Ý nghĩa chương trình Phật hóa gia đình - Phật Giáo Việt Nam
12:53 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

Ý nghĩa chương trình Phật hóa gia đình

Thứ năm - 22/03/2012 10:12
(HDPT) - Để đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài về sau, năm 2004 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã đề ra chương trình Phật hóa gia đình.
 

 

 

A/. DẪN NHẬP:
 
Đạo Phật Việt Nam được các bậc cao tăng Ấn Độ và Trung Hoa truyền bá từ khởi thủy đến nay trải qua gần 2000 năm, tùy vận mệnh của đất nước, Phật giáo chúng ta có khi thịnh khi suy, nhưng luôn luôn đồng hành với dân tộc.
 
Trong suốt chiều dài lich sử đó, chúng ta phải tự hào rằng: Phật giáo đã sản sinh ra rất nhiều cư sĩ tài hoa lỗi lạc, đạo đức tuyệt vời, như các đức vua: Lý Thái Tổ, Trần Thái Tôn, Trần Nhân Tôn, Chúa Nguyễn Hoàng, … trong thời cận đại có các cư sĩ như: Chánh Trí- Mai Thọ Truyền, Tâm Minh-Lê Đình Thám, Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha, các học giả: Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Đoàn Trung Còn, v.v…đều là những vị Phật tử thành tâm hộ trì Tam bảo, trùng hưng chánh pháp.
 
Đạo tâm hạnh nguyện của những vị này không phải tự nhiên có, mà chính là do sự khuyến hóa giáo dục đào tạo rất công phu của liệt vị cao tăng, tổ sư tiền bối.
 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ (1981–2009), thực hiện phương châm “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Giáo hội đã từng bước củng cố tổ chức, đề ra các chủ trương đường lối thích hợp với thời đại, chương trình hoạt động Phật sự hàng năm cũng không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả và vị trí ngang tầm với Phật giáo các nước trên thế giới.
 
Để đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài về sau, năm 2004 Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã đề ra chương trình Phật hóa gia đình.
 
Qua 5 năm thực hiện, bước đầu đã có những kết quả khả quan, được chư Tôn đức Tăng Ni hoan hỷ tán thành, quý Phật tử hết lòng hưởng ứng. Để hiểu rõ hơn về những giá trị lợi ích của chương trình này, chúng ta sẽ tìm hiểu qua các phần trình bày như sau:
 
TT. Thích Chơn Không
 
B/. NỘI DUNG:
 
1. MỤC ĐÍCH:
 
Phật hóa gia đình là chương trình hoạt động Phật sự trọng tâm của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, nhằm hướng dẫn khuyến khích động viên tất cả Phật tử tại gia phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới nỗ lực nghiên cứu học tập, ứng dụng những lời dạy quý báu của Đức Phật vào cuộc sống, trao dồi đạo đức cá nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, hộ trì Tam bảo, góp phần chăm lo đời sống những người bất hạnh và hướng đến việc xây dựng xã hội ngày càng văn minh tiến bộ.
 
2. VAI TRÒ NHIỆM VỤ:
 
Cổ đức có dạy: “Trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng”, có nghĩa là: ở nhà Pháp vương, giữ kho Như lai. Nhà của Pháp vương chính là cơ sở tự viện, kho của Như lai chính là ba tạng kinh luật luận, hệ thống tư tưởng Phật giáo. Tam bảo nói chung, ngôi chùa nói riêng, có được trường tồn vĩnh cữu, hưng long thịnh vượng hay không, là do đức độ tu hành và khả năng hoạt động của vị trụ trì.
 
Cho nên vị trụ trì là người mang trọng trách trong việc thực hiện chương trình Phật hóa gia đình, thành công hay thất bại cũng do vị trụ trì. Kế đến là chư Tôn đức Tăng Ni giảng sư, quý vị Hoằng pháp viên, quý vị nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ thuộc giới Phật giáo hoặc có cảm tình với đạo Phật.
 
Một thành phần nữa, chính là các cư sĩ đang sinh hoạt tu học tại các đạo tràng, các huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử. Có thể nói đây là lực lượng nòng cốt, là hạt nhân tốt trong các hộ gia đình, họ sẽ tích cực tham gia thực hiện.
 
Về mặt tổ chức, Ban Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh Thành hội Phật giáo có trách nhiệm kết hợp các ban liên hệ, hướng dẫn đôn đốc khuyến khích chư Tôn đức trụ trì và quý Phật tử thực hiện thành công chương trình Phật hóa gia đình.
 
