Tình hình giáo dục Tăng Ni ở Bắc Ninh xưa và nay - Phật Giáo Việt Nam
16:44 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Tình hình giáo dục Tăng Ni ở Bắc Ninh xưa và nay

Thứ tư - 18/07/2012 12:18
(HDPT) - Sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh xưa và nay đã đạt được nhiều thành quả nhưng cũng còn một số bất cập.
 

Tìm ra những nguyên nhân để từ đó đưa ra hướng khắc phục những mặt bất cập đó, nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tăng ni ngày càng tốt đẹp là thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sự hưng thịnh của Phật giáo của một tỉnh nói riêng và của nước nhà nói chung.

Sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh thời nào cũng có, và có thời kỳ đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Nhưng cũng có thời kỳ, việc thực hiện nhiệm vụ này c hưa có hiệu quả cao. Trên cơ sở điểm qua tình hình giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh xưa và nay, trong bài này, chúng tôi xin thử lý giải nguyên nhân của những thành tựu và những bất cập của sự nghiệp giáo dục tăng ni ở một tỉnh vốn được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, từ đó thử đề xuất hướng khắc phục những gì có thể coi là bất cập trên phương diện này, nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tăng ni ở nước ta ngày càng thu được thành tựu tốt đẹp.

1. Sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh trong lịch sử

Bắc Ninh ngày nay vốn là trung tâm của vùng Kinh Bắc xưa, nằm ở phía Bắc thủ đô Hà Nội. Đó là vùng đất cổ mà mỗi ngọn núi dòng sông đều thấm đẫm những huyền tích mang nặng giá trị nhân văn sâu sắc. Bắc Ninh chẳng những là nơi đầu tiên tiếp nhận văn hóa Nho giáo mà theo nhiều thư tịch cổ, nó còn là cái nôi Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, đó là trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay là vùng Dâu, thuộc huyện Thuận Thành). Tại đây, ngay thời kỳ đầu, trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã đào tạo được nhiều tăng sĩ tài ba như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Tiếp,… Theo “Lý hoặc luận” của Mâu Tử và một số thư tịch cổ thì Mâu Tử (người Thương Ngô - Trung Quốc), nhân có loạn Tam quốc nên cõng mẹ sang Giao Châu lánh nạn và học Phật ở đây. Trước khi đến với Phật giáo, ngài đã rất tinh thông Nho học và có tìm hiểu kỹ đạo Hoàng Lão. Còn Khương Tăng Hội, theo Lời tựa sách “An ban thủ ý”, cha mẹ ông là người nước Khương Cư (nay thuộc nước cộng hòa Uzbekistan), sang đây buôn bán và sinh ra ông ở Giao Châu. Khương Tăng Hội mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ. Sau khi được học tập tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, ngài đã trở thành vị cao tăng uyên bác mà cho đến ngày nay, giới tăng sĩ và nhiều cư sĩ học giả còn rất ngưỡng mộ tài năng và học vấn của ngài. Mặc dù sử sách không ghi các vị trên đây học Phật giáo ở Luy Lâu là học ai. Nhưng căn cứ tài liệu “Cổ Châu Phật bản hạnh” (bản khắc gỗ) hiện được lưu giữ tại chùa Dâu thì rất có thể họ đã được học nhà sư Khâu Đà La hoặc các đệ tử của Khâu Đà La.

Như vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của công nguyên, Phật giáo vùng Luy Lâu đã thu hút được nhiều người thuộc các thành phần xã hội khác nhau, từ nhiều phương trời khác nhau đến học đạo và đã trở thành những vị cao tăng nổi tiếng trong lịch sử.

Đến thời thuộc Đường, trung tâm Phật giáo Luy Lâu lại xuất hiện cao tăng nổi tiếng có nguồn gốc từ Ấn Độ, đó là Tì Ni Đa Lưu Chi. Tại Luy Lâu, ngài đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò mà trong đó, sau này, có nhiều vị đã trở thành cao tăng nổi tiếng, như Quán Duyên, Pháp Hiền, Sùng Phạm.

