Truyền thông - ‘Phép nhiệm màu’ để Phật Pháp đến với đại chúng - Phật Giáo Việt Nam
20:35 +07 Thứ ba, 14/05/2024

Truyền thông - ‘Phép nhiệm màu’ để Phật Pháp đến với đại chúng

Thứ năm - 22/11/2012 03:03
(HDPT) - Trong nhiệm kỳ VI (2007-2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt, trong đó có công tác truyền thông.
 

 GHPGVN qua hoạt động truyền thông tích cực đã có tiếng nói quan trọng để bạn bè thế giới hiểu hơn về Phật giáo, con người, chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong 5 năm qua đã trở thành cầu nối giữa Tăng, Ni, Phật tử, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với Nhà nước thông qua các hoạt động Phât giáo, quy tụ người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Những thành tựu đạt được trong công tác truyền thông của Giáo hội đã góp phần truyền bá đạo đức Phật giáo, vì một xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc.

Truyền thông Phật giáo thời gian qua đã được thực hiện bằng nhiều phương tiện để đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội. Những việc như xuất bản và phát hành báo chí cùng một loạt ấn phẩm khác; phát sóng các chương trình truyền thanh, truyền hình cũng như sản xuất phát hành mọi hình thức phim ảnh; sản xuất và phát hành báo trực tuyến , cũng như cung cấp các dịch vụ trực tuyến …đã được triển khai rộng khắp.

Truyền thông Phật giáo trên truyền hình
Tại Hội nghị kỳ III Trung ương Giáo hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ban hành Quyết định số 320 ngày 23/8/2011 thành lập Ban Truyền thông gồm 5 thành viên Ban Cố vấn, 22 thành viên chính thức, Cư sĩ Từ Vân (Phạm Nhật Vũ) làm Trưởng ban điều hành. Ban Truyền thông ra đời là một sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hướng đến Đại hội VII GHPGVN và Đại hội Đại biểu Tỉnh, Thành hội Phật giáo nhiệm kỳ (2012 – 2017). Đây là điều kiện cần và đủ để chuẩn bị cho công tác quảng bá hình ảnh của GHPGVN đến với Tăng Ni, Phật tử và quần chúng nhân dân qua phương thức truyền thông đa phương tiện.

Ban Truyền thông sau khi chính thức đi vào hoạt động, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến dư luận, cộng đồng, Tăng Ni, Phật tử trong nước và thế giới. 

Theo đánh giá của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự (HĐTS) Trung ương GHPGVN thì: "Ban Truyền thông của Giáo hội mới được thành lập có nhiều hoạt động tích cực, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực truyền thông trong các mặt hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam". 

Các ấn phẩm văn hóa Phật giáo

Cho tới nay, ban Văn hóa Trung ương đã xuất bản trên 200 đầu Kinh sách, các tác phẩm, tuyển tập nghiên cứu của Tăng Ni và nhiều tác giả khác. Tổ in ấn và phát hành Kinh sách Thành hội Phật giáo Tp.HCM đã in 240/343 đầu sách đăng ký và nhiều ấn phẩm văn hóa Phật giáo có giá trị truyền bá Chánh pháp. Tổng số ấn phẩm là 290.000 bản.

Đã có 14 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tiến hành biên soạn hoàn tất quyển “Lược sử Phật giáo và các ngôi chùa trong tỉnh” như: Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Long An; một số tỉnh đang tiến hành biên soạn lược sử Phật giáo địa phương như Đak Lak, Quảng Nam, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang v.v…; hướng dẫn Ban Văn hóa các tỉnh, thành thống kê tên đường mang tên các vị Thiền sư, chư Tôn đức Trưởng lão Tăng Ni và Cư sĩ có công với Đạo pháp và Dân tộc.  

Ban Biên soạn Bộ “Trí Tịnh toàn tập” đã tổ chức lễ giới thiệu công trình phần 1 trong 4 phần (Kinh, Luật, Luận và Tạp văn) của Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

 

Phật tử đang đọc các ấn phẩm Phật giáo
Công tác phát hành các tạp chí, Nội san Phật giáo được đẩy mạnh. Tạp chí Văn hóa Phật giáo, xuất bản đến số 165; Tạp chí Nghiên cứu Phật học của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản 118 số; Tạp chí Nghiên cứu Phật học Khuông Việt của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội xuất bản 25 số; Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy xuất bản 24 số; Ấn phẩm Văn hóa Phật giáo của Ban Văn hóa Trung ương xuất bản 9 số. Tuần báo Giác Ngộ xuất bản được 655 số; Nguyệt san Giác Ngộ xuất bản 203 số. 

