Tình thương cao cả - Phật Giáo Việt Nam
04:27 +07 Thứ ba, 14/05/2024

Tình thương cao cả

Chủ nhật - 08/04/2012 21:58
Tình thương cao cả

Tình thương cao cả

(HDPT) - Tìm hiểu về con đường ra đi tìm cầu chân lý của đức Phật, ta thấy được sự hy sinh cao cả và tinh thần xả thân vì đạo. Vì thương chúng sinh, Ngài lìa xa gia đình, cha mẹ, vợ con để vào rừng tu khổ hạnh.
 

 

...Theo sách sử, Thái tử Tất Đạt Đa là con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. (Chúng tôi tạm dùng danh hiệu Thái tử để gọi lúc chưa xuất gia, khi xuất gia gọi là Bồ Tát, khi thành Phật gọi là Phật). Ngài sinh ra tại đất nước Ấn Độ (nay thuộc Nepan), sống cuộc đời vương giả, có địa vị và cả một tương lai huy hoàng phía trước...

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuộc dòng Sát Đế Lợi, tức dòng vua chúa nhưng Ngài đã từ bỏ địa vị, danh lợi, vợ đẹp, con xinh và mọi hưởng thụ sung sướng để dấn thân vào rừng tu hành khổ hạnh, tìm cầu chân lý cứu độ nhân sinh. Sau khi thành đạo, Ngài đã đi khắp đất nước Ấn Độ để hoằng truyền chánh pháp. Tìm hiểu về cuộc đời đức Phật, ta sẽ thấy sự hy sinh cao cả, lòng từ bi, đạo hạnh cao quý và tinh thần hoằng pháp lợi sinh không mệt mỏi của Ngài. Đó sẽ là bài học quý giá trong cuộc sống tu hành của mỗi chúng ta.

Theo sách sử, Thái tử Tất Đạt Đa là con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. (Chúng tôi tạm dùng danh hiệu Thái tử để gọi lúc chưa xuất gia, khi xuất gia gọi là Bồ Tát, khi thành Phật gọi là Phật). Ngài sinh ra tại đất nước Ấn Độ (nay thuộc Nepan), sống cuộc đời vương giả, có địa vị và cả một tương lai huy hoàng phía trước...

Ngài có tất cả những gì mà con người mong muốn trong cuộc sống. Nhưng một hôm, Ngài đi dạo qua bốn cửa thành và nhìn thấy cảnh già - bệnh - chết. Những cảnh này đã đánh thức suy nghĩ của Ngài về thân phận con người. Tại sao con người sinh ra trên cuộc đời này? Tại sao khổ? Và sau khi chết sẽ đi về đâu? Ngài nghĩ mãi về sự vô thường, nỗi khổ của con người, và muốn tìm ra lời giải đáp về kiếp nhân sinh... Cuối cùng, vì muốn tìm thấy con đường chân lý cứu khổ chúng sinh, Ngài dứt khoát từ bỏ mọi hưởng thụ vinh hoa phú quý ở đời. Vào một đêm, Ngài quyết định rời xa cha mẹ, vợ đẹp, con xinh và cuộc sống sung sướng nơi cung vàng điện ngọc để dấn thân vào rừng tìm cầu chân lý cứu độ chúng sinh.

Tìm hiểu về con đường ra đi tìm cầu chân lý của đức Phật, ta thấy được sự hy sinh cao cả và tinh thần xả thân vì đạo. Vì thương chúng sinh, Ngài lìa xa gia đình, cha mẹ, vợ con để vào rừng tu khổ hạnh. Nhưng cũng có người cho rằng Thái tử xuất gia là bất hiếu với mẹ cha, bất nhân bất nghĩa với vợ con... Vậy những suy nghĩ này có thật sự đúng không?

Theo chúng tôi, một người từ bỏ gia đình ra đi thường có hai lý do: một là vì tâm nguyện, hai là vì bế tắc. Trong hai lý do này thì Thái tử ra đi vì lý do nào? Thực tế, Ngài sống trong cung vua cùng cha mẹ, vợ con sum họp rất hạnh phúc. Như thế, sự ra đi của Ngài không phải vì buồn giận cha mẹ, bất hòa với vợ con, mà ra đi vì lợi ích chúng sinh. Và không phải ai ở địa vị của Ngài cũng làm được như vậy. Chúng tôi xin lấy một ví dụ. Giả sử khi đất nước bị xâm lược, nhân dân sống đau khổ dưới ách thống trị của quân xâm lược. Lúc đó, người thanh niên vì lợi ích, hạnh phúc của dân tộc phải tạm xa cha già mẹ yếu, vợ trẻ, con thơ để lên đường chiến đấu. Vậy không thể nói người thanh niên này là bất nhân, bất nghĩa khi bỏ mẹ cha, vợ trẻ con thơ. Vì đây là sự hy sinh lợi ích cá nhân để đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Thái tử Tất Đạt Đa cũng vậy, đang hưởng thụ mọi hạnh phúc trên cuộc đời, bỗng Ngài từ bỏ tất cả để ra đi tìm chân lý cứu khổ muôn sinh, trong đó có Ngài và quyến thuộc của mình. Sự hy sinh này nếu không phải là đại hùng, đại lực, đại từ bi thì không thể thực hiện được.