Đến đời Đinh, Tiền Lê và đầu đời Lý, trung tâm Phật giáo vùng Kinh Bắc chuyển về Tiêu Sơn- Lục Tổ, và vì vậy, cơ sở đào tạo tăng sĩ cũng xuất hiện ở đây. Tại đây, chúng ta thấy xuất hiện những vị cao tăng thạc đức mà tên tuổi của các ngài đã làm vẻ vang cho lịch sử Phật giáo Việt Nam, như: Thông Thiện, La Quí An, Vạn Hạnh,…

Vào đời Lý, vùng Kinh Bắc còn xuất hiện một trung tâm Phật giáo rất nổi tiếng, đó là trung tâm Kiến Sơ ở hương Phù Đổng (nay thuộc huyện Gia Lâm TP Hà Nội). Tại đây đã xuất hiện một thiền phái mới ở Việt Nam, đó là thiền phái Vô Ngôn Thông. Dưới sự hoằng truyền đạo pháp của mình, ngài Vô Ngôn Thông đã đào tạo được nhiều thế hệ tăng tài giỏi cho Phật giáo thời Lý, tiêu biểu là các vị: Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, Đa Bảo, Thiền Lão,…

 

 

 

Cũng vào thời Lý, vùng Kinh Bắc còn thấy xuất hiện trung tâm Phật giáo Cảm Ứng (nay thuộc làng Tam Sơn xã Tam Sơn TX Từ Sơn). Trung tâm này đã đào tạo được nhiều vị cao tăng danh tiếng, tiêu biểu là các vị: Lã Định Hương, Đàm Cứu Chỉ, Minh Tâm,,…

Đến đời  Lê, Chùa Vạn Phúc (nay thuộc thôn Phật Tích xã Phật Tích huyện Tiên Du) trở thành trung tâm Phật giáo lớn ở khu vực phía Bắc. Sau khi Chuyết Công đến trụ trì, ngài đã có công lớn đào tạo được nhiều thế hệ tăng, tiêu biểu là thiền sư Minh Hành Tại Tại và nhiều vị tăng sĩ danh tiếng khác.

Dựa vào tư liệu văn bia và các thư tịch cổ, chúng ta còn được biết rằng vào thời Lê - Nguyễn, Phật giáo Bắc Ninh còn có các cơ sở đào tạo tăng tài với qui mô tương đối lớn, như chùa Bụt Mọc (nay thuộc xã Nam Sơn TP Bắc Ninh), chùa Vĩnh Phúc (nay thuộc xã P hù Lãng huyện Quế Võ), chùa Giáo Đường (nay thuộc xã Tân Chi huyện Tiên Du), chùa Đại Giác (nay thuộc khu Bồ Sơn phường Võ Cường TP Bắc Ninh),…

Vậy tại các cơ sở đào tạo này, các vị tăng sĩ học những môn học gì và học như thế nào? Ai dạy? Qui mô trường lớp ra sao?

Chắc chắn trong thời kỳ phong kiến, các trường học Phật giáo nước ta chưa phân ra các cấp học như trường Cơ bản, trường Trung cấp, trường Cao cấp Phật học như gần đây; cũng có thể chưa có cách tổ chức trường lớp với đủ bộ máy tổ chức của một nhà t rường; chưa có các môn học đầy đủ và cách thi cử như hiện nay,… Vào thời đó, các cơ sở thờ tự lớn của Phật giáo với các vị cao tăng có danh tiếng lớn trong thiên hạ cũng chính là cơ sở đạo tạo tăng tài. Thời đó, thầy cũng không phải giảng dạy đại trà cho tất cả các tăng ni sinh theo lớp học như ngày nay, mà tùy căn cơ của mỗi người, thầy biệt truyền cho người đó cái gì. Cách đào tạo này giống như phương pháp giáo dục của Khổng Tử trong Nho giáo.

Đối với “đầu vào” của các cơ sở đào tạo, chúng ta thấy hầu hết các vị tăng thời xưa, trước khi đến với Phật giáo, họ đã tinh thông Nho và các ngành học có liên quan, như dịch lý, chiêm bốc, âm dương, ngũ hành… Vì vậy, khi tiếp nhận giáo lý Phật giáo, các vị này nắm bắt rất nhanh điều cốt yếu của  kinh điển Phật giáo. Thời đó, có lẽ cũng chưa có chế độ bằng cấp như bây giờ, nên người học không vụ cái danh để trưng ra với thiên hạ mà cầu thực học để có thực tài. Từ quan điểm học thuật đó, trong tăng đoàn đã xuất hiện nhiều danh tăng có thực tài mà danh tiếng của họ chẳng những làm vẻ vang cho sơn môn pháp phái, mà với tầm nhìn chính trị chiến lược, nhiều vị có những đóng góp rất lớn cho sự ổn định chính trị của đất nước, tiêu biểu như thiền sư Vạn Hạnh chẳng hạn.