 
3. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN:
 
3.1. TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG:
 
Để chương trình Phật hóa gia đình được tất cả Phật tử khắp nơi biết để thực hiện, cần có sự hợp tác của tập thể và cá nhân chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử tuyên truyền phổ biến, hoạt động thường xuyên qua các hình thức sau đây:
 
3.1.1. Sáng tác, biên soạn các: bài viết, bài ca, điệu múa, kịch nói, cải lương, phim truyện, thơ văn, hội họa, phim ảnh, …có nội dung chuyển tải giáo lý hoặc đời sống đạo hạnh của người Phật tử tại gia, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông như: trang web, blog, email, tạp chí Văn hóa Phật giáo, tuần báo Giác ngộ, nguyệt san Giác ngộ, các đặc san, nội san, hoặc các sinh hoạt công cộng như: sân khấu, hội trại, v.v...
 
3.1.2. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thuyết giảng, giao lưu: chuyên đề Phật hóa gia đình
 
3.1.3. Tại mỗi tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, khuôn hội, am cốc (gọi chung là tự viện) và tư gia của mỗi Phật tử tùy theo không gian và ý thích chọn treo các khẩu hiệu, biểu ngữ sau đây:
 
- Thân người khó được, Phật pháp khó gặp.
 
- Chính pháp lan truyền ra bốn biển,
Đạo Phật thịnh hành khắp năm châu.
 
- Quy hướng Ba ngôi tu phúc huệ,
Y vào Ngũ giới được an vui.
 
- Người người quy y, cả nhà quy y.
 
- Phật hóa gia đình, gia đình hạnh phúc.
 
- Quyết tâm thực hiện thành công chương trình Phật hóa gia đình.
 
3.2. KHUYẾN HÓA THANH THIẾU NHI:
 
Trong những thập niên qua, sinh hoạt tu học của cư sĩ Phật tử ngày càng phong phú khởi sắc, phẩm chất và số lượng đều được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, tình hình chung cho thấy: những người đến các tự viện để tu học tụng niệm, phần đông là nữ Phật tử lớn tuổi. Điều đáng lưu ý là nam giới và thanh thiếu nhi Phật tử sinh hoạt với các đạo tràng, các lớp giáo lý, hay các giảng đường có phần thưa vắng và không thường xuyên.
 
Do đó, vị trụ trì cần phải chú ý tìm ra các phương án thích hợp để khuyến khích các thiện nam tích cực tham gia tu học.
 
Riêng đối với thanh thiếu nhi Phật tử, tuy có Phân ban Gia đình Phật tử phụ trách với tổ chức quy mô chặt chẽ, có đường lối giáo dục tốt, sức thu hút mạnh trong suốt bảy thập niên qua (1938-2009 ). Tuy nhiên, do các định kiến chủ quan cá nhân cũng như tình hình khách quan, hoạt động của Phân ban Gia đình Phật tử còn nhiều hạn chế, chưa phổ cập đến các tự viện, các tỉnh thành trong toàn quốc.
 
Do đó, mỗi người chúng ta cần nhanh chóng tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của giới trẻ và giáo dục đào tạo giới trẻ thành những công dân hữu ích, thành những Phật tử chân chính góp phần phụng sự đạo pháp và dân tộc.
 
Trước mắt tại mỗi tự viện nên đề ra chương trình sinh hoạt thanh thiếu nhi Phật tử trong khoản từ 6 tuổi đến 18 tuổi với các nội dung sinh hoạt như sau:
 
1. Tổ chức khóa lễ tụng kinh Phúc đức. Đây là một bài kinh ngắn gọn, mang tính dạy đạo làm người, rất thích hợp với tuổi trẻ. Thời gian khoảng 30 phút.
 
2. Giảng dạy giáo lý: thực hiện phần A theo chương trình giáo lý năm năm của Ban hướng Dẫn Phật tử TW. Thời gian khoảng 30 phút.
 
3. Ca múa và hoạt động thanh niên: gồm các ca khúc đạo vị, điệu múa vui tươi, trò chơi lành mạnh và sống động. Thời gian khoảng 60 phút.
 
Chương trình này, tùy hoàn cảnh của mỗi tự viện có thể tổ chức một lần hoặc nhiều lần vào các ngày thích hợp trong tuần.
 
3.3. LỂ HẰNG THUẬN
 
Trai lớn lên cưới vợ, gái lớn lên lấy chồng để xây dựng một gia đình hạnh phúc, đó là ước mơ chính đáng của thanh niên nam nữ Phật tử.
 
