Những điều tin tưởng căn bản của Phật giáo - Phật Giáo Việt Nam
16:41 +07 Thứ năm, 09/05/2024

Những điều tin tưởng căn bản của Phật giáo

Thứ tư - 28/03/2012 22:31
Những điều tin tưởng căn bản của Phật giáo

Những điều tin tưởng căn bản của Phật giáo

(HDPT) - Đạo Phật Đại thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa về mặt giáo lý căn bản.
 

 


 


 

NHỮNG ĐIỀU TIN TƯỞNG CĂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO
Henry Steel Olcott (1891)
Hòa thượng Thích Trí Chơn dịch, Hoa Kỳ, 1987

*

Ông Henry Steel Olcott (1832-1907) là một Phật tử Mỹ, đồng sáng lập Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society), và đã hoạt động tích cực trong các công trình hoằng pháp Phật giáo tại Hoa Kỳ và các nước Tây phương. Bản dự thảo về 14 nguyên tắc của Phật giáo, nền tảng chung cho mọi tông phái, do ông soạn ra, đã được Hội nghị Phật giáo tổ chức tại Madras, Ấn Độ, từ ngày 8 đến 12, tháng 01-1891, với các thành viên tu sĩ đại diện cho Phật giáo Miến Điện, Tích Lan, Bangladesh, Mông Cổ và Nhật Bản, đồng ý chấp thuận.

*

I. Người Phật tử được giáo huấn nên bày tỏ đức tính khoan dung, nhẫn nhục và tình thương huynh đệ không có sự phân biệt đối với tất cả mọi người, và lòng từ tâm quảng đại đối với các phần tử của thế giới loài vật.

II. Vũ trụ tiến hóa không phải được sáng tạo, và nó hoạt động theo luật (thiên nhiên), không do sự quyết định của bất cứ đấng Thượng Đế (God) nào.

III. Chân lý mà trên đó Phật Giáo được xây dựng, là tự nhiên. Chúng ta tin rằng giáo pháp ấy được thuyết giảng trong nhiều kiếp (Kalpas) liên tục, bởi các bậc đã giác ngộ gọi là chư Phật; danh từ Phật có nghĩa là “giác ngộ”.

IV. Vị giáo chủ thứ tư trong đời Hiền Kiếp là Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) hay Đức Phật Cồ Đàm (Gautama Buddha), người đã sanh ra trong một gia đình hoàng tộc tại Ấn Độ vào khoảng (hơn) 2500 năm trước. Ngài là một nhân vật lịch sử, và tên của Ngài là Tất Đạt Ma Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) [*].

V. (Đức Phật) Thích Ca Mâu Ni dạy rằng vô minh phát sanh ái dục, lòng dục vọng không biết nhàm chán là nguồn gốc của sự luân hồi; và luân hồi, nguyên nhân gây ra phiền não. Cho nên, muốn không còn phiền não, cần phải giải thoát luân hồi, cần phải chấm dứt ái dục; và muốn chấm dứt ái dục, cần phải diệt trừ vô minh.

VI. Vô minh nuôi dưỡng đức tin rằng luân hồi là điều cần thiết. Khi vô minh đã diệt trừ, sự vô dụng của luân hồi xem như tự nó chấm dứt, được nhận thấy; cũng như nhu cầu cùng tột trong việc thừa nhận một dòng sống mà qua đó, điều cần thiết cho sự tiếp diễn luân hồi như thế, có thể chấm dứt. Vô minh cũng khiến con người có ý niệm sai quấy, phi lý cho rằng đời người chỉ có một kiếp sống; và nhận thức lầm lạc khác tin rằng, cuộc sống này sẽ được tiếp nối theo sau bởi những trạng thái bất biến của hạnh phúc hoặc khổ đau.

VII. Việc dứt trừ tất cả vô minh có thể đạt tới bằng sự kiên trì thực hiện đức tính vị tha rộng khắp trong hành động; phát triển tánh sáng suốt, trí huệ trong ý tưởng; và đoạn diệt các dục vọng nhằm đến những thú vui cá nhân thấp hèn.