2. Tình hình giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh hiện nay

Theo luật Phật chế, hàng năm, tăng ni trong tỉnh có 3 tháng kết hạ yên cư. Trong thời gian 3 tháng đó, tăng ni được trau dồi giới- định- tuệ. Có thể nói, về mặt danh nghĩa, đối với những người chưa từng được học tập qua các trường do Giáo hội Phật giáo các cấp tổ chức thì đây là hình thức đào tạo tương đối tốt.

Năm 1997, sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, Hội Phật giáo tỉnh được thành lập liền ngay sau đó. Cuối năm 2000, Trường Trung cấp Phật học được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thành lập.

Trường có nhiệm vụ đào tạo tăng tài trong và ngoài tỉnh có trình độ trung cấp Phật học nhằm phục vụ đời sống tín ngưỡng Phật giáo của tăng ni tín đồ trong tỉnh, Trường Trung cấp Phật học đóng tạm tại chùa Hàm Long. Trường có Ban Giám hiệu và có các phòng ban chuyên môn giúp việc . Theo qui định của Ban Giáo dục tăng ni thuộc Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trường có kết cấu chương trình học tập trong 4 năm là:

- Năm thứ nhất: Kinh “Pháp cú” (45 tiết), kinh “Bách dụ” (60 tiết), kinh “Bát đại nhân giác” (45 tiết), “Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư” (180 tiết- mỗi học kỳ 90 tiết), “Lịch sử đức Phật Thích ca” (60 tiết), “Luật uy nghi” (150 tiết- mỗi học kỳ 75 tiết), Hán văn (90 tiết- mỗi học kỳ 45 tiết), kinh “Di giáo” (45 tiết), kinh “Thập thiện” (45 tiết), “Pháp Bồ đề tâm kinh văn” (50 tiết), “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ” (90 tiết);

- Năm thứ hai: kinh “Tứ thập nhị chương” (45 tiết), “Qui Sơn cảnh sách” (45 tiết), “Luật Sa di” (75 tiết), “Phật pháp căn bản” (80 tiết), “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” (70 tiết), Hán văn (90 tiết - mỗi học kỳ 45 tiết), “Văn học Việt Nam” (100 tiết - học kỳ I:45 tiết, học kỳ II: 55 tiết), “Giáo dục công dân và thời sự chính sách” (65 tiết- học kỳ I:30 tiết, học kỳ II: 35 tiết), kinh “Trung bộ” (90 tiết), kinh “Di đà yếu giải” (60 tiết), “Phật và Thánh chúng” (60 tiết), “Đại thừa bách pháp minh môn luận” (90 tiết);

- Năm thứ ba: kinh “Trường A hàm” (90 tiết), kinh “Trung bộ” (90 tiết - mỗi học kỳ 45 tiết), “Nhị khóa hiệp giải” (60 tiết”, “Luật học đại cương” (60 tiết), “Duy thức cương yếu” (60 tiết), Hán văn (90 tiết- mối học kỳ 45 tiết), “Văn học nước ngoài” (90 tiết - mỗi học kỳ 45 tiết), “Giáo dục công dân” (60 tiết- mỗi học kỳ 30 tiết), “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” (90 tiết),  “Nhị khóa hiệp giải” (60 tiết), “Đại thừa khởi tín luận” (75 tiết);

- Năm thứ tư: “Duy ma cật kinh” (60 tiết), “Kim cương kinh” (75 tiết), “Thiền sư Việt Nam” (60 tiết), “Luật tỷ khưu” (90 tiết), Hán văn (45 tiết), “Văn học Việt Nam” và “Văn học nước ngoài” (120 tiết- mỗi học kỳ 60 tiết), “Giáo dục công dân và thời sự” (60 tiết - mỗi học kỳ 30 tiết), Sinh hoạt ngoai khóa (30 tiết- mỗi học kỳ 15 tiết), “Pháp bảo đàn kinh” (90 tiết), “Pháp hoa cương yếu” (90 tiết), “Yết ma chỉ yếu” (90 tiết), “Thành thực luận” (60 tiết).

Trong số các môn học trên đây, có môn học được giảng dạy trong 1 học kỳ, nhưng cũng có môn được giảng dạy trong suốt 7 học kỳ của 4 năm học (môn Hán văn), có môn được giảng dạy suốt 6 học kỳ trong 3 năm học (môn “Giáo dục công dân”). Trong những môn học này, có hai môn bắt buộc, đó là môn “Lịch sử Việt Nam” và môn “Giáo dục công dân”. Trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh đã đào tạo được ba khóa với hơn 130 tăng ni sinh.