Sau khi thành đạo, đức Phật đã độ cho cha mẹ, vợ con và bà con thân thuộc đều biết tu hành, đều được giải thoát sinh tử luân hồi trong lục đạo. Như vậy, sự ra đi của Thái tử Tất Đạt Đa có bất hiếu, bất nhân không? Ví như chúng ta ở địa vị của Ngài thì có đủ can đảm để từ bỏ tất cả chăng? Quả thật rất khó! Bởi, khi chưa có hoàn cảnh sung sướng, hạnh phúc đầy đủ như Ngài mà còn ít ai dám từ bỏ, huống gì khi đã là một vị Thái tử? Đây là điểm thứ nhất ta nhận thấy ở sự ra đi của Ngài - sự hy sinh cao cả.

Thường thì một người trước khi xuất gia sẽ xác định mình sẽ đến ngôi chùa nào, vị trụ trì nào sẽ là bổn sư cho mình học đạo, ngôi chùa đó có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt, ăn uống và có lo cho mình tu học hay không? Còn Thái tử lúc xuất gia không hề biết mình đi đâu, ăn gì, và sống ở đâu?… Ở đời, theo lẽ thường, người không có địa vị thì muốn có địa vị, khổ thì muốn sung sướng, nghèo muốn giàu sang, ăn muốn ăn ngon, mặc muốn mặc đẹp... Còn Thái tử, từ một người có địa vị chỉ sau vua nhưng đã từ bỏ hết để trở thành một người không địa vị. Từ bỏ cung vàng điện ngọc, đến với cuộc sống không nhà cửa, sống ở gốc cây, hang đá. Từ bỏ mọi sự hưởng thụ trên cuộc đời này: người hầu kẻ hạ ngày đêm, cao lương mĩ vị, cơm bưng nước rót... để ôm bát đi khất thực, ai cho gì ăn nấy. Từ bỏ cuộc sống vương giả tột bậc giàu sang, của cải đầy kho, xe đưa kiệu đón... để thành người không tài sản, đi bộ bằng chân đất, đầu trần không lọng che nắng. Từ bỏ cuộc sống nhung gấm lụa là để vào rừng nhặt vải rách, vải của những người chết làm áo che thân. Thời tiết Ấn Độ rất khắc nghiệt, nóng thì rất nóng, lạnh thì buốt da buốt xương, thế nhưng Ngài vẫn chẳng hề chuyển lòng thối chí. Quả thật, nếu không phải là người đại hùng, đại lực, đại từ bi thì không thể từ bỏ được như vậy!

Điều này quả thật hy hữu mà trên đời khó có được người thứ hai. Thực tế, chưa nói đến địa vị con vua, mà đơn giản chỉ là một vị giám đốc khi vào chùa có chịu ngồi xuống nền gạch hay không, chưa nói là ngồi dưới đất? Họ có chịu ăn chay hay không, chứ chưa nói đến là ôm bát đi khất thực? Chỉ thế thôi, đã thấy rất hiếm rồi, còn bỏ tất cả đi xuất gia thì càng là chuyện hiếm hơn nữa. Như hiện nay, người xuất gia, tại gia cũng có tổ chức của mình và bắt đầu đặt ra các chức vị. Nên đôi khi vì chức vị đó mà họ tăng trưởng cái ngã, dựa vào quyền thế để nhũng nhiễu người khác, gây khó dễ đối với đồng đạo. Trong khi Thái tử từ bỏ hết quyền thế để trở thành một người dân bình thường, thì ngược lại, chúng ta lại tăng trưởng cái ngã, gây tạo tội lỗi. Cho nên, quý Phật tử nên nhìn theo gương hạnh của đức Phật để noi theo tu tập và soi xét lại chính mình.