VIII. Lòng tham dục muốn sống là nguyên nhân của luân hồi, khi dục vọng không còn thì luân hồi chấm dứt ; và nhờ thiền định, con người toàn thiện đạt tới trạng thái cao siêu nhất của sự an tịnh gọi là Niết bàn (Nirvana).

IX. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng con người có thể xé tan vô minh và đoạn diệt phiền não, nhờ ở sự giác ngộ về Tứ Diệu Đế như sau:

1) Hiện hữu của những sự khổ;
2) Nguồn gốc phát sinh sự khổ, đó là lòng dục vọng, mong được luôn luôn đổi mới, nhằm thỏa mãn chính bản thân mà không bao giờ có thể đạt tới sự chấm dứt;
3) Sự diệt trừ lòng ái dục hay tự mình tránh xa nó.
4) Phương pháp thành tựu sự đoạn diệt lòng ái dục. Những pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy gọi là Bát Chánh Đạo; đó là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

X. Chánh định dẫn đến sự giác ngộ tâm linh, hay phát triển Phật tánh (khả năng thành Phật) mà nó tiềm ẩn ở mọi người.

XI. Tinh hoa của Phật giáo; mà chính Đức Như Lai (Phật) đã tóm lược trong bài kệ là:

Chớ làm điều ác,
Nên làm việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch
.

XII. Vũ trụ tùy thuộc vào luật nhân quả tự nhiên gọi là Nghiệp (Karma). Hành động thiện hay ác của con người trong những kiếp trước quyết định cuộc sống của y trong đời hiện tại. Vì vậy mỗi người đã tạo nên những nguyên nhân của mọi kết quả mà hiện nay họ phải lãnh thọ.

XIII. Những trở ngại cho sự đạt tới thiện nghiệp có thể diệt trừ bằng cách thọ trì các điều răn sau đây mà chúng bao gồm trong giới luật đạo đức của Phật giáo, đó là: 1/ Không được sát sanh, 2/ Không được trộm cắp, 3/ Không được tà hạnh, 4/ Không được nói dối, và 5/ Không được dùng chất làm say, và loại thuốc hay rượu làm ngây dại, đê mê. Năm giới cấm khác mà chúng không cần kể ra đây, nên được thọ trì bởi những ai muốn đạt tới, nhanh chóng hơn người thường cư sĩ tại gia, sự giải thoát khổ đau và luân hồi.

XIV. Phật giáo không khuyến khích tính cả tin (dị đoan mê tín). Đức Phật Cồ Đàm dạy rằng bổn phận của cha mẹ là giáo dục cho con cái hiểu biết khoa học và văn chương. Ngài cũng dạy rằng mọi người đừng nên tin vào điều gì do bất cứ thánh nhân nào thuyết giảng, ghi chép ở kinh sách, hay được thừa nhận bởi tập quán, trừ khi điều đó phù hợp với lý trí.

Bản dự thảo được xem như nền tảng chung mà tất cả mọi Tông Phái Phật Giáo đều có thể đồng ý.

Hòa thượng Thích Trí Chơn dịch
(California, 1987)

Ghi chú:

[*] Theo Trường Bộ, Kinh Đại Bổn, và Trường A-hàm,

  • Trang nghiêm kiếp có 3 vị Phật: 1) Vipassī (Tỳ-bà-thi); 2) Sikhī (Thi-khí); 3) Vessabhū (Tì-xá-ba);

  • Hiền kiếp có 4 vị Phật: 4) Kakusandha (Câu-lưu-tôn); 5) Koṇāgamana (Câu-na-hàm); 6) Kassapa (Ca-diếp); 7) Gautama (Cồ-đàm), 8) Maitreya (Di-lặc)