Theo qui định của Trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh, đầu vào là các tăng ni sinh có trình độ văn hóa tốt nghiệp Trung học cơ sở. Tại khóa II, có nhiều tăng ni sinh mới học hết chương trình Tiểu học nên nhà trường tổ chức cho họ học bổ túc cho đạt trình độ mà nhà trường yêu cầu. Giáo viên giảng dạy các môn nội điển và ngoại thư là các vị tăng ni trong Hội Phật giáo tỉnh đã tốt nghiệp trường cao cấp Phật học. Gần đây, nhà trường mời một vị giáo viên dạy môn Văn học của trường THPT đã về hưu dạy môn văn học Việt Nam.

Có thể nói, cùng với sự phát triển mọi mặt của xã hội, sự ra đời của trường Trung cấp Phật học của hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh đã tạo cơ hội mới cho tăng ni trẻ ở Bắc Ninh có điều kiện học tập nâng cao trình độ của mình và tạo đà cho những ai có điều kiện học lên bậc học cao hơn. Được đào tạo trong môi trường giáo dục của Giáo hội kết hợp với sự nỗ lực cá nhân, một số vị tăng ni đã có trình độ sử dụng thành thạo máy vi tính, học thêm ngoại ngữ, và có thể đọc trực tiếp một số kinh điển Phật giáo bằng chữ Hán; số người có trình độ trung cấp, cao cấp Phật học đang hành đạo trong tỉnh ngày càng nhiều, số người mù chữ còn lại rất ít (đó là các cụ già) . Đây là thành tựu đáng ghi nhận của sự nghiệp giáo dục tăng ni ở tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, chất lượng dạy và học ở trường Trung cấp Phật học ở Bắc Ninh được đánh giá là không cao, xét cả về vốn kiến thức và kỹ năng viết và kỹ năng trình bày miệng, cả về khả năng tư duy và các kỹ năng thao tác tư duy.

Về trình độ thực của các môn nội điển.

Các môn nội điển được giảng dạy trong trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh có một số kinh, luật, luận, mà chúng tôi đã dẫn ở trên, trong đó có một số kinh đã được dịch sang tiếng Việt, nhưng cách chuyển ngữ sang tiếng Việt của một số bộ kinh thật sự không dễ hiểu; có bộ luật được dùng làm tài liệu giảng dạy chính thức, nhưng vẫn là chữ Hán (Luật uy nghi) nên việc tiếp thu bài giảng đối với không ít tăng ni sinh thật không dễ dàng. Vì vậy, trên thực tế, hỏi một số người về nội dung các bộ kinh, luận, luật đó thì họ nắm không chắc, trừ một số nội dung trong bộ “Sa di luật nghi”. Nhưng dẫu sao thì chất lượng học tập các môn nội điển của phần lớn tăng ni sinh còn khá hơn so với chất lượng các môn học khác thuộc phần ngoại thư.

Các môn học thuộc phần ngoại thư được giảng dạy tại Trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh, có: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”, “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc”, “Văn học  Việt  Nam”, “Văn học  Trung Quốc”, “Văn học  Ấn Độ”, “Hán văn”, “Giáo dục công dân”,… Do trình độ văn hóa đầu vào hạn chế nên các tăng ni sinh tỏ ra chật vật khi tiếp thu kiến thức của các môn học này và khi tốt nghiệp ra trường, tình trạng “chữ thầy lại trả thầy” đối với những môn học đó không phải là cá biệt mà là tương đối phổ biến. Chẳng hạn, môn “Lịch sử Việt Nam” là môn học có mối quan hệ gần gũi với môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” và môn “Văn học Việt Nam” cũng là môn học tạo cơ sở trực tiếp đ ể tiếp thu nền văn học Phật giáo ở nước ta, nhưng kiến thức thực của họ thì thật khó bàn. Đấy là chưa kể đến những môn ít có liên quan đến đến sự nghiệp tu học cuả một nhà tu hành Phật giáo, như môn “Triết học Mác - Lê nin”, môn “Giáo dục công dân”,… thì chất lượng học tập của nhiều vị lại càng yếu.

