Thiệt thòi Tây Bắc... Bao giờ Phật giáo đến nơi - Phật Giáo Việt Nam
11:02 +07 Thứ bảy, 18/05/2024

Thiệt thòi Tây Bắc... Bao giờ Phật giáo đến nơi

Thứ tư - 24/10/2012 09:59
(HDPT) - Chúng tôi đi qua vài tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, ghé Sapa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, ngạc nhiên nhìn những cô gái H'mông nói tiếng Anh lưu loát với khách du lịch nước ngoài, nhận đưa khách nước ngoài vào bản làng tham quan.
 
 Cả Sapa chỉ có di tích Nhà thờ đá đang chuẩn bị trùng tu to lớn, chẳng có bóng dáng chùa hay sư nào. Chúng tôi hỏi dân địa phương thì được trả lời rằng vì người Pháp đã xây dựng và truyền đạo từ lâu nên đạo Ki tô cứ thế mà được phát triển, vì đây là vùng biên giới nhậy cảm nên Phật giáo không được chào đón (!!!).

Chúng tôi hỏi thế thì người Kinh ở đây đã lâu theo đạo gì. Trả lời là chúng tôi từ các tỉnh về đây làm ăn sinh sống theo Phật giáo nhưng không được tu học theo tín ngưỡng của mình vì chính quyền ở đây chưa cho phép lập chùa mặc dù đời sống tâm linh rất khao khát.

Nhìn những khách nước ngoài du lịch đi theo các cô gái H'mông vào bản làng, chúng ta chẳng biết sẽ có thêm các tôn giáo nào xuất hiện trong đó nữa.

Chúng tôi cảm thấy xót xa cho số người Kinh đang cư trú ở đây bị thiệt thòi quyền tín ngưỡng của mình vì lý do "nhậy cảm" rất lãng nhách. Lẽ ra với số tín đồ Phật giáo đang có mặt tại đấy, nhà nước đã phải chiếu cố cấp đất cất chùa cho bà con rồi.


Chúng tôi cũng cảm thấy thiệt thòi cho đồng bào dân tộc ở đây, vốn là chung trong cộng đồng Việt Nam có truyền thống nghìn năm Phật giáo, nhưng họ không có cơ hội để tham khảo, tiếp cận với Phật giáo để có nhiều chọn lựa hơn cho đời sống tâm linh của mình. Họ nhận sự truyền bá của các cố đạo người Pháp trước kia, nhận sự truyền bá của các "du khách" nước ngoài hiện nay, nhưng không ai cho họ cơ hội biết đến một tôn giáo gắn bó với quốc gia của họ suốt nghìn năm qua, đó là Phật giáo.
Chúng tôi tự hỏi ai đã tham mưu về công tác tôn giáo cho vùng Tây Bắc này, khiến cho càng lúc Phật giáo càng khó khăn trong việc hoằng hoá ở đây.

Chúng ta đã rút ra bài học gì từ Nghệ An với hơn 300 ngôi giáo đường trùng tu mới nguy nga, và với hơn 300 ngôi chùa chỉ còn nền cũ. Chính quyền Nghệ An bắt đầu nhận ra hậu quả từ sự mất cân đối tôn giáo nghiêm trọng này sau một số sự cố không vui về an ninh trật tự.



Lẽ nào một tôn giáo hiền hoà, gắn bó với dân tộc, có truyền thống yêu nước sâu đậm, có nhiều công lao qua các cuộc kháng chiến, bây giờ lại trở thành xa lạ hay sao? Lẽ nào các dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam phải chịu thiệt thòi so với người Kinh về cơ hội tiếp xúc với Phật giáo hay sao? 




Đường dây điện đã về bản làng; ánh sáng đã về bản làng; chảo truyền hình đã về bản làng; xe gắn máy và mủ bảo hiểm đã về bản làng; trường học đã về bản làng; các tôn giáo bạn đã về bản làng... chỉ có Phật giáo chưa về bản làng, nhất là vùng Tây Bắc này.
 

Minh Hùng ( có chỉnh sửa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này