Theo bộ Phật sử (Buddhavamsa), Tiểu Bộ, có 29 vị Phật: 1) Taṇhaṅkara; 2) Medhaṅkara; 3) Saraṇaṅkara; 4) Dīpankara; 5) Koṇḍañña; 6) Maṅgala; 7) Sumana; 8) Revata; 9) Sobhita; 10) Anomadassi; 11) Paduma; 12) Nārada; 13) Padumuttara; 14) Sumedha; 15) Sujāta; 16) Piyadassi; 17) Atthadassi; 18) Dhammadassī; 19) Siddharttha; 20) Tissa; 21) Phussa; 22) Vipassī; 23) Sikhī; 24) Vessabhū; 25) Kakusandha; 26) Koṇāgamana; 27) Kassapa; 28) Gautama; 29) Maitreya

 


 

Mười hai nguyên tắc của Phật giáo

Christmas Humphreys (1901-1983)
Bình Anson dịch

Vào năm 1945, ông Christmas Humphreys – Hội trưởng Hội Phật giáo Luân Đôn (London Buddhist Society), Anh Quốc, soạn ra 12 nguyên tắc căn bản chung cho mọi tông phái Phật giáo như sau:

1) Tự cứu độ là công việc trước mắt của bất kỳ người nào. Nếu một người trúng phải mũi tên độc, người ấy không trì hoãn việc rút mũi tên ấy ra vì muốn biết ai là thủ phạm và tạo ra mũi tên ấy. Vẫn có thì giờ để tìm hiểu sâu rộng về Giáo pháp bằng cách tiến bước trên Con đường. Trong lúc nầy, đối diện với đời sống thực tại, hãy bắt đầu học tập qua kinh nghiệm thực chứng của bản thân.

2) Sự kiện đầu tiên của hiện hữu là định luật vô thường. Tất cả những gì hiện hữu, từ mô đất nhỏ đến quả núi to, từ một ý tưởng đến một triều đại, đều trải qua cùng một chu trình sinh, trụ, hoại diệt. Đời sống liên tục, lúc nào cũng hiển thị trong những dạng thái mới. “Đời sống là cầu bắc qua sông, vì thế, không nên xây nhà trên ấy”. Đời sống là một tiến trình dòng chảy, người bám víu vào đó trong bất kỳ dạng thức nào, cho dù huy hoàng, sẽ bị hoạn khổ vì chống cự dòng chảy.

3) Định luật vô thường cũng áp dụng cho quan niệm “linh hồn”. Không có nguyên tắc nào trong một cá nhân là bất tử, không thay đổi. Chỉ có Sự thật Tối hậu, Phi danh tính, là vượt ngoài sự thay đổi; và tất cả những dạng thái của đời sống, kể cả con người, là những thể hiện của Sự thật này. Không ai có thể làm chủ đời sống dang trôi chảy trong người ấy, cũng như bóng đèn điện không thể nào làm chủ dòng điện tạo ánh sáng.

4) Thế giới này là biểu hiện của một định luật phổ quát. Tất cả mọi kết quả đều có nguyên nhân, bản tánh của một người là tổng hợp các ý nghĩ và hành động trước đây của người ấy. Nghiệp, nghĩa là tác đo6.ng và phản động, chi phối mọi hiện hữu, và con người là người tạo tác duy nhất cho các trường hợp của người ấy, phản ứng của người ấy, các điều kiện tương lai và số phận của người ấy

5) Đời sống là hợp nhất, bất khả phân, mặc dù những dạng thái luôn luôn thay đổi là vô số và có thể tan biến. Thật ra, không có sự chết, mặc dù mọi dạng thái sẽ phải suy tàn. Từ nhận thức về tánh đồng nhất của sự sống nảy sinh lòng từ bi, một sự cảm thông với sự sống trong các dạng thái khác. Từ bi được xem là “định luật hòa hợp nghìn thu”, và người nào phá vỡ sự hòa hợp của sự sống này sẽ gánh chịu đau khổ và trì hoãn sự giác ngộ của mình.

6) Sự sống là hợp nhất, quan tâm về những phần tử phải là những quan tâm đến tổng thể. Trong vô minh, con người nghĩ rằng mình có thể nỗ lực cho các quan tâm vị kỷ của mình, và năng lực với định hướng sai lầm của lòng ích kỷ tạo ra nguyên nhân ấy. Đức Phật dạy bốn Sự thật Cao quý:

a) Hoạn khổ hiện diện khắp nơi;
b) Nguyên nhân bắt nguồn từ lòng tham muốn sai lạc;
c) Sự diệt trừ nguyên nhân ấy; và
d) Bát chánh đạo, con đường tự tu tiến đưa đến tận diệt đau khổ.