-Về kỹ năng viết và kỹ năng trình bày miệng, muốn có hiệu quả cao, người được coi là có thành công trong lĩnh vực này đòi hỏi phải được chuẩn bị chu đáo cả hai phương diện là vốn kiến thức và năng lực tư duy. Năng lực tư duy, bao gồm cả phẩm chất tư duy và các kỹ năng thao tác tư duy (như khả năng phân tích, tổng hợp, khả năng nhận xét, khả năng dự báo một sự kiện, một hiện tượng, một vấn đề) muốn có, ngoài năng khiếu bẩm sinh, còn phải được học tập cẩn thận. Nhưng các vị tăng ni sinh ở trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh lại không được chuẩn bị chu đáo.

Như trên chúng tôi đã đề cập, do trình độ học vấn của đầu vào của nhiều tăng ni sinh của trường này thấp, mặc khác, do cấu tạo chương trình của trường không có môn ngôn ngữ học (hoặc môn “Tiếng Việt”) và môn Logic học mà khi học ở bậc phổ thông, họ không được học (môn Logic) hoặc được học nhưng không học đến nơi đến chốn (môn Tiếng Việt), nên khi ra trường, nhiều vị không viết nổi lá đơn, không biết cách trình bày một bản báo cáo, một tờ công văn và khi cần phải trình bày một vấn đề gì đó bằng văn bản, thì thường có lỗi về cú pháp, về ngữ pháp và về chính tả.

Cũng do năng lực tư duy hạn chế, nhiều tăng ni sinh khi ra trường, khả năng phát hiện, khả năng nắm bản chất vấn đề, khả năng dự báo xu hướng phát triển của vấn đề, của sự kiện rất hạn chế. Nhiều người trong thảo luận, tranh luận thường sa đà vào những vụ việc vụn vặt, những câu nói bột phát nhất thời, những tình huống phụ, mà không nắm được bản chất của vấn đề, những vấn đề chính có khả năng chi phối toàn bộ hoạt động của cá nhân, của tập thể trong thời gian dài.

-Về kỹ năng sống của các tăng ni sinh cũng không được nhà trường quan tâm giáo dục nên cá biệt có một số vị bị dân sở tại phàn nàn. Điều này rất khác với chất lượng đào tạo của các chủng viện của đạo Công giáo.

3. Đi tì m nguyên nhân của tì nh hì nh giáo dục tăng ni xưa và nay

Trước hết là đối với tình hình giáo dục tăng sĩ thời Bắc thuộc và phong kiến.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao trước đây, Phật giáo chưa có qui mô trường lớp như bây giờ, việc in ấn kinh sách và phương tiện đi lại cũng không dễ dàng như bây giờ, nhưng sự nghiệp giáo dục tăng sĩ thời đó lại tốt như vậy?

Theo “Lý hoặc luận” của Mâu Tử, Sáu bức thư của Lý Miễu trao đổi với Đạo Cao và Pháp Minh, “Khóa hư lục” của Trần Nhân Tông, “Chuyết công ngữ lục” của Minh Hành Tại Tại và một số văn bia ở các chùa… thì trước khi đến với Phật giáo, nhiêu tăng sĩ thời đó đã rất tinh thông về Nho học và một số ngành học có liên quan. Vì sao họ không tiếp tục theo đuổi nghiệp Nho để tiến thân theo con đường làm quan mà lại đi tu Phật? Có thể có có nhiều nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi, có thể do sức hẫp dẫn kỳ lạ của kinh điển Phật giáo và sự ngưỡng mộ nền nếp tu trì, hành đạo của những vị cao tăng tiêu biểu đương thời. Sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đó không những thu hút nhiều trí thức Nho học có tiếng đương thời mà nó còn có sức hấp dẫn cả nhiều vị hoàng đế rất giỏi trị nước thời Lý, thời Trần. Nhiều vị anh quân cuối đời đã đi tu Phật. Nhiều vị hoàng phi, công chúa thời Lê- Trịnh cũng vào chùa tu Phật hoặc công đức tiền ruộng vào chùa. Chính điều này đã góp phấn tạo nên thương hiệu của các ngôi chùa thời đó và là động lực thúc dục các vị tăng sĩ cần phải học tập tu hành sao cho tinh tiến, do đó, giáo hội đương thời có được nhiều thế hệ cao tăng thật sự uyên bác và mẫu mực.

