan Duy Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này