7) Bát chánh đạo gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định đưa đến giác ngộ hoàn toàn. Đạo Phật là một cách sống, không phải chỉ là lý thuyết suông, thực hành con đường này là cần thiết để đưa đến giải thoát tự thân. “Không làm điều ác, học làm điều lành, làm trong sạch tâm ý: đây là lời dạy của chư Phật”.

8) Chân lý là bất khả tư nghì, và Thượng đế với các thuộc tính không phải là Chân lý Tối hậu. Nhưng Đức Phật, một con người, đã trở thành vị Toàn Giác, và mục đích của cuộc đời là để đạt Giác ngộ. Trạng thái tâm thức này, Niết-bàn, sự tận diệt các giới hạn của bản ngã, có thể khả đắc ngay trên địa cầu. Tất cả chúng sinh đều có tiềm năng giác ngộ, và vì thế, mục đích đó là trở thành thật sự với chính mình: “Hãy quay nhìn vào bên trong, bạn là Phật”.

9) Trung đạo đưa tiềm năng đến hiện thực giác ngộ, đó là Bát chánh đạo, đi từ sự ham muốn đến an bình, một tiến trình tự tu giữa các đối cực, tránh các cực đoan. Đức Phật đã đi trọn con đường ấy, trong đạo Phật, chỉ cần có niềm tin là bậc Đạo sư đã đi con đường ấy để chúng ta vững tâm cất bước. Con đường ấy đòi hỏi một sự dấn thân trọn vẹn, phát triển cả con tim lẫn trí óc. Đức Phật là đấng Đại Từ và Đại Trí.

10) Đạo Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của thiền định, để đưa đến phát triển các chức năng trí tuệ. Đời sống nội tâm cần phải quán soi hằng ngày, và những thời khắc an tịnh cho nội tâm rất cần thiết cho một đời sống thăng bằng. Người Phật tử lúc nào cũng phải chánh niệm tự chủ, tự chế không dính mắc vào ngoại cảnh. Thái độ tỉnh thức trong mọi tình huống, người ấy biết do mình tạo ra, sẽ giúp người ấy kiểm soát được mọi phản ứng.

11) Đức Phật dạy: “Hãy nỗ lực tự tu để giải thoát”. Đạo Phật không chấp nhận có một thế lực nào có thể giải thoát chúng ta, và mỗi cá nhân phải tự cứu độ. Mỗi người nhận hậu quả của các hành động của chính mình, và nhận thức rằng, khi giúp đỡ người khác trên con đường tu tập, không thể cầu nguyện với Đức Phật hay một thần linh nào để có thể ngăn chận hậu quả sinh ra từ nguyên nhân. Các vị tu sĩ Phật giáo là những vị thầy và là nhưng tấm gương sáng, nhưng không phải là những vị trung gian giữa cá nhân và Chân lý. Sự bao dung toàn diện được thực hiện đối với các tôn giáo và triết lý khác, vì không ai có quyền ngăn cản người khác trên con đường tầm cầu Chân lý.

12) Đạo Phật không bi quan hay “trốn chạy”, cũng không chối bỏ sự hiện hữu Thượng đế hay linh hồn, nhưng định nghĩa theo cách nhìn riêng. Trái lại, đây là một hệ thống tư tưởng, một tôn giáo, một khoa học tâm linh và một đường lối sống, thuận lý, thực tế và toàn diện. Trong hơn hai ngàn năm qua, Đạo Phật đã cung ứng các nhu cầu tâm linh cho một phần ba nhân loạt. Đạo Phật được phương Tây chú ý và Đạo Phật không giáo điều, thỏa mãn lý trí lẫn tình cảm, nhấn mạnh sự tự lực và bao dung các quan kiến khác, chấp nhận khoa học, tôn giáo, triết lý, tâm lý, đạo đức và nghệ thuật, và chỉ rõ mỗi người là kẻ tạo tác cho cuộc đời hiện tại của mình và là người thiết kế duy nhất cho đời sống tương lai.