Nội san Hoằng pháp (Hà Nội), Nội san Phật học Hoa Từ (Ninh Thuận), Hương sen (Bình Dương), Hương Từ Bi (Đak Nông), Nội san Vô Ưu (Đak Lak), Nội san Quảng Đức (Khánh Hòa), Đuốc Sen (Tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh), Nội san Như hoa Ưu Đàm chùa Hòa Khánh (Q. Bình Thạnh), chùa Phổ Quang (Q. Phú Nhuận), Nội san Trung tâm Liễu Quán (Thừa Thiên Huế), Du lịch Tâm linh v.v…  đăng tải những nội dung giáo lý Phật giáo và tình hình sinh hoạt Phật sự tại địa phương.

Áp dụng các phương tiện truyền thông hiện đại

Cùng với internet, mạng xã hội và các thiết bị công nghệ hiện đại, những ngôi chùa “điện tử” cũng dần trở nên quen thuộc với cư dân mạng. Website của các chùa, các tự viện đã trở thành một kho thông tin Phật pháp, một thư viện Phật pháp trực tuyến khổng lồ mà các tín đồ có thể tìm đến và sẻ chia bất cứ lúc nào. Chưa tính đến các website riêng của chùa và tự viện thì ở Việt Nam hiện nay đã có hơn 100 trang thông tin Phật pháp có lượng truy cập khá lớn.

Những mạng xã hội như Facebook, Yahoo… cũng trở thành công cụ truyền bá Phật pháp hiệu quả khi chỉ bằng những câu chuyện nhỏ, những bài pháp thoại ngắn hay pháp âm hoặc những câu kinh, kệ... 

Tôn giáo hướng tới số đông

Để góp phần xây dựng Phật giáo thành một tôn giáo “mở”, tôn giáo hướng tới số đông, công tác truyền thông của GHPGVN nhiệm kỳ VI còn đặc biệt chú trọng tới việc phối hợp tổ chức triển lãm những hình ảnh hoạt động Phật sự chuyên ngành với nội dung phong phú, thể hiện quá trình hình thành và phát triển Phật giáo của từng địa phương, trưng bày các cổ vật, pháp khí Phật giáo; chương trình văn nghệ phục vụ quần chúng Tăng Ni, Phật tử vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, Đại hội Phật giáo các Tỉnh Thành, Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan Báo hiếu, các cuộc hội thảo...

Các hoạt động nói trên đã tạo thành phong trào văn nghệ quần chúng một cách rộng rãi mang tính nhân bản và đạo đức Phật giáo. Giáo hội đã kết hợp với Báo Giác Ngộ đã tổ chức Hội thi nhiếp ảnh, hội thi sáng tác thơ, văn, truyện, ký v.v… nhân Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được đông đảo Tăng Ni, Phật tử, sinh viên, học sinh, học giả, nhà nghiên cứu tham gia.

Ngoài các lễ hội lớn mang tính tôn giáo như Lễ hội Quan Âm ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bình Dương; Lễ hội Yên Tử tại chùa Trình, khu di tích lịch sử Yên Tử Quảng Ninh, Lễ hội chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Đậu ở Hà Nội,… được địa phương tổ chức trọng thể, với nhiều chương trình mang đậm dấu ấn tâm linh và truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. 

Lễ hội văn hóa Khmer của đồng bào dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Dolta, Óck Ombok... tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều tổ chức biểu diễn 3 loại hình văn hóa Phật giáo dân tộc như Đua Ghe Ngo, Trống Sa Dăm và Nhạc Ngũ Âm, vừa bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần làm phong phú món ăn tinh thần cho quần chúng nhân dân trong tỉnh. 

Qua 5 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu được nhiều Phật sự trọng đại. Có được những thành tựu đó chính là do Giáo hội có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Trong thành tựu chung ấy, công tác truyền thông của giáo hội với các hoạt động biên soạn, xuất bản kinh sách, làm báo, tổ chức hội chúng, diễn giảng, trang web Phật học, chương trình truyền hình, và các chương trình đa phương tiện khác... đã góp phần tích cực trong nỗ lực kế thừa và xây dựng truyền thống khởi nguyên của Phật giáo: Tôn giáo hướng tới số đông, vì lợi ích của số đông.

An Thư
 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này