Để tạo dấu ấn tâm linh trong đời sống hạnh phúc gia đình của đôi bạn trẻ, trong ngày Thành hôn cha mẹ đôi bên nên đưa Tân lang và Tân Nương đến chùa làm Lễ Hằng thuận tức là Nghi thức Hôn phối Phật giáo theo sáng kiến của HT. Thích Thiện Hòa .
 
Trong dịp này, chư Tăng hoặc chư Ni sẽ trân trọng nhắc lại những lời Phật dạy về đạo vợ chồng và chúc phúc cho cô dâu chú rễ được hạnh phúc an lạc. Theo kinh Thi Ca La Việt, cũng gọi là Kinh lễ Sáu Phương (Kinh Thiện Sanh)¸ Đức Phật có dạy về sáu mối quan hệ đạo đức xã hội, trong đó Ngài có ân cần dạy bảo về đạo vợ chồng như sau:
 
“Nên chọn bạn lành mà thân cận, bạn ác nên lánh xa. Ta nhờ gần bạn lành, nên sớm thành Phật đạo ”. Ngài lại dạy tiếp: “Bổn phận làm vợ đối với chồng có 5 việc phải làm:
 
1. Khi chồng đi đâu về, phải đứng dạy tiếp rước
 
2. Khi chồng đi vắng, phải nấu nướng quét dọn nhà cửa
 
3. Không được ngoại tình, của cải đồ vật không được dấu riêng
 
4. Phải nghe lời chồng chỉ bảo, chồng có la rầy không nên nóng giận cự lại.
 
5. Chồng nghỉ ngơi trước, vợ dọn dẹp nghỉ sau”
 
“Bổn phận chồng đối với vợ cũng có 5 việc phải làm:
 
1. Khi vợ đi hay về, phải tôn trọng
 
2. Chăm sóc việc ăn uống, áo mền theo thời tiết
 
3. Tùy phận giàu nghèo cấp cho vợ vàng bạc trang sức
 
4. Trong nhà có tiền của ít nhiều, nên giao cho vợ cất giữ để tiêu dùng
 
5. Không được tà dâm đối với người kể cả loài vật ”.
 
Những lời Phật dạy trên đây, tuy có vài điều khác với sinh hoạt gia đình Việt Nam, nhưng tinh thần giá trị của lời dạy là kim chỉ nam vô cùng quý giá để xây dựng hạnh phúc gia đình qua các dức tính cần có : lòng chung thủy, biết tôn trọng yếu mến chăm sóc và tin tưởng lẫn nhau.
 
3.4 Tiêu Chuẩn Phật Hoá Gia Đình:
 
Để đạt danh hiệu Phật hoá gia đình, các thành viên trong nhà phải thực hiện tốt các điều sau đây:
 
1. Quy y Tam bảo (Nếu là trẻ từ 11 tuổi trở lên, phải thọ trì năm giới).
 
2. Tôn trọng luật pháp
 
3. Hiếu kính cha mẹ
 
4. Vợ chồng hoà thuận
 
5. Trẻ em được học tập, người lớn có việc làm
 
6. Tham gia sinh hoạt tu học và ủng hộ các Phật sự
 
7. Mỗi tháng, tổi thiếu phải có 2 lần về chùa tham dự lễ sám hối
 
 
3.5. THỐNG NHẤT MỘT SỐ VĂN BẢN:
 
Sau khi quý Phật tử phát tâm Quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, vị Trụ trì có trách nhiệm ban pháp danh, lưu vào sổ bộ và cấp GIẤY CHỨNG NHẬN QUY Y TAM BẢO đối với các cháu từ sơ sinh đến 10 tuổi, cấp GIẤY CHỨNG NHẬN QUY Y THỌ GIỚI đối với trẻ em và người lớn. Điều cần lưu ý: hiện nay, tại các tự viện đang lưu hành rất nhiều loại Phái quy y với những tiêu đề, hình thức, mẫu mã, kích cỡ và nội dung khác nhau, rất phức tạp, nên cần phải thống nhất quản lý một số văn bản của hàng Phật tử tại gia.
 
Tại mỗi gia đình của Phật tử cần được cấp 01 SỒ TÍN ĐỒ PHẬT HÓA GIA ĐÌNH, tự viện lưu 01 sổ. Hai sổ này có nội dung và giá trị như nhau, để vị Trụ trì biết rõ tình hình tín ngưỡng trong mỗi hộ, phục vụ tốt cho chương trình Phật hóa gia đình. Khi các thành viên trong hộ phát tâm quy y đầy đủ, vị Trụ trì cấp GIẤY CHỨNG NHẬN PHẬT HÓA GIA ĐÌNH vào dịp lễ thích hợp, để tán dương công đức.
 