Christmas Humphreys (1945)

 


 

Các điểm căn bản hợp nhất Nam tông và Bắc tông
Hòa thượng Walpola Rahula
Bình Anson dịch

 Các điểm căn bản hợp nhất Nam tông và Bắc tông là một văn bản Phật giáo toàn cầu quan trọng, soạn ra vào năm 1967 trong Hội nghị thứ Nhất của Hội đồng Tăng-già Thế giới (World Buddhist Sangha Council) tại Colombo, Tích Lan [*]. Hòa thượng Pandita Pimbure Sorata, Tổng thư ký đầu tiên của Hội đồng, yêu cầu Hòa thượng Walpola Rahula soạn một văn bản gồm các công thức rõ ràng để hợp nhất các truyền thống Phật giáo. Văn bản nầy được đệ trình lên Hội đồng và được Hội đồng nhất trí chấp thuận.

 1. Đức Phật là vị Thầy duy nhất của chúng tôi.

2. Chúng tôi tìm nơi nương tựa ở Đức Phật, Giáo Pháp, và Tăng-già (Tam Bảo)

3. Chúng tôi không tin rằng thế gian nầy được tạo ra và cai trị bởi một Thượng Đế.

4. Chúng tôi xem ý nghĩa của cuộc sống là phát triển lòng Từ bi cho mọi chúng sinh không phân biệt, và hành động để mang lại lợi ích, hạnh phúc, và hòa bình cho tất cả; đồng thời phát triển Trí tuệ đưa đến thực chứng Chân lý Tối hậu.

5. Chúng tôi chấp nhận Tứ diệu đế, đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo; và lý Duyên sinh.

6. Tất cả mọi pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã (Tam tướng).

7. Chúng tôi chấp nhập ba mươi bảy phần bồ-đề là những dạng thái khác nhau của Con đường đưa đến Giác ngộ, như Đức Phật đã dạy.

8. Có ba phương cách để đạt Giác ngộ: như là một đệ tử Thanh văn, như là vị Phật độc giác, và như là vị Phật Chánh đẳng giác. Chúng tôi công nhận con đường cao quý nhất là con đường của vị Bồ-tát tiến đến quả vị Phật Chánh đẳng giác để cứu độ chúng sinh.

9. Chúng tôi ghi nhận có những sự khác biệt tại các quốc độ khác nhau về đường lối thực hành và niềm tin của Phật tử. Tuy nhiên, đây chỉ là những hình thức và biểu lộ bên ngoài, không nên lẫn lộn với những lời dạy tinh yếu của Đức Phật.

------------------

[*] Hội nghị Thứ nhất gồm đại diện Tăng-già của Tích Lan, Ấn Độ, Pakistan, Tây Tạng, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Nepal, Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Singapore, và Anh Quốc. Hòa thượng Thích Tâm Châu, đại diện Phật giáo Việt Nam, là thành viên sáng lập của Hội đồng Tăng-già Thế giới. Hội nghị thứ Hai tổ chức tại Sài Gòn và Đà Lạt vào năm 1969. Hiện nay, Hội đồng Tăng-già đặt trụ sở tại Đài Loan. -- xem thêm: http://wbsc886.org/Enlish/E-index2/E-index.html

-ooOoo-

 

 Vào năm 1981, Hòa thượng Walpola Rahula khai triển thêm, thành 10 điểm như sau:

1) Dù thuộc về bất cứ tông phái hay hệ phái nào, là Phật tử, chúng tôi đều quy kính Đức Phật là vị Thầy đã truyền dạy chúng tôi.

2) Chúng tôi đều tìm nơi nương tựa ở Tam Bảo: Đức Phật, Giáo Pháp của Ngài, và Tăng đoàn là cộng đồng chư vị thánh tăng.

3) Dù là Nam tông hay Bắc tông, chúng tôi đều không chấp nhận có một Thượng đế tạo ra và cai quản thế giới này.