Lý do thứ hai, là sự ảnh hưởng bởi học phong của thời đại. Nhiều tài liệu về khoa cử thời phong kiến cho chúng ta biết hơn 700 năm dưới chế độ thi cử Hán học, trong giới học đường không hề có chuyện tiêu cực trong thi cử, không có chuyện chạy điểm chạy bằng, không có chuyện chạy theo thành tích,… trong thầy và trò; khi chấm thi, vị nào có hành vi mờ ám sẽ bị triều đình xử tội rất nặng,… Tình hình đó ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục tăng sĩ trong Phật giáo. Người tu học trong xã hội và trong Phật giáo thời đó, học là học thật, kiến thức là kiến thức thật, thậm chí, biết mười nhưng chỉ nói một, trong đầu chứa nhiều bồ chữ nhưng bề ngoài tỏ r a như người ngu.

Lý do thứ ba, nhu cầu vật chất đối với giới tăng sĩ thời đó không phải là vấn đề câu thúc. Các vị cao tăng tu trên núi, ít tiếp xúc với cuộc sống náo nhiệt ngoài đời, năm này qua năm khác chỉ có một vài bộ quần áo vải thô rách cũ, đi dày cỏ, đội nón lá, chống gậy tre, ăn rau rừng,… nhưng họ dốc lòng tu học và trì giới thật nghiêm cẩn.

Những phẩm chất cao quí của các thế hệ cao tăng trên đây là tấm gương sáng, có tác dụng giáo dục các thế hệ tăng sĩ hậu học rất lớn và rất hiệu quả.

Bốn là, cái dạy của các thế hệ thầy đối với trò trong Phật giáo là tùy căn cơ của mỗi trò mà dạy cái gì, dạy bằng cách nào và chỉ dạy những điều căn bản rồi để trò tự học, chứ không dạy theo kiểu cao đàm khoát luận.

Đối với người học, người ta tìm đến thầy là do sự thôi thúc của nhu cầu hiểu biết như người đói cần được ăn, người khát cần được uống. Do đó, khi gặp được thầy giỏi, người ta tranh thủ học bất kể ngày đêm, bất kể trong hoàn cảnh nào.

Vì vậy, mặc dù Phật giáo thời xưa chưa có qui mô trường lớp như bây giờ, việc in ấn ki nh sách và phương tiện đi lại cũng không dễ dàng như bây giờ, nhưng sự nghiệp giáo dục tăng sĩ thực sự có hiệu quả tốt đẹp. (Tất nhiên, một vài tăng sĩ cũng làm những điều gây tai tiếng cho giáo hội, nhưng số đó không nhiều).

Hai là, nguyên nhân của tình hình giáo dục tăng ni gần đây

Về những thành tựu của sự nghiệp giáo dục tăng ni gần đây mà chúng tôi đã nêu ở trên, theo chúng tôi, cũng có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Về mặt chủ thể:

Một là, một số tăng sĩ có nhiều nỗ lực cá nhân, có chí hướng lớn t rên con đường tu học và hành đạo, nên đã đạt được trình độ cao trong học thuật, tạo vị thế trong giáo hội và ngoài xã hội, tạo tấm gương sáng về học tập trong giới tăng ni, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tăng ni;

Hai là, trình độ học vấn của giới tăng ni trong tỉnh Bắc Ninh, nhìn chung so với vài chục năm trước đây có khá hơn; một số, trước khi nhập tu đã tốt nghiệp THPT, không còn tình trạng mù chữ trong số các tăng ni trẻ; một số vị tăng sĩ đã có học vị trên đại học trong nước và nước ngoài, được bố trí làm nhiệm vụ giảng dạy tại Trường Trung cấp Phật học của tỉnh, được mời giảng ở trường Trung cấp Phật học một số tỉnh và thuyết giảng tại các lớp Yên cư hàng năm. Đây cũng là một trong những điều kiện tốt cho sự nghiệp giáo dục tăng ni trong giai đoạn hiện nay.

Về mặt khách thể:

Một là, sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản đề xướng và lãnh đạo thực hiện, đời sống các tầng lớp tín đồ Phật tử đã được cải thiện đáng kể, một bộ phận Phật tử đã trở nên giàu có. Do có điều kiện về tài chính, nhiều người đã phát Bồ đề tâm, công đức tiền của xây dựng các cơ sở thờ tự Phật giáo, cúng dàng Tam bảo. Do đời sống của tín đồ Phật tử trong xã hội được nâng lên, đời sống và điều kiện sống của giới tăng sĩ cũng được cải thiện nhiều. Đây là điều kiện rất tốt để giới tăng sĩ Phật giáo phát huy sở học của mình mà tiếp tục học lên, thực hiện được châm ngôn “Duy tuệ thị nghiệp”.