Có 4 mẫu giấy cần thống nhất cả hình thức lẫn nội dung như sau:
                        1. Giấy Chứng nhận Quy y Tam bảo (trẻ từ sơ sinh đến 10 tuổi).
                        2. Giấy Chứng nhận Quy y Thọ giới (từ 11 tuổi trở lên)
                        3. Giấy Chứng nhận Phật hóa gia đình
(khi các thành viên trong nhà đều đã quy y Tam bảo)
                        4. Sổ Tín đồ Phật hóa gia đình.
 
3.6. LỢI ÍCH:
 
3.6.1. Đối với Phật tử: thọ Tam quy ngũ giới là những tiêu chuẩn căn bản để trở thành một người Phật tử chính thức của Phật Pháp Tăng. Người Phật tử chưa quy y Tam bảo là một thiếu sót lớn trong đời sống tâm linh, cũng như một công dân mà chưa được chính phủ thừa nhận qua hình thức cấp phát giấy Chứng minh nhân dân. Đặc biệt ngũ giới chính là năm điều đạo đức căn bản để trao dồi nhân cách, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh giàu đẹp.
 
Trong xã hội hiện nay, do ảnh hưởng nhiều nguồn tư tưởng hiện thực, chủ nghĩa cá nhân nên có nhiều người chỉ biết lấy tài sản danh vọng địa vị và quyền thế để đánh giá sự thành công của mình và người khác. Nhưng họ không biết rằng sự nghiệp vẻ vang đó, ngoài những nỗ lực trong hiện tại còn có sự thừa hưởng phước báu của kiếp trước.
 
Phúc báu ấy chính là nhờ giữ gìn năm điều đạo đức căn bản, với lòng hiếu thảo và các hạnh lành đã thực hiện trong quá khứ.
 
Trong chương trình Phật hóa gia đình, khuyến hoá các thành viên trong gia đình đều phải quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới, cùng nhau thực hành những lời Phật dạy, chính là yếu tố để vợ chồng tương thân tương kính, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau, nêu cao tấm gương đạo đức để con cái noi theo, nhờ đó mà mối quan hệ của các thành viên được kết nối chặt chẽ trong giềng mối đạo đức.
 
3.6.2. Đối với Tăng Ni: chư Tôn đức Tăng Ni nói chung, quý vị trụ trì nói riêng là những người có trách nhiệm “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” (trên cầu Phật đạo, dưới hóa chúng sinh, dẫn dắt người sau, báo ân đức Phật).
 
Cho nên việc tổ chức thực hiện chương trình Phật hóa gia đình, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm cao cả của vị trưởng tử Như Lai, còn có ý nghĩa rất thực tế là nhờ thông qua chương trình này, sẽ phát triển số lượng và chất lượng tu học của tín đồ Phật tử tại các tự viện do chúng ta quản lý.
 
C/. KẾT LUẬN:
 
Để đáp ứng những vấn đề mang tính thời đại của Đạo pháp và Dân tộc, Phật hóa gia đình là chương trình hoạt động Phật sự thiết thực, góp phần đem lại hạnh phúc gia đình, xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh giàu đẹp. Nhất là trong tình hình hiện nay, các giá trị đạo đức truyền thống đang bị xuống cấp nghiêm trọng! Nhiều gia đình bị đổ vỡ, vợ chồng bất hòa ly dị, con cái bất hiếu hư hỏng khó dạy, học trò ngang bướng vô lễ và hành hung cả thầy cô giáo, nguyên do chỉ vì mất định hướng đạo đức trong cuộc sống.
 
Có thể nói Phật hóa gia đình là một chương trình vĩ mô, có tầm nhìn chiến lược, đặt nền móng giáo dục Phật giáo, xây dựng và phát triển tín đồ Phật tử trên toàn quốc. Đòi hỏi tất cả Tăng Ni Phật tử phải hợp tác chặt chẽ, khéo léo vận dụng, kiên trì thực hiện một cách hiệu quả. 
 
Mong rằng từ chương trình này sẽ xuất hiện những cư sĩ tài năng đức độ để cống hiến cho giáo hội và xã hội mà quá khứ các vị minh quân, các vị nhân sĩ trí thức cư sĩ Phật tử đã viết lên những trang sử vẻ vang hào hùng cho dân tộc.
 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này