4) Noi gương Đức Phật, vị Thầy của chúng tôi, hiện thân của Đại Bi và Đại Trí, chúng tôi xem ý nghĩa của cuộc sống là phát triển lòng Từ bi cho mọi chúng sinh không phân biệt, và hành động để mang lại lợi ích, hạnh phúc, và hòa bình cho tất cả; đồng thời phát triển Trí tuệ đưa đến thực chứng Chân lý Tối hậu.

5) Chúng tôi chấp nhận Tứ diệu đế. Đó là Khổ, sự hiện hữu của chúng ta trên thế gian là vô thường, bất toàn, bất toại ý, và đầy xung đột; Tập, nguyên nhân của tình trạng này là từ lòng vị kỷ dưa trên ảo tưởng về ngã; Diệt, sự giải thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách diệt trừ lòng ích kỷ vị ngã; và Đạo, con đường có tám yếu tố, tiến đến toàn thiện về Giới, Định, Tuệ.

6) Chúng tôi chấp nhận nguyên lý phổ quát về nhân quả như đã giảng trong lý Duyên sinh, và từ đó, chấp nhận rằng mọi việc đều tương đối, liên hệ với nhau, và không có gì là tuyệt đối, thường hằng trong thế giới này.

7) Chúng tôi hiểu rằng, theo lời Phật dạy, tất cả các pháp hữu vi đề vô thường, bất toàn và khổ phiền, và tất cả pháp hữu vi và vô vi đều vô ngã.

8) Chúng tôi chấp nhập ba mươi bảy phần bồ-đề là những dạng thái khác nhau của Con đường đưa đến Giác ngộ, như Đức Phật đã dạy. Đó là: tứ chánh cần, tứ niệm xứ, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, và bát chánh đạo.

9) Có ba phương cách để đạt Giác ngộ tùy theo khả năng và căn duyên của mỗi cá nhân: như là vịđệ tử Thanh văn, như là vị Phật độc giác, và như là vị Phật Chánh đẳng giác. Chúng tôi công nhận con đường cao quý nhất là con đường của Bồ-tát tiến đến quả vị Phật Chánh đẳng giác để cứu độ chúng sinh. Ba dạng thức này đều cùng chung một con đường giải thoát, không phải là những con đường khác nhau.

10) Chúng tôi ghi nhận có những sự khác biệt tại các quốc độ khác nhau về đường lối sinh hoạt của Tăng đoàn, niềm tin và thực hành của đại chúng, các nghi lễ, nghi thức, phong tục, tập quán. Tuy nhiên, đây chỉ là những hình thức biểu lộ bên ngoài, không nên lẫn lộn với những lời dạy tinh yếu của Đức Phật.

* * *

Trong một bài tham luận khác, Hòa thượng Rahula tóm tắt như sau:

… Tôi nghiên cứu đạo Phật Đại thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa về mặt giáo lý căn bản.

• Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là bậc đạo sư.
• Tứ Diệu Đế trong cả hai trường phái đều giống nhau.
• Bát Chánh Đạo trong cả hai trường phái cũng tương tự .
• Lý Duyên Khởi trong cả hai trường phái đều giống nhau.
• Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về Thượng đế tạo ra thế gian này.
• Cả hai đều chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam vô lậu học (Giới, Định, Huệ) , không có bất kỳ sự khác biệt nào.

Đây là những giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật và cả hai tông phái đều công nhận.

Cũng có một số ít điểm khác nhau. Hiển nhiên là quan điểm về Bồ tát. Nhiều người nói rằng Đại thừa là quả vị Bồ tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Nguyên thủy thì đưa đến quả vị A La Hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác cũng là những vị A La Hán. Kinh điển Đại thừa không bao giờ sử dụng La Hán thừa. Họ sử dụng ba thuật ngữ: Bồ tát thừa, Duyên giác thừa và Thinh văn thừa. Theo truyền thống Nguyên thủy, ba quả vị này được gọi là ba quả Giác (Bodhi).

Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỷ bởi vì dạy con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỷ có thể giác ngộ được? Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba Giác, và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Bồ tát là một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.

*************************

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: đạo phật

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này