Trong thời gian tầm sư học đạo, Bồ Tát thực hành rất nhiều phương pháp hầu tìm ra chân lý. Ngài bớt ăn tối đa đến mức thân hình tiều tụy, chỉ con da bọc xương. Trong kinh A Hàm có thuật lại như sau: “Khi mà tôi chỉ dùng thật ít vật thực như thế, ở thể đặc hay thể lỏng, thì thân tôi trở nên cực kỳ gầy yếu. Vì thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân tôi ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống hay những cây đăng tam thảo. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng của con lạc đà. Xương sống tôi cũng như một xâu chuỗi dựng đứng lên và cong vào. Xương sườn tôi tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Trong mắt tôi không khác nào hình ảnh của những ngôi sao mà ta có thể thấy dưới một cái giếng sâu. Trái mướp đắng cắt ra lúc còn tươi rồi đem phơi, gió và nắng làm da mướp teo lại, nhăn nhó và héo tàn thế nào thì da đầu tôi lúc ấy, vì thiếu chất dinh dưỡng, cũng nhăn nhó và héo tàn như thế ấy. Khi muốn sờ da bụng thì tôi đụng nhầm xương sống. Và khi muốn sờ xương sống thì tôi lại đụng nhầm da bụng. Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống và, lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện, thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ trên chân, tay để làm cho thân mình sống lại. Than ôi, lúc đập như thế, lông trên mình tôi lả tả rơi xuống đất vì đã chết gốc”.

Sau đó, Ngài nhận thấy thực hành khổ hạnh không thể đem lại kết quả. Ngài cho rằng tu hành cần tránh xa hai cực đoan, một là sung sướng quá, hai là khổ hạnh quá, bởi hai cực đoan này không thể dẫn đến đạo quả, chỉ có con đường trung đạo mới dẫn đến đạo quả. Ví như dây đàn căng quá thì đứt, còn chùng quá thì không thanh. Dây đàn không căng quá, không chùng quá thì âm thanh rất hay! Khi nhận ra được điều này thì Ngài đã thân tàn sức kiệt. Lúc đó, có cô gái tên là Su Già Ta đem thức ăn vào rừng để cúng cho thần linh. Thấy Ngài đang nằm thoi thóp, cô ta liền tới đổ sữa ra bát, rồi đổ từng giọt vào miệng Ngài. Đến hết một bát sữa thì Ngài bắt đầu tỉnh táo và ngồi dậy. Sau khi bình phục, Ngài đến gốc cây phát nguyện nếu không thành tựu đạo quả thì thề không đứng dậy. Điều đó thể hiện ý chí cầu đạo giải thoát mãnh liệt của Bồ Tát. Ngài đã ngồi 49 ngày dưới gốc cây, và thành tựu quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đến đây, ta thấy rõ sự hy sinh cao cả khi Ngài đã không tiếc thân mạng trên con đường tìm cầu chân lý. Chúng ta cũng tu mà ít ai có ý chí mãnh liệt như Ngài, ít ai giữ vững được lập trường ý chí như lúc ban đầu, cho nên tu hoài vẫn chưa thành tựu. Hôm nay muốn về Cực Lạc, mai lại thích ở Ta Bà. Hôm nay muốn tu, ngày mai lại không muốn tu. Hôm nay siêng năng, tinh tấn, ngày mai lười biếng, giải đãi. Ngồi tu một chút thì đau lưng, ăn uống thiếu một chút thì mệt không muốn tu. Trời nóng quá thì thấy bứt rứt, trời lạnh quá lại than buốt da buốt xương, ngồi tu không được. Ăn no quá thì tức bụng, đói quá thì bụng cồn cào tu không nổi. Vui quá, buồn quá cũng ngồi tu không nổi... Chúng ta có quá nhiều lý do để trốn tránh công phu. Tu như thế thì bao giờ mới thành tựu đạo quả? Nếu nhìn lại công hạnh tu hành của Bồ-tát thì ta chưa có gì là khổ! Người tu hành không nên nhìn những người lười biếng, giải đãi mà phải nhìn gương của đức Phật để noi theo. Về vật chất, ta đừng nhìn lên mà hãy nên nhìn xuống. Còn về đạo đức, trí tuệ thì nên nhìn lên để noi gương những bậc đại bi đại trí.