Hai là, trên cơ sở đường lối đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản đề xướng và lãnh đạo thực hiện, đường lối và chính sách tôn giáo ở nước ta cũng được đổi mới rất nhiều. Trung cấp Phật học được thành lập, có tăng sĩ được gửi sang nước ngoài đào tạo, nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo được trùng tu sửa chữa hoặc xây mới; việc mời các tăng sĩ nước ngoài đến thuyết pháp, giảng đạo trong các cơ sở thờ tự Phật giáo trong tỉnh nhằm nâng cao trình độ cho giới tăng ni được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi,… Những điều kiện xã hội trên đây góp phần giúp cho sự nghiệp đào tạo tăng ni ở Bắc Ninh đạt được nhiều thành tựu.

Về một số mặt yếu kém trong sự nghiệp giáo dục tăng Ninhững năm gần đây, theo chúng tôi có một số nguyên nhân dưới đây.

Trước hết là về mặt chủ thể:

Có thể nói một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng yếu kém về chất lượng giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh là đầu vào của trường Trung cấp Phật học nói riêng và trình độ học vấn khi xuất gia tu Phật của nhiều vị sư ni ở Bắc Ninh nói chung, trong một hai khóa đầu là thấp. Qui chế tuyển sinh của nhà trường qui định là tăng ni sinh phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp THCS, nhưng có khóa (khóa II), nhiều vị chỉ có trình độ học vấn tiểu học. Mặc dù các vị được học bổ túc cho đạt trình độ học vấn của đầu vào theo qui chế, nhưng với thời gian và cách học của một lớp bổ tuc thì không thể nói là có chất lượng cao được.

Chúng ta đều biết rằng khả năng nhận thức của một người phụ thuộc nhiều vào trình độ học vấn. Với trình độ học vấn như trên đây thì không thể nói là họ tiếp thu tốt khối lượng kiến thức trong kinh điển Phật giáo và kiến thức của các lĩnh vực văn hóa có liên quan. Mặc dù có thể trình độ học vấn của con người không phải làm nên tất cả nhưng trình độ học vấn của một người có vai trò không nhỏ trong nhận thức và giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Do bị giới hạn bởi trình độ học vấn nên khả năng nhận thức của nhiều người cũng bị hạn chế. Từ khả năng nhân thức hạn chế, nên có hiện tượng nhiều vị không có cách giải quyết tốt những xích mích nhỏ trong những người đồng tu, những va chạm không đáng có với chính quyền và nhân dân địa phương,…

Hai là, mặc dù các vị giảng sư của trường Trung cấp Phật học và của các trường Hạ đều đã tốt nghiệp trường Cao cấp Phật học hoặc có trình độ cao hơn, nhưng hầu hết không có phương pháp sư phạm, vì vậy, khi trình bày bài giảng, học viên không thấy hấp dẫn, không hào hứng nghe, nên hiệu quả tiếp thu không cao. Chúng ta biết rằng, hệ thống các trường Sư phạm ở nước ta đều có bộ môn “Giáo học pháp” với số học trình hợp lý và các giáo sinh trong khóa học đều được tổ chức đi kiến tập và thực tập giảng dạy rất qui củ, ấy thế mà nhiều thầy cô giảng dạy còn không được học sinh hoan nghênh! Vậy thì với những thầy không được trang bị về bộ môn Giáo học pháp, không được trang bị về bộ môn Tâm lý học thì chất lượng giáo dục trong một trường Trung cấp với chất lượng đầu vào của học viên thấp thì không thể mong có chất lượng đầu ra cao được.

 

 

 

Ba là, theo tôi, đã gọi là một trường học thì học viên học ở đó phải được tiếp cận với giáo trình của các môn học. Hiện nay, hầu hết các trường Phật học đều chưa có giáo trình mà có chăng đó chỉ là sách tham khảo, trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh cũng nằm trong tình trạng chung đó. Thực trạng này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của các trường Phật học.

Về phía khách thể, chúng tôi cũng thấy có mấy nguyên nhân sau:

Một là, kinh phí của Trường Trung cấp Phật họ c hoàn toàn do thầy trò xoay xỏa. Những giảng sư làm công tác giảng dạy ở trường mà đang hành đạo tại Bắc Ninh, hầu hết là không hưởng chế độ bồi dưỡng. Tình hình này đã kéo dài nhiều năm và chắc chắn không động viên được sự nhiệt tình giảng dạy của các vị giảng sư, và vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của trường.

Hai là, theo cấu tạo chương trình, thì Trường Trung cấp Phật học Bắc Ninh là trường đào tạo chính qui, nhưng thực tế hoạt động, nó lại mang tính chất của một trường tại chức. Bởi vì các ngày sóc, vọng, ngày giỗ tổ hoặc có đám cúng mà ai đó được mời thì các vị đều xin nghỉ học để làm các việc thiết thực kia. Các vị giảng sư cũng vậy, có vị sẵn sàng bỏ giờ nếu có những việc tương tự như vậy. Do nghỉ mất nhiều giờ, nên nhiều môn học phải cắt xén chương trình. Đối với các trường Hạ, tình hình cũng tương tự như vậy. Danh nghĩa là 3 tháng, nhưng thời gian thực sự để tu học thì không được  như vậy, nội dung và phương pháp tu học thì năm sau cũng như năm trước, nên nó mang tính hình thức hơn là thực chất.

Về cách thức giáo dục của thầy đối với đệ tử trong một cơ sở thờ tự, phần lớn còn rất cổ, theo cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái trong nhà của xã hội phong kiến xưa kia, đó là chưa kể cá biệt có thầy cảm thấy không hài lòng khi trò có mặt nào đó tỏ ra nổi bật hơn thầy, giỏi hơn thầy. Đây phải chăng là mặt hạn chế của truyền thống giáo dục trong Phật giáo khó cách tân được.

Những hạn chế trên đây đã góp phần tạo nên sự bất cập của sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh trong những năm qua.

3. Hướng khắc phục những gì có thể coi là bất cập trong sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh

Xuất phát từ quan điểm cho rằng cần phải “trí thức hóa” hàng ngũ tăng ni trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu giáo lý Phật giáo của đông đảo tăng ni Phật tử có trình độ và sự hiểu biết ngày càng cao trong xã hội, chúng tôi xin đề xuất một vài ý kiến về hướng khắc phục một số mặt yếu kém trên nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh từng bước đi vào nền nếp và có nhiều thành tựu viên mãn.

Một là, nhà trường cần có qui chế thi tuyển đầu vào một cách qui củ; có qui chế thi kiểm tra, thi hết môn, thi cuối năm và thi tốt nghiệp thật nghiêm túc. Ai không đạt yêu cầu, phải học lại, thi lại.

Hai là, đề nghị cơ quan chuyên môn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam soạn thảo bộ sách giáo khoa dùng cho các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học Phật học trong toàn quốc. Mỗi cấp học có một bộ sách giáo khoa riêng và lấy đó làm bộ sách giáo khoa chuẩn cho cấp học tương ứng trong toàn quốc. Bên cạnh đó có danh mục các sách và tài liệu tham khảo.

Ba là, cần có qui định về chế độ bồi dưỡng cho các vị giảng sư để động viên sự đóng góp của họ đối với sự nghiệp giáo dục tăng ni, đồng thời có qui chế khen thưởng đối với những thầy và trò có nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập, đồng thời cũng có hình thức kỷ luật đối với những ai không thực hiện nội quy, qui chế của trường.

Bốn là, cần xây dựng quĩ giáo dục bằng cách xin kinh phí hỗ trợ thường xuyên của Nhà nước; bằng cách khai thác nguồn tài trợ của tổ chức Phật giáo quốc tế, của các tổ chức phi Chính phủ của các nước; kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế và các nhà kinh doanh giỏi có hảo tâm với Phật giáo và sự cúng dàng của các đàn na tín thí trong và ngoài nước.

Tóm lại, sự nghiệp giáo dục tăng ni ở Bắc Ninh xưa và nay đã đạt được nhiều thành quả nhưng cũng còn một số bất cập. Tìm ra những nguyên nhân để từ đó đưa ra hướng khắc phục những mặt bất cập đó, nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tăng ni ngày càng tốt đẹp là thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sự hưng thịnh của Phật giáo của một tỉnh nói riêng và của nước nhà nói chung. Một số ý kiến trên đây có thể chưa nhận được sự đồng thuận của một số vị, nhưng đó là những suy nghĩ chân thực xuất phát từ tâm trong sáng. Rất mong được sự đồng tình của quí vị.

Tháng 9 năm 2011.

NGUYỄN QUANG KHẢI

(Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bắc Ninh)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này