Đạo hạnh đáng quý của đức Phật chính là tinh thần và sự dấn thân hoằng pháp không mệt mỏi. Sau khi thành Phật, đầu trần chân đất, khoác một chiếc y và một bình bát, Ngài tiếp tục đi khắp Ấn Độ truyền bá giáo pháp. Thường, một người sau bao năm đèn sách, đến khi có địa vị thì nghĩ ngay đến hưởng thụ; hoặc người làm lụng vất vả, đến khi được giàu có cũng nghĩ ngay đến hưởng thụ. Đức Phật lại khác. Ngài từ bỏ cuộc sống vương giả, vào rừng khổ hạnh tìm chân lý, trải qua bao nhiêu gian khổ, đến khi thành tựu đạo quả, Ngài cũng không hề nghĩ đến việc an dưỡng thân thể. Dù sau này khi thành lập giáo đoàn, đệ tử theo xuất gia rất nhiều nhưng Ngài vẫn sống một cuộc đời khất sĩ. Nghĩa là vẫn ôm bát đi khất thực, vẫn nay đây mai đó để hoằng pháp cho đến lúc 80 tuổi. Qua đó, ta mới thấy lòng từ bi của Ngài rộng lớn đến dường nào!

Một hôm, đang trên đường hoằng pháp, Ngài được người thợ rèn Cun Đa thỉnh về nhà cúng dường trai tăng. Cun Đa đã dâng lên Phật một món ăn đặc biệt - nấm chiên đàn. Sau khi thọ thực xong, Phật gọi Cun Đa đến và bảo đem chôn tất cả phần còn lại, không được cho người nào ăn nữa. Ngài bị đau bụng dữ dội nhưng vẫn gắng chịu đựng và gọi các đệ tử cùng về thành Câu Thi Na. Từ nhà thợ rèn Cun Đa đến thành Câu Thi Na khoảng 9 km. Trên đường đi, Ngài vừa đau vừa mệt, phải nghỉ hơn 20 lần. Đến một đoạn đường, vì khát nước quá, Ngài ngồi xuống nhờ A Nan tìm nước uống, Ngài nói: “A Nan ơi! Như Lai mệt lắm! Như Lai khát nước lắm! Con đi tìm cho ta chút nước để uống”. A Nan thương Phật quá, thấy thầy mình hy sinh cả một đời, mà nay đau bệnh không ai chăm sóc, không thuốc uống, phải đi bộ giữa trời nắng nóng, khát nước cũng không có nước uống. Lúc ấy, ở cạnh chỗ Phật dừng nghỉ có một con suối, nhưng đã bị những chiếc xe bò đi qua làm đục cả nước. A Nan bạch Phật: “Thầy cố gắng đi một quãng nữa thì nước nơi đó tốt hơn!”. Phật lắc đầu bảo: “Con cứ đến đó lựa chỗ nào trong thì múc cho ta uống. Ta mệt lắm rồi!”. A Nan nghe Phật nói, đứt ruột ôm bát vừa đi vừa rơi nước mắt. Sau khi uống nước, với thân thể già yếu, Ngài lại tiếp tục đến Câu Thi Na. Đến nơi, Phật bảo một vị đệ tử trải tấm y xuống cho Ngài nằm, sau đó nhập Niết Bàn. Tới đây, ta thật xúc động thương kính đức Phật vô cùng! Đến giờ phút cuối cùng của đời người, Ngài nằm dưới đất mà ra đi!

Một điều đặc biệt nữa, trước khi viên tịch, tuy thân thể mệt nhọc, nhưng Phật vẫn còn nhớ đến Cun Đa, lo anh ta sẽ bị người đời chê trách vì đã nấu nấm chiên đàn cho Phật ăn. Đức Phật lo Cun Đa sẽ hối hận, ray rứt về việc cúng dường của mình. Phật gọi A Nan đến và bảo hãy nói với Cun Đa cùng tất cả mọi người rằng: “Có hai quả báu lớn khi cúng dường thức ăn đó là trước lúc Phật chứng Chánh Đẳng Chánh Giác, và trước lúc Phật nhập Niết Bàn. Con hãy nói rằng Cun Đa có phước rất lớn khi cúng dường đức Phật trước khi Phật nhập Niết Bàn”.

Trên đây, chúng tôi chỉ nêu một vài nét về quá trình ra đi tìm chân lý của một tấm lòng rộng lớn - đức Phật. Nếu có điều kiện, quý Phật tử nên cố gắng tìm đọc về cuộc đời đức Phật Thích Ca để thấy được giáo pháp vi diệu và sự hy sinh cao cả của Ngài. Và chí ít cũng cùng lấy đó là tấm gương để nỗ lực hơn trong việc công phu tu tập hằng ngày.
 
Thích Chân Tính
 
 
(Chùa Hoằng